Quyền lực bí ấn đằng sau việc đóng vai nạn nhân
Tâm lý nạn nhân là gì
Tâm lý nạn nhân là gì?
Có ‘tâm lý nạn nhân” tức là bạn đổ lỗi những thách thức trong cuộc sống của bạn lên những người xung quanh bạn, ngay cả khi bạn không thể chứng minh được hành động tiêu cực của họ.
Bạn cũng có thể đổ lỗi nhiều thứ cho hoàn cảnh mà bạn lúc nào cũng xem chúng như sự bất công.
Là một nạn nhân vs Thương thân trách phận vs Tâm lý Nạn nhân
Những điều tồi tệ có thể xảy đến trong cuộc đời. Bạn có thể là nạn nhân của một vụ phạm tội, chẳng hạn như lừa đảo hay thậm chí bị cưỡng hiếp. Trong trường hợp ấy, cảm giác mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn là chính đáng, và bất cứ ý nghĩ nào cho rằng bạn phần nào cũng có lỗi và bạn phải chịu trách nhiệm là lối suy nghĩ sai lầm.
Hoàn toàn bình thường khi đôi lúc cảm thấy thương xót cho chính mình, hay cảm giác bất lực khi đối diện với một thách thức như một vụ ly dị hay nỗi đau mất người thân.
Nhưng nếu bạn có tâm lý nạn nhân, bạn sẽ nhìn toàn bộ cuộc đời bạn thông qua một góc nhìn rằng mọi chuyện liên tục xảy ra ‘cho’ bạn. Do đó, nạn nhân hóa là một sự kết hợp của việc nhìn nhận hầu hết mọi việc trong cuộc sống là tiêu cực, nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, và như một thứ gì đó mà bạn nên được mọi người cảm thông vì đã trải qua chúng, vì bạn ‘xứng đáng’ được sống tốt hơn. Cốt lõi của tâm lý nạn nhân là một cách để tránh chịu trách nhiệm cho bản thân hoặc cuộc sống của bạn. Bằng việc tin rằng bạn không có quyền lực nên bạn không cần phải hành động.
Ngược lại, một người lành mạnh nhận ra ngoài những sự cố xấu xảy ra do ngẫu nhiên thì nhiều thứ trong cuộc đời xảy đến bởi tại những lựa chọn mà bản thân họ đưa ra, và họ có quyền lựa chọn khác đi. Và họ hiểu rằng khi bất hạnh kéo đến, nó chẳng liên quan gì đến giá trị cá nhân hay ‘đáng’, hay ‘không đáng’.
Tại sao tôi luôn chọn làm nạn nhân?
Liên tục cư xử như một nạn nhân trên thực tế có thể mang lại cho bạn rất nhiều đặc quyền. Chúng trông giống như sau:
- bạn không phải chịu trách nhiệm cho mọi chuyện
- bạn có ‘quyền’ ca thán và nhận được sự chú ý
- người khác thương cảm cho bạn và quan tâm tới bạn
- mọi người ít có khả năng chỉ trích hay nổi giận với bạn
- người khác cảm thấy phải giúp bạn và làm những việc bạn nhờ vả
- bạn có thể kể những câu chuyện về những việc đã xảy ra với bạn và chúng mới thật thú vị làm sao
- không có thời gian để buồn chán vì đời bạn có quá nhiều cải lương
- bạn có thể tránh cảm giác tức giận vì bạn quá bận rộn với cảm giác buồn bã và khó chịu.
Nếu bạn nhìn những câu trên, bạn có thể đã thấy những lợi ích của việc làm nạn nhân có thể là gì. Chúng là:
- sự chú ý,
- cảm giác được coi trọng,
- quyền lực.
Quyền lực bí ẩn đằng sau việc làm nạn nhân
By: super awesome
Bạn thấy ngạc nhiên vì đóng vai nạn nhân sẽ mang lại quyền lực cho bạn, vì bạn tự thuyết phục mình rằng cuộc đời của bạn thật kinh khủng và bạn hoàn toàn bất lực? Đây là những điều mà một nạn nhân tự nhủ với bản thân anh/cô ta.
Nhưng được người khác thương xót cho bạn có thể là một cách dễ dàng để thao túng họ, khiến họ đáp ứng nhu cầu và mong muốn của bạn. Chúng có thể là một việc nhỏ nhặt, như một ai đó luôn luôn đi mua đồ giùm bạn, hay có thể thâm sâu và quỷ quyệt hơn, chẳng hạn như hành động ‘’khổ thân tôi’ của bạn khiến người khác buộc phải đối xử tử tế với bạn và không bao giờ hét vào mặt bạn, hoặc không bỏ bạn nếu họ thấy nên ra đi.
Một ví dụ về ‘kiếp nạn nhân’ như một dạng quyền lực đó là mối quan hệ đồng phụ thuộc, chẳng hạn như mối quan hệ giữa một người nghiện rượu và người bạn đời của anh ta. ‘Người chăm sóc’ có thể đóng vai nạn nhân, chịu đựng hành vi tệ hại của người nghiện rượu và hy sinh những nhu cầu riêng của bản thân để chăm sóc cho họ, cho đến một ngày nào đó dùng sự tội lỗi và than phiền trách móc, tuôn ra một tràng ‘khốn khổ cho cái thân tôi’ nhằm kiểm soát người nghiện rượu.
Vai nạn nhân cũng có thể là cách phổ biến để kẻ bạo hành nắm được quyền lực, được gọi là ‘đóng vai nạn nhân’ trong tâm lý học. Một dạng tâm lý nạn nhân ít được nhận ra, trông như thế này, một kẻ bạo hành liên tục sỉ nhục nửa kia của anh ta, rồi nhân cơ hội nạn nhân bị bạo hành phản kháng vào một thời điểm nào đó và nói họ là quái vật, cho rằng trên thực tế họ mới là kẻ ‘tấn công’. Hoặc một kẻ bạo hành sẽ tuyên bố rằng họ không có lỗi khi đánh người kia bởi tại người đó quá phiền toái và ngu ngốc và họ phải ‘chịu đựng người đó’. Theo cách này, một kẻ bạo hành sẽ dùng tâm lý ‘tôi thật đáng thương’ để biện hộ cho hành vi bệnh hoạn của họ.
Tại sao tôi lại trở thành loại người đóng vai nạn nhân?
Điều gì khiến bạn có nhiều khả năng là kẻ sống cuộc đời mình bằng tâm lý nạn nhân?
Giống như phần lớn các mô hình hành vi, tâm lý nạn nhân là một hành vi học được, có thể truy ngược trở lại từ thời thơ ấu.
Bạn có thể học cách đóng vai nạn nhân vì bạn nhìn thấy những người trưởng thành xung quanh bạn cũng làm vậy. Thí dụ, cha mẹ bạn luôn cảm thấy cuộc đời bạc bẽo với họ và than thở suốt ngày về những người có lỗi với họ, thì bạn sẽ chấp nhận tư tưởng rằng đây là cách để giành được sự chú ý và quyền lực cá nhân.
Có khả năng bạn có mối quan hệ đồng phụ thuộc với bố hay mẹ của bạn. Bạn sẽ có cảm giác phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của họ, phải chăm sóc cho một ông bố bà mẹ ốm đau (về thể chất hay bệnh tâm lý), hoặc khiến bạn tin rằng bạn chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của họ. Thông điệp mà một đứa trẻ có thể tiếp nhận ở đây không chỉ là bạn phải ‘giành được’ tình yêu, mà còn nếu bạn bị ốm hay yếu đuối thì người khác sẽ chăm sóc cho bạn. Cả hai có thể dẫn đến những kiểu tâm lý nạn nhân khi trưởng thành.
Hoặc bạn có thể học được rằng trở thành nạn nhân là một cách để vượt qua thời thơ ấu của bạn. Khi còn bé, chúng ta đều cần được chú ý và yêu thương, và nếu những người chăm sóc không chia sẻ thoải mái cho chúng ta thì chúng ta phải tìm mọi phương cách để nhận được nó. Có lẽ, trong gia đình bạn, cách duy nhất để nhận được sự quan tâm chăm sóc là bị đau ốm, hoặc tỏ ra yếu đuối, hay để cho những điều tồi tệ xảy đến với bạn.
Nhiều người mắc phải tâm lý nạn nhân từng có tuổi thơ bị bạo hành. Thường là bị bạo hành, lạm dụng tình dục. Sự bất lực mà đứa trẻ gánh chịu, kết hợp với cảm giác xấu hổ sâu sắc do việc lạm dụng gây ra, có nghĩa là khi bạn lớn lên có thể trở thành người thiếu có lòng tự trọng/tự tôn và xem thế giới như một nơi nguy hiểm.
Tôi nên làm gì nếu tôi nhận ra mình đang mắc phải “kiếp nạn nhân”?
Vì tâm lý nạn nhân là một hành vi do học được nên bạn có thể “từ bỏ” nó.
Song đây là một quá trình tốn nhiều thời gian và có thể khá đau đớn, đặc biệt nếu nó liên quan đến sang chấn tâm lý thời thơ ấu như bạo hành hoặc bị bỏ mặc.
Và ứng phó với tâm lý nạn nhân nghĩa là bạn buộc phải đối diện với sự tức giận, buồn thương, tủi hổ và sợ hãi mà bạn đang tự bảo vệ và trốn tránh nhờ việc đóng vai nạn nhân.
Do đó bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ khi ứng phó với tâm lý nạn nhân của bạn. Một nhà trị liệu tâm lý được đào tạo bài bản và nhiều kinh nghiệm có thể tạo ra môi trường an toàn và không-phán xét để bạn khám phá được nguyên do tại sao bạn hành xử như một nạn nhân và những sự việc nào trong thời thơ ấu dẫn đến hành vi đó khi bạn trưởng thành. Sau đó họ sẽ giúp bạn học những cách tư duy và nhìn nhận mới về thế giới và hữu ích hơn cho bạn.
Nguồn: https://www.harleytherapy.co.uk/counselling/victim-mentality.htm