Tại sao chúng ta cần triết học

tai-sao-chung-ta-can-triet-hoc

Để giành được tự do thật sự, anh phải làm nô lệ cho triết học

“Để giành được tự do thật sự, anh phải làm nô lệ cho triết học.”

—Epicurus

Triết gia vĩ đại Ludwig Wittgenstein có lần nọ đang ngồi trong công viên thảo luận triết học với một người bạn. Người bạn của ông phần khích đứng lên và nói to, “Đó một cái cây! Tôi biết chắc rằng đó là một cái cây!” Một sự ngượng nghịu xảy ra sau đó khi hai người đàn ông nhận ra những người đi bộ đã dừng lại và nhìn họ chằm chằm. Wittgenstein, nhanh trí quay sang mọi người và bảo “Đừng lo, anh bạn này không bị điên đâu…chúng tôi chỉ đang đàm luận triết học thôi.”

Khi phần đông mọi người nghĩ về triết học, họ có thể mường tượng đến những cuốn sách  không thể đọc nổi trải dài tới hàng ngàn trang, không nói lên điều gì và chả giải quyết được chuyện gì. Họ hình dung ra một ông già cổ lỗ sĩ mặc chiếc áo sơ mi không cài cúc, quên buộc dây giày với đôi vớ khác màu, lê bước trên hành lang của một số trường đại học cổ kính, lẩm bẩm một mình, hoàn toàn chẳng để ý đến loài người xung quanh.

Thời còn là sinh viên đại học, khi tôi nói với mọi người rằng tôi đang tính chọn triết học làm chuyên ngành chính, họ thường nhìn tôi với một chút kinh hoàng pha lẫn hoang mang, cứ như thể tôi vừa bảo với họ rằng tôi định dí một cục bơ vào mông. Một người bạn thậm chí còn nói đến độ này, “Này anh bạn, sao anh lại làm như vậy với bản thân?”

Triết học từng là một cái bao đấm được yêu thích trong nhiều thế kỷ. Những lời chỉ trích nghe đã mòn tai: triết học thực sự chả giải quyết được chuyện gì; các triết gia chỉ thích tranh luận về việc tranh luận; khoa học cho chúng ta biết tất cả những gì ta cần biết, bởi thế triết học không còn phù hợp nữa v.v.

Những lời chỉ trích này hầu như không mới. Và chúng không chỉ giới hạn trong việc lăng mạ các sinh viên đại học hoặc các bậc cha mẹ hoài nghi. Trên thực tế, bản thân các lời phê bình từng là của nhiều triết gia nổi tiếng. Albert Camus kịch liệt cho rằng ông không phải là triết gia và sẽ “sửa lưng” các nhà báo nếu họ gọi ông là triết gia. Schopenhauer coi phần lớn các triết gia ở thời của ông—những người sừng sỏ chẳng hạn như Hegel, Fichte, và Schelling—là những gã lừa đảo và những kẻ khoa trương không nhìn qua được cái rốn của mình. Karl Marx thậm chí còn đi xa hơn khi viết, “Triết học đối với việc nghiên cứu thế giới thực có mối quan hệ tương tự như việc thủ dâm và tình dục thật.”1

Ui da…

Nhưng chính những gã khổng lồ trí tuệ của thời đại chúng ta—Monty Python—những người có lẽ đã xào nấu những lời chỉ chỉ trích này một cách điêu luyện nhất trong món hài châm biếm trứ danh của họ, “Trận bóng đá triết học:”

Thuyết minh: “Hegel đang tranh cãi rằng thực tại chỉ đơn giản là một lý thuyết suông phụ thuộc vào những quy tắc đạo đức phi tự nhiên, Kant dựa vào các mệnh đề vô điều kiện cứ khăng khăng rằng về mặt bản thể luận thực tại chỉ tồn tại trong suy tưởng, và Marx khẳng định rằng đã lạc đề (việt vị) rồi.”

Tất cả những chuyện này là để nói rằng ngay từ đầu, tôi nhận ra mình đang tiến vào một trận chiến vất vả ở đây. Triết học không dành cho những đứa trẻ sành điệu. Triết học dường như là một thứ phải nỗ lực rất nhiều mà phần thưởng lại quá ít. Triết học không thực tế và cũng chẳng giải quyết được bất kỳ vấn đề có liên quan nào nữa. Chúng ta đã có khoa học. Chúng ta có dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Ai thèm quan tâm liệu chúng ta có thể thực sự biết liệu một cái cây có phải là một cái cây không cơ chứ?

Khỏi phải nói, tôi không đồng ý với những người thù ghét. Triết học rất hữu ích. Nó cũng rất quan trọng. Trên thực tế tôi sẽ đi xa hơn với lập luận rằng triết học có thể hữu ích và quan trọng đối với người bình thường ở thế kỷ 21 hơn bất kỳ thời đại nào khác trong lịch sử nhân loại.

Vì vậy hãy thắt dây an toàn vào—đến hồi gay cấn thực sự rồi đây… ngay khi chúng ta hiểu ra được khái niệm “thực sự” có nghĩa là gì.

NỘI DUNG 

Triết học là gì?

Tại sao triết học lại quan trọng?

Triết học trong thế kỷ 21  

Triết học giúp bạn hoài nghi những điều bạn biết  

Triết học giúp bạn lựa chọn cách sống  

Triết học giúp bạn tạo ra ảnh hưởng trên thế giới    

Đọc triết thì nên bắt đầu từ đâu  

TRIẾT HỌC LÀ GÌ?

“Khoa học là những điều bạn đã biết. Triết học là những điều mà bạn còn chưa biết.” 

— Bertrand Russell

Đây là một điều hài hước nhỏ về những lời chỉ trích đối với triết học: để chỉ trích triết học thì bạn phải tham gia vào triết học.

Triết học là sự nghiên cứu về hiểu biết của chúng ta về thực tế, kiến thức, và cách chúng ta nên sống. Khi bạn xâu chuỗi các suy nghĩ lại với nhau thành một hệ thống niềm tin nhất quán, bạn đang dệt nên một triết lý. Khi bạn đưa ra những nhận định về giá trị để xác định điều gì là tốt và xấu, thì bạn đang dựa trên một triết lý. Khi bạn đang cười nhạo sự lố bịch của một cuốn sách có những câu chẳng hạn như thế này, “Việc tồn tại chính là bản chất của một sự vật hiện hữu,”—tôi cũng ghét phải báo cho bạn biết rằng, bạn đang dấn thân vào triết học.2

Do đó, triết học không thể bị loại bỏ bởi lý do đơn giản là nó bao trùm tất cả trải nghiệm có ý thức. Để phê bình triết học thì bạn phải dựa trên một cấp độ triết lý nào đó. Để đạp lên khung hiểu biết có tính hệ thống, bạn phải tạo ra một khung hiểu biết có hệ thống khác.

Vấn đề logic nho nhỏ này được gọi là “mâu thuẫn biểu hiện (performative contradiction).” Và nó đến từ đâu? Đúng rồi, mẹ kiếp: nó đến từ triết học.  

Triết học rút lại còn ba câu hỏi lớn:3

Điều gì là sự thật về sự tồn tại? (Siêu hình học)

Làm thế nào chúng ta có thể biết được nó là sự thật? (Nhận thức luận)

Chúng ta cần làm gì từ kiến thức này? (Đạo đức)

Tôi sẽ đáp lại rằng, “Chính nó,” nhưng cả ba câu hỏi này đã dẫn đến hàng ngàn năm thẩm tra và tranh luận với rất ít sự đồng thuận trong bất kỳ câu hỏi nào.

