Tại sao ai cũng thích tin rằng mình đúng. Khoa học thần kinh có câu trả lời
Tại sao không phải lúc nào chúng ta cũng có quyết định thông minh? Hãy đổ lỗi cho hóa chất não bộ này, theo khoa học
Cơ thể bạn khiến bạn cảm thấy sướng khi bạn cho rằng mình ĐÚNG. Ngay cả khi bạn sai lè ra.
Một người bạn của tôi tin chắc rằng những vụ cá mập tấn công xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với trước đây.
Có thể nguyên nhân do sự nóng lên toàn cầu. Hoặc sự sụt giảm nguồn thực phẩm. Hoặc những thay đổi về mô hình di cư. Trong khi chúng ta chưa chắc chắn về nguyên do thì anh ấy đã tin chắc rằng việc tắm biển không còn an toàn nữa. Và rằng ai đó, ở đâu đó, cần lôi đồ nghề ra và làm cái gì đó với mấy con cá mập đáng nguyền rủa kia.
Để cho vui, tôi đã gửi cho anh ấy một bản báo cáo từ các nhà nghiên cứu của Đại học Florida cho thấy năm 2017 là một năm "trung bình" về số vụ cá mập tấn công, với 88 vụ tấn công vô cớ và 5 trường hợp tử vong.
Phản ứng của anh ta? Anh ta chẳng những không tin mà còn nổi khùng lên. "Báo cáo đó là thứ tầm xàm bậy bạ---," anh nói. "Sao họ dám thao túng dữ liệu để đạt được mục đích của riêng họ?" (Anh ấy là một chàng trai tốt, nhưng nhìn ra điều nghịch lý không phải là thế mạnh của anh.)
Không lâu sau, anh ấy gửi cho tôi tin tức về một người đàn ông đã thiệt mạng do cá mập tấn công ngoài khơi Cape Cod.
"Thấy chưa?!" anh nói. "Giờ thì ai mới đúng?!"
Về mặt này thì anh nói đúng. Cá mập tấn công con người thực tế là có xảy ra. Cá mập giết người xảy ra mỗi năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là tỷ lệ số vụ cá mập tấn công ngày càng tăng.
Vậy tại sao anh ta lại nghĩ là tỷ lệ này đang gia tăng? Một phần vấn đề nằm ở cách chúng ta tiếp cận thông tin. Khi chuyện gì đó xảy ra--đặc biệt là một điều gì đó mà chúng ta quan tâm hoặc tập trung vào--ta biết. Bạn của tôi chủ động tìm đọc những tin tức về cá mập. Bất cứ khi nào xảy ra một vụ cá mập tấn công thì anh ta đều biết hết.
Điều này làm cho thiên kiến xác nhận (confirmation bias) trở nên phổ biến hơn.
Thiên kiến xác nhận là xu hướng của chúng ta tìm kiếm và nghiêng về những dữ liệu (thông tin) ủng hộ điều chúng ta đã tin tưởng --và để tránh hoặc tìm kiếm qua loa những dữ liệu chống lại niềm tin của chúng ta.
Nếu tôi tin rằng mọi người đều thích cuốn sách mới của mình, tôi sẽ để ý kỹ đến những phản hồi tuyệt vời...và lờ đi những phản hồi tiêu cực. Nếu anh ta nghĩ rằng số vụ cá mập tấn công đang tăng lên thì anh ta sẽ tìm những báo cáo về số vụ tấn công...và phớt lờ dữ liệu lịch sử bác bỏ quan điểm của anh.
Thiên kiến xác nhận bắt đầu với việc hình thành một giả thuyết--số vụ cá mập tấn công đang tăng, mọi người đều thích cuốn sách của tôi--và sau đó tìm kiếm thông tin ủng hộ giả thuyết ấy. Bạn càng tin chắc về giả thuyết của mình, bạn càng có nhiều khả năng rơi vào cái bẫy của thiên kiến xác nhận.
Thành thử bạn tôi sẽ không đi tắm biển, mặc dù khả năng bị cá mập sát hại là khoảng 1 trên 264 triệu. (Theo thống kê, anh có nhiều khả năng bị sét đánh hay bị thương bởi nhà vệ sinh hơn.)
Tại sao, ta càng tin chắc về giả thiết nào đó của mình, ta càng có khả năng rơi vào thiên kiến xác nhận?
Bởi một lẽ, thiên kiến xác nhận làm chúng ta cảm thấy mình thật thông minh. Nếu tôi tin rằng chống đẩy 100,000 cái một năm là một ý tưởng hay, rồi sau đó tôi nhìn thấy một anh chàng hoặc cô nàng khỏe mạnh đang tập chống đẩy, điều đó khẳng định giả thuyết của tôi - mặc dù có vô số cách để trở nên khỏe mạnh hơn. Nếu tôi tin vào chống đẩy và tôi thấy một ai đó khỏe mạnh đang tập chống đẩy...boom: TÔI ĐÚNG.
Điều đó khiến tôi cảm thấy mình thông minh.
Và điều đó cũng làm tôi CẢM THẤY SƯỚNG.
Trong cuốn sách Denying to the Grave: Why We Ignore the Facts That Will Save Us, Jack và Sara Gorman mô tả về nghiên cứu cho rằng chúng ta nhận được một dòng dopamine ồ ạt -- chất dẫn truyền thần kinh làm ta cảm thấy sướng--khi chúng ta tìm thấy thông tin nào đó ủng hộ một niềm tin của mình.
Khi bạn tôi nghe tin về một vụ cá mập tấn công, anh ấy nhận được một liều dopamine. Thật éo le, anh ấy sướng cả về mặt tinh thần và thể xác.
Kiểu như anh chẳng thể nào dừng lại. Chúng ta cũng vậy, chẳng thể làm gì khác được. Cái tôi của chúng ta khiến ta muốn TIN RẰNG mình đúng...và cơ thể của chúng ta muốn CẢM THẤY ta đúng.
Điều đó khiến cho ta khó mà tránh được thiên kiến xác nhận, Gormans viết, "Ta cảm thấy sướng khi 'giữ khư khư quan điểm của mình' dù chúng ta sai."
Đó là lý do tại sao nếu bạn muốn đưa ra các quyết định thông minh hơn, đừng chỉ tìm kiếm những cách thức chứng minh là bạn đúng. Hãy nhận ra trí óc của bạn - và cơ thể bạn - đôi lúc sẽ phản bội bạn. Hãy xem xét mọi dữ liệu. Rồi sau đó mới ra quyết định. Và sau đó sẵn sàng xem lại quyết định khi bạn có được dữ liệu mới.
Nguồn: