Sự Phê Bình Nội Tâm Đến Từ Đâu Và Làm Thế Nào Để Chế Ngự Nó

su-phe-binh-noi-tam-den-tu-dau-va-lam-the-nao-de-che-ngu-no

“Tiếng nói chỉ trích từ nội tâm là phần bên trong bạn đang cần tới nhiều tình yêu bản thân hơn.” ~ Amy Leigh Mercee

Trong mỗi chúng ta đều có cái tiếng nói nội tâm đầy chỉ trích và phán xét luôn bảo với ta rằng mình không đủ tốt, không đủ thông minh, không đủ xinh đẹp, v.v.

Nó nói với ta rằng ta chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Nó gọi ta là thứ ngu ngốc. Nó so sánh ta với những người khác và nói những lời cay độc về bản thân ta và cái cơ thể này. Nó nói với ta sau khi ta giao tiếp hoặc kết nối với một ai đó rằng tất cả những điều ta đã nói hay làm đều “sai.”

Đôi khi, nó phóng chiếu sự chỉ trích ra bên ngoài, vào những người khác, để ta có thể cảm thấy tốt đẹp hơn về bản thân. Những lúc khác, ta cố gắng đàn áp sự chỉ trích nội tâm thông qua việc làm tốt hơn sự mong đợi, trở nên bận rộn, và tích lũy ngày càng nhiều thứ hơn.

Đôi khi đó là một cơ chế tự vệ đang cố gắng khiến ta tập trung vào việc tự phán xét bản thân để ta không thể đích thực là ta, bởi vì, nếu là vậy, ta có thể sẽ bị chối từ và không có được tình yêu và sự chấp thuận mà mình mong muốn.

Nhưng, khi làm điều đó, ta thậm chí còn tạo ra nhiều đau đớn và khổ sở hơn nữa bởi vì ta không thể kết nối với và phủ nhận bản thể của mình.

Việc phớt lờ tiếng nói chỉ trích không phải lúc nào cũng khiến cho nó biến mất. Ban đầu thì có thể, nhưng chẳng chóng thì chầy nó sẽ xuất hiện trở lại nếu như ta không chữa lành/chấp nhận những nỗi đau, tổn thương, và thương tích và thay đổi khuôn mẫu nội tại của mình, nơi khởi nguồn của nó.

Bạn đã từng nghe thấy câu nói “Những gì chúng ta chống lại vẫn cứ khăng khăng tồn tại” chưa? Bạn có bao giờ nói với một người đang giận dữ rằng “thôi nào” hay bảo một đứa trẻ đang gào khóc rằng đừng khóc nữa hay không? Mấy việc ấy có hiệu quả chăng? Không đâu khi mà năng lượng của chúng ta đang ở trạng thái dâng cao.

Tại sao một người lại tức giận? Tại sao một đứa trẻ lại la hét và khóc lóc? Bởi vì có điều gì đó đang diễn ra ở bên trong và tạo ra cách hành xử của họ. Đó thường là một nhu cầu không được đáp ứng hoặc một nỗi đau đang đòi hỏi sự quan tâm.

Việc nghĩ đến một ý nghĩ tích cực hơn để làm cân bằng tâm lý đôi khi tỏ ra hiệu quả, nhưng nhiều khi nó chỉ tổ gây ra một cuộc giằng xé nội tâm và sự mất niềm tin vào bản thân mà thôi bởi vì trong thâm tâm ta không thực tin vào những điều mình nói.

Khi còn nhỏ, nhiều người trong số chúng ta từng được dạy cách kìm nén những cảm xúc “xấu” bởi vì nếu như ta bộc lộ chúng ra, ta có thể sẽ hoặc sẽ bị trừng phạt. Chào mừng bạn đến với sự ra đời của tiếng nói chỉ trích; đó thường là phần sợ hãi trong ta đang bị tổn thương và đòi hỏi được chú ý đến. Nó muốn được nhìn thấy, được lắng nghe, và được thấu hiểu.

Cha tôi từng tỏ ra vô cùng thất vọng về tôi và thường nói với tôi rằng, “Chết tiệt, Deb, con chẳng bao giờ làm được việc gì cho ra hồn cả.” Điều đó đã khắc sâu vào trong tiềm thức tôi khi được nghe nó quá nhiều lần. Tôi bắt đầu sống với cái sự diễn giải ấy về bản thân mình, và tiếng nói chỉ trích kia cứ tiếp tục “đóng khung” tôi theo hướng ấy.

Đối với tôi mà nói, tiếng nói chỉ trích nội tâm chính là tiếng nói của cha tôi và cả nỗi tủi hổ sâu sắc mà tôi từng cảm nhận vì đã phạm phải sai lầm và không thể làm gì “cho ra hồn.”

Tôi dằn lại cơn giận bị kìm nén, nỗi buồn, cảm giác tội lỗi, sự không thể tha thứ, nỗi oán giận, tổn thương, và đau đớn mà tôi đã cố gắng che đậy với nụ cười trên môi, nhưng rút cục nó lại trở thành một danh tính được xây dựng dựa trên nỗi tủi hổ.

Tiếng nói nội tâm cứ luôn chỉ trích tôi bất cứ khi nào tôi không đạt được một điều gì đó hoặc không đủ hoàn hảo theo tiêu chuẩn của xã hội hay kỳ vọng của gia đình mình.

Cũng giống như khi ta bị khiêu khích bởi một người nào đó, tiếng nói chỉ trích trong ta luôn đòi hỏi sự chú ý của ta và hướng ta tới những gì cần được chữa lành, giải quyết, tha thứ, thấu hiểu, lòng trắc ẩn, và tình yêu vô điều kiện.

Khi mà nó trồi lên, chúng ta sẽ trải qua trạng thái hồi quy tự động; đó chính là một phần trong ta đã bị đóng băng tại một thời điểm nào đó. Nó là một sự phản chiếu của những vết thương chưa lành lại trong ta, mà dẫn đến những ý tưởng về việc ta chưa đủ tốt hoặc có gì đó sai sai với chính bản thân mình. Về cơ bản, đó là biểu hiện của sự không xứng đáng.

Khi ta cảm thấy mình không xứng đáng, ta thường cố gắng để xoa dịu mình với những hành vi nghiện. Thật khó để cảm thấy thư thái khi mà ta nghĩ rằng mình cần phải làm một điều gì đó để có thể trở nên tốt hơn và để chứng tỏ bản thân, do đó, việc không làm gì cả, việc nghỉ ngơi, không phải là một lựa chọn an toàn.

Khi ta cảm thấy mình không xứng đáng, thật khó để có thể gần gũi với những người khác. Sâu thẳm trong tâm hồn, ta nghĩ rằng có gì đó không ổn với mình, vì thế, ta tỏ ra xa cách vì e rằng họ có thể sẽ nhận ra và rời đi. Và điều này ngăn ta khỏi việc có thể là chính mình bởi vì ta cảm thấy không ổn với con người của ta.

Tận thâm tâm, tôi cảm thấy mình vô giá trị, không đáng được yêu thương, và không xứng đáng, và cái tiếng nói chỉ trích ấy cho tôi thấy những gì mà tôi cảm nhận và tin tưởng. Tôi không cảm thấy an toàn trong đời sống này hay trong cơ thể của mình. Làm sao mà tôi có thể kia chứ? Tôi đã sống với nhường ấy đớn đau, tổn thương và tủi hổ trong mình.

Tiếng nói chỉ trích thường trở nên vang dội hơn cả đối với những ai trong số chúng ta đang mang theo vết thương chưa kịp lành lại và cả những người vẫn luôn khắc nghiệt với chính bản thân mình, và nó thường cố gắng khiến ta cảm thấy xấu hổ và tội lỗi. Ta luôn nhìn vào mình như một “bản ngã tốt” hay “bản ngã xấu,” và nếu như ta được định danh với một “bản ngã xấu” thì ta sẽ hành động tương xứng với nó trong mọi khía cạnh cuộc sống của mình.

Nếu như ta đồng hóa mình với tiếng nói chỉ trích, ta sẽ nghĩ rằng mình chính là như thế đó; nó dường như là một điều hết sức bình thường. Và sự việc lại có vẻ như thật bất thường khi mà ta bắt đầu trở nên tử tế và yêu thương hơn bởi vì cái danh tính của ta khi ấy thành ra bị đe dọa và hệ thống của ta xem đó như là một mối đe dọa.

Đó là điều đã diễn ra với tôi. Rốt cuộc, tôi trở nên đồng nhất với việc là một “cô nàng tệ hại” – người luôn chỉ trích và khắc nghiệt với chính mình, và, ngay cả khi tôi bắt đầu tỏ ra tử tế hơn một chút, từ bi hơn một chút, và yêu thương hơn một chút, tôi cảm thấy có một nỗi sợ hãi đang ngự trị trong mình. Điều này thật lạ lẫm, và thậm chí ở một mức độ sâu hơn, tôi thấy không ổn khi trở nên như vậy. Sự tồn tại của tôi đang bị đe dọa, vì vậy tôi sẽ tự động quay trở lại với sự tự chỉ trích và phán xét, mà chẳng hề nhận ra.

