Nỗi trầm uất sâu sắc đeo mặt nạ vui tươi - Chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực

noi-tram-uat-sau-sac-deo-mat-na-vui-tuoi-chung-roi-loan-cam-xuc-luong-cuc

Quá vui và quá buồn, trò bập bênh nguy hiểm mang tên ‘chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực’

Nỗi trầm uất sâu sắc đeo mặt nạ vui tươi

Chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực

Có những người bất an vì luôn cảm thấy quá hứng khởi, quá hoạt bát. Họ giống như quả bóng cao su, luôn di chuyển rất nhanh, phấn khích và khó dự đoán được phương hướng. Có lúc họ như một nguồn năng lượng dồi dào đầy sinh lực, rồi có lúc cả cơ thể lẫn tâm hồn ỉu xìu như chưa từng biết đến sức mạnh là gì. Thậm chí sự biến đổi tâm trạng giữa cực này với cực kia của họ xảy ra liên tục đến mức không chỉ khiến bản thân họ mà cả những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi.

Bệnh hưng - trầm cảm là một loại bệnh trầm cảm mà người mắc phải sẽ liên tục thay đổi tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc từ cực vui sang cực buồn và lặp lại. Vì vậy nên căn bệnh này có tên gọi là ‘chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực’. Sau khi tâm trạng hay hành động trải qua giai đoạn hào hứng đến cực điểm thì giai đoạn u sầu bắt đầu kéo đến. Bao nhiêu năng lượng đã được sử dụng hết ở giai đoạn hưng cảm, nên đến giai đoạn trầm cảm, con người ta sẽ trở nên ủ rũ, mệt mỏi. Họ không muốn làm gì, không cảm thấy điều gì thú vị, cáu kỉnh không vì lý do gì và cảm giác bất an sẽ ngày một dâng cao.

Người ta cho rằng người mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực một khi rơi vào trạng thái trầm cảm sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với người mắc chứng trầm cảm thông thường, vì sự thất thường của cảm xúc lớn hơn. Nếu so sánh trạng thái cảm xúc của người đang bình thường rồi rơi vào trầm uất với người đang ở tình trạng kích động cực điểm rồi đột ngột buồn bã, thì khoảng cách giữa các giá trị tuyệt đối ở trường hợp thứ hai rộng hơn rất nhiều, sự hỗn loạn sinh ra trong quá trình biến đổi cảm xúc cũng rất lớn. Vì trạng thái bất an nặng nề hơn, nên hành động đối với bản thân, đối với những người xung quanh và các trong các hoạt động xã hội sẽ càng khó đoán. Họ có thể đột ngột từ bỏ công việc vốn vẫn đang suôn sẻ, hoặc bỗng nhiên coi người bạn tri kỷ mười năm trời như kẻ thù không đội trời chung. Bên trong con người họ luôn tồn tại sự bất an khiến bản thân họ cũng không biết mình sẽ gây ra hành động gì tiếp theo.

Chiếc tàu lượn cảm xúc thoáng vút lên trời xanh rồi lao ngay xuống mặt đất

Anh Park mới nhận quyết định sẽ được thăng cấp trong đầu tháng 8 nên tâm hồn anh như đang đi trên mây. Bao nhiêu công sức chăm chỉ làm lụng vất vả thời gian qua của anh đã được công ty nhìn nhận, anh nghĩ rằng giờ mới là lúc cuộc đời anh có chút đổi thay. Rất tự nhiên, anh trở thành nhân vật chính của buổi liên hoan công ty lần này. Vì vui quá nên anh đứng lên vừa hát vừa nhảy, thậm chí còn hào hứng hô to:

“Mọi người ơi! Hôm nay tôi rất vui, bữa hôm nay tôi mời tất cả mọi người!”

Bình thường anh Park có hào hứng đến đâu đi chăng nữa cũng vẫn vui vẻ liên hoan mà không để lại hậu quả gì. Nhưng riêng hôm nay, anh bất ngờ đứng lên rung chuông đòi thanh toán cho bữa tiệc với sự góp mặt của hơn 80 con người. Khi cấp trên cười ngăn cản, anh bắt đầu nói ra những lời vớ vẩn khiến họ không còn cười được nữa, “Ơ hay, mọi người coi thường tôi đấy à? Tôi sinh ra đã ngậm thìa vàng trong miệng rồi. Thìa vàng! Tôi chỉ đi làm cho vui thôi.”

Nếu mọi việc chỉ dừng lại ở đây thì mọi người cũng bỏ qua, cho rằng anh hơi quá chén (thực ra hôm đó anh Park chỉ uống có một cốc bia, và bình thường cũng không thuộc dạng tửu lượng kém). Vậy nhưng vì quá say sưa với niềm vui thăng chức mà anh bắt đầu có những phát ngôn thiếu lễ độ với những nữ đồng nghiệp có mặt trong buổi tiệc. Bất kể đã có gia đình hay chưa, bất kể nhân viên cấp cao hay cấp thấp, anh tùy tiện buông ra những lời lố lăng như em xinh quá, anh yêu em, anh chấm em rồi đấy biết không? em là của anh, v.v...  Vấn đề lớn hơn nữa là anh Park đã kết hôn từ 6 tháng trước.

Ngày hôm sau, anh Park bị hủy bỏ quyết định thăng chức và cho vào danh sách chờ. Tất cả những người đã tham gia buổi liên hoan không một ai cho rằng anh phát ngôn bừa bãi là do say rượu. Điều hoang đường hơn nữa chính là phản ứng của anh Park. Anh từ chối lời đề nghị của công ty giúp anh xử lý món tiền liên hoan 6 triệu won thành chi phí công tác, thậm chí còn giận dữ vì cho rằng mình bị coi thường.

Hủy bỏ quyết định thăng cấp và đưa vào danh sách chờ không những không khiến anh Park buồn rầu mà vẫn không ngừng nói nhăng nói cuội, “Vài cái đồng lương còm ăn nhằm gì, chơi bitcoin một lần là thay đổi cuộc đời ngay!”, “Thằng bạn cấp ba đang rủ mở công ty mỹ phẩm kia kìa”, “Nhận đầu tư bên Trung Quốc thì nháy mắt là có ngay 1 tỉ”. Một ngày không biết bao nhiêu lần anh đổi chủ đề kinh doanh, từ bất động sản, đất đai, mỹ phẩm đến game, xuất bản, v.v... Dù ở công ty hay ở nhà, anh không ăn không ngủ, mải miết lập kế hoạch cho những dự án kinh doanh mới.

Vì chuẩn bị kinh doanh mà anh thực hiện các cuộc họp cá nhân ngay trong giờ làm việc tại công ty, đi muộn về sớm như cơm bữa nên rốt cục anh bị công ty đề nghị thôi việc. Nhưng anh không hề tỏ ra lo lắng, thậm chí còn dương dương tự đắc, rêu rao rằng mình chẳng có gì vương vấn với cái công ty vớ vẩn này, một khi đã kinh doanh thì còn thành công hơn nữa.

Quyết định thôi việc anh chờ đợi mãi cuối cùng cũng đến. Cầm số tiền thôi việc trong tay, anh phân vân xem nên mở cửa hàng gà rán, tiệm internet hay mua quách cổ phiếu để sống trong an nhàn. Cuối cùng anh quyết định mở một cửa hàng gà rán nhượng quyền. Thế nhưng đột nhiên ngày hôm sau, cơn âu sầu tìm đến. Còn bao nhiêu việc phải làm, nào là trang trí nội thất, tuyển nhân viên, học cách kinh doanh, nhưng anh không còn muốn làm gì nữa.

‘Ôi, sao mình lại ở đây? Mình đã làm cái quái gì thế này?’

Đột ngột nhận ra thực tại, nhưng quá nhiều chuyện đã xảy ra khiến anh không thể làm gì khác. Anh Park bật khóc nức nở, và ngậm ngùi cay đắng bắt đầu lại với cửa hàng gà rán. Nhưng chỉ 2 tháng sau, cửa hàng buộc phải đóng cửa. Anh không những đánh mất hết số tiền nghỉ việc mà còn ôm thêm vào mình một đống nợ.

Quá vui và quá buồn, trò bập bênh nguy hiểm mang tên ‘chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực’

Phần lớn các trường hợp rối loạn cảm xúc lưỡng cực xuất hiện ở lứa tuổi 30 như anh anh Park, và thời gian bệnh kéo dài liên tục khoảng 6 tháng. Rất nhiều trường hợp vì sự biến đổi của thời tiết khi giao mùa mà triệu chứng bệnh ngày một nặng thêm. Đáng sợ hơn cả là căn bệnh này rất dễ tái phát, khiến cả người bệnh lẫn gia đình mệt mỏi.

“Đang vui đến mức lẩm bẩm hát một mình thì tự nhiên rầu rĩ vì nghĩ đến việc ở công ty. Cả cơ thể và tâm hồn đang ủ rũ không còn chút sức sống nào mà bỗng cười phá lên vì một câu chuyện cười nhỏ nhặt. Có phải tôi mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực rồi không?”

