Sự dán nhãn nguy hiểm hơn bạn nghĩ

su-dan-nhan-nguy-hiem-hon-ban-nghi

Bạn có thể nhanh chóng dán nhãn cho một người mà không hề biết rằng mình đang xây một căn ngục tù cho chính họ.

Bạn có thể nhanh chóng dán nhãn cho một người mà không hề biết rằng mình đang xây một căn ngục tù cho chính họ.

Tôi luôn cảm thấy kinh ngạc khi nhiều người sử dụng các thuật ngữ khoa học để chẩn đoán những căn bệnh tâm lý, biến chúng thành những ngôn từ “thời thượng” và nói về chúng như thể “đúng rồi”. Đây chính là cách mà chúng ta hay dán nhãn cho người khác hay còn gọi là áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác qua những lời phán xét hàng ngày.

Tôi ái ngại mỗi khi nghe một ai đó than thở vì không thể tập trung trong công việc - lúc điện thoại cập nhật liên tục trên màn hình hay khi mọi người ra vào văn phòng như đi chợ… Họ kết luận: “Tôi bị mắc chứng rối loạn thiếu tập trung” hay một ai đó khác tự nhận “Tôi bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế” khi suốt ngày cứ loay hoay dọn dẹp nhà cửa hoài không chán. Ngày nay, những câu chuyện “dán nhãn” tâm lý bắt đầu có những hướng tiếp cận mới như loạt các bài viết về làm thế nào để nhận ra một người mắc chứng “ái kỷ” - tự yêu mình, hay làm sao biết bạn đang bị “xỏ mũi” bởi các chiêu trò tâm lý. Tôi không thể giúp đỡ họ nhưng cảm thấy có phần không thoải mái khi ở bên cạnh họ. Dĩ nhiên, những bài phân tích bản chất này có thể hữu ích đối với một số người - đặc biệt là những ai đang gặp phải những trải nghiệm khó chịu trong cuộc sống. Nhưng tôi lại tìm thấy một vấn đề khác đáng lo ngại hơn.

Tôi áp dụng phương pháp tiếp cận không theo bệnh lý như một nhà trị liệu, nghĩa là tôi không nhìn thấy những trải nghiệm của thân chủ, ngay cả những vấn đề khiến họ lo lắng, khi phản ánh điều gì thực chất không ổn đối với họ. Nhưng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc “dán nhãn” triệu chứng tâm lý hay còn gọi là phán xét vấn đề. Tôi đã làm việc với rất nhiều thân chủ, những người đã cảm thấy được giải thoát khi họ nhận thức được những gì mình đang trải nghiệm có một cái “tên khoa học nghiêm túc” và có thể được chữa trị.

Nguy cơ tiềm ẩn dưới những cái “nhãn”

Tôi đã gặp gỡ nhiều khách hàng bị tác động nguy hiểm bởi sự dán nhãn tâm lý. Khi con người khiến các thuật ngữ chẩn đoán bệnh trở nên có ý nghĩa với chính họ - gọi tên cảm giác họ đang đổ vỡ, tổn thương, bất bình thường hay khiếm khuyết - khả năng phục hồi và thay đổi của họ sẽ bị suy yếu đi hẳn. Đây chính là điều khiến tôi lo sợ có thể xảy ra khi các bài viết định hình những nét tính cách phản ánh một nhóm nhỏ đại diện cho số đông bỗng trở nên lan rộng ra như một trào lưu.

Sự thật là hành vi của con người tồn tại trong một miền liên tục, và dù bạn có cân nhắc một điều gì đó theo bệnh lý hay không còn phụ thuộc vào mức độ và cường độ của các triệu chứng. Bất cứ lúc nào, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải một chứng rối loạn tâm lý như stress, tự kỷ, trầm cảm, lo âu, mất ngủ… Trong những mối quan hệ nhất định, ở những thời điểm nhất định trong cuộc đời, dưới tác động của các yếu tố ngoại cảnh, hầu hết chúng ta đều có những hành xử “ái kỷ” hay tìm cách để ai đó làm theo điều mình muốn.  

