Pygmalion và Tình yêu

pygmalion-va-tinh-yeu

Tương lai không thuộc về Chủ nghĩa lãng mạn; nó thuộc về sự phân tích đúng đắn những sai lầm của Chủ nghĩa lãng mạn; thảo luận, mổ xẻ, phân tích, rút kinh nghiệm để có thể tìm ra cách tiếp cận tử tế hơn, chu đáo hơn, tâm lý hơn và yêu thương nhiều hơn.

Trong thiên thứ 10 tác phẩm Metamorphoses (Biến thể) của nhà thơ La Mã Ovid, ta được nghe kể về một trong những câu chuyện thần thoại gây tò mò nhất thế giới: Một nhà điêu khắc người Cyprus tên là Pygmalion gặp phải một rắc rối đối với nữ giới. Anh đã chứng kiến con gái của một người dân địa phương tên là Propoetus, từ chối tôn vinh Venus – nữ thần Tình yêu – và sau đó trở thành gái mại dâm. Trong nỗi hoài nghi và thất vọng, anh quyết định chả quan tâm đến phụ nữ nữa và thay vào đó dành hết tâm huyết cho công việc. Thế nhưng, do những hồi ức đẹp đẽ (for old time’s sake), anh đã tạc từ ngà voi thành một bức tượng mang hình hài người phụ nữ, có hình dáng chính xác như mẫu người mà anh hằng ao ước. Khi hoàn thành, nhìn lên sự trần trụi của bức tượng, Pygmalion phát hiện ra rằng anh đã dành một tình cảm sâu đậm cho tác phẩm của chính mình. Cảm thấy mất mát khi nghĩ rằng cô chỉ là một bức tượng, anh cầu xin thần Venus rủ lòng thương, ban cho nàng hơi thở sự sống. Cảm động trước tình yêu của anh, trong một nghi lễ, Nữ thần đã biến bức tượng thành một người phụ nữ thật sự. Nàng thức tỉnh, và ngay lập tức đáp lại tình cảm của Pygmalion. Họ cùng nhau rơi vào một nụ hôn cuồng nhiệt cho đến khi anh bắt đầu khám phá bầu ngực nàng (Ovid để phần còn lại cho trí tưởng tượng bay bổng của chúng ta). Ước mơ toại nguyện, cô nàng xinh đẹp trở thành vợ Pygmalion và hai người sống hạnh phúc bên nhau đến trọn đời.

Điều nổi bật từ quan điểm lịch sử chính là nơi chốn và thời điểm khi huyền thoại này cất cánh: Châu Âu và Bắc Mỹ trong nửa sau thế kỷ XIX. Mọi người đều biết đến câu chuyện này; và bây giờ nó đã trở thành một sự tôn kính. Đó cũng là chủ đề được các họa sĩ thể hiện nhiều thứ hai trong các nền văn hóa thời kỳ này – Auguste Rodin, Jean-Léon Gérôme (4 lần), Edward Burne-Jones (5 lần), và Ernest Norman – cũng như được thể hiện rất nhiều trong tác phẩm của các nhà viết kịch, nhà văn và nhà thơ nổi tiếng thời đó.

