Tại sao bọn trẻ thời nay khổ sở đến vậy
Khổ đau tăng lên diễn ra trong suốt thời kỳ mà người trẻ càng ngày càng phải chịu sự giám sát, định hướng và bảo vệ của người lớn—ở trường học, trong các hoạt động do người lớn điều hành bên ngoài trường học và ở nhà ...
Một lĩnh vực nghiên cứu và lý thuyết tâm lý học đang phát triển nhanh chóng được gọi là Thuyết tự chủ (Self-Determination Theory (SDT), được các nhà tâm lý học Richard Ryan và Edward Deci đặt tên cách đây khoảng 30 năm. Tiền đề cơ bản của SDT là con người chúng ta làm việc, hoạt động tốt và sống hạnh phúc, thỏa mãn hơn khi chúng ta cảm thấy bản thân mình đang sống theo mong muốn và quyết định nội tại của mình thay vì bị thúc đẩy bởi những nguồn từ bên ngoài, bởi phần thưởng, hình phạt và yêu cầu của người khác. Tới giờ, hàng trăm nghiên cứu ủng hộ tiền đề cơ bản này và xây dựng theo nó bằng nhiều cách khác nhau (xem Ryan & Deci, 2017; Ryan, Huta & Deci, 2008).
Nhiều nghiên cứu trong SDT đã tập trung vào nền tảng tâm lý của sự tự chủ, và kết quả là sự phát triển của một lý thuyết-con của SDT được gọi là Lý thuyết Những nhu cầu Tâm lý Cơ bản (BPNT). Theo lý thuyết-con này, một điều kiện tiên quyết để có được cảm giác tự chủ lành mạnh, và nhờ đó mà có được sức khỏe tâm thần khỏe mạnh và thỏa mãn với cuộc sống, đó là chúng ta cần thỏa mãn được 3 nhu cầu tâm lý cơ bản—nhu cầu về quyền tự chủ, năng lực và sự kết nối (Ryan & Deci, 2017).
Nếu bạn nghĩ về nó thì lý thuyết này khá hợp lý. Rõ ràng là để cảm thấy đang chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình thì bạn phải cảm thấy mình được tự do lựa chọn con đường riêng cho mình (tự chủ); cảm thấy bạn có đủ kỹ năng để theo đuổi những con đường đó (năng lực); và, là một sinh vật xã hội, có những người bạn và đồng nghiệp luôn hỗ trợ, quan tâm đến bạn và trao cho bạn nghị lực để theo đuổi con đường của bạn (sự kết nối).
Nhưng tất nhiên, các nhà khoa học xã hội (và tôi cũng thú nhận mình là một trong số đó) không bao giờ thỏa mãn với những gì có vẻ hiển nhiên theo lẽ thường như vậy. Do đó chúng ta tiến hành nghiên cứu, kiểm tra dữ liệu và viết các bài luận với câu từ đao to búa lớn và quá nhiều từ viết tắt. Cho đến nay, hàng chục nghiên cứu đã được thực hiện để đánh giá về cảm giác tự chủ, năng lực và sự kết nối ở con người. Nhìn chung các phát hiện đều cho thấy những cảm giác này có tính dự báo cao về sức khỏe tâm thần, sự thỏa mãn với cuộc sống và sự thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, hỗ trợ thực nghiệm cũng như hỗ trợ logic cho BPNT là rất vững chắc. Hỗ trợ này áp dụng trên khắp các nền văn hóa và cho trẻ em cũng như người lớn (xem Vansteenkiste và cộng sự, 2020).
Ứng dụng của BPNT vào Đại dịch Đau khổ tinh thần ở Trẻ em và Thanh thiếu niên
Ai là độc giả thường xuyên của blog này đều biết, từ lâu tôi đã quan ngại về sự gia tăng liên tục, trong khoảng 50 năm qua, của tỷ lệ trầm cảm, lo âu và tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khổ đau tăng lên diễn ra trong suốt thời kỳ mà người trẻ càng ngày càng phải chịu sự giám sát, định hướng và bảo vệ của người lớn—ở trường học, trong các hoạt động do người lớn điều hành bên ngoài trường học và ở nhà—và ít có cơ hội để tự do vui chơi và theo đuổi sở thích riêng và giải quyết vấn đề của riêng chúng theo những cách khác nhau. Tôi đã lập luận rằng giữa hai xu hướng lịch sử này có một mối quan hệ nhân quả (ví dụ, ở đây và ở đây). Áp lực, sự giám sát và phán xét liên tục từ người lớn, cùng với việc mất quyền tự do theo đuổi sở thích và giải quyết vấn đề của riêng mình, dẫn đến lo lắng, trầm cảm và bất mãn với cuộc sống.