Nhiều người vẫn nghĩ rằng chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực là trạng thái tâm trạng liên tục buồn vui thất thường. Điều này không đúng. Điều căn bản nhất là giai đoạn hưng cảm và giai đoạn trầm cảm sẽ lần lượt xảy ra, thông thường mỗi giai đoạn sẽ kéo dài khoảng 2 tuần. Hơn nữa không phải cứ hưng cảm là tâm trạng sẽ tuyệt đối tốt. Đương nhiên cũng có trạng thái hưng cảm khiến tâm trạng vui vẻ, cơ thể đầy năng lượng, nhưng triệu chứng phổ biến hơn chính là suy nghĩ nhiều hơn, nhạy cảm hơn và cáu giận vì những điều nhỏ nhặt.

Có thể sẽ có người nghi ngờ, tại sao hưng cảm mà lại cáu giận. Hưng cảm (mania) là trạng thái tâm trạng kích động, hưng phấn, tức là năng lượng trong con người trở nên nhạy cảm quá mức một cách bất thường, khiến ta phản ứng thái quá với những kích thích đến từ bên ngoài. Do vậy, sự tập trung quá mức và suy nghĩ quá nhiều khiến cảm giác sảng khoái vui vẻ vốn có biến mất, thay vào đó là nghi ngờ và mệt mỏi.

Có những trường hợp của chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực mà ở giai đoạn hưng cảm, thay vì hạnh phúc hay vui vẻ, người ta còn trải nghiệm sự bất ổn định lớn hơn cả giai đoạn trầm cảm. Nếu không khống chế được sự kích động, ta có thể có những hành động quá đà như anh Park kể trên, và rơi vào bất hạnh vì phải trả giá cho những gì mình đã gây ra. 

Có nhiều bệnh nhân mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với trường hợp của anh Park. Có người trong giai đoạn hưng cảm đã rút hết tất cả tiền trong ví ra cho người vô gia cư, có người quyên góp toàn bộ tiền bán nhà cho nhà thờ. Có người trắng tay vì đầu tư hàng chục tỉ vào những dự án kinh doanh mà không có sự chuẩn bị trước, và ai nhìn qua cũng thấy không có khả năng.

“Hãy sạc lại năng lượng, và từ từ bắt đầu”

Điều quan trọng nhất đối với anh Park lúc này là nghỉ ngơi và giấc ngủ. Trong giai đoạn hưng cảm, vì sự bốc đồng mà người ta mải miết làm việc không ăn không ngủ, khiến bộ não rơi vào trạng thái khô cằn, nhạy cảm và kiệt sức. Ở trạng thái này, serotonin và melatonin bị cạn kiệt khiến ta không ngủ được và không có cảm giác thèm ăn. Đáng lẽ phải dành 3 ngày liền chỉ để ngủ mới có thể phục hồi, nhưng vì thần kinh đang ở trạng trái sắc nhọn như cây kim và nhạy cảm cực điểm, nên việc ngủ cũng trở nên không hề dễ dàng.

Phải nhờ đến sự hỗ trợ của thuốc ngủ và thuốc an thần để ngủ suốt mấy ngày trời, cơ thể và tâm trạng của anh Park mới quay trở lại quỹ đạo ổn định. Dù đang trong giai đoạn phục hồi rồi, nhưng những vấn đề mà hiện tại nghiệt ngã đặt trước mặt vẫn khiến tương lai của anh mịt mù không lối thoát.

Tôi đã khuyên anh ăn ngủ đầy đủ, sau khi phục hồi lại trí lực và thể lực đang ở mức đáy, thì hãy dần dần khôi phục lại các mối quan hệ, bắt đầu từ bạn bè thân thiết, đồng nghiệp và những người xung quanh mình. Một khi đã gây ra lỗi lầm lớn thì việc khôi phục lại mối các quan hệ không hề dễ dàng, nhưng anh cần phải nỗ lực hết mình. Hãy thành tâm xin lỗi, và nếu cần hãy thú thật về căn bệnh của mình để nhận được sự thấu hiểu và thông cảm.

Song song với việc nỗ lực cải thiện các mối quan hệ, anh cần dần dần chuẩn bị cho các hoạt động xã hội và xin lại một công việc mới. Giai đoạn này đừng vội vã, hãy từ từ từng bước một thật chậm rãi. Hãy làm lại những công việc quen thuộc đã làm từ trước, hoặc một công ty được người quen giới thiệu, hoặc một công việc làm thêm thật đơn giản. Ta cần một khoảng thời gian warming-up như vậy. Giai đoạn này nếu ta vội vàng hấp tấp, hoặc chọn công việc quá sức thì cảm xúc sẽ lại bị kích động, khiến ta trở nên bốc đồng và tăng cao nguy cơ tái phát.