Jean-Léon Gérôme, Pygmalion and Galatea, 1890

Edward Burne-Jones, The Soul Attains, 1878

Ernest Normand, Pygmalion and Galatea, 1886

Câu chuyện này trở nên phổ biến rộng khắp không phải do dịp may nào đó, mà nó trùng khớp chính xác với một trào lưu ý tưởng phát triển rực rỡ vào thời kỳ này và được các nhà sử học gọi là Chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn đề xuất một quan điểm và viễn cảnh về các mối quan hệ rất khác với những thứ đã từng tồn tại. Lãng mạn lập luận rằng tình yêu nồng nàn là nền tảng khả dĩ duy nhất để hai người có thể hình thành một mối quan hệ tốt đẹp: sự tử tế, sự hấp dẫn dịu dàng, sự cảm thông trí tuệ và một cam kết già đi cùng nhau không còn đủ nữa. Không ai tập trung vào những cân nhắc rất thực tế, như là quan điểm về tiền bạc, chăm sóc con cái hay ý kiến của bậc cha mẹ (những vấn đề mà thời đại bây giờ được coi là đơn giản, dễ hiểu và chẳng có chút lãng mạn nào cả). Lãng mạn tin rằng những người yêu nhau thực sự sẽ dễ dàng thấu hiểu nhau thông qua trực giác, mà không cần phải sử dụng đến ngôn từ; đơn giản là sẽ có một sự đồng cảm sâu sắc của hai tâm hồn – và một sự thấu hiểu mạnh mẽ để người này luôn biết đến cảm giác và sự tồn tại của người kia. Hơn thế nữa, tình yêu được sinh ra thông qua những “tia sét”: ta sẽ nhìn vào mắt ai đó và cảm nhận ngay lập tức. Thông qua trực giác và trong vòng vài phút ngắn ngủi, ta sẽ xác định được một người cùng nắm tay đi khắp thế gian cho đến khi răng long đầu bạc. Các tiến trình càng nhanh hơn, lãng mạn hơn, kịch tính hơn thì mối quan hệ được cho là an toàn hơn. Suy tư quá nhiều về tình yêu là một dấu hiệu nguy hiểm (và cũng không lãng mạn chút nào). Đương nhiên là không cần phải có cuộc trò chuyện nào giữa những người yêu nhau (bởi vì họ đã quá hiểu nhau rồi). Lãng mạn cũng cho rằng tình yêu đích thực liên quan đến sự kết hợp hoàn hảo giữa sự hấp dẫn tình dục và sự cảm thông tinh thần; thật khó có thể tưởng tượng được rằng ai đó không bị mê hoặc bởi một người mà mình yêu thương, hoặc ai đó ngưỡng mộ một người mà tính cách của họ chả có gì hứng thú cả (theo cách như vậy, Chủ nghĩa lãng mạn đã biến ngoại tình từ một vấn đề thành một thảm họa). Chủ nghĩa lãng mạn đã định nghĩa và cấu hình lại tình yêu như thể nó là toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống – không phải là một loại ảo mộng hay sự điên rồ của tuổi mới lớn, như người ta thường hay nhận xét trước đây. Không còn tình bạn, công việc, tôn giáo, triết học, sở thích, du lịch hay chính trị để hiện thực bất kỳ lời hứa hẹn nào nữa: Hạnh phúc của một người sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc khám phá ra một tri kỷ tâm giao trọn đời, người sẽ khiến mọi người khác và mọi thứ khác trở nên thừa thãi.

Người ta bắt đầu nhận ra lý do tại sao Pygmalion lại được Chủ nghĩa lãng mạn tôn sùng. Anh là đại diện cho tất cả mọi thứ mà hệ tư tưởng này tin tưởng: niềm đam mê của anh bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên, anh không cần phải nói bất cứ điều gì; anh cũng không cần phải hiểu người yêu tượng đá của mình; và anh cũng không bận tâm tìm hiểu về quan điểm hay nguyện vọng của cô ấy. Anh yêu một cách toàn tâm nhưng đồng thời anh chẳng biết gì ngoài hình dáng của cô ấy. Nó là một lời hứa hẹn răng long đầu bạc và sinh con đẻ cái nhưng thậm chí còn không có một lời chào. Được che đậy bên dưới bằng uy danh của một nền văn hóa, ta nhận ra rằng câu chuyện trên gần với một sự điên rồ, hoặc lịch sự hơn, chỉ là câu chuyện của những kẻ rất lãng mạn.

