Rối loạn nhân cách hoang tưởng - Thảm sát ở Virginia tech

roi-loan-nhan-cach-hoang-tuong-tham-sat-o-virginia-tech

Nguồn : Abnormal Psychology by Thomas F. Oltmanns, 7th edition, WebMD, NYTimes, Schoolshooters.info. . .

Dịch và Viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt

 

.

.

Khi học về rối loạn nhân cách, tôi may mắn được một vị khách mời là bác sĩ tâm lý điều trị tại một bệnh viện nổi tiếng đến làm giảng viên khách mời. Điều duy nhất tôi tiếc nuối chính là do mình quá ham ngủ mà đến muộn gần hai mươi phút bài giảng thế nên tôi đã bỏ lỡ một số thứ hay. Thầy giảng bài rất cuốn hút khiến cho 80 phút trôi qua trong chớp mắt và điều tôi thích nhất trong bài giảng ngày hôm đó chính là việc thầy diễn tả các bệnh rối loạn nhân cách dưới góc nhìn về bảy tội lỗi lớn nhất của con người trong Kinh Thánh chính là phẫn nộ, phàm ăn, lười biếng, kiêu ngạo, đố kỵ, trụy lạc và tham lam. Theo thầy, bảy tội lỗi đó tượng trưng cho bảy tính cách xấu xa hủy hoại lòng nhân từ, thấu hiểu của con người. Chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội mà tôi nói trong bài viết hai, ba tuần trước về Hannibal Lecter chính là bệnh rối loạn nhân cách đại diện cho Trụy Lạc (Lust) luôn có khao khát, mong muốn mãnh liệt với quyền lực, tiền bạc, chỉ quan tâm đến bản thân và sẵn sàng xâm phạm quyền lợi của người khác để mang lại lợi ích cho mình.

Tuy nhiên chúng ta có đến 9 bệnh rối loạn nhân cách, và trong bảy tội lỗi của con người, phàm ăn (là ví dụ trái ngược của sự điều độ) được dùng làm đại biểu cho rắc rối trong sự phát triển tâm lý từ thuở nhỏ. Bất kỳ sự quá mức nào cũng có thể dẫn đến sự bất bình thường trong việc phát triển tâm lý. Ví dụ trải nghiệm quá mức thống khổ đau đớn như đánh đập, lạm dụng tình dục có thể dẫn đến bệnh trầm cảm, lưỡng cực, hay bệnh đa nhân cách. Còn lại sáu tội lỗi được chia cho hai trong ba nhóm bệnh rối loạn nhân cách chính là nhóm B và C, mỗi nhóm có những đặc điểm tính cách riêng biệt tượng trưng. Bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội – ASPD nằm trong nhóm B với những đặc điểm về tính cách như kịch tính, thất thường và đầy xúc cảm. Nhóm C tôi sẽ bàn tới trong loạt bài kế tiếp vì sợ luồng thông tin quá nhiều mọi người sẽ không hiểu hết được. Riêng nhóm A thì không có tội lỗi nào làm đại diện nhưng nhóm được gọi là nhóm kỳ quặc (The Weird- tên thầy tôi đặt) với tính cách, hành vi kỳ dị, khó hiểu.Và trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ nói về một bệnh rối loạn nhân cách nằm trong nhóm A – Bệnh Hoang Tưởng (Paranoid Personality Disorder)

Nhóm A cũng là nhóm bệnh rối loạn nhân cách có liên quan đến các loại tội phạm giết người hàng loạt và thảm sát hàng loạt thế nên chúng ta hãy bắt đầu với một case study trước khi đi vào triệu chứng, chẩn đoán và chữa trị nhé.

