Tác động của việc kể chuyện tới não

tac-dong-cua-viec-ke-chuyen-toi-nao

Con người thích nghe các câu chuyện, cho dù là tiểu thuyết, phim ảnh hay đơn giản là khi bạn bè giải thích cho ta nghe điều gì đó.

Năm 1748, nhà chính trị gia và quý tộc người Anh John Montagu – Bá tước thứ 4 của dòng họ Sandwich – là người rất thích chơi bài. Một trong những vấn đề mà ông gặp phải là ông rất muốn có thể vừa chơi bài vừa ăn. Do đó ông đã nghĩ ra ý tưởng kẹp những lát thịt bò vào giữa 2 miếng bánh mì. Điều đó cho phép ông vừa có thể ăn, mà cùng lúc đó vẫn chơi cờ được. Từ đó, món bánh sandwich ra đời và trở thành một trong những phát minh nổi tiếng của thế giới phương Tây.

Giờ thì bạn có lẽ sẽ không bao giờ quên người đã phát minh ra chiếc bánh sandwich, hay ít nhất là cũng ít khả năng quên hơn so với việc đọc lịch sử bánh sandwich dưới dạng thông tin thông thường hoặc gạch đầu dòng.

Trong hơn 27,000 năm, từ khi người ta phát hiện ra những bức vẽ đầu tiên trong hang động, kể chuyện đã là 1 trong những phương thức giao tiếp cơ bản của con người. Dưới đây là 1 số kết luận xung quanh việc kể chuyện và cách chúng ta có thể sử dụng nó để ra quyết định.

Não người hoạt động tích cực hơn khi kể chuyện

Con người thích nghe các câu chuyện, cho dù là tiểu thuyết, phim ảnh hay đơn giản là khi bạn bè giải thích cho ta nghe điều gì đó. Nhưng vì sao chúng ta lại hứng thú với chúng như vậy? Câu trả lời khá đơn giản. Nếu nghe 1 bài thuyết trình với các gạch đầu dòng chán ngắt, sẽ chỉ có 1 phần bộ não hoạt động. Các nhà khoa học gọi đó là khu vực Broca và khu vực Wernicke. Đó là nơi não xử lý ngôn ngữ, giải mã từ ngữ thành ý nghĩa.

Nhưng theo các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha, khi nghe 1 câu chuyện thì không chỉ khu vực xử lý ngôn ngữ mà các khu vực khác – những khu vực mà não sử dụng để trải nghiệm câu chuyện – cũng hoạt động. Khi ai đó nói về 1 món ăn ngon, phần điều khiển cảm giác (sensory cortex) sẽ hoạt động. Nếu đó là về chuyển động thì sẽ có sự tham gia của bộ phận điều khiển cử động (motor cortex).

Câu chuyện giúp chúng ta định hình suy nghĩ và lối sống. Khi kể lại cho người khác, nó cũng sẽ có tác động tương tự lên người nghe. Sẽ có 1 sự “đồng bộ hóa” giữa não người nghe và người kể. Giáo sư Uri Hasson từ đại học Princeton cho biết: Khi 1 người phụ nữ nói tiếng anh và người nghe hiểu được câu chuyện của cô thì não bộ của họ có sự đồng bộ hóa. Một hoạt động diễn ra trong thùy đảo (insula) của cô – khu vực cảm nhận cảm xúc – sẽ gây ra hoạt động tương tự với người nghe. Khi có tác động tới thùy trán (frontal cortex) của cô thì cũng sẽ có tác động tương tự tới người nghe. Bằng cách kể chuyện, người phụ nữ có thể truyền tải ý tưởng, suy nghĩ và tình cảm của mình tới não người nghe.

Mô tả hoạt động não người nghe và người kể chuyện

Não bộ gắn liền với các câu chuyện kể – làm sao để tận dụng chuyện này

Chúng ta biết rằng não hoạt động tích cực hơn khi nghe kể chuyện. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại như vậy? Tại sao một câu chuyện với những sự kiện nối tiếp nhau lại có ảnh hưởng to lớn như vậy? Lý do là vì khi chia nhỏ một câu chuyện, chúng ta có được những liên kết nguyên nhân – hậu quả. Đó chính xác là cách bộ não suy nghĩ. Con người vẫn thường nghĩ tới các câu chuyện, cho dù là mua hàng ở siêu thị hay những gì chúng ta nghĩ về người bạn đời của mình. Chúng ta tạo nên những câu chuyện ngắn cho mỗi hành động và cuộc hội thoại. Jeremy Hsu (một phóng viên khoa học và công nghệ) cho biết: Những câu chuyện cá nhân và chuyện nhặt nhạnh chiếm tới 65% các đoạn hội thoại của con người.

Bất kể khi nào nghe một câu chuyện, chúng ta sẽ muốn kết nối nó với trải nghiệm của bản thân. Trong khi bận rộn tìm kiếm trải nghiệm tương tự, chúng ta kích hoạt thùy đảo, một bộ phận trong não giúp liên kết với các trải nghiệm tương tự như nỗi đau, niềm hạnh phúc…

3 cách để sử dụng các câu chuyện trong đời sống hàng ngày

Để người khác “nghĩ ra” câu chuyện của bạn

Bạn còn nhớ cảm giác khi nghe một người bạn kể chuyện và rồi 2 tuần sau, bạn nhắc lại câu chuyện đó với anh ta như thể đó là ý tưởng của mình? Điều này hết sức bình thường và cũng là 1 trong những cách giúp mọi người ghi nhớ ý tưởng và suy nghĩ của bạn. Cũng theo Giáo sư Uri Hasson từ Đại học Princeton, câu chuyện là cách duy nhất để kích hoạt các bộ phận của não và giúp người nghe biến câu chuyện thành ý tưởng và trải nghiệm của riêng họ.

Viết thuyết phục hơn – mang đến câu chuyện cá nhân hoặc của chuyên gia

Khi bắt đầu viết bạn sẽ tự hỏi “Nếu tôi chưa từng trải nghiệm chuyện này thì làm sao câu chuyện của tôi đáng tin?”. Cách tốt nhất là chia sẻ câu chuyện của những người đã từng trải qua. Đó là cách vừa kể chuyện mà vừa có được sự tin cậy trong câu chuyện.

Những câu chuyện đơn giản dễ thành công hơn những câu chuyện phức tạp

Chúng ta thường nghĩ 1 câu chuyện sẽ thuyết phục hơn khi nó phức tạp và có nhiều chi tiết hấp dẫn. Sự thật là câu chuyện đơn giản lại thường dễ nhớ hơn. Sử dụng ngôn ngữ đơn giản là cách tốt nhất để kích hoạt các khu vực trong vỏ não, khiến chúng ta kết nối với các sự kiện diễn ra trong câu chuyện.

 

Lược dịch.

Nguồn Bufferapp

Theo https://banchihoa.wordpress.com/

menu
menu