Điều đó nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng không có nghĩa là triết học không đạt được những tiến bộ to lớn. Qua nhiều thiên niên kỷ, nhận thức luận đã mang đến cho chúng ta khoa học, logic/lý luận, kinh tế học, tâm lý học và nhiều lý thuyết tri thức làm nền tảng cho hệ thống chính trị và xã hội của chúng ta ngày nay.

Tương tự vậy, qua nhiều thiên niên kỷ, hiểu biết của chúng ta về đạo đức đã tiến bộ đến mức chúng ta không còn bắt phần đông dân số làm nô lệ, thiêu sống con người vì niềm tin của họ, hay nhìn người khác bị ăn tươi nuốt sống bởi những con sư tử hung hãn trong đấu trường để giải trí cuối tuần.

Ngày nay, các khái niệm như dân chủ và nhân quyền nói chung đã được chấp nhận trên toàn thế giới. Trên thực tế, “vòng tròn mở rộng” của sự thấu cảm đã phát triển rất nhiều trong những thế kỷ gần đây, đến nỗi giờ đây chúng ta không chỉ quan tâm đến phúc lợi của con người, mà chúng ta còn xem việc đối xử với động vật và môi trường cũng là các vấn đề đạo đức.4

Và về mặt siêu hình học… trong bốn trăm năm qua, chúng ta đã đi từ, “Tôi tư duy; do đó tôi tồn tại,”5 đến “Có thể bạn đang sống trong một giả lập máy tính khổng lồ?”6

Uhm, Tôi nghĩ đó là sự tiến bộ?

Ma trận - Neo làm những viên đạn dừng lại   

Bạn đã từng yêu thích một bộ phim về những câu hỏi siêu hình học—chỉ là bạn không biết đó thôi.

TẠI SAO TRIẾT HỌC LẠI QUAN TRỌNG?

“Cuộc đời không suy xét là cuộc đời không đáng sống.” 

– Socrates

Triết học quan trọng vì đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, tất cả chúng ta đều phải tự mình hỏi và trả lời những câu hỏi ấy.

Sự thật là gì?

Tại sao tôi tin rằng nó là sự thật?

Tôi nên sống như thế nào dựa trên những điều mà tôi tin tưởng?  

Việc không trả lời được một hoặc nhiều câu hỏi này sẽ nhanh chóng dẫn đến thứ mà chúng ta nhìn chung gọi là một sự khủng hoảng tinh thần hay cảm xúc—chúng ta rơi vào trầm cảm, sa vào lo âu, phải vất vả để tìm kiếm cảm giác ý nghĩa hoặc mục đích.

Do đó, triết học có tác động ngay lập tức và sâu sắc đến hạnh phúc và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Một người đàn ông biết mình là một nhân viên bán hàng xuất sắc. Toàn bộ bản sắc của anh ấy được gói gọn trong khả năng hoàn thành công việc và gây ấn tượng với đồng nghiệp.

Rồi đến một ngày nọ, anh ta bị sa thải. Và anh ta không chỉ nhận ra những gì anh ta tin là đúng hóa ra lại sai, mà giờ đây nó còn đặt nghi vấn về những hành động và động cơ của anh ấy trong hai mươi năm qua. Anh ta không biết điều gì là sự thật. Anh ta không tin tưởng nơi bản thân để khám phá ra sự thật. Anh không còn biết được mình phải làm gì nữa. Anh bị suy sụp về tinh thần và cảm xúc.

Những loại sự kiện này đều xảy đến với chúng ta. Chúng có thể được kích hoạt bởi sự ra đi của một người thân yêu, một nỗi lo sợ về sức khỏe, hay bị ăn hành trong công việc. Nhưng cấu trúc tinh thần của chúng ta về cách chúng ta nhìn nhận và hiểu về thế giới bị sụp đổ và chúng ta thấy mình lạc lõng, không thể xác định đâu là sự thật về bản thân chúng ta, về cuộc sống của ta và về thế giới.

Trên thực tế, bạn có thể từng nghe nói đến những loại trải nghiệm được gọi là một cuộc “khủng hoảng hiện sinh”—như trong, “chồng của Jane làm tình với gã đưa thư và giờ đây cô ấy đang gặp phải một cuộc khủng hoảng hiện sinh.” Nó là một thuật ngữ ban đầu được vay mượn từ các triết gia hiện sinh như Søren Kierkegaard và Jean-Paul Sartre và kể từ đó đã trở thành một trụ cột trong tâm lý học và tâm thần học.

Các triết gia hiện sinh nói rằng để lấy lại sức mạnh tinh thần và sự điềm tĩnh, chúng ta cần dựng lại một giàn giáo tinh thần—chúng ta phải định nghĩa lại những điều chúng ta biết là sự thật, làm sao chúng ta biết được nó là sự thật, và cách nó điều khiển hành động của ta. Chúng ta phải tìm ra những nguồn ý nghĩa mới, những định nghĩa cơ bản hơn về bản sắc tâm lý và mục đích, những nguyên tắc hữu ích hơn để quan hệ với thế giới.

Trên nhiều phương diện, kiểu nâng cấp triết học này là cái mà trị liệu được thiết kế để giúp chúng ta làm. Những dạng thực hành như thiền định hoặc viết nhật ký cũng có thể hữu ích. Sử dụng các công cụ đó, chúng ta có thể từ từ đánh giá lại những giá trị của chúng ta, thay đổi niềm tin của chúng ta và thực hiện những hành động mới để tạo ra một cuộc đời tốt đẹp hơn cho bản thân…

…tức là, chúng ta có thể thực hành triết học.

Triết học dạy chúng ta những kỹ thuật cơ bản để tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong một thế giới nơi không có ý nghĩa cho trước, không có ý nghĩa vũ trụ. Triết học cho chúng ta những công cụ để xác định được điều gì có thể là quan trọng và đúng đắn và những gì có khả năng là phù phiếm và ngụy tạo. Triết học chỉ cho ta những nguyên tắc giúp định hướng hành động của chúng ta, xác định giá trị bản thân và những giá trị của chúng ta, tạo ra một từ trường  để định hướng la bàn nội tâm của chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta không bao giờ cảm thấy mất phương hướng nữa.

TRIẾT HỌC TRONG THẾ KỶ 21 

Khi bạn chiến đấu với quái vật hãy cẩn thận đừng để mình biến thành quái vật. Khi bạn chăm chú nhìn vực sâu cũng là lúc vực sâu đang chăm chú nhìn bạn.” 

– Friedrich Nietzsche

Nếu tất cả chúng ta đều cần trả lời ba câu hỏi căn bản ấy để bản thân vẫn luôn giữ được sự lành mạnh về tâm thần và cảm xúc, thì tôi cho rằng cuộc sống ở thế kỷ 21 đã phá hoại khả năng trả lời những câu hỏi đó của chúng ta không giống những gì trước đây.

Điều gì tôi biết là sự thật? Tình trạng ngập lụt thông tin thật trớ trêu, không làm chúng ta tự tin hơn vào những gì là đúng và sai, mà thật ra lại kém hơn. Giữa tin giả, khoa học tệ hại, tin đồn trên mạng xã hội, tiếp thị và tuyên truyền thao túng tâm lý, thật khó mà biết được liệu bạn có thể tin tưởng vào thông tin mà bạn đã đọc được hay không hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây.