Anh C. người Hàn Quốc, 23 tuổi. Khi còn bé, anh là một đứa trẻ im lặng, lạnh lùng và dường như có chút xa cách với gia đình. Anh chuyển đến Mỹ sinh sống vào năm 8 tuổi, lúc học tiểu học, anh được bạn bè và thầy cô nhận xét là một học sinh ngoan và giỏi toán, tuy có chút cô độc nhưng đó là do anh chọn như vậy. Khi lên trung học và cấp ba thì C bị bạn bè cùng trang lứa bắt nạt và chọc ghẹo. Có một lần thầy giáo dọa là sẽ cho anh ở lại lớp nếu anh không chịu tham gia thảo luận cùng bạn thì C mới chịu mở miệng nhưng nói rất nhỏ, rời rạc và trầm thấp như thể anh đang ngậm cái gì trong miệng vậy. Lúc học đại học, C được giáo viên nhận xét là học sinh cá biệt, có vấn đề. C học chuyên ngành anh văn nhưng những bài anh viết lúc nào cũng tối tăm, u ám và dọa dẫm. Có lần C còn bị giáo viên mời ra khỏi lớp vì hành vi của anh gây ảnh hưởng đến lớp học và các sinh viên. C bị tố cáo là theo dõi hai sinh viên nữ và còn chụp những bức ảnh từ chân hướng lên của các bạn nữ khác. Có một lần C gửi tin nhắn có ý định tự tử tới bạn cùng phòng của mình. Người bạn này báo cảnh sát và anh bị giám sát. Tuy C bị tòa bắt đi khám bác sĩ tâm lý nhưng sau hai lần khám thì họ đề nghị không giữ anh trong viện tâm thần mà cho điều trị tại nhà. Vào 7h15’ sáng ngày 16 tháng 4 năm 2007, C cầm theo hai khẩu súng bắn chết bạn cùng phòng của mình và bắt đầu cuộc thảm sát đẫm máu khiến toàn nước Mỹ rúng động và làm dấy động lên làn sóng yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt hơn về súng và tình trạng sức khỏe, đặc biệt là tình trạng tâm lý của học sinh sinh viên khi nhập học (Do ở Mỹ, hồ sơ sức khỏe chỉ có bác sĩ và bệnh nhân được biết, bác sĩ không được đưa hồ sơ bệnh án cho bất kỳ đoàn thể, cơ quan nào mà không có sự đồng ý của bệnh nhân, do đó trường học không có hồ sơ sức khỏe của học sinh, sinh viên, cũng như không hề biết về tình trạng tâm lý của họ).

Cuộc thảm sát đó chính là cuộc thảm sát đại học công nghệ Virginia. Hung thủ chính là Seung Hui Cho

Bức thư nằm trong gói đồ Cho gửi cho đài NBC cùng ngày cuộc thảm sát xảy ra chứa đầy giận dữ,

“Các người có cả trăm tỷ cơ hội để ngăn chặn điều này xảy ra nhưng các người không làm. Các người quyết định để tôi đổ máu. Các người ép tôi vào bước đường cùng, chỉ cho tôi một sự lựa chọn duy nhất. Quyết định đã nằm trong tay các người. Và bây giờ những đôi tay ấy sẽ đẫm ướt máu tươi mà không bao giờ gột rửa cho sạch được.”

“Cảm ơn, vì các người mà tôi có thể chết như Chúa Jesu, người đã truyền cảm hứng cho các thế hệ yếu đuối và không thể tự bảo vệ bản thân.”

Chưa có một chẩn đoán chính thức về Seung Hui Cho mặc dù có rất nhiều giả thuyết về chứng bệnh tâm thần mà Cho mắc phải, trong đó có chứng Tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng được nhiều nhà tâm lý học đồng ý nhất. Vì để tránh nhiễu thông tin vì mức độ phức tạp, chúng ta sẽ tập trung phân tích dạng rối loạn nhân cách hoang tưởng mà Cho mắc phải.

Bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường không tin tưởng người khác, lúc nào cũng nghi ngờ mọi người nghĩ xấu hay có ý đồ xấu với mình mà không có bằng chứng hay lý do chính đáng. Người mắc chứng này tin rằng mọi người ngoài kia muốn hãm hại, lợi dụng, sỉ nhục họ. Với bạn gái/trai hay chồng/vợ của mình, họ lúc nào cũng nghĩ là người kia ngoại tình, không chung thủy mặc dù họ không có bằng chứng gì để chứng minh điều đó. Họ đổ lỗi cho người khác cho những điều không may xảy ra với họ. Họ luôn luôn đúng, chỉ có người khác sai. Người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường hay chỉ trích, ganh tỵ, đổ thừa… Họ bỏ rất nhiều công sức để tự bảo về mình và xa lánh với mọi người, tấn công người khác khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi người đó. Lúc nào cũng giận dữ, thù dai, ganh tỵ một cách bệnh hoạn, suy nghĩ lệch lạc. Những hành động, lời nói, cử chỉ bình thường, hay mang tính tốt đẹp đều bị họ coi là xấu xa, cười nhạo họ. Vì thế nên họ không bao giờ tâm sự với người khác, không cho phép bản thân thiết lập bất kỳ mối quan hệ nào. Cảm xúc chủ đạo trong họ chính là giận dữ và nghi kỵ. Nói ngắn gọn, đặc điểm chính của rối loạn nhân cách chính là,

– Đa nghi (Suspect)
– Không tha thứ, thù dai (Unforgiving)
– Nghi ngờ người khác lợi dụng, hãm hại mình (Suspect)
– Nóng tính, dễ tấn công người khác (Perceives attacks on character)
– Kẻ thù hay bạn bè? Không tin vào lòng trung thành (Enimies or Friend?)
– Không muốn tâm sự với người khác (Confiding – Reluctance)
– Cảm thấy bị đe dọa ngay cả từ những hành động bình thường (Threatening meaning read in benign remarks)

Mỗi chữ cái trong bảy gạch đầu dòng trên tạo thành chữ ‘SUSPECT’ – Nghi ngờ, cũng chính là đặc điểm nổi bật riêng biệt của bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng. Mặc dù người thường ai cũng có nghi ngờ nhưng người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng nghi ngờ tột độ dẫn đến gây hại cho người khác và hủy hoại các mối quan hệ cá nhân của người đó. Hung thủ Cho có biểu hiện một số triệu chứng của bệnh này như nghi ngờ người khác muốn hại mình, muốn mình đổ máu, cách ly gia đình và xã hội, suy nghĩ lệch lạc, hành vi quá khích, vượt mức bình thường, đổ thừa mọi sự bất hạnh của mình là do người khác mang lại.

Chưa có nguyên nhân chính thức gây ra bệnh rối loạn hoang tưởng nên bệnh được giải thích dưới mô hình xã hội – sinh lý – tâm lý (biopsychosocial model). Từ việc những người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng có thân nhân mắc chứng tâm thần phân liệt cho thấy sự di truyền giữa hai bệnh này và gien có vai trò quan trọng. Trải nghiệm thời thơ ấu như bị đánh đập, lạm dụng cho là một trong những nguyên nhân gây bệnh.

Giải thích dưới góc nhìn thuyết phân tâm học (psychoanalytic theory), các bệnh rối loạn nhân cách là hệ quả từ việc các cơ chế tự bảo vệ bản thân trong tiềm thức hoạt động không thống nhất. Đối với bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng, cơ chế giải phóng suy nghĩ (projection) hoạt động không bình thường. Giải phóng suy nghĩ chính là động lực, ý tưởng, mong muốn mà một người không thể nào giải quyết hay chấp nhận được thì sẽ được giải phóng ra thế giới bên ngoài và áp đặt vào người khác. Theo suy nghĩ của mình, nếu cơ chế này không hoạt động thì có thể dẫn đến bệnh trầm cảm (Tự nhận tất cả mọi việc không may xảy ra đều là lỗi của mình trong khi thật ra nó không phải), còn nếu hoạt động quá mức thì dẫn đến rối loạn nhân cách hoang tưởng (Tất cả chuyện không hay xảy ra với mình đều là lỗi của người khác) . Với những nhà khoa học theo phương pháp nhận thứ- hành vi, họ cho rằng những người mắc bệnh này là hệ quả từ những niềm tin ẩn giấu bên dưới rằng người khác lúc nào cũng lừa dối cộng thêm việc thiếu tự tin vào bản thân.