Tiếng nói chỉ trích ấy không chỉ nói chuyện với tôi một cách đầy gay gắt, nó còn bảo tôi làm những việc ngược đãi bản thân như là cắt vào tay hay mặt của mình, bỏ đói cơ thể mình hoặc ăn thật nhiều đồ ngọt, và tập thể dục trong hàng giờ đồng hồ như một mụ điên nhằm thoát khỏi đống thức ăn mà tôi đã tọng vào, cho dù đó chỉ là một củ cà rốt hay mấy viên kẹo, bởi vì tôi cảm thấy thật tội lỗi.

Ngay cả sau hai mươi ba năm bước vào hoặc ra khỏi các bệnh viện và trung tâm điều trị, dùng thuốc, và tiếp nhận phương thức trị liệu truyền thống, chẳng có gì là thay đổi cả, tiếng nói chỉ trích ấy vẫn cứ bám riết lấy tôi.

Nó là một thế lực mạnh mẽ, và khi mà tôi cố gắng ngăn nó lại, nó càng vang lên to hơn nữa. Nó cho rằng nó đang bảo vệ tôi theo hướng ngược lại; nếu nó làm tổn thương tôi trước vậy thì không một ai khác có thể làm nổi điều đó.

Khi mọi người nói với tôi rằng, “Debra, em chỉ cần yêu bản thân mà thôi” tôi sẽ nhìn họ như thể họ là lũ điên. Tôi chẳng có chút khái niệm về việc điều ấy có nghĩa là gì bởi vì tôi nào có chút trải nghiệm nào về nó.

Điều mà tôi nhìn thấy ở bản thân và những người mà tôi hỗ trợ họ trong hành trình chữa lành là ta càng cố chôn vùi những tổn thương, đau đớn, giận dữ, tội lỗi, tủi hổ sâu sắc của mình, tiếng nói chỉ trích lại càng vang dội hơn.

Và, đối với một số người, như là tôi chẳng hạn, nó có vẻ như quá mức mạnh mẽ, vì thế mà chúng tôi cố gắng tìm kiếm một sự khuây khỏa thông qua việc hút thuốc, bia rượu, ăn uống, hoặc trở nên bận rộn, và/hoặc chúng tôi sẽ trải qua những cơn trầm cảm nghiêm trọng, lo lắng, hoặc tự hủy hoại bản thân.

Khi ta bị nhấn chìm trong tiếng nói chỉ trích, ta sẽ bị ngắt kết nối khỏi bản thể thật sự của mình, và khi mà ta không thể kết nối với bản thể thật sự của mình, mà chính là tình yêu thương bên trong ta, ta sẽ cảm thấy một cảm giác về sự tách biệt; ta không cảm thấy an toàn với chính mình hoặc với những người khác, và ta không cảm thấy được rằng mình đáng được yêu thương vì con người ta là, như con người ta là.

Đây là lý do vì sao mà nhiều người có thể thay đổi, trở nên hạnh phúc trong một ngày, và rồi lại quay trở về với phương thức chỉ trích và/hoặc phán xét của mình. Lập trình tự động của chúng ta, thứ phát sinh từ niềm tin cốt lõi của chúng ta, bắt đầu phát tác. Nó giống như là chứng nghiện vậy, và theo một nghĩa nào đó thì quả đúng là như vậy.

Ta có thể thử phương pháp thiền định, tập hít thở sâu, và suy nghĩ tích cực, nhưng, trừ khi ta xác định được những căn nguyên sâu xa, ta dường như vẫn tiếp tục suy nghĩ những ý nghĩ mà khuôn mẫu nội tại của ta đặt ra. Chúng đến từ phần không cảm thấy được yêu thương hay an toàn trong ta.

Vậy thì, ta nên làm gì đây khi tiếng nói chỉ trích xuất hiện?

Ta nên làm gì đây khi đó là điều quá đỗi quen thuộc, và nó chỉ đơn giản là diễn ra một cách tự động mà thôi?

Ta nên làm gì khi mà ta không biết làm thế nào để sống với chính mình và làm thế nào để cảm nhận theo một cách tử tế và từ bi hơn?

Ta nên làm thế nào khi mà ta thậm chí không hiểu nổi việc trải nghiệm tình yêu bản thân hay dịu dàng với cơ thể của mình có nghĩa là gì?

Trước hết, xin đừng tự trách mình vì việc bạn đã tồn tại như thế nào. Sự nhận thức không có nghĩa là phán xét, mà nó là sự tử tế, lòng trắc ẩn, và yêu thương.