Làm sao tôi biết được nó là sự thật? Hơn nữa, các phương pháp truyền thống nhằm xác thực   điều chúng ta biết về thế giới đang bị chỉ trích. Khoa học đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sao nhân bản trên diện rộng.7 Những vụ bê bối tham nhũng đang bị phanh phui ở hầu như mọi tổ chức lớn. Các nhà chức trách thì không đáng tin. Và như đổ thêm dầu vào lửa, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về thiên hướng đối với những thành kiến, định kiến phi lý và những giả định sai lầm của chúng ta. Chúng ta không những không biết điều gì là sự thật mà nhiều lúc chúng ta thậm chí còn không biết cách phát hiện đâu là sự thật.  

Dựa theo những gì tôi tin tưởng, tôi nên sống như thế nào? Không biết đâu là sự thật cũng như làm cách nào để tìm ra sự thật, chúng ta nên sống thế nào ngày càng trở nên thiếu rõ ràng hơn bao giờ hết. Thứ gì là tốt? Thứ gì là hữu ích? Thứ gì là quan trọng? Chúng ta đều tin rằng mình biết, nhưng nhìn chung thì có một sự bất định mà tôi nghĩ là đang tràn ngập hầu hết mọi nền văn hóa của chúng ta và tạo ra cảm giác lo lắng hiện sinh, bất an thường trực.

Triết học trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì nó đã suy ngẫm sâu sắc những câu hỏi này suốt hàng ngàn năm. Nó đã nhận thức được những cạm bẫy và sai lầm trong tâm trí con người, về sự không thể đi đến kết luận của mọi tri thức, về nhiệm vụ gần như là bất khả thi của việc giải mã điều tốt trên phương diện đạo đức và hành động theo nó. Khi nói đến những câu hỏi hiện sinh này, chúng ta có thể đứng trên vai của nhiều người khổng lồ.  

Dưới đây, tôi đã viết về ba cách thức đặc biệt mà triết học có thể cải thiện cuộc sống của bạn. Nó giúp bạn hoài nghi tốt hơn về những gì bạn đã biết. Nó giúp bạn lựa chọn cách sống. Và nó giúp bạn gây ảnh hưởng đến thế giới.

Tôi sẽ đi qua từng chủ đề và sau đó ở cuối bài viết, tôi sẽ đề xuất một số cuốn sách cũng như gợi ý về cách bắt đầu tự tìm hiểu về các tư tưởng triết học.    

TRIẾT HỌC GIÚP BẠN HOÀI NGHI VỀ NHỮNG ĐIỀU BẠN ĐÃ BIẾT  

“Điều duy nhất mà tôi biết đó là tôi không biết gì cả.”

—Socrates

Cái hay của triết học là nó luôn ở trong trạng thái hoài nghi. Không có dạng kiến thức nào chắc chắn đến nỗi triết học không thể túm cổ nó và uốn nắn nó một vài lần.

Hãy lấy ví dụ về René Descartes. Năm 1641, Descartes quyết định giải quyết câu hỏi triết học lớn đầu tiên: “Những gì tôi biết là sự thật?”

Trong khoảng 10 trang viết, Descartes sớm nhận ra gần như không có thứ gì mà bạn có thể nghĩ ra mà bạn lại không thể tưởng tượng ra một cách mà nó không đúng. Căn phòng bạn đang ngồi trong đó—nó có thể là một ảo giác. Những ký ức của bạn có thể được bịa ra hoặc ngụy tạo. Những tin tức mà bạn đọc hoặc nghe, là một lời nói dối được dàn dựng công phu.

Descartes còn đi xa tới mức đề ra thứ mà ngày nay chúng ta gọi là kịch bản “Ma trận”: rằng chúng ta có thể đang ngủ và toàn bộ cuộc đời này là một giấc mơ. Trên thực tế, ngay cả những lựa chọn và quyết định của chúng ta cũng có thể bị một số thế lực tà ác, thao túng nào đó kiểm soát. Khả năng tự chủ của chúng ta có thể chỉ là một ảo tưởng. Ông ấy tạo ra một thí nghiệm ý nghĩ về một con ác quỷ có thể lừa bạn tin rằng bạn đang còn sống và được tự do và tận hưởng buổi chiều tuyệt vời này bằng một ly sữa lắc. Nhưng, chẳng có cái nào là thật cả.

Do đó, cuối cùng, Descartes nhận ra điều duy nhất mà ông ấy có thể nói một cách tuyệt đối chắc chắn đó là ông đang tồn tại. Có thể căn phòng là giả. Có lẽ thế giới chỉ là một giấc mộng. Có lẽ gia đình và bạn bè ông chưa từng tồn tại. Nhưng trước thực tế rằng ông có thể đặt ra những câu hỏi đó ngay từ đầu—thực tế rằng có một cái gì đó biết ý thức và nhận thức —ông ta phải đang tồn tại ở dạng thức nào đó. Sau đó ông đã viết ra một trong những dòng nổi tiếng nhất từ trước đến nay: cogito, ergo sum.8

“Tôi tư duy; do đó tôi tồn tại.”

Việc phê phán tri thức của Descartes giúp xoá đi quá khứ lầm lạc và mở đường cho một sự bùng nổ trí tuệ sáng tạo ở châu Âu, kể từ đó được gọi là Thời kỳ Khai sáng. Descartes tin rằng sự hiểu biết sâu sắc của ông sẽ mang đến một khởi đầu mới mẻ cho siêu hình học (hoặc câu hỏi “Chúng ta có thể biết điều gì là sự thật?”) và sẽ đặt nền tảng cho một dạng hiểu biết mới—một hiểu biết dựa trên logic, lý trí và bằng chứng.

Descartes tin rằng khả năng tiếp cận sự thật duy nhất của chúng ta là thông qua toán học, rằng nhận thức của chúng ta là không đáng tin.

Và quả thật, ông đã đúng. Descartes có ảnh hưởng to lớn đến một phương pháp (luận) hiểu biết mới mà sau này được gọi là triết học tự nhiên, hay cái mà ngày nay chúng ta gọi là “khoa học.”  

Nhưng sự điên rồ không dừng ở đó. Khoảng 100 năm sau Descartes, triết gia người Scotland David Hume, ở tuổi 29, đã xuất bản cuốn A Treatise on Human Nature (Luận thuyết về bản chất con người), trong đó ông xóa bỏ quan điểm về nguyên nhân/kết quả và/hoặc giả định cho rằng chúng ta có thể dự đoán được bất cứ chuyện gì.

Hãy thứ lỗi cho tôi ở đây, vì điều này nghe có vẻ điên rồ. Hume nói rằng, theo logic mà nói, không thể chứng minh được bất cứ điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, bất kể việc nó đã xảy ra với tần suất hay mức độ thường xuyên trong quá khứ. Nếu mặt trời mọc ở phía đông hàng ngày trong hàng triệu năm, điều đó vẫn không chứng tỏ được rằng nó sẽ mọc lại ở phía đông vào ngày mai. Nó chỉ đơn giản làm cho nó có khả năng điên rồ rằng nó sẽ mọc ở phía đông.