Với sự hoạt động bất thường của cơ chế tự bảo vệ bản thân, việc chữa trị phổ biến cho bệnh rối loạn nhân cách hoang tưởng cũng dựa trên thuyết phân tâm học (psychotherapy). Đa số bệnh nhân mắc chứng rối loạn nhân cách không cho rằng họ có vấn đề, do đó họ không tự đi khám hay tư vấn tâm lý, nhất là với người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng. Sự đa nghi khiến cho họ nghi ngờ tất cả mọi người khiến cho việc điều trị khó khăn vì chuyện ngưng điều trị giữa chừng xảy ra thường xuyên. Chữa trị theo phân tâm học cần thời gian dài vì đó là phương thức điều trị gián tiếp. Chuyên viên tâm lý sẽ không nói thẳng vào vấn đề mà bệnh nhân đang mắc phải, thay vào đó họ sẽ lắng nghe bệnh nhân nói nhiều hơn và thu thập thông tin. Họ ngồi sau lưng bệnh nhân, không để cho cảm xúc của bệnh nhân ảnh hưởng đến mình hay của mình ảnh hưởng đến bệnh nhân vì điều đó dễ gây ra việc chẩn đoán sai lầm. Vì tính chất nghi ngờ của bệnh nhân mắc chứng rối loạn hoang tưởng, chuyên viên liệu trị phải tốn rất nhiều công sức để gầy dựng niềm tin nơi bệnh nhân. Ngày qua ngày, bệnh nhân sẽ tin tưởng họ thêm và sẽ tiết lộ ra nhiều suy nghĩ lệch lạc khác. Họ sẽ phải giải quyết các suy nghĩ lệch lạc này một cách cẩn thận để không mất đi mục tiêu trị liệu và đồng thời không làm dấy lên nỗi nghi ngờ của bệnh nhân. Những sự nghi ngờ vô căn cứ của bệnh nhân đa phần là hoang tưởng thế nên không thể giải thích cho bệnh nhân theo logic được vì họ sẽ không nghe theo và điều đó có thể hủy hoại sự tin tưởng giữa họ và chuyên viên trị liệu. Mục tiêu cuối cùng của phương thức chữa trị này là giúp cho bệnh nhân có một số kỹ năng hòa nhập cơ bản, cũng như giao tiếp xã hội, và niềm tự tin nơi bản thân.

Do đa nghi nên bệnh nhân thường không dùng thuốc, tuy nhiên một số thuốc như chống trầm cảm, lo lắng có thể được kê đơn nếu bệnh nhân có triệu chứng lo âu quá mức (Anxiety disorder), là hệ quả từ việc nghi kỵ và không tin tưởng bất kỳ ai. Hiện nay chưa có cách nào để phòng bệnh này nhưng một số kế hoạch trị liệu giúp cho bệnh nhân nào có xu hướng mắc bệnh học cách giải quyết tình huống tốt đẹp hơn.

Một số các show truyền hình tội phạm Mỹ như Criminal Minds trong mùa một khoảng ep 5 cho đến ep 10, họ thường dùng Paranoid Personality Disoder hay Paranoid Disorder để miêu tả một tên tội phạm nào đó hành động hung hăng, nóng vội đồng thời cũng cẩn thận. Theo ý tôi, nhà làm phim hay biên kịch không lột tả được đặc điểm chính của chứng này là sự đa nghi của tội phạm, khiến cho tôi khó lòng mà phân biệt được giữa tên tội phạm mắc rối loạn nhân cách hoang tưởng và những tên tội phạm khác. Nhưng nhìn chung đó là một series hay và hấp dẫn, tôi vẫn còn đang xem mùa đầu thế nên hy vọng những mùa sau rõ ràng hơn.

menu
menu