Sức mạnh của sự tĩnh lặng
Trong rất nhiều các lĩnh vực - từ khoa học thần kinh, tâm lý học đến khoa học tim mạch - ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng ‘tiếng ồn’ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.
Trong rất nhiều các lĩnh vực - từ khoa học thần kinh, tâm lý học đến khoa học tim mạch - ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng ‘tiếng ồn’ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Sức mạnh của ‘sự tĩnh lặng’ đối với tâm trí và cơ thể thực sự là một cái gì đó lớn hơn và sâu sắc hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Thế giới hiện tại đang ngày càng ồn ào hơn, theo đúng nghĩa đen, khi so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại. Đó không chỉ là trí tưởng tượng của chúng ta.
Chúng ta vẫn thường nghe thấy tiếng còi hú của xe cấp cứu. Âm thanh đó phải đủ lớn để át được các âm thanh xung quanh. Lượng decibel của còi hú là một thước đo hữu ích về độ ồn tổng thể của xã hội chúng ta.
Tiếng còi hú ngày nay ước tính to hơn 6 lần so với cách đây một thế kỷ, cho thấy rằng tiếng ồn tại các trung tâm dân cư của chúng ta cũng to hơn rất nhiều. Theo Cục Âm thanh Tự nhiên và Bầu trời đêm của Dịch vụ Công viên Quốc gia Hoa Kỳ, ô nhiễm tiếng ồn tăng gấp 2 hoặc gấp 3 sau mỗi ba thập kỷ.
Tĩnh lặng là gì?Có rất nhiều những định nghĩa về sự tĩnh lặng. Theo từ điển của SOHA thì đó là: sự hoàn toàn yên ắng, dường như không có một tiếng động hoặc một hoạt động nào diễn ra. Các nhà văn thì định nghĩa: Tĩnh lặng rất tĩnh lặng nhưng lại có sức mạnh vô cùng - làm cho trái tim của bạn nhẹ như lông hồng nhưng lại vững như núi, nhẹ như gió thoảng nhưng mạnh như bão tố. Tĩnh lặng không có công thức, không có hình dáng. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết về sự tĩnh lặng“Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được. Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự tĩnh lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy”. |
TIẾNG ỒN KHÔNG CHỈ GÂY RA SỰ PHIỀN TOÁI, MÀ CÒN CÓ HẠI CHO SỨC KHỎE
Mathias Basner, giáo sư tại Đại học Pennsylvania, một chuyên gia về xử lý âm thanh và nghỉ ngơi giải thích: “Tiếng ồn gây ra căng thẳng, đặc biệt nếu chúng ta không thể kiểm soát được chúng”.
ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG ỒN ĐỐI VỚI TAI
Giáo sư Basner cũng cho biết: “Cơ thể sẽ bài tiết các hormone căng thẳng như adrenaline và cortisol dẫn đến những thay đổi trong thành phần của máu - và các mạch máu của chúng ta, vốn thực sự được chứng minh là bị xơ cứng hơn sau một đêm tiếp xúc với tiếng ồn”.
Khi sóng âm thanh chạm vào màng nhĩ của chúng ta, chúng sẽ làm rung các xương của tai trong, gây ra những gợn sóng bên trong khoang hình xoắn ốc, có kích thước bằng hạt đậu được gọi là ốc tai. Các cấu trúc giống như sợi lông nhỏ bên trong ốc tai biến những chuyển động này thành tín hiệu điện mà dây thần kinh thính giác truyền đến não.
ẢNH HƯỞNG CỦA TIẾNG ỒN VỚI NÃO BỘ
Các nhà khoa học thần kinh đã phát hiện rằng những tín hiệu này truyền đến amygdalae, hai cụm tế bào thần kinh hình quả hạnh trong não bộ, nơi tạo ra các cơ sở sinh học chính của đời sống cảm xúc của chúng ta. Khi tín hiệu chạm vào amygdalae, nó bắt đầu quá trình khiến chúng ta tiết ra hormone căng thẳng.
Quá nhiều kích thích như vậy sẽ dẫn đến căng thẳng quá mức - bằng chứng là sự hiện diện của các hóa chất như cortisol trong máu của chúng ta.
Năm 1859, phản ánh về những trải nghiệm của mình với các bệnh nhân trong bệnh viện trong thời kỳ Chiến tranh Crimea, y tá huyền thoại người Anh và là nhà đổi mới sức khỏe cộng đồng Florence Nightingale đã viết rằng: “Tiếng ồn không cần thiết là sự tàn nhẫn nhất có thể gây ra cho người bệnh hoặc kể cả người bình thường”. Nghiên cứu mới nhất chứng minh rằng cô ấy đã chỉ ra đúng điểm thiết yếu.
TIẾNG ỒN GÂY RA RỦI RO CHO TIM VÀ CÁC BỆNH KHÁC
Trong nhiều năm, người ta lo ngại rằng tiếng ồn quá mức có thể gây mất thính lực - một vấn đề nghiêm trọng cũng có thể dẫn đến sự cô lập và cô đơn trong xã hội. Nhưng một loạt các bài báo được đánh giá ngang hàng trong vài thập kỷ qua đã chỉ ra rằng tiếng ồn gây ra những rủi ro đối với bệnh tim mạch, đột quỵ và trầm cảm, cũng như các biến chứng đa dạng khác.
Vào những năm 1970, nhà tiên phong trong tâm lý học môi trường Arline Bronzaft đã phát hiện rằng, điểm kiểm tra môn đọc của học sinh trung học cơ sở Manhattan - lớp học đối diện với đường ray tàu điện ngầm có mức tiếng ồn cao, thấp hơn tới một điểm so với điểm số của học sinh ở các lớp học yên tĩnh hơn ở phía đối diện của tòa nhà.
