Tại Sao Chúng Ta không Nên Đánh Giá Thấp Sức Mạnh Của Sự Đa Dạng?

tai-sao-chung-ta-khong-nen-danh-gia-thap-suc-manh-cua-su-da-dang

Chúng ta nên coi những sự khác biệt của mình là một dạng tài năng. Và để nâng tầm tài năng, nó đòi hỏi bạn phải có lòng kiên trì và sự rèn luyện.

Cách tốt nhất để chuẩn bị cho một tương lai còn nhiều ẩn số là gì? Theo giám đốc phòng thí nghiệm của Viện công nghệ Massachuset (MIT) Joi Ito và tác giả Jeff Howe, hãy dựa trên sự khác biệt của chúng ta.

ảnh: iStock

Mùa thu năm 2011, tờ báo Nature Structural and Molecular Biology (Sinh Học Phân Tử và Cấu Trúc Tự Nhiên) đã xuất bản một bài báo cho biết sau hơn một thập kỉ nỗ lực, các nhà nghiên cứ đã đạt được thành công trong việc lập sơ đồ cấu trúc enzyme của những loại retrovirus (virus có vật chất di truyền là phân tử RNA) tương tự với HIV. Thành tựu đó được công nhận rộng rãi như là một bước đột phá, tuy nhiên còn có một thứ đáng kinh ngạc trong bài báo này. Trong số những nhóm nhà khoa học được vinh danh đã cống hiến cho bước ngoặt này có tên của “Foldit Void Crushers Group.” Và đây lại tên của một nhóm game thủ.

Foldit, một thí nghiệm mới mẻ thực hiện bởi một nhóm những nhà khoa học và nhà thiết kế game của Đại học Washington, đã hỏi những người chơi game – trong đó có những học sinh cấp hai, một số ít từng nghiên cứu khoa học, và rất ít nghiên cứu về vi sinh học – xem họ nghĩ protein biến đổi như thế nào trong enzyme. Trong vài giờ, hàng ngàn người đã tranh cãi (và phối hợp) với nhau. Sau ba tuần, họ đã làm được điều mà những nhà vi sinh học và các máy tính không thể làm. Người đồng sáng lập Foldit, David Baker cũng nói “Đây là lần đầu tiên tôi thấy những game thủ giải quyết một vấn đề khoa học nan giải.”

“Lối quản lý kiểu truyền thống thường sai lầm nghiêm trọng về việc chọn người phù hợp nhất cho một công việc.”

Nhưng đó sẽ không phải lần cuối cùng. Foldit đã tiếp tục tạo ra những mẫu enzyme phức tạp khác. Những dự án thí nghiệm khác cũng đã dùng cách tương tự thăm dò quần chúng để thực hiện những nhiệm vụ từ việc thu thập dữ liệu đến giải quyết những vấn đề khó khăn. Một trong những nhà đồng sáng lập khác của Foldit, Adrien Treuile, đã phát triển một tựa game là Eterna, trò chơi mà người chơi sẽ tạo ra thiết kế cho RNA tổng hợp. Khẩu hiệu của Eterna đã tóm tắt một cách ngắn gọn nội dung của dự án: “Giải câu đố. Tạo dược phẩm.” Những thiết kế của được tạo ra bởi những nhà khoa học bình dân của Eterna sau đó được tổng hợp ở Stanford.

Những thử nghiệm như thế này có thể tạo ra một cuộc cải cách về y học. Và chúng cũng chỉ ra một điều nữa: sự nhận thức rằng lối quản lý truyền thống thường sai lầm nghiêm trọng về việc chọn người phù hợp nhất cho một công việc. Cách tốt nhất để giao đúng người đúng việc, ít nhất là trong lĩnh vực công nghệ siêu vi sinh (nanobiotechnology), không phải là giao cho những người có học vị cao nhất những công việc khó nhất, mà là quan sát hành vi của hàng ngàn người và xác định người có năng khiếu nhất về những kĩ năng mà công việc yêu cầu. Như nhà thiết kế game của Foldit ở đại học Washington, Zoran Popović nói: “Bạn có thể nghĩ một tiến sỹ hóa sinh sẽ rất giỏi tạo ra các phân tử protein.” Nhưng không. “Những nhà hóa sinh giỏi một số việc khác còn Foldit đòi hỏi một chuyên gia có kỹ năng cao hơn.”

Một số game thủ có khả năng vượt trội về xác định mô hình, một dạng bẩm sinh của tư duy không gian mà hầu hết chúng ta đều thiếu. Theo Popović, một số người khác – thường là “những bà lão không học hết cấp ba”- lại sở hữu một khả năng xã hội tuyệt vời. “Họ biết cách giúp mọi người vượt qua bế tắc. Họ đưa đến những cách nhìn mới lạ.” Thật tiếc rằng những hãng dược phẩm lớn đã không biết được năng lực của những bà lão ít học này. (Và nếu bên Eli Lily (công ty dược) có đang xem xét việc thay đổi chiến lược tuyển dụng, thì chúng tôi biết một số người đang tìm việc đấy.)