Làm việc với và chữa lành những tổn thương bên trong, nơi mà tiếng nói chỉ trích đã được hình thành, chính là chìa khóa của việc thay đổi mô hình năng lượng bên trong ta. Nhiều người gọi điều này là chữa lành đứa trẻ bên trong và/hoặc làm việc với bóng tối[1] bên trong mình.  

Đây là một quá trình nhẹ nhàng và dịu dàng của việc di chuyển qua các tầng lớp của sự tổn thương với một lòng trắc ẩn và tình yêu, và làm hòa với những phần đang cố gắng bảo vệ ta.

Thông qua việc chữa lành cho đứa trẻ bên trong, ta có thể dịch chuyển và biến đổi cái khuôn mẫu “tiêu cực” ấy và cả cách mà nguồn năng lượng lưu thông trong cơ thể mình. Ta có thể giúp cho cái phần đang sợ hãi, đau đớn, và có lẽ là cả cảm thấy bị tách rời của mình có được một sự hiểu biết mới mẻ và đúng đắn để ta có thể cảm thấy được yêu thương và an toàn trong cơ thể này.

Nếu ta dừng lại và hít vào một hơi thở thật sâu khi mà ta bắt đầu nghe thấy hoặc cảm thấy tiếng nói chỉ trích, điều này sẽ cho phép hệ thống thần kinh của ta được thiết lập lại và giúp ta quay trở về với khoảnh khắc hiện tại; nó cho phép không gian dành cho lòng trắc ẩn, sự chữa lành, và chiêm nghiệm.

Tại sao mình lại tin vào điều đó?

Mình học được điều đó từ đâu?

Liệu điều này có đúng chăng?

Higher self[2] của tôi nhìn nhận điều này và nhìn nhận tôi như thế nào?

Cái tiếng nói chỉ trích ấy có hoàn toàn biến mất không? Không đâu, nó có thể sẽ vẫn xuất hiện, bởi vì đó là một phần của việc làm người, nhưng một khi ta nhận ra nó đến từ đâu và chữa lành/thay đổi mô hình năng lượng, nhiều tình yêu thương có thể chảy vào hơn, và rồi ta có thể trải nghiệm sự thật của mình. Khi mà ta học được cách để trở thành cha mẹ đầy từ ái của chính mình và đáp ứng những nhu cầu mà những người từng nuôi dưỡng ta không thể đáp ứng hồi ta còn nhỏ, tiếng nói chỉ trích thường sẽ dịu đi.

Hãy nhớ rằng, tiếng nói chỉ trích chỉ là một phần sợ hãi trong ta đang mong muốn được chú ý tới, được yêu thương, và một phương thức để cảm thấy an toàn. Khi ta không còn thấy khó chịu về nó nữa, khi ta không còn xem nó như là danh tính của mình nữa, ta có thể trao cho chính mình lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu, tình yêu thương, sự thật, và bất cứ điều gì khác mà ta cần tới.

Đời sống có thể thật rối ren, và cả những suy nghĩ của ta cũng vậy. Đây không phải là vấn đề về sự hoàn hảo, mà đây là câu chuyện về việc trải nghiệm một sự kết nối sâu sắc hơn với cái bản thể đầy yêu thương của bạn.

Tồn tại trong bạn là một linh hồn ngọt ngào và dịu dàng. Linh hồn ấy là sự thật sâu sắc nhất của bạn. Linh hồn ấy là bản thể của bạn. Bạn vốn dĩ là đáng yêu, là quan trọng, và có giá trị, bạn chính là một món quà đối với toàn thể nhân loại, vì thế xin bạn hãy tử tế, dịu dàng, yêu thương, và ân cần với chính mình.

--------------------------------------

[1] cái bóng (shadow): ẩn sau lớp mặt nạ xã hội chúng ta đeo lên hàng ngày, mỗi người đều có một cái bóng ẩn giấu (hidden shadow) – những phần thôi thúc, tổn thương, buồn bã hay bị cô lập mà chúng ta thường cố gắng lờ đi. Đọc thêm: https://www.acrazymind.vn/shadow-self-lam-the-nao-de-om-lay-phan-toi-ben-trong-ban-phan-1

[2] higher self (cái tôi cao hơn) là một dạng ý thức đã được nâng cao sau khi bạn tìm về được với bản thể thật sự của bạn. Đọc thêm: https://thienchualanh.com/chua-phan-loai/higher-self-la-gi-lam-sao-de-ket-noi-duoc-voi-higher-self/

 

Nguồn: https://tinybuddha.com/blog/where-our-inner-critic-comes-from-and-how-to-tame-it/

Tác giả: Debra Mittler

Dịch bởi: Hương Đào

menu
menu