Như vậy rõ ràng là tiếng ồn gây ra các phản ứng căng thẳng và tiêu cực. Môi trường có mức decibel cao quả thật là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến sức khoẻ và hiệu suất công việc của các cư dân trong khu vực. Tiếng ồn bên ngoài có thể tạo ra tiếng ồn bên trong tinh thần, gây tổn hại đến sự chú ý, và do đó, thách thức khả năng nhận thức và trí nhớ.
SỨC MẠNH CỦA SỰ TĨNH LẶNG
Trong khi cái giá phải trả của tiếng ồn ngày càng rõ ràng, sức mạnh của sự im lặng đối với tâm trí và cơ thể thực sự là một cái gì đó lớn hơn và sâu sắc hơn. Khi chúng ta để cho sự im lặng trôi qua đi, liệu có phải chúng ta đang hy sinh một cái gì đó quan trọng cho tâm trí và cơ thể của chúng ta?
SỰ IM LẶNG CÓ THỰC SỰ LÀ VÀNG?
Vài năm trước, Imke Kirste, khi đó là giáo sư tại Trường Đại học Y Duke, đã dẫn đầu một nghiên cứu để khám phá một câu hỏi cổ xưa: "Sự im lặng có thực sự là vàng không?"
Kirste và nhóm của cô đã đưa những con chuột vào bên trong các buồng tạo âm — những buồng nhỏ với những loại âm thanh nhất định — trong hai giờ một ngày.
Sau đó, họ kiểm tra tác động lên não chuột của 5 loại âm thanh: tiếng ồn trắng (tập hợp những âm thanh của nhiều tần số khác nhau nhưng có cùng cường độ), âm thanh của chuột con, tiếng của bản nhạc “Sonata for Two Pianos in D” của Mozart, tiếng ồn xung quanh (ambient noise), và sự tĩnh lặng. Sau khi áp dụng từng biến âm thanh, nhóm của cô đã đo sự phát triển của tế bào trong hồi hải mã của mỗi con chuột — vùng não liên quan nhiều nhất đến trí nhớ.
Trong khi Kriste và nhóm của cô đưa ra giả thuyết rằng ‘âm thanh của chuột con’ sẽ mang lại kết quả mạnh nhất, nhưng kết quả lại chỉ ra rằng ‘sự tĩnh lặng’ mới thực sự tạo ra phản ứng mạnh nhất đối với những con chuột, mang lại số lượng tế bào thần kinh mới phát triển và duy trì cao nhất.
Họ viết: “Các nghiên cứu hình ảnh chức năng chỉ ra rằng sự nghe trong tĩnh lặng sẽ kích hoạt vỏ não thính giác”. Hành động “lắng nghe sự yên tĩnh” này tự nó có thể làm phong phú thêm khả năng suy nghĩ và nhận thức của chúng ta.
SỨC MẠNH CỦA ‘SỰ TĨNH LẶNG’ ĐƯỢC KHẲNG ĐỊNH TỪ XA XƯA
Ý tưởng này hầu như không mới. “Hãy học cách im lặng”, nhà thần học cổ đại Pythagoras khuyên các học trò của mình. Nhà triết học Hy Lạp và tiền thân của hình học hiện đại đã nói với các học sinh của mình rằng: "Hãy để tâm trí yên tĩnh của bạn lắng nghe và tiếp thu sự im lặng". Nhà văn của thế kỷ 15 John Reuchlin giải thích rằng Pythagoras coi việc thực hành im lặng là “cách suy ngẫm đầu tiên” - điều kiện tiên quyết của mọi sự khôn ngoan.
Ngoài ra còn có truyền thống hàng thiên niên kỷ của Ấn Độ về Nada Yoga, đôi khi được gọi là “yoga của âm thanh”. Một số giáo viên mô tả việc luyện tập này giống như việc điều chỉnh “âm thanh của sự im lặng”. Khác biệt với các phương pháp thiền định khác — thường tập trung vào việc theo dõi suy nghĩ hoặc để ý hơi thở — hướng dẫn của Nada Yoga là ‘chỉ lắng nghe’. Chỉ cần chú ý đến âm thanh xung quanh bạn, bao gồm cả những âm thanh ngay trong chính tai của bạn.
Mỗi người nên dành thời gian cho sự tĩnh lặng mỗi ngày
Theo phân tích của Imke Kirste, sức mạnh của việc lắng nghe trong im lặng không chỉ là sự thư giãn thuần túy. Ngược lại, cô và các đồng nghiệp của mình lưu ý rằng việc lắng nghe sâu trong một môi trường yên tĩnh thực sự có thể là một loại thư giãn tích cực, được gọi là “eustress”.
Vì vậy, bạn có thể dành một khoảng thời gian trong sự tĩnh lặng mỗi ngày, để khai thác những lợi ích của nó đối với sức khỏe và nhận thức. Chỉ đơn giản là lắng nghe sự tĩnh lặng, chỉ cần dành một chút thời gian để lắng nghe chính mình. Trong thời đại quá nhiều ồn ào, sự tĩnh lặng thật đáng để chúng ta quan tâm.
Theo https://time.com/6210320/how-listening-to-silence-changes-our-brains/
Nguồn dịch: https://www.ntdvn.net/khoa-hoc/suc-manh-cua-su-tinh-lang-yeu-to-can-khai-thac-trong-thoi-dai-hien-nay-nghien-cuu-374989.html
Ảnh: Yiu Yu Hoi-Getty Images