Bây giờ, trong phần tiếp theo, tôi xem xét mối quan hệ này giữa những thay đổi trong cách người trẻ bị đối xử và sự suy giảm hạnh phúc tinh thần của họ qua lăng kính của BPNT. Quan điểm của tôi là trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đang tước dần đi của trẻ cơ hội trải nghiệm cảm giác tự chủ, năng lực và sự kết nối.
Nguồn: Pixabay, Creative Commons
Tước đoạt quyền tự chủ
Điều này quá rõ ràng. Trong nhiều năm qua, bằng nhiều cách khác nhau, chúng ta đang tước đi của trẻ cơ hội tìm kiếm và theo đuổi con đường của riêng chúng. Chúng ta buộc chúng phải dành nhiều thời gian hơn ở trường lớp và làm bài tập về nhà, và thậm chí trong chuyện bài vở ở trường, chúng ta cũng đang làm giảm những lựa chọn mà chúng có vì chúng ta cứ chăm chăm vào các bài thi cuối năm. Chúng ta giảm đáng kể thời gian nghỉ giải lao và bổ sung thêm những giới hạn mới cho những gì mà bọn trẻ được phép làm trong thời gian giải lao. Chúng ta gần như không cho trẻ tham gia các trò chơi ngoài trời do chúng tự chọn mà không có người lớn can dự. Thay vào đó, chúng ta đưa chúng vào những môn thể thao do người lớn định hướng và những hoạt động tương tự khác, nơi chúng một lần nữa bị dạy dỗ cần làm gì và liên tục bị người lớn đánh giá và uốn nắn.
Thiếu Năng lực
Bằng cách hạn chế đáng kể những lựa chọn về hoạt động của trẻ, chúng ta cũng đang giới hạn rất nhiều cơ hội của chúng để xây dựng cảm giác về năng lực. Trường học chỉ xoay quanh “thành tích học tập”, và quả thực, một số trẻ có thể đạt được cảm giác về năng lực từ việc đạt được thành tích tốt ở trường. Tuy nhiên, điều này không đúng với mọi đứa trẻ, có lẽ là không đúng với hầu hết trẻ em.
Cảm giác về năng lực không tách biệt với cảm giác về quyền tự chủ. Nghiên cứu cho thấy con người cảm thấy mình có năng lực nhất khi họ thành công trong những cố gắng mà bản thân họ đã lựa chọn (Vansteenkiste và cộng sự, 2020). Hầu hết học sinh, ngay cả những em đạt điểm A, phần lớn cảm thấy bị thúc đẩy bởi những áp lực từ bên ngoài, chứ không xuất phát từ động lực tự chủ, nội tại của riêng chúng. Ngay cả những em “học sinh tốp đầu” cũng thường hoài nghi về thành tích học tập ở trường của chúng vì chúng biết những thành tích đó nông cạn ra sao. Chúng học cách ghi nhớ và đọc lại những điều mà giáo viên hay bài kiểm tra muốn, và chúng biết điều này chẳng mấy liên quan đến việc học sâu và ý nghĩa (ví dụ, ở đây).
Theo truyền thống thì trẻ em và thanh thiếu niên phát triển được cảm giác về năng lực bằng những phương tiện như theo đuổi và trở nên thành thục trong những sở thích mà bản thân chúng lựa chọn; xin làm các công việc bán thời gian, mang lại hương vị thành công trong thế giới công việc; và độc lập làm các công việc nhà, đó là những đóng góp thiết thực cho kinh tế gia đình. Như tôi đã chỉ ra ở bài viết trước, thời nay chúng ta cung cấp rất ít những cơ hội như thế cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Tước đoạt sự Kết nối
Cách cơ bản mà trẻ em kết bạn là thông qua vui chơi. Vui chơi là thứ gắn kết bọn trẻ lại với nhau, giúp chúng chia sẻ hiểu biết, khiến chúng coi trọng nhau, và dạy chúng cách thương lượng và thỏa hiệp, và qua đó duy trì được tình bạn. Khi trẻ lớn hơn, bước vào tuổi teen, vui chơi vẫn tiếp tục là hoạt động giá trị, nhưng giờ đây bọn trẻ thường gắn kết với nhau tốt nhất thông qua những cuộc đi chơi dài ngày và chia sẻ những suy tư cảm xúc với nhau. Chúng cần làm việc này mà không có người lớn xen vào, vì suy nghĩ và cảm xúc của chúng là riêng tư, nhưng người lớn lại thích can thiệp.
