Rối loạn nhân cách chống xã hội

roi-loan-nhan-cach-chong-xa-hoi

Chẳng phải khi không mà “tham vọng” được chọn làm tội lỗi đại diện cho Rối loạn nhân cách chống xã hội (AsPD).

Chẳng phải khi không mà “tham vọng” được chọn làm tội lỗi đại diện cho Rối loạn nhân cách chống xã hội (AsPD). Vì tham vọng khiến một người coi nhẹ và xâm hại đến quyền lợi của người khác hòng đạt được mục đích của mình. Đây cũng là một đặc điểm chính của AsPD. Trong lịch sử, những kẻ giết người hàng loạt nổi tiếng như Dennis Lynn Rader (vụ án BTK) hay Henry Lucas – kẻ đã giết hàng chục người, kể cả vợ mình được cho là mắc rối loạn nhân cách chống xã hội.

Nhưng không phải những kẻ giết người máu lạnh nào cũng mắc chứng rối loạn này. Một kẻ tội phạm, dù có ác độc đến đâu, thì cũng có những người thân thuộc, những người mà hắn yêu thương và trong bất cứ trường hợp nào, hắn cũng không thể xuống tay sát hại được. Và đó chính là điểm để phân biệt giữa một tên tội phạm máu lạnh và một kẻ tội phạm mắc chứng rối loạn nhân cách phản xã hội. Bởi kẻ mắc rối loạn này không hề có một tí ti cảm xúc gì với những người mà hắn giết hại, dù đó là người thân nhất của hắn. Quan hệ máu mủ, gia đình, ruột rà không là gì với những kẻ này cả. Trong thế giới của hắn, chỉ có hắn là nhất.

Triệu chứng:

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội thuộc nhóm B với rối loạn nhân cách ranh giới và rối loạn nhân cách ái kỷ. Theo như DSM-5, có 4 tiêu chuẩn chẩn đoán AsPD bao gồm:

A. Từ 15 trở lên, coi thường và xâm hại đến quyền lợi của người khác với những đặc điểm sau:

– Không tuân theo luật pháp hay chuẩn mực xã hội, tham gia vào các hoạt động phạm pháp.

– Nói dối, lừa gạt, thao túng người khác để được lợi cho bản thân.

– Hành vi bốc đồng

– Khó chịu và gây hấn, biểu hiện bởi thường xuyên tấn công người khác hay tham gia đánh nhau.

– Không quan tâm đến an toàn của bản thân và người khác.

– Thiếu trách nhiệm, và không có sự hối hận về những hành vi đã làm.

B. Người được chẩn đoán phải ít nhất 18 tuổi. Do trong độ tuổi thanh thiếu niên thì tính cách có thể thay đổi.

C. Có triệu chứng rối loạn hành vi đạo đức (Conduct Disorder) trước tuổi 16.

D. Những triệu chứng của AsPD phải xuất hiện riêng biệt, không kèm theo tâm thần phân liệt hay rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Dấu hiệu của bệnh này thường bắt đầu sớm ở thời thơ ấu, hoặc những giai đoạn đầu tuổi thiếu niên và tiếp tục cho đến khi trưởng thành. Bởi vì lừa dối và giả tạo là hai đặc điểm chính của bệnh này nên khi chuẩn đoán, sự liên kết giữa các nguồn thông tin về bệnh lý ở nơi điều trị và các nguồn thông tin lân cận từ các mối quan hệ xung quanh là đặc biệt cần thiết.

Một người được coi là mắc chứng bệnh “rối loạn nhân cách phản xã hội” phải từ 18t trở lên, và phải có một vài dấu hiệu đáng lo ngại về đạo đức, hành xử, và kiềm chế bản thân trước độ tuổi 15. Ví dụ về những dấu hiệu đó bao gồm hành vi hung hăng gây gổ với mọi người, hành hạ thú vật, hăm dọa người khác, đánh nhau, hoặc dùng vũ khí có thể gây thương tích nghiêm trọng cho người khác như súng, dao, ná, chai bể… Có hành động gây thưởng tổn cho người và động vật (về mặt thể xác). Có hành vi trộm cắp và khống chế nạn nhân. Có hành vi bắt buộc người khác quan hệ với mình. Phá hoại Tài sản của dân chúng như phóng hoả gây thiệt hại lớn. Dùng những lời nói dối ngon ngọt để mang lợi về mình. Những dấu hiệu này phải được lặp đi lặp lại và xâm hại đến quyền lợi của người khác, tiếp tục cho đến khi trưởng thành.

Tất cả những điểm đó khiến cho bệnh nhân của chứng bệnh này cực kỳ khó chữa. Ngay cả những người làm việc trong phòng khám tâm lý đều phải thừa nhận rằng, họ rất là xui hoặc đen đủi lắm khi phải tiếp nhận bệnh nhân với bệnh chứng này. Người mắc chứng bệnh rối loạn phản xã hội thường có vẻ ngoài mà theo người khác nhận xét là “có duyên”, “hiền lành”, “đáng tin tưởng”, nhưng họ không hề biết rằng, vẻ ngoài đó chỉ là ngụy tạo để lấy thiện cảm của kẻ đó. Hắn thường dùng những lý do rất chi là có lý như, “cuộc sống không công bằng”, “anh ta biết rằng nó sẽ tới mà”…để đổ tội cho nạn nhân vì “hắn/ả ngu ngốc để cho bị lừa, số của nó đáng bị như vậy”. Không bao giờ chấp nhận mình sai, hay có cảm xúc thông cảm, đồng tình hoặc hối lỗi với nạn nhân. Và những người mắc bệnh này đa số là nam giới hơn là nữ giới.