Thuốc men sẽ hiệu quả trong giai đoạn đầu của thời kỳ phục hồi, nhưng từ giai đoạn giữa trở đi, tư vấn tâm lý hoặc điều trị nhận thức sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt quan trọng và hiệu quả nhất chính là trị liệu thông qua gia đình. Những lỗi lầm gây ra với gia đình và mọi người xung quanh do chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực, thiệt hại về mặt kinh tế phát sinh từ lỗi lầm đó có thể khiến bệnh nhân buồn rầu và nóng vội. Rốt cục chúng có thể khiến bệnh nhân vội vã bắt đầu một dự án kinh doanh mới, tìm vui trong rượu chè cờ bạc, hoặc đầu tư vào những nơi không phù hợp.

Điều có thể ngăn chặn vòng tuần hoàn ác tính này không phải thuốc, không phải bác sĩ tâm thần, mà chính là sự kiên nhẫn và tình yêu thương của gia đình. Thông thường, chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực có thể tái phát đến 3, 4 lần nhưng nếu ngay từ lần 1, lần 2 được điều trị kịp thời và tuyệt đối thì vẫn có thể chữa khỏi hoàn toàn. Thêm vào đó, nếu ta không nản lòng vì những thất bại và thiệt hại đã xảy ra, nếu ta vực lại được tinh thần mình, thì nhiệt huyết và năng lượng vốn có trong con người ta sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Thực tế có những doanh nhân hay nghệ sĩ đã đạt được thành công lớn khi biết điều trị và vận dụng những mặt tích cực của chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Bài kiểm tra tự đánh giá triệu chứng hưng cảm

  • Tâm trạng hứng khởi quá mức, nói nhiều hơn bình thường.
  • Chỉ ngủ 2~3 tiếng một ngày mà không thấy mệt mỏi.
  • Thiếu tập trung, suy nghĩ quá nhiều.
  • Chắc chắn sẽ thành công về một dự án kinh doanh hoặc công việc mới nào đó mà không có sự chuẩn bị kĩ càng.
  • Chơi cờ bạc, hoặc đầu tư quá nhiều vào những nơi không chắc chắn, uống rượu hoặc quan hệ tình dục bừa bãi, mua sắm quá đà.
  • Luôn luôn tràn trề năng lượng và hưng phấn.
  • Quá quan tâm đến những việc không quan trọng và dễ cáu giận.

Nếu có từ 3 trong số 7 triệu chứng trên xuất hiện liên tục trong một tuần trở lên thì cần nghiêm túc xem xét về chứng hưng cảm.

Bài kiểm tra tự đánh giá triệu chứng trầm cảm

  • Quá buồn bã và trống trải, ủ rũ cả ngày.
  • Cảm thấy không còn điều gì thú vị, đánh mất hứng thú, không mong muốn điều gì.
  • Ăn không ngon miệng, giảm cân, hoặc ăn uống quá đà.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
  • Ngày nào cũng mệt mỏi hoặc dễ chán nản.
  • Mất tập trung hoặc mất khả năng đưa ra quyết định.
  • Nghĩ về cái chết.

Nếu có từ 4 trong số 7 triệu chứng trên xuất hiện liên tục trong một tuần trở lên thì cần nghiêm túc xem xét về chứng trầm cảm.

Trích từ cuốn sách Tôi từng nghĩ mọi thứ sẽ ổn khi trở thành người lớn

Cuốn sách được kết hợp viết bởi Kim Hea Nam – bác sĩ Tâm thần – chuyên gia phân tâm học nổi tiếng hàng đầu tại Hàn Quốc – đã có kinh nghiệm làm việc với hàng trăm ca trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần Quốc gia và Park Jong Seok – trưởng khoa Y tế Sức khỏe Tâm thần với kinh nghiệm điều trị cho những người mắc các bệnh tâm thần khác nhau tại Bệnh viện Đại học Seoul.

Bằng kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm làm việc lâu năm, cuốn sách đem lại những hiểu biết khoa học về các vấn đề, căn bệnh tâm lý của người hiện đại, thông qua việc triển khai: khái niệm, biểu hiện, cùng giải pháp chữa bệnh để bạn đọc có thể thực hành chữa lành bản thân trên hành trình trưởng thành. Bên cạnh đó 2 tác giả sử dụng chính những câu chuyện từ hàng trăm ngàn bệnh nhân của mình để lấy làm ví dụ thực tế, truyền cảm hứng và sự đồng cảm sâu sắc tới độc giả.

Tham khảo sách tại: https://shope.ee/7KVsaLdV81

menu
menu