David Hume

Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn được một việc gì đó sẽ xảy ra, cho dù nó đã xảy ra không biết bao nhiêu lần trước đó. Điều tốt nhất mà ta có thể làm là đưa ra những tiên liệu gần với khả năng xảy ra nhất. Cũng như Descartes đã chỉ ra rằng chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn được nhận thức của mình là đúng, Hume cũng cho thấy chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn được hiểu biết của mình về nguyên nhân/kết quả là đúng.

Điều này đã làm những người quan tâm ở thời điểm đó hết sức kinh ngạc và hứng thú...có lẽ là vài tá những gã da trắng lắm tiền.9

Nhưng ảnh hưởng của Hume ngày càng lớn trong thế kỷ 18 và chẳng mấy chốc người ta không thể nào bỏ qua các lập luận của ông. Không lâu sau, một thanh niên ở Phổ tên là Immanuel Kant đã đọc những tư tưởng của Hume và nói nó đã khiến ông thức tỉnh khỏi “giáo điều ru ngủ.” Nó thổi bùng một ham muốn được tiếp tục kế tục nhiệm vụ hiểu được tri thức của nhân loại và đẩy đi xa hơn, để khám phá làm thế nào chúng ta có thể biết được bất kỳ điều gì. Tác phẩm của Hume đã truyền cảm hứng cho kant trở thành một triết gia.10

Kant tiếp thu tư tưởng của Descartes và Hume và thậm chí còn đi xa hơn nữa. Ông nói rằng có một sự khác biệt giữa nhận thức của chúng ta về một điều gì đó và “bản chất của sự vật.” Tôi có thể nhìn thấy cái cây bên ngoài cửa sổ văn phòng của mình—tôi đang trải nghiệm ánh sáng phản chiếu từ bề mặt của cái cây và tương tác với võng mạc của tôi để kích thích hệ thần kinh theo cách mà hình dáng của một cái cây được tạo ra trong tâm trí tôi. Trên lý thuyết thì tôi có thể với tới và “chạm vào” cái cây—tức là, tôi có thể trải nghiệm những xung động thần kinh chạy dọc lên cánh tay tôi từ việc những nguyên tử trên ngón đến gần với những nguyên tử của cái cây, cảm nhận được lực hạ nguyên tử đang đẩy chúng ra xa nhau và báo hiệu cho hệ thần kinh của tôi rằng tôi đang “chạm” vào cây.

Nhưng tôi không bao giờ có thể biết được cái cây. Tôi không bao giờ có thể trải nghiệm cuộc sống như cái cây đang trải nghiệm cuộc sống. Cho dù tôi có thu thập được bao nhiêu dữ liệu cảm giác về cái cây, thì tôi cũng không bao giờ có thể trải nghiệm được cái cây… tôi chỉ có thể trải nghiệm được dữ liệu mà thôi. Tôi bị giới hạn bởi dụng cụ sinh học của mình để chỉ giải thích được cái cây bằng những phương tiện mà tôi có—thị giác, xúc giác, giác quan, vị giác, v.v.

Vì vậy, người ta có thể nói rằng tôi không biết rằng có một cái cây. Tất cả những gì tôi biết là có những phản ánh nhận thức xảy ra trong tâm trí tôi về một cái cây. Đời sống thực sự của cái cây, căn tính quan trọng của nó, là thứ mà tôi mãi mãi không nắm bắt được.

Bây giờ, tôi biết bạn đang muốn nói gì… “Vâng, Mark, nhưng nghiêm túc đấy. Đó là một cái cây. Tôi biết rằng đó là một cái cây! ”

Vậy bây giờ, ai mới là thằng điên đang đứng trong công viên? 

Triết học và cái cây - nó có tồn tại không?

Nó có phải là một cái cây không? Hay nó chỉ là một sản phẩm của nhận thức của chúng ta?

Được rồi, được rồi—thế quái nào mà tôi phải bận tâm đến mấy thứ này? Đây chỉ là sự thủ dâm tinh thần thôi, phải không? Chuyện đó thì có liên quan đến điều gì?

Những nghiên cứu đó về sự hiểu biết của con người nêu ra nhiều điểm quan trọng. Nhưng đây là hai điểm:

1. Trong thế kỷ qua, các nhà tâm lý học đã bắt kịp những thứ mà các triết gia ấy đang nói: rằng chúng ta bị giới hạn và bị giam hãm bởi sinh học và phần cứng thần kinh của chúng ta. Bất kỳ ý niệm nào về sự thật khách quan sẽ luôn bị bẻ cong và vặn vẹo bởi nhu cầu hòa hợp với những khả năng giác quan bị hạn chế của chúng ta.   

Những tri giác, nhận thức của chúng ta thì sai sót, những ký ức của chúng ta thường  không có thật, khả năng suy luận của chúng ta thường bị suy yếu. Hầu hết những gì chúng ta tin là “đúng” nhìn bề ngoài là không chính xác, trong trường hợp tốt nhất, và hoàn toàn là ảo tưởng, trong trường hợp tệ nhất.11 Điều này có ý nghĩa ngoài đời thực khi chúng ta phải vất vả để xác định được những điều đang diễn ra xung quanh ta—đâu là thực và đâu là hư cấu, đâu là tuyên truyền và đâu là thẩm tra chính đáng. Nó là lời kêu gọi chúng ta hãy trở nên thận trọng, cảnh giác, biết phản biện và khiêm tốn về những niềm tin của chúng ta.  

George Orwell từng nói, “Để tự mình nhìn thấy những gì ngay trước mũi cần một cuộc đấu tranh liên tục.”

2. Bởi vì sự hiểu biết của con người là có giới hạn nên chúng ta phải thận trọng với những thứ mà ta chọn chấp nhận là sự thật. Nhìn chung, triết học đã kết luận rằng khoa học là phương pháp tốt nhất để tìm hiểu chắc chắn và hành động theo tri thức, nhưng nó cũng thừa nhận rằng trong hầu hết các trường hợp, bằng chứng khoa học chắc chắn sẽ không có sẵn hoặc không khả thi.

Triết học nhắc nhở chúng ta rằng nhiều niềm tin mà chúng ta trân quý nhất—niềm tin về tự do, đạo đức, và (đặc biệt là) Chúa—về cơ bản không thể chứng minh được bằng bất kỳ phương pháp nhận thức luận nào. Tất cả mọi thứ, trong chừng mực nào đó, phải được chấp nhận với niềm tin ở mức độ nào đó. Do đó, chúng ta cần phải thông minh về những hệ thống niềm tin nào mà ta tin theo và những hệ thống niềm tin nào mà chúng ta nên lờ đi.    

Tất cả điều này là một cách nói vòng vo của việc duy trì sự không chắc chắn về hầu hết vấn đề và sự việc không chỉ chính xác hơn, mà nó còn tốt hơn cho bạn và những người xung quanh bạn.  

Sự chắc chắn vô căn cứ sinh ra hành vi bạo ngược, tự phụ. Sự chắc chắn vô căn cứ làm bạn xa cách với quan điểm và niềm tin của những người khác. Sự chắc chắn vô căn cứ ngăn cản bạn học hỏi và trưởng thành từ những thất bại của mình.

Về điểm này, Phật giáo có lẽ đã đi trước phương Tây 2.000 năm khi nó đẩy mạnh triết lý “tâm-không biết” và tách khỏi bất kỳ ham muốn hữu hình nào trong thế giới thực.