 
Ảnh: Poster phim “Sự im lặng của bầy cừu”

Nhân vật Hannibal Lecter do Anthony Hopkin thủ vai trong bộ phim “Sự im lặng của bầy cừu” là một ví dụ rõ ràng của người mắc chứng rối loạn nhân cách phản xã hội:

Ngay từ đầu phim, bác sĩ Lecter đã được các nhà tâm lý học khác miêu tả như một kẻ dối trá, quái vật, nguy hiểm và ăn thịt người. Gã đã gây ra vài vụ án nghiêm trọng trong đó có giết người, và ăn thịt nạn nhân của gã. Tuy nhiên, khi đặc vụ Starling, cũng như khán giả có cơ hội được thấy gã, gã xuất hiện như một người lịch sự, tao nhã, có phong thái tốt và quan tâm đến người khác. Tuy nhiên, không lâu sau đó, những tính cách quyến rũ mà chúng ta thấy hóa ra chỉ là vỏ bọc mà gã dùng để lừa người khác, thông qua đó đoạt được những gì mà gã muốn, dù cho đó có là điều kiện để gã được sống trong môi trường tốt hơn hay là quá khứ thời trẻ của đặc vụ Starling. Sau đó, gã còn dùng vỏ bọc này để giết hai người cảnh sát và lột da của một người để làm mặt nạ cho tiện việc trốn thoát, còn người còn lại thì gã moi ruột rồi treo lên như thể đó là đồ trang trí. Ngoài ra Lecter còn giết nguyên một đội cứu thương và một người khách du lịch, cướp lấy quần áo và ví tiền của người ta để gã có thể tẩu thoát dễ dàng hơn. Lecter lần lượt thực hiện các hành vi phạm tội mang tính nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mạng người với thái độ bình tĩnh, chẳng chút chần chừ và không hề có một cảm giác tội lỗi nào. Trong một trường hợp khác, gã đã ăn lưỡi của một người y tá mà huyết áp của gã không hề vượt qua mức 85 (85 là mức huyết áp bình thường). Điều này cho thấy việc giết người, xâm hại người khác là một việc quá bình thường với Lecter. Những hành động trên hoàn toàn khớp với một trong những triệu chứng chẩn đoán tiêu chuẩn của bệnh mà gã có thể mắc phải, thất bại trong việc làm theo những tiêu chuẩn xã hội, hành vi không tôn trọng pháp luật thể hiện qua các hành động có thể dẫn đến truy tố hình sự.

Triệu chứng tiếp theo của bác sĩ Lecter thể hiện qua việc gã không bao giờ nói ra sự thật một cách thẳng thừng. Đúng hơn là gã thích ẩn dấu sự thật trong từng lời nói dối. Gã đưa ra những manh mối chỉ dẫn lạc hướng bằng phương thức đảo chữ cái như việc gã tiết lộ cho đặc vụ Starling rằng gã biết có một kho hàng được bệnh nhân tên là Hester Mofet của gã thuê nhưng thật sự chủ nhận của kho hàng ấy chính là gã. Hester Mofet sau khi đảo chữ cái lại sẽ thành “phần còn lại của tôi” (the rest of me). Gã vờn qua nhát lại với các đặc vụ FBI và kéo họ vào trong trò chơi mà gã tạo ra dù cho họ có muốn hay không. Gã điều khiển người ta làm theo những gì mà gã muốn mặc cho họ có nhận ra mình đang bị điều khiển hay không. Gã bắt đặc vụ Starling phải kể về quá khứ của mình cho gã nghe để đổi lại thông tin về Buffalo Bill. Đây chính là biểu hiện của triệu chứng thứ hai: dối lừa, thể hiện qua việc liên tiếp nói dối, dùng đồng minh và điều khiển người khác để tư lợi cho bản thân hay chỉ để giải trí.

Triệu chứng thứ ba của Lecter là gã không hề có bất kỳ hối hận hay thương xót người khác chút nào. Trong một phân cảnh, khi mà gã gặp nghị viên, người có con gái bị bắt cóc bởi Buffalo Bill, gã chẳng hề tỏ vẻ cảm thông trước sự bất hạnh của bà và hỏi những câu hỏi bất kính như thể bà có nuôi con gái bằng sữa mẹ không. Gã thích thú chọc giận bà chỉ vì gã thích. Việc không hề có sự thương xót hay hối hận nào, thấy rõ qua việc không hề nhận ra hành động của bản thân làm tổn thương đến người khác là triệu chứng tiêu chuẩn thứ ba dùng để chẩn đoán.