Treuille cũng nhấn mạnh rằng anh và đồng nghiệp ở Eterna có thể “lọc ra từ hàng trăm nghìn người để tìm ra những người chuyên giải quyết những nhiệm vụ rất hóc búa.” Nói cách khác, họ có thể tìm đúng người đúng việc để đạt hiệu quả cao nhất – không dựa trên CV và quyết định cá nhân mà thông qua lượng thông tin được tạo ra từ trò chơi. Eterna xoay lại vấn đề về những giả định quan trọng trong chủ nghĩa tư bản, đó là việc cho rằng lực lượng lao động được phân bố hợp lý nhất qua một phong cách quản lý bằng mệnh lệnh và kiểm soát. Thay vì cách này, Eterna dựa vào sự đa dạng, một yếu tố thường bị đánh giá thấp lâu nay. Quả thực, trước khi có Internet, khó mà có thể nghĩ ra phương pháp này.   

“Điều làm nên thành công của crowdsourcing (tham khảo đám đông) là tác dụng của sự đa dạng, thứ xảy ra một cách tự nhiên trong bất cứ nhóm đông người nào.”

Khi điều này được phổ biến rộng hơn – trái ngược với những nghi ngờ ban đầu rằng nó chỉ là ảo ảnh về một thứ thần dược giữa thời đại kỹ thuật số - crowdsourcing chứng minh sự hiệu quả tuyệt vời. Những tổ chức và công ty như NASA, LEGO và Samsung đã đưa sự đóng góp của cộng đồng vào phương châm làm việc của họ. Trong quá trình này, họ đã thay đổi những rào cản lâu nay chia cách nhà sản xuất với người tiêu dùng. Giờ đây chúng chỉ còn là những tấm màn mỏng mà qua đó ý tưởng và sự sáng tạo hay thậm chí kiểm việc soát những khía cạnh quan trọng như chiến lược dài hạn cũng được chia sẻ một cách cởi mở. 

Về mặt lý thuyết, điểm cốt lõi của cách tiếp cận vấn đề này nằm ở công thức mới mẻ của hệ thống; điều làm nên thành công của crowdsourcing là tác dụng của sự đa dạng, thứ xảy ra một cách tự nhiên trong bất cứ nhóm đông người nào. Và thực ra, đã có không ít thiên tài khoa học được phát hiện một cách rất tình cờ như thế này. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là giải thưởng cho việc xác định kinh độ. Năm 1714, Quốc hội Anh đã treo giải thưởng 10,000 bảng Anh cho bất cứ ai có thể tìm ra cách xác định kinh độ. Những nhà khoa học hàng đầu đã rất nỗ lực giải quyết bài toán này, nhưng cuối cùng người giật giải thưởng lại là người thợ tự học làm đồng hồ John Harrison.

Dĩ nhiên, những người nghiệp dư đã từng đóng góp không ít vào những lĩnh vực yêu cầu nhiều sự quan sát như thiên văn học và khí tượng học. Nhưng trước khi có Internet, công chúng ít có cơ hội đóng góp vào những lĩnh vực khoa học khác. Chỉ trong những năm gần đây, các công ty, cá nhân lẫn viện nghiên cứu mới sử dụng mạng lưới liên lạc toàn cầu để tăng cường sức mạnh tư duy dùng để giải quyết các vấn đề cá nhân và quan trọng hơn là phát triển sự đa dạng về nhận thức, điều thường thiếu trong môi trường ngột ngạt của các công ty hay trung tâm thí nghiệm hàn lâm. 

Được thành lập vào năm 2000 bởi công ty dược Eli Lilly, InnoCentive đã xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên việc đem lượng chất xám đa dạng đến với khách hàng. InnoCentive ghi nhận vấn đề từ các công ty lớn, các phòng nghiên cứu và phát triển thương mại và các công trình nghiên cứu tiên phong về y tế. Sau đó họ đăng chúng lên một bảng tin online. Thông thường có khoảng 400,000 nhà khoa học chuyên nghiệp cũng như không chuyên từ 200 quốc gia, với hơn một nửa không sống ở châu Mỹ. Và đây không phải là những nhà khoa học xuất chúng. Nhưng hẳn bạn sẽ không tin khi hàng ngàn nhà hóa học ở một công ty dược phẩm đa quốc gia như Merck không thể giải quyết được một vấn đề về hóa học thì một sinh viên năm nhất ngành điện lực của đại học Texas lại làm được.