Bất kỳ điều gì bạn tin rằng bạn biết là đúng—thì thực ra là không. Không có ai trong chúng ta làm được điều đó. Tất cả chúng ta đều đang loạng choạng trong một vực thẳm siêu hình. Và mỗi người chúng ta phải tạo dựng một số dạng quan điểm từ con số không để giúp chúng ta tiếp tục sống vững vàng. Nếu không thể nào có được câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi, “Đâu là sự thật?” Và câu hỏi hay nhất tiếp theo là “Điều gì đáng để tin tưởng?”

TRIẾT HỌC GIÚP BẠN LỰA CHỌN CÁCH SỐNG   

“Nếu anh định hướng cuộc sống của mình thuận theo tự nhiên, anh sẽ không bao giờ nghèo khổ. Nếu anh định hướng cuộc sống của mình thuận theo quan điểm của người khác, anh sẽ không bao giờ giàu sang.” 

– Epicurus

Một khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi về tầm quan trọng và tính xác thực của mọi thứ xảy ra trong cuộc sống của mình thì bạn sẽ bắt đầu nhận ra phần lớn những gì bạn tin tưởng và đề cao không phải do bạn quyết định—mà nó được định đoạt bởi văn hóa và những người xung quanh bạn

Bạn không quyết định rằng bạn yêu chó—mà bạn lớn lên cùng với một chú chó. Bạn không chọn đề cao lễ nghi phép tắc—mà cộng đồng của bạn mới chọn. Bạn không nghĩ đến chuyện muốn làm bác sĩ—mà cha mẹ bạn dọa sẽ từ mặt nếu bạn không học trường y.

Đến một thời điểm nào đó trong cuộc đời, chúng ta đều phải lùi lại và đặt câu hỏi về những giá trị mà chúng ta đã được nuôi dạy và tự hỏi bản thân rằng liệu những giá trị đó có phục vụ chúng ta hay không. Trong nhiều trường hợp, chúng ta lớn lên với những giá trị tốt đẹp, đặc biệt nếu chúng ta có cha mẹ ở bên và lành mạnh và không nôn mửa lên chiếc bánh sinh nhật của chúng ta

Món quà sinh nhật đích thực của bạn: những năm tháng trị liệu tâm lý khi bạn là người trưởng thành!

Nhưng mọi gia đình đều có những rối loạn, bất thường của nó. Mọi nền văn hóa đều có những ám ảnh của nó. Và tất yếu, khi trưởng thành, chúng ta bắt đầu khám phá ra những giá trị và niềm tin mà chúng ta lớn lên cho là đúng lại chẳng giúp ích gì cho chúng ta, mà còn làm tổn thương ta.

Triết gia người Đức Friedrich Nietzsche gọi việc nghi vấn những điều mà chúng ta lớn lên đều tin theo này là “đánh giá lại các giá trị,” và cho rằng nếu một người có đủ can đảm về tinh thần và cảm xúc để hoài nghi những giá trị và niềm tin được thừa kế này thì họ sẽ trở thành người mà ông gọi là Ubermensch, hay “Siêu nhân.”

Siêu nhân, theo Nietzsche, không bị giới hạn bởi những niềm tin thông thường hoặc theo truyền thống của thời đại của anh/cô ấy. Theo ông, ngay cả những khái niệm về tốt và xấu cũng cần được đặt nghi vấn. Do đó, Siêu nhân không những sẵn sàng đối mặt với sự từ chối hoặc chế giễu xã hội mà trong nhiều trường hợp, anh ta còn chào đón nó vì nó chỉ đơn giản là bằng chứng cho thấy anh ta sẵn sàng định nghĩa các giá trị cho bản thân mình.12

Nietzsche tin rằng trong tương lai, với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ và ảnh hưởng xã hội vượt bậc mà chúng tạo ra, chỉ có Siêu nhân mới có thể duy trì được sự độc lập, biết suy nghĩ và tâm thần khỏe mạnh. Còn những người khác thì sẽ quá dễ dàng bị cuốn vào phong trào xã hội này hay học thuyết tôn giáo kia. Ông cho rằng Siêu nhân sẽ bước vào một cõi “vượt ra ngoài thiện và ác,” một nơi mà đạo đức truyền thống bị đặt câu hỏi và gạt sang một bên để ủng hộ một cái gì đó sâu sắc hơn và biến đổi hơn.13

Nietzsche đã không sống đủ lâu để giải thích về “một cái gì đó sâu hơn” trông như thế nào, nhưng công việc của ông đã tiên tri phần lớn những việc đã xảy ra trong 100 năm qua: 

Ông tin rằng với ảnh hưởng đang suy yếu của tôn giáo, mọi người sẽ bị lôi cuốn vào các phong trào chính trị và xã hội với sự cuồng tín.

Ông tin rằng sự cuồng tín quá khích này sẽ gây ra chiến tranh và bạo lực trên quy mô mà thế giới chưa từng thấy trước đây.

Ông viết rằng phần lớn dân số, nhờ các tiện nghi hiện đại mà cuộc sống của họ trở nên quá dễ dàng và thoải mái, sẽ trải qua một chủ nghĩa hư vô lan tràn và tình trạng thờ ơ lan tràn khắp nơi.

Nietzsche phát điên vào năm 1890. Phải mất 50 năm nữa thì một nhóm các triết gia người Pháp được gọi là “người theo chủ nghĩa hiện sinh” cuối cùng mới đến được nơi mà Nietzsche đã bỏ lại.

Trong khi Nietzsche viết về thời đại của chủ nghĩa hư vô đang sắp đến, thì các triết gia như Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, và Jean Merleau-Ponty viết về mối liên hệ sâu sắc với chủ nghĩa hư vô. Tất cả họ đều từng là nạn nhân và người sống sót của cuộc chiến tranh thế giới II, phải đối mặt với sự vô nghĩa cố hữu của cuộc sống.

Nietzsche viết về lòng can đảm để lựa chọn những giá trị của riêng một người theo nghĩa anh hùng và cao quý. Ông coi đó là một nhiệm vụ đầy cam go mà chỉ một thiểu số người ‘được chọn’ mới đảm nhận được. Nhưng các nhà hiện sinh đã viết về nhiệm vụ này như một trách nhiệm vốn có của mỗi cá nhân. Theo Sartre, những người không lựa chọn một cách ý thức điều mà họ đề cao trong cuộc sống tức là đang sống một cuộc đời vốn dĩ không chân thực.14

Phần lớn công việc của tôi trong những năm qua đều phù hợp với điều này—một nỗ lực giúp mọi người “đánh giá lại giá trị của họ” và xác định điều gì là quan trọng đối với bản thân họ giữa một cơn lũ thông tin vô bổ.15

Việc lựa chọn có ý thức về niềm tin và giá trị của một người không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và tình cảm của chính một người, mà nó còn quyết định loại dấu chân mà bạn để lại trên thế giới. Trên thực tế, như chúng ta thấy, những người tạo ra dấu ấn vĩ đại nhất có xu hướng có hệ thống niềm tin triết học được định nghĩa rõ ràng cho chính họ.

TRIẾT HỌC GIÚP BẠN TẠO RA ẢNH HƯỞNG LÊN THẾ GIỚI  

“Nhiệm vụ của cuộc sống không phải là đứng về phía của số đông, mà phải chạy cho đến khi nào ta thấy mình thoát khỏi hàng ngũ của những kẻ khùng điên.”