DSM-5 có tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh bằng tổ hợp các triệu chứng. Phương thức chẩn đoán dựa trên danh mục các triệu chứng (chẩn đoán dựa trên việc bệnh nhân có hay không có triệu chứng này hơn là bệnh nhân có triệu chứng nặng hay nhẹ) giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh một cách dễ dành hơn. DSM-5 có tất cả 7 triệu chứng làm tiêu chuẩn nhưng chỉ có ba triệu chứng là đủ để xác định bệnh lý. Dù DSM-5 được viết dưới dạng danh mục triệu chứng, nhưng đồng thời các bệnh về rối loạn nhân cách cũng được định nghĩa dựa trên chiều hướng các triệu chứng. Phần về bệnh ASPD thì được nhấn mạnh vào tính cách giả dối lừa người trục lợi. Hệ thống chẩn đoán dựa trên chiều hướng nặng nhẹ của bệnh này vẫn giữ lại một số phần nối tiếp với hệ thống danh mục bệnh, cung cấp cho các chuyên viên, bác sĩ một mô tả tốt hơn về từng người bệnh và mức độ nặng nhẹ của bệnh mà người ấy mắc phải. Tuy nhiên, một điểm khiếm khuyết của DSM-5 là nó xóa mờ đi ranh giới giữa tội phạm và bệnh lý. Tiêu chuẩn này rất khó áp dụng lên một người không có quá khứ phạm tội. Ví dụ như người này mắc ASPD nhưng rất giỏi trong việc che dấu hành vi của mình, và chưa bao giờ bị bắt thì rất khó để chính thức chẩn đoán người này mắc ASPD nếu dựa trên DSM. Và nếu theo tiêu chẩn này thì có đến hơn 80% tội phạm trong tù mắc bệnh này.

Nguyên nhân:

Gia đình không hoà thuận, trẻ hay bị bạo hành gia đình có nguy cơ dễ bị mắc chứng rối loạn nhân cách phản xã hội khi trưởng thành. Nhưng nghiên cứu về việc nhận con nuôi cho thấy, dù trẻ có di truyền về chứng bệnh này nhưng môi trường sống của ba mẹ nuôi có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của bệnh Rối loạn nhân cách phản xã hội theo chiều hướng xấu đi hoặc tốt hơn.

Xét về mặt sinh học, những người mắc chứng bệnh này có hệ thần kinh giao cảm hoạt động rất ít, hoặc hầu như không hoạt động. Về hệ thần kinh giao cảm, nó là một phần chính trong hệ thần kinh tự trị, phụ trách về các phản xạ không điều kiện. Ví dụ như bạn ở nhà một mình giữa đêm, bỗng nhiên bạn nghe tiếng gì đó Lạch cạch nơi cửa, cơ thể bạn không thể tự chủ được mà cảm thấy sợ hãi, tay đổ mồ hôi, cả người trong tình trạng căng thẳng. Hệ thần kinh giao cảm chịu trách nhiệm cho những phản ứng vô điều kiện đó.

Một nghiên cứu khác vào năm 2009 so sánh hình ảnh MRI của não ở những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội và những người bình thường cho thấy trung bình thì những người mắc AsPD có thể tích não giảm 18% và 9% ở các bộ phận thuộc về thùy trán.

Tất cả những kẻ sát nhân và giết người hàng loạt, đều có phần vỏ não ở ổ mắt bị tổn thương. Phần ngay trên mắt, ổ mắt,và cả phần trong của thùy thái dương. Đây là điểm chung của họ, song mỗi người lại có đôi chút khác nhau. Họ còn có những tổn thương khác về não. Một điều quan trọng là tác độngcủa các gen bạo lực.

Chữa trị:

Người mắc ASPD ít khi nào tự đi khám chữa bệnh. Họ không có động lực cũng như không thể thấy được những hệ quả từ các hành vi phản xã hội của họ mang lại. Có rất ít các nghiên cứu về phương hướng điều trị bệnh này. Tất cả các đề án chữa bệnh đều tập trung vào thanh thiếu niên phạm tội và một số người được giới thiệu từ hệ thống pháp luật. Kết quả được đo lường bởi tần suất tái phạm tội hơn là thay đổi hành vi có liên quan đến tính cách được xác định bởi bệnh. Giải thích cho rõ hơn là kết quả từ các phương thức chữa trị bệnh được tính theo tần suất bệnh nhân phạm tội nhiều hay ít, khoảng thời gian giữa các lần phạm tội hơn là cố gắng thay đổi hành vi tính cách được cho là biểu hiện của bệnh như hanh vi lừa dối, điều khiển trục lợi người khác. Phương thức chữa trị nhận thức – hành vi cũng có tí ti tác dụng. Một nghiên cứu khác cho thấy việc dùng vitamin tổng hợp cũng có thể hạn chế các hành vi phạm tội của người bệnh.

 

Dịch và viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt

Nguồn tham khảo:

Abnormal Psychology by Oltmann and Emery, 7th edition.
DSM 5
The Psychopath Inside – James Fallon
The silence of the lambs.
WebMD

https://beautifulmindvn.com/2017/09/13/roi-loan-nhan-cach-chong-xa-hoi/

menu
menu