Và … bất cứ ai cũng có thể thử đăng một cách giải quyết lên. Nếu thành công, người đó sẽ được thưởng, thường từ 10,000$ đến 40,000$. InnoCentive cho biết khoảng 85% các vấn đề sẽ được giải quyết, quả là một con số ấn tượng nếu xét đến mức độ khó khăn của vấn đề. Nhưng thú vị hơn nữa là người giải được bài toán và bằng cách nào họ làm được.

Nhà xã hội học Scott E. Page đã nói “Năng lực là quan trọng nhưng khi ở trong đám đông, nó đem lại ít thành quả hơn.”

Điều đáng chú ý là hơn 60% những người giật giải ở InnoCentive có bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ trong khi gần 40% còn lại thì không. Thực tế, một trong những người giải quyết năng suất nhất là một người Canada tháo vát đã bỏ chương trình tiến sỹ vật lý lượng tử của mình để có thời gian chăm sóc cho cha mẹ.

Nhưng điều này vẫn không phải đáng kinh ngạc nhất. Hãy nhớ rằng những thử thách của InnoCentive hầu như là điều những bộ óc tài ba đã không thể giải được. Nếu một công ty sản phẩm tiêu dùng lớn đối đầu với việc giảm chi phí sản xuất một loại hợp chất, hẳn họ sẽ giao nó cho nhà hóa học tốt nhất của mình. Chúng ta có khuynh hướng tin rằng những người thông minh nhất, được đào tạo tốt nhất trong một lĩnh vực – những chuyên gia – là những người tốt nhất để giải quyết vấn đề trong chuyên môn của họ. Và quả thực thông thường sẽ như vậy. Nhưng khi họ thất bại, một điều khó tránh khỏi, niềm tin vững chắc của chúng ta vào nguyên lý của “khả năng” khiến chúng ta tưởng tượng rằng mình cần tìm một người giỏi hơn: những chuyên gia khác với được đào tạo chuyên sâu tương tự.

Nhưng các chuyên gia lại tạo ra các chuyên gia – đội ngũ những chuyên gia mới hóa ra cũng được đào tạo ở những ngôi trường, những học viện và những công ty danh tiếng y như những chuyên gia trước. Tài năng như nhau, hai nhóm chuyên gia này có thể sẽ áp dụng cùng một phương pháp, và có những thành kiến, điểm mù và xu hướng giống nhau. Như nhà xã hội học Scott E. Page, tác giả của cuốn The Difference: How the Power of Diversity Creates Better Groups, Firms, Schools, and Societies (Sự khác biệt: Cách sự đa dạng tạo ra các nhóm, công ty, trường học, và xã hội tốt hơn) đã nói “Năng lực là quan trọng nhưng khi ở trong đám đông, nó đem lại ít thành quả hơn.”

Theo như nghiên cứu của Trường Kinh Doanh Harvard, có một sự tương quan tích cực giữa những giải pháp thành công và những gì mà nhà nghiên cứu Karim Lakhani gọi là “cách biệt với lĩnh vực.” Nói đơn giản, một người càng ít biết về một lĩnh vực càng dễ giải quyết vấn đề liên quan đến nó.

Điều này có một ý nghĩa thiết thực đối với cách phân bổ nguồn năng nhân lực, hay như chúng ta đang nhận ra, cách để cho nguồn nhân lực tự phân bổ, với những dự án như InnoCentive hay Eterna. Nhờ những nghiên cứu đang liên tục chứng minh rằng những nhóm đa dạng thì có năng suất cao hơn trong nhiều lĩnh vực, sự đa dạng đang trở thành một yêu cầu chiến lược trong các trường học, công ty và những loại hình tổ chức khác. Nó sẽ tốt cho chính trị, thương mại. Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ quyết tâm với bình đẳng giới tính và sắc tộc, nó còn tốt cho tinh thần chúng ta. Nhưng trong một kỷ nguyên mà những thử thách sẽ ngày càng phức tạp, sự quản lý thông minh đơn giản sẽ đánh dấu một bước tiến thoát khỏi thời mà đa dạng và năng lực không thể song hành. 

Chủng tộc, giới tính, xuất thân xã hội và đào tạo chuyên sâu đều quan trọng nhưng chỉ khi chúng là điểm khởi đầu cho một xã hội đa dạng. Hơn nữa, vì chúng ta không thể biết trước xuất thân, học vấn hay lối tư duy thế nào sẽ tạo ra đột phá nên ông Page đã nói “chúng ta nên coi những sự khác biệt của mình là một dạng tài năng. Và để nâng tầm tài năng, nó đòi hỏi bạn phải có lòng kiên trì và sự rèn luyện."

----------

Tác giả: Joi Ito, Jeff Howe

Link bài gốc: Why we shouldn't underestimate the power of diversity

Dịch giả: Nguyễn Hoàng Phương - ToMo: Learn Something New

menu
menu