– Marcus Aurelius

Năm 1949, Simone de Beauvoir xuất bản cuốn The Second Sex (Giới tính thứ hai). Cuốn sách bắt đầu hơi buồn tẻ —bảy mươi trang đầu tiên giải thích một cách chi tiết khoa học về những khác biệt sinh học giữa nam và nữ.

Nhưng khi đến phần II, cuốn sách nhanh chóng có một bước ngoặt mang tính cách mạng. Beauvoir táo bạo tuyên bố rằng, “Không ai sinh ra đã là phụ nữ, mà họ trở thành một người phụ nữ,” và việc đánh giá lại các chuẩn mực về giới tính và những định nghĩa xã hội về giới tính đã bắt đầu.

Giới tính Thứ hai đưa ra một nhận định đơn giản: có hai định nghĩa về “phụ nữ”—định nghĩa sinh học và định nghĩa xã hội. Định nghĩa sinh học thì vững chắc và thuộc về thể xác, và (thường là) cố định.

Nhưng định nghĩa xã hội thì linh hoạt. Nó phát triển và thay đổi hình dạng dựa trên cơ sở thời gian và sự định vị của nền văn hóa. Định nghĩa xã hội này về nữ giới không phải là một sự thật đạo đức mà là sự phản ánh thực trạng kinh tế và xã hội của từng xã hội. Beauvoir sau đó lập luận một cách thuyết phục rằng thực tế cuộc sống của hầu hết phụ nữ ở thế giới phương Tây không tuân theo những giá trị mà thời kỳ Khai sáng ủng hộ. Và bởi vì định nghĩa về "phụ nữ" là linh hoạt và có thể được uốn nắn nên bà ấy muốn viết lại định nghĩa theo cách thúc đẩy sự thay đổi tích cực.

Đó là một tác phẩm triết học dày cộp, tới hơn 800 trang, với những đoạn dài một cách phi thường để công kích quan niệm về giới nữ từ mọi góc độ. Có hơn 100 trang dành riêng cho Freud và các định nghĩa của phân tâm học về nữ tính và 100 trang khác xem xét về những tác động phát triển của những áp lực văn hóa lên các cô gái bắt đầu từ thời thơ ấu.

Trái ngược với những “cuộc vận động” nhiều đến mức thừa thải đang diễn ra hàng ngày trên Twitter với phím caps lock luôn bật sáng, Beauvoir đã dựng nên một công trình kiến thức đồ sộ, đúc kết từ nền tảng khoa học vững chắc và chắp nối lại bằng thứ lý lẽ không một chút sơ hở. 

Simone de Beauvoir

Cuốn sách gây ra một vụ bê bối ngay khi phát hành. Vatican nhanh chóng thêm nó vào danh sách những cuốn sách bị cấm. Phụ nữ bắt đầu tạo ra những mạng lưới để lén lút đưa cuốn sách đi khắp châu Âu. Sau khi được dịch sang tiếng Anh, hàng trăm trang sách đã bị cắt do lo sợ về cuộc nổi dậy của công chúng. Phải mất gần 10 năm để các nhà xuất bản ở Hoa Kỳ đồng ý xuất bản nó.

Nhưng cuối cùng thì nó đã được xuất bản. Và mặc dù nó không lật tung danh sách những cuốn sách bán chạy nhất, nhưng nó đã lặng lẽ thâm nhập vào văn hóa thông qua mạng lưới rộng lớn của những bà vợ nội trợ buồn chán, có trình độ đại học—họ là những phụ nữ trẻ thông minh, nhiều hoài bão, đã tốt nghiệp đại học, hoàn thành nghiên cứu của họ và sau đó cứ quanh quẩn trong căn bếp trống không trong 10 năm liền.

Một trong những bà nội trợ này là một phụ nữ có tên Betty Friedan. Sau khi đọc xong Giới tính thứ hai, Friedan dự buổi họp lớp đại học sau 15 năm của cô nơi cô chứng kiến tất cả những cô bạn gái của mình dường như đều đang phải chịu đựng nỗi đau giống như cô: cô đơn, buồn chán và trầm cảm.

Friedan quyết định viết một cuốn sách về trải nghiệm của bà nội trợ Mỹ. Cô viết về họ theo khía cạnh đạo đức. Cô đặt tên cho cuốn sách là, The Feminine Mystique (đã xb ở Việt nam với tựa đề Bí ẩn nữ tính). Trong đó, cô lý giải về những hậu quả vô nhân đạo của những vai trò giới tính truyền thông đối với cuộc sống người phụ nữ.

Cô phê phán tất cả mọi thứ, từ chuyện những biên tập viên của các tạp chí phụ nữ là đàn ông, cho đến việc mất quyền tự quyết do phụ nữ được trông đợi từ bỏ sự nghiệp để chăm con, cho đến nỗi buồn chán đến mụ người của công việc nội trợ lặp đi lặp lại. Friedan đã tiếp thu những lập luận trừu tượng và ‘nhức não’ của Beauvoir về việc đánh giá lại những giá trị về giới và kết tinh chúng vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Mỹ.  

Kết quả gây ra sự bùng nổ dư luận. Phong trào nữ quyền hiện đại ở Mỹ ra đời.

Theo tôi, một ngày nào đó Beauvoir sẽ được coi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Bất luận bạn cảm nhận ra sao về thực trạng của hoạt động nữ quyền, Giới tính thứ hai là minh họa hoàn hảo về sức ảnh hưởng lớn lao mà những tư tưởng triết học có thể có đối với thế giới.

Đây là lý do tại sao dường như chẳng có thứ gì “được giải quyết” nhờ triết học: những tư tưởng của nó di chuyển quá chậm chạp trong một khoảng thời gian rất dài đến mức chỉ có thể đánh giá đúng ảnh hưởng của chúng sau hàng trăm năm. Chúng ta có thể theo dõi phả hệ tương tự của tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản từ thời Marx (những năm 1840), chủ nghĩa tư bản và thương mại tự do từ Adam Smith (những năm 1770), triết lý chính trị của chủ nghĩa tự do, dân chủ và nhân quyền từ John Locke (những năm 1680), hoặc phân loại khoa học từ thời Aristotle (khoảng những năm 330 trước Công nguyên).

Bởi vì triết học đề cập đến các khái niệm quá trừu tượng và phổ quát, nỗ lực định nghĩa lại những định nghĩa của chúng ta về những ý tưởng như công lý, bình đẳng, tự do và giới tính không chỉ đòi hỏi nỗ lực to lớn về trí tuệ để định nghĩa lại (Sách Das Kapital của Marx dài gần 2000 trang—và vẫn chưa hoàn thành khi ông qua đời), nhưng phải mất nhiều thế hệ để những ý tưởng này được phổ biến rộng rãi trong dân chúng và chuyển thành những ứng dụng hằng ngày.

Đối với mỗi Beauvoir, bạn sẽ cần hàng tá Friedan. Và đối với mỗi Friedan, bạn cần có hàng ngàn nhà hoạt động và những người ủng hộ để cho bất cứ thay đổi thiết thực nào có thể xảy ra.

Nhưng tôi tin rằng nếu bây giờ bạn nhìn vào tất cả những người để lại ảnh hưởng lớn lao nhất trên hành tinh này, họ đều bị thôi thúc bởi một số dạng thức triết lý cá nhân nào đó —họ cũng buộc phải trải qua quá trình “đánh giá lại mọi giá trị” và tự mình định nghĩa cái thiện cái ác. Họ đã gánh trách nhiệm lựa chọn ý nghĩa của riêng họ và trao nó cho thế giới.   