Nhưng thời nay, thanh thiếu niên thường bị tước đi cơ hội để ở bên nhau riêng tư trong thời gian dài, tách khỏi người lớn (ví dụ, ở đây). Chúng có thể làm được việc này ở mức độ nào đó thông qua nền tảng Internet, nhưng điều đó không giống với việc gặp gỡ trực tiếp. Những cuộc gặp trên mạng ảo có xu hướng cạn cợt và ít gắn kết cá nhân hơn những cuộc gặp mặt trực tiếp ngoài đời. Dĩ nhiên, bọn trẻ và thanh thiếu niên vẫn kết bạn với nhau. Động lực làm điều đó cực kỳ mạnh mẽ, nhiều em phải vượt qua các rào cản. Nhưng đáng tiếc là chúng thường không hoặc không thể vượt qua các rào cản này, cho nên mức độ cô đơn và xa cách vẫn rất cao.
Có lý do để tin rằng ngay cả các mối quan hệ trong gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi việc quá tập trung vào bài vở ở trường và các hoạt động ngoại khóa do người lớn hướng dẫn. Khi cha mẹ trở thành người giám sát bài tập về nhà và đẩy con cái của họ từ hoạt động này sang hoạt động khác, trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, bắt đầu có cảm giác rằng cha mẹ chúng chỉ coi trọng chúng vì thành tích học tập chứ không phải vì con người thật của chúng (Ebbert và cộng sự, 2019). Nhiều gia đình không còn ăn tối cùng nhau vì mọi người – cha mẹ cũng như con cái – đều quá bận rộn. Về mặt này, thật thú vị khi nghiên cứu được thực hiện trong thời gian diễn ra phong tỏa vì đại dịch đã tiết lộ rằng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên cảm thấy hạnh phúc hơn so với trước khi bị phong tỏa, một phần vì lần đầu tiên chúng cảm thấy mình thực sự được cha mẹ thấu hiểu và chúng cũng hiểu cha mẹ hơn, vì tất cả bọn họ đều bị nhốt trong nhà và COVID tạo ra một tinh thần quan tâm lẫn nhau trong các gia đình (ở đây).
Như Bác sĩ phẫu thuật người Mĩ Vivek Murthy đã chỉ ra trong cuốn sách bán chạy của ông ấy, Together, tình trạng xã hội của chúng ta tạo ra những rào cản đối với việc tạo dựng và duy trì mạng lưới các thành viên gia đình và bạn bè thân thiết, và đó là nguyên nhân gây ra đau khổ về tinh thần cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
Kêu gọi hành động
Lăng kính BPNT giúp làm sáng tỏ những gì chúng ta phải làm để chống lại đại dịch Đau khổ Tinh thần ở Bọn trẻ trong nền văn hóa ngày nay. Chúng ta—ý tôi khi dùng từ “chúng ta” là để nói đến các bậc phụ huynh, ông bà, giáo viên, nhà hoạch định chính sách giáo dục, huấn luyện viên, chính trị gia, các nhà quy hoạch và tất cả những ai đang đứng ở vị trí có sức ảnh hưởng đến thế giới của trẻ em—cần phải làm những gì có thể để tăng cường trải nghiệm về quyền tự chủ, năng lực và sự kết nối của trẻ em.
Cho đến nay, hầu hết các phương pháp tiếp cận đối với nỗi khổ tinh thần của người trẻ đều liên quan đến liệu pháp tâm lý, tư vấn hoặc thuốc thang, có thể hữu ích trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh dịch nhưng không làm gì để thay đổi nguyên nhân. Nguyên nhân này thuộc về cấu trúc. Chúng nằm ở cấu trúc của cách giáo dục ở trường, cách chúng ta tạo ra các rào cản (chẳng hạn như thiếu vỉa hè) cho hoạt động vui chơi ngoài trời của trẻ em, cách chúng ta nói xấu những bậc cha mẹ dám trao cho con cái họ những quyền tự do mà hầu như mọi đứa trẻ đều yêu thích, và cách chúng ta đánh giá thấp năng lực tự định hướng và tự chịu trách nhiệm cá nhân của trẻ em.
Tài liệu tham khảo
Ebbert, A.M., Kumar, N. L., & Luthar, S. S. (2019) Complexities in adjustment patterns among the “best and the brightest”: risk and resilience in the context of high achieving schools. Research in Human Development, 16, 21-34.
Ryan, R. M., & Deci, E. L. (2017). Self-determination theory: Basic psychological needs in motivation, development, and wellness. New York: Guilford Publishing.
Ryan, R. M., Huta, V., & Deci, E. L. (2008). Living well: A self-determination theory perspective on eudaimonia. Journal of Happiness Studies, 9, 139-170.
Vansteenkiste, M., Ryan, R., & Soenens, B. (2020). Basic psychological needs theory: Advancements, critical themes, and future directions. Motivation and Emotion 44, 1-31.
Tác giả: Peter Gray
Nguồn: Psychology Today