Ảnh hưởng của Pygmalion vào đời sống tình cảm chỉ bị vượt qua bởi một câu chuyện cũng vô cùng lãng mạn khác (và cũng chính là chủ đề phổ biến nhất cho các họa sĩ cuối thế kỷ XIX): Romeo và Juliet. Chủ nghĩa lãng mạn đã đánh giá lại vở kịch của Shakespeare, để tránh khỏi bị phán xét là yếu đuối và đáng quên nhất trong những tác phẩm vĩ đại nhất mà ông từng viết. London và Paris đã không thể thiếu màn trình diễn của vở kịch này trong suốt nửa sau thế kỷ XIX. Từ một câu chuyện đáng thương và khó hiểu về tình yêu tuổi mới lớn, vở kịch được đánh giá và ghi nhận lại, là một tác phẩm nắm bắt mọi thứ như thể nó là ý nghĩa của mọi tình yêu – cho tất cả mọi người, và cho mọi thời đại. Câu chuyện về chàng trai và cô gái đến từ Verona được gán nghĩa như là một hướng dẫn đáng tin cậy về tình yêu cho các sinh viên, cho những người đã tốt nghiệp đại học. Đây cũng là kim chỉ nam để các cặp vợ chồng ở Neuilly sur Seine và Leamington Spa điều hướng cảm xúc của họ. Nó không còn là giải trí đơn thuần nữa, nó chính là một lộ trình.

Pietro Roi, The Death of Romeo and Juliet, 1866

Ford Madox Brown, The Balcony Scene, 1870

Thật không may, Chủ nghĩa lãng mạn đã vượt ra khỏi giới hạn của nghệ thuật và văn học; nó không chỉ là một bài tập trí tuệ. Nó bắt đầu ảnh hưởng đến mọi người, buộc họ đánh giá thực tế về bản thân và đánh giá những người khác. Nó làm thay đổi những câu chuyện xảy ra trên tàu hỏa và tại các bữa tiệc, trong phòng ngủ và trong các khu nghỉ mát bên bờ biển. Người ta không cần phải đọc Ovid hay Shakespeare để bị Chủ nghĩa lãng mạn ảnh hưởng; nó tràn ngập trong tâm trí mọi người. Nó lan rộng đến mọi quốc gia, trở thành tôn giáo chính thức của thời hiện đại, lấp đầy vào sự mất mát niềm tin của chúng ta về các vị thánh thần và thậm chí – không phải ngẫu nhiên – khuyến khích ta gọi những người ta yêu là ‘thiên thần’. Chiến thắng của tôn giáo mới đã trở nên toàn diện, nó làm cho ta không dễ dàng thoát ra hay thậm chí là suy nghĩ đúng đắn được nữa. Nó định hình bản năng mà theo đó một chàng trai và một cô gái ở Manila có thể nghĩ về cảm xúc của họ sau khi cùng nhau xem một bộ phim, hoặc hướng dẫn một bà nội trợ ở Seattle khi cân nhắc về cuộc hôn nhân của cô. Những người cảm thấy chẳng có gì lãng mạn thì học cách giả vờ (như họ đã có) – chỉ để tồn tại – và cảm thấy rằng có điều gì đó khá sai trái đối với họ, khi nhận ra câu chuyện về Pygmalion thật kỳ cục.

Abraham Solomon, The Meeting, And at first Meeting Loved, 1854

Theo cách như vậy, Chủ nghĩa lãng mạn đã trở thành trở ngại lớn nhất cho khả năng có những mối quan hệ tốt đẹp của chúng ta; và cũng là thảm họa đối với tình yêu. Để hiểu được những trở ngại mà nó gây ra, ta chỉ cần tưởng tượng xem có bao nhiêu vấn đề mà Pygmalion và người vợ tượng đá của anh có thể gặp phải trong những năm tháng sống chung, sau thời điểm xảy ra sự kết hợp kỳ diệu của họ – và sự sùng bái Chủ nghĩa lãng mạn sẽ mang đến hậu quả như thế nào nếu không được chuẩn bị để đón nhận (như tất cả chúng ta).

Chủ nghĩa lãng mạn vận hành với một quan điểm ngây thơ quyến rũ về bản năng của chúng ta – và để mặc độ tin cậy của chúng cho sự may rủi. Họ quên rằng những gì mà ta gọi là “phải lòng ai đó” có xu hướng là một quá trình tìm kiếm một tình yêu có thể gợi lại cho ta những cảm xúc mà ta từng có thời thơ ấu. Đối với nhiều người, nó liên quan đến sự đau đớn, xa cách, dằn vặt, thờ ơ và thất vọng. Bản năng có xu hướng không những dẫn dắt ta hướng đến một người tử tế, thuần khiết cuối cùng sẽ khiến ta hạnh phúc – mà chúng còn hướng ta đến một hình ảnh gợi lại nỗi phiền toái quen thuộc trong thời thơ ấu khiến ta đau đớn, và đó cũng chính là người mà ta cảm thấy bị cuốn hút bởi một xung lực tâm lý để – một lần nữa – cảm nhận những nỗi khổ đau.

Chủ nghĩa lãng mạn không chỉ tôn vinh một bản năng mà chúng ta nên cực kỳ nghi ngờ, mà nó còn rút cạn mọi ý chí để tìm hiểu một cách đúng đắn về những người mà ta quan tâm, bởi nó gợi ý rằng ta đã biết họ là ai rồi. Nó làm cho mọi cuộc trò chuyện có cảm giác buồn chán và mệt nhọc. Nó liên kết việc phân tích bệnh nhân với nghề giáo: những người yêu nhau thực sự nghĩa là họ giao tiếp với nhau bằng những dao động bí ẩn trong tâm hồn. Kết quả là, giống như bà Pygmalion, kết cục của những người yêu nhau chính là những hình dung thông qua trí tưởng tượng vội vàng của đối phương.

Điều này dẫn đến việc ta liên tục bùng phát dỗi hờn, trở nên giận dữ với người ta yêu vì lý do chẳng hiểu ta gì cả, chẳng hiểu những điều mà ta đã không cần phải bận tâm giải thích – bởi ta tin chắc rằng người yêu ta phải thực sự biết rõ những gì trong trái tim ta.

Và rồi ta xây dựng những quan điểm không cần thiết về tình dục; ta tưởng tượng rằng có thể hoàn toàn trung thực về những ham muốn của chính mình, nhưng sau đó lại nhận ra rằng tình dục và tình yêu đôi khi có thể đi hai hướng khác nhau – lúc đó ta rơi vào hoảng loạn và rồi chấm dứt (call time on) giả định của ta về các mối quan hệ yêu đương hoàn hảo. Ta bị mê hoặc bởi hình ảnh của những cặp đôi yêu nhau và ngưỡng mộ mọi thứ về nhau, nó làm cho ta không nhận thức được rằng tình yêu chính là một công việc mà hai người tự nguyện dịu dàng hướng dẫn nhau trở thành ‘phiên bản’ tốt hơn của chính họ. Ta khẳng định, một cách ngang ngược, rằng một người thật sự yêu ta thì nên chấp nhận mọi thứ về ta như ‘ta là chính ta’ – một triển vọng khốn kiếp nhìn từ bất cứ quan điểm nào. Ta hình dung tình yêu là một cảm giác bị hớp hồn trước vẻ ngoài đẹp đẽ của người khác; mà quên rằng tình yêu cũng có thể là sự kiên nhẫn và lòng nhân từ hướng đến một đối tác yếu đuối hơn, không phụ thuộc vào sự ngưỡng mộ về nhau nhiều hay ít.

Chẳng có gì ngạc nhiên nếu ta thấy thời đại ngày nay không chỉ bị ám ảnh về tình yêu hơn bất kỳ điều gì khác – mà còn thất bại toàn tập trong việc giúp ta hòa nhập và thành công trong các mối quan hệ mà ta cố gắng hướng đến. Tương lai không thuộc về Chủ nghĩa lãng mạn; nó thuộc về sự phân tích đúng đắn những sai lầm của Chủ nghĩa lãng mạn; thảo luận, mổ xẻ, phân tích, rút kinh nghiệm để có thể tìm ra cách tiếp cận tử tế hơn, chu đáo hơn, tâm lý hơn và yêu thương nhiều hơn. Và ta sẽ nhận ra rằng, thay vì đứng trong viện bảo tàng nghệ thuật, Pygmalion nên được đưa đến phòng trị liệu!

 

(Nguồn: The Book of Life)

Thăm blog của người dịch ở đây: https://leminh.io/2021/08/pygmalion/

menu
menu