Ví dụ, phần lớn nét đặc biệt của Thung lũng Silicon (“tiến nhanh và đột phá”) được xây dựng dựa trên một triết lý một phần thuộc công nghệ không tưởng (bắt nguồn từ khoa học viễn tưởng) và một phần là chủ nghĩa tự do (niềm tin rằng những đổi mới theo định hướng thị trường sẽ tạo ra kết quả tốt hơn cho tất cả mọi người). Mark Zuckerberg, có lẽ là người nổi tiếng nhất trong số các ông trùm ở Thung lũng Silicon, đã xây dựng uy tín của mình bằng việc tán thành một triết lý cá nhân “kết nối toàn cầu” và “mang mọi người xích lại gần nhau hơn.”

Ví dụ khác: Alan Greenspan từng là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong hơn 50 năm qua. Greenspan, thời trẻ là bạn thân và là người ủng hộ Ayn Rand, đã trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang vào năm 1987 và chỉ đạo một trong những đợt bùng nổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử.

Trong thời kỳ này, ông đã áp dụng một cách tiếp cận hoạt động để quản lý nền kinh tế thông qua lãi suất và nợ. Các chính sách của ông ấy vẫn còn ảnh hưởng và gây tranh cãi, thậm chí cho đến tận ngày nay. Các nhà phê bình cho rằng tất cả mọi thứ từ cuộc khủng hoảng năm 2008 cho đến bất bình đẳng ngày càng gia tăng ở các nước phát triển có thể là do những hoạt động ngân hàng mà Greenspan đã đi tiên phong trong nhiệm kỳ của ông.

Ví dụ khác: Tập Cận Bình đã định hình lại nền kinh tế chính trị của Trung Quốc, khiến nó trở nên hung hăng hơn và ít dân chủ hơn.16 Ông Tập đã làm điều này bằng cách đi ngược lại những người tiền nhiệm của mình, hồi sinh lại tư tưởng Trung Hoa hàng thiên niên kỷ. Sau đó, ông kết hợp những tư tưởng truyền thống này với chủ nghĩa Mao để biện minh cho việc kiểm soát chặt chẽ những người bất đồng quan điểm, có những hành động tàn bạo và trở nên chống đối với phần còn lại của thế giới.

Ví dụ khác: Mới đây, “thuyết phê phán chủng tộc” (CRT), với sự hỗ trợ của các tác giả nổi tiếng như Ibram X. Kendi và các nhà báo hoạt động ở tờ New York Times, đã trở nên phổ biến ở các trường học, đại học, trong cộng đồng các nhà họat động, và các phương tiện truyền thông ở Hoa Kỳ. CRT dạy rằng nạn phân biệt chủng tộc không chỉ phổ biến mà nó còn có mặt ở khắp mọi nơi. Tất cả mọi người và tất cả mọi thứ đều hoặc là kẻ phân biệt chủng tộc, hoặc là người chống-phân biệt chủng tộc. Và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc nên được ưu tiên hơn tất cả những mối quan tâm khác.17

Có vô vàn ví dụ. Các triết lý xuất phát từ những đám mây tư tưởng trừu tượng và dần dần thấm xuống các nhà hoạt động và các chính trị gia ở mặt đất, những người trải qua nhiều thế hệ đã hiện thực hóa các tư tưởng này. Sau khi trở thành hiện thực thì những nguyên tắc triết học này sau đó sẽ được đưa vào hành động và định hình lại cuộc sống của chúng ta.  

Và trừ khi bạn ý thức được chúng, trừ khi bạn ý thức được về những lực lượng trí tuệ đang nhào nặn và chỉ đạo bài diễn văn làm nền tảng cho các lựa chọn cuộc sống hàng ngày của bạn, còn không bạn sẽ bất lực bị chúng chi phối.

MỚI ĐỌC TRIẾT THÌ NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU  

Hãy nói về những cuốn sách. Nếu bạn là một con gà mờ về triết học và e ngại trước độ dài và dày đặc chữ của hầu hết các tác phẩm triết học, thì không sao cả. Tôi đã lập danh sách những cuốn sách “nhập môn” bên dưới bàn luận về những tư tưởng triết học chính theo kinh điển phương Tây để bạn có thể làm quen một chút trước khi tự tìm hiểu.

Ngoài ra còn có các tiểu thuyết triết học và hồi ký. Nhiều triết gia thích định dạng này hơn là bài luận cổ điển. Chúng chắc chắn dễ đọc hơn, nhưng đôi khi lập luận và luận điểm của họ lại không rõ ràng. 

Tôi đã đưa vào cả những cuốn triết dễ đọc và khó đọc, hàn lâm. Rõ ràng là danh sách này không thể toàn diện đầy đủ. Vì phần lớn chúng bị ảnh hưởng bởi sở thích của tôi.

Tôi cũng khuyên bạn nên sử dụng công cụ tra cứu khi đọc, đặc biệt là đối với những cuốn sách khó. Tôi muốn tiến cử cuốn Stanford Encyclopedia of Philosophy (Bách khoa toàn thư về Triết học của Stanford). Đó là một nguồn tài liệu (miễn phí) tóm tắt các tác phẩm lớn và đưa ra lời giải thích đơn giản hơn về những khái niệm khó.  

NHẬP MÔN CÁC TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC   

  • Sophie’s World của Jostein Gaarder – Một cuốn tiểu thuyết dễ đọc và cũng là phần mở đầu cho toàn bộ kinh điển phương Tây. Sách đã xuất bản ở Việt nam với tựa đề Thế giới của Sophie: https://tiki.vn/the-gioi-cua-sophie-p449629.html
  • A Guide to the Good Life: The Ancient Art of Stoic Joy của William Irvine – giới thiệu về Chủ nghĩa Khắc kỷ. Sách đã xuất bản ở Việt nam với tựa đề Chủ nghĩa khắc kỷ https://tiki.vn/chu-nghia-khac-ky-phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than-p49459956.html?src=bestseller-page
  • The Happiness Hypothesis của Jonathan Haidt – Một bản tóm tắt của trí tuệ cổ xưa về hạnh phúc kết hợp với nghiên cứu tâm lý học hiện đại về hạnh phúc.
  • The Denial of Death của Ernest Becker – Becker dựa vào công trình nghiên cứu của Freud, Kierkegaard và Otto Rank đặt lại với nhau thành một khung hiện sinh về cái cách mà nỗi sợ cái chết truyền cảm hứng cho chúng ta tạo ra ý nghĩa. 
  • The Obstacle is the Way của Ryan Holiday – Một cuốn nhập môn tuyệt vời về triết học Khắc kỷ cũng như triết học cổ đại nói chung. Sách đã xb ở Việt Nam với tựa đề Trộm lấy cơ may từ vận rủi https://tiki.vn/trom-lay-co-may-tu-van-rui-p550924.html