Tôi không muốn nói rằng những người ái kỷ thật sự không tồn tại, hay điều khiển người khác không phải là một vấn đề; chắc chắn, việc nhận thức khi nào con người hành động theo tính cách cũng đi đôi với việc họ lạm dụng hay gây nguy hiểm cho người khác. Đặt tên cho cách hành xử có thể giúp con người hiểu nó rõ ràng hơn và phản ứng phù hợp. Nhưng khi chúng ta biết có những thuật ngữ khoa học về các loại hành xử, việc áp dụng chúng một cách độc lập và “phân loại” người khác như thế có thể gây tổn hại ngoài ý muốn.

Do đó, tôi muốn cùng bạn hướng đến một quan điểm linh hoạt với nhiều tùy chọn hơn - một trong số đó là nhìn bao quát các “nhãn tâm lý” để nhìn thấy một bức tranh rộng lớn về chức năng và mối quan hệ của con người. Khi chúng ta dựa trên các thuật ngữ khoa học và gọi tên những trải nghiệm muôn màu của con người, chúng ta sẽ tự giới hạn khả năng thấu hiểu và xác định cách ứng đáp với vấn đề mình gặp phải.

Bớt dán nhãn đi để thấu hiểu nhiều hơn

Chúng ta cố gắng hết sức đưa những trải nghiệm phức tạp vào một cái khuôn nhỏ hẹp một cách vô lý. Chúng ta mạo hiểm giảm nhẹ hay phóng đại vai trò tương tác với người khác - bởi vì chúng ta có thể dễ dàng quy kết nó như một “căn bệnh” hay “khiếm khuyết” - từ đó bỏ lỡ những cơ hội quý giá để phát triển bản thân. Và khi chúng ta áp dụng các “nhãn tâm lý” cho chính bản thân mình, chúng ta liều lĩnh tạo nên một cái hố sâu ngăn cản ý chí làm nên những điều khác biệt có thể dẫn đến những thay đổi tươi sáng hơn.

Việc dán nhãn thường luôn có một mục đích ẩn giấu đằng sau, nhưng ngay khi chúng ta tiếp nhận chúng thì chúng ta biến chúng thành ý tưởng và quan điểm ngăn cách bản thân kết nối với cuộc sống và mọi người xung quanh. Thay vì dành thời gian “phân loại” người khác hay chính bạn, chẳng phải chúng ta nên tập trung vào xây dựng mối quan hệ, học hỏi, tạo ra những giới hạn rõ ràng và nỗ lực hết sức để vượt qua cuộc sống phức tạp này?

Sau cùng, dù chúng ta đang nói về chứng ái kỷ, thao túng cảm xúc (gaslighting), hay bất cứ thuật ngữ tâm lý nào khác, chúng ta nên nhớ thật cẩn trọng khi đánh giá. Chúng ta nên nhớ bất cứ loại “nhãn mác” nào mà chúng ta đang dán lên thì cũng có điều gì đó bất ổn đang xảy ra. Chúng ta biết khi nào mình cảm thấy bất lực. Chúng ta biết một ai đó đang cố tình gây nguy hiểm cho mình. Và khi chúng ta tập trung vào những điều ấy - thay vì dán nhãn với những thuật ngữ - chúng ta có thể phản ứng lại một cách rõ ràng hơn và bớt phán xét đi. Đừng tự nhốt mình hay bất cứ ai trong ngục tù của những lời quy kết, hãy cảm nhận và thấu hiểu để đi qua những ngày chông chênh của cuộc đời một cách an nhiên nhất có thể.

 

Thạc sỹ Denise Fournier - Less labeling, more understanding, Chuyên gia tâm lý, trị liệu, blogger và giáo sư của Đại học Nova Southeastern (Mỹ) 

THẢO VIÊN (Biên dịch/Biên tập)

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blog/mindfully-present-fully-alive/201708/less-labeling-more-understanding?utm_source=FacebookPost&utm_medium=FBPost&utm_campaign=FBPost

menu
menu