Tại sao mọi mối quan hệ luôn cần một người thứ ba?
Khi nghiên cứu về tâm lý học gia đình, người ta thấy rằng bộ 3 (Triangling) là hình mẫu vô cùng phổ biến.
Tại sao mọi mối quan hệ luôn cần một người thứ ba? Hai người yêu nhau thì hay có đứa bạn thân đứng giữa. Bố mẹ bất hòa thì con cái thường chịu trận. Hai đứa bạn ngồi gặp nhau nhưng lại đi tán chuyện về một người khác. Mối quan hệ trục trặc thì lại xuất hiện tiểu tam. Hay đã bao giờ bạn phải ở trong tình huống nảy sinh sự căng thẳng giữa 2 bên, và bạn cảm thấy bị xâu xé khi đứng giữa.
Khi nghiên cứu về tâm lý học gia đình, người ta thấy rằng bộ 3 (Triangling) là hình mẫu vô cùng phổ biến. Như trong hình minh họa, giả dụ người bố vừa đi làm về, rất stress vì bị sếp mắng (Hình a). Ngay lập tức, người vợ bắt được tín hiệu căng thẳng từ chồng, và bắt đầu cũng thấy khó chịu theo (Hình b). Bầu không khí giữa 2 người bắt đầu căng lên, sự giao tiếp dần trở nên bất hòa, và một luồng lo lắng chạy quanh căn phòng (Hình c). Làm sao để sự âu lo được giải tỏa? Sao giận cá lại phải chém thớt?
Đây là cách loài người thường làm. Lôi một bên thứ ba vào. Đứa con luộm thuộm bước ra cửa phòng, và ngay lập tức nó bị mẹ mắng xối xả (Hình d). Bố đỡ stress vì đã chia được cho mẹ. Mẹ đỡ giận vì đã truyền lại cho con. Đứa con nhận được cục "tức" không phải của mình, nhưng vẫn phải nhận. Nếu may mắn, nó tìm được cách "xả ra": Khóc, nói chuyện với bạn bè, lên mạng chơi game... Nếu không may, nó giữ lại những lo lắng này trong mình. Và sau hàng nghìn lần như thế, lớn lên nó trở thành một người nghĩ nhiều, âu lo, trầm cảm... Tất cả chỉ vì thường xuyên bị lôi kéo vào một mối quan hệ tay ba mà mình không hề "chọn".
Nếu nhận ra được hình mẫu "bộ ba" thì bạn sẽ thấy nó xuất hiện ở khắp mọi nơi trong mọi bối cảnh. Sáng ra sếp vừa cãi nhau với vợ, và bạn bị lôi vào ăn mắng. Hai người đang tranh cãi và bạn bị lôi vào để phân xử. Đọc sách được 15', sự bứt rứt giữa bạn và cuốn sách tăng lên và bạn lôi một bên thứ 3 (lên FB, Insta) để giảm tải. Mối quan hệ giữa bạn với nỗi buồn, hay công việc, hay cuộc đời... đang dồn ứ lên, và bạn gọi một ai đó ra để nói chuyện cho vơi sầu.
Chúng ta không thể thoát khỏi tình trạng bộ 3, vì nó là cách dễ nhất để con người giải phóng lo âu và lo âu thì không thể loại bỏ hoàn toàn. Khổ nhất của những đứa con là hay phải chọn phe và đảo phe: Đứng về phía mẹ để chỉ trích cha; hay đứng về phe cha vì rất thương cha. Tất nhiên, bản thân bộ 3 không xấu, nhưng nó thường được sử dụng cho mục đích "không lành mạnh". Lo lắng không (chỉ) tự nhiên sinh ra, nó thường được truyền từ người này sang người khác. Để thoát khỏi nó, trước hết, bạn phải nhận ra mình đang vô thức bị lôi kéo vào những "bộ ba" không đáng có nào. Rồi... trả lại hết những âu lo không hề thuộc về mình.
Cre: Minh Đào