TIỂU THUYẾT TRIẾT HỌC VÀ HỒI KÝ

  • The StrangerThe Plague của Albert Camus Người xa lạ https://tiki.vn/nguoi-xa-la-p699421.html; Dịch hạch https://shopee.vn/S%C3%A1ch-D%E1%BB%8Bch-H%E1%BA%A1ch-Albert-Camus-i.104288726.3828705770
  • Nausea của Jean-Paul Sartre. Đã xb ở Việt Nam với tựa đề Buồn nôn https://www.vinabook.com/buon-non-p29120.html
  • Crime and PunishmentBrothers Karamazov của Fyodor Dostoevsky Tội ác và trừng phạt https://tiki.vn/toi-ac-va-trung-phat-p431244.html, ANh em nhà Karamazovhttps://tiki.vn/anh-em-nha-karamazov-bia-mem-p17371079.html?src=search&2hi=0&keyword=Karamazov
  • Candide của Voltaire: Chàng ngây thơ https://www.khaitam.com/van-hoc/van-hoc-the-gioi/candide-chang-ngay-tho
  • Meditations của Marcus Aurelius. Đã xb ở Việt Nam với tựa Suy tưởng https://tiki.vn/suy-tuong-p5904643.html?src=search&2hi=0&keyword=suy+t%C6%B0%E1%BB%9Fng
  • Thus Spoke Zarathustra của Friedrich Nietzsche. Zarathustra Đã Nói Như Thế https://tiki.vn/zarathustra-da-noi-nhu-the-p403513.html
  • Man’s Search for Meaning của Viktor Frankl Đi tìm lẽ sống https://tiki.vn/di-tim-le-song-tai-ban-p13419678.html?spid=13419679&utm_source=google&utm_medium=cpc&utm_campaign=SEA_NBR_GGL_PLA_DTP_ALL_VN_ALL_UNK_UNK_C.ALL_X.10583203808_Y.101389018781_V.13419679_W.DT_A.977346477314_O.UNK&gclid=CjwKCAjwzIH7BRAbEiwAoDxxTvDy1uRxRPWBBBMFHWczLffmTxpEyrP7i-OhnqZwyRw8gI6Psv2xgRoCRkIQAvD_BwE

SÁCH TRIẾT DỄ ĐỌC  

  • The Republic của Plato Cộng hòa: https://tiki.vn/cong-hoa-the-republic-p361676.html
  • Meditations on First Philosophy của Rene Descartes - Suy ngẫm về triết học tiên khởi 
  • Ethics của Benedict Spinoza
  • Letters from a Stoic của Seneca- Lá thư của một người Khắc kỷ. Đọc bài đang dịch ở đây http://adreamer.spiderum.com/
  • Nature and Other Essays của Emerson
  • Beyond Good and Evil của Friedrich Nietzsche. Bên Kia Bờ Thiện Ác. sách đã xb ở VN nhưng lâu quá rồi: đọc ở đây http://jeffreythaisuutam.blogspot.com/p/ben-kia-bo-thien-ac.html
  • Fear and Trembling của Soren Kierkegaard. Kính Sợ Và Run Rẩy https://tiki.vn/kinh-so-va-run-ray-p31862727.html

TRIẾT HỌC NGHIÊM TÚC  

  • A Treatise on Human Nature của David Hume
  • Critique of Pure Reason by Immanuel Kant https://tiki.vn/phe-phan-ly-tinh-thuc-hanh-dao-duc-hoctai-ban-2020-p53716221.html?spid=53716222&utm_source=google&utm_medium=cpc&utm_campaign=SEA_NBR_GGL_PLA_UNK_ALL_VN_ALL_UNK_UNK_C.ALL_X.10585195866_Y.101943405302_V.53716222_W.DT_A.491613758548_O.UNK&gclid=CjwKCAjwzIH7BRAbEiwAoDxxTkYdVqJdrWTQDqLRpsFisFafccb88T4n8Gm-HBIvAbic85f6Gc-OCBoCvxkQAvD_BwE
  • Phenomenology of Spirit của G.W.F. Hegel. Hiện Tượng Học Tinh Thần https://tiki.vn/hien-tuong-hoc-tinh-than-tron-bo-2-cuon-p800132.html
  • The World as Will and Representation của Arthur Schopenhauer. Thế giới như là ý chí và biểu tượng
  • Being and Nothingness của Jean-Paul Sartre. https://www.daihoctuhoc.com/product-page/audio-ebook-being-and-nothingness
  • Reasons and Persons của Derek Parfit

Chú thích

  1. Karl Marx & Friedrich Engels, The German Ideology, I, III, 1, 6, C, 1845-6
  2. The book this line appears in is Martin Heidegger’s Being and TimeI would get you the page number but I’m still mildly traumatized from my last attempt to read it.
  3. There are more questions, of course. I am leaving others out simply for the sake of brevity, most notably aesthetics and the philosophy of language. But these are the three biggies, in my opinion.
  4. The Expanding Circle: Ethics, Evolution, and Moral Progress is a 1981 book by Peter Singer bridging the topics of sociobiology and ethics. In it, Singer defines the ethical progress of history as an “expanding circle” of empathy. Initially, we only empathize with ourselves and maybe some family members. Later, we were able to sympathize with strangers who are similar to us, then those dissimilar to us. Now our empathy can expand to include all of humanity and even non-human creatures.
  5. Descartes, Rene (1641) Meditations on First Philosophy. (D. A. Cress, translator). Indianapolis, Indiana. Hackett Publishing. pp. 19.
  6. See: Bostrom, N. (2003) “Are you living in a computer simulation?” Philosophical Quarterly. Vol. 53, No. 211. Pp. 243-255.
  7. Baker, M. (2016). 1,500 scientists lift the lid on reproducibilityNature News533(7604), 452.
  8. Descartes, Rene (1641) Meditations on First Philosophy. (D. A. Cress, translator). Indianapolis, Indiana. Hackett Publishing. pp. 19.
  9. Fun fact: David Hume and Adam Smith were, like, besties. Check out: Rasmussen, Dennis, (2017) The Infidel and the Professor: David Hume, Adam Smith, and the Friendship that Shaped Modern Thought. Princeton, New Jersey: Princeton University Press.
  10. Another fun fact: before he was into philosophy, Kant was into astronomy. In fact, he was the one who figured out how the planets of the solar system were formed.
  11. Donald Hoffman’s book, The Case Against Reality, presents a fascinating argument about how we almost certainly do not experience reality or even a close approximation of it. For a summary of some of his key ideas, see: Hoffman, D. (2019). Do we see reality? New Scientist, 243(3241), 34–37.
  12. Nietzsche, F. (1885) Thus Spoke Zarathustra: A Book For Everyone and No One (R. J. Hollingdale, Translator) New York: New York, Penguin (1963) pp. 214-5.
  13. Nietzsche, F. (1887) Beyond Good and Evil: Prelude to a Philosophy of the Future. (W. Kaufmann, Translator) New York: New York, Random House (1966) pp. 124-131.
  14. For an introduction to existentialism, see: Sartre, Jean-Paul (2007) Existentialism is a HumanismNew Haven, Connecticut: Yale University Press.
  15. Manson, M. (2016) The Subtle Art of Not Giving a F*ck: A Counterintuitive Approach to Living a Good LifeNew York: New York, Harper One. And yes, I just cited myself, motherfucker.
  16. Greer, T. “Chinese Leader Xi Jinping’s Mind Explained” Foreign Policy. Retrieved: 3 September, 2020.
  17. See: Kendi, I. X. (2019) How to Be an Antiracist. New York: New York, New York: One World, Random House. For criticism of CRT, see: Lindsay, J. & Pluckrose, H. (2020) Cynical TheoriesDurham, North Carolina: Pitchstone Publishing.

 

Nguồn: https://markmanson.net/why-we-all-need-philosophy

menu
menu