Tại sao một số người dường như không bao giờ hài lòng với chính bản thân?
Bạn nghĩ mà xem, trong cuộc sống, dường như những người thường không hài lòng với bản thân và luôn cảm thấy rằng họ "không đủ tốt", không hề hiếm gặp.
Chúng tôi đã nhận được một tin nhắn thế này:
“Tôi là mẹ đơn thân, nhiều lúc rất muốn thoát khỏi tình cảnh này, nhưng người khác sẽ không coi tôi ra gì đâu. Cũng khó trách, đến bản thân tôi cũng không coi bản thân ra gì, không có thành tích, không có ngoại hình, không có tiền, cũng không có tài năng gì cả. Chuyên gia tư vấn của tôi nói rằng, tôi phải học cách yêu lấy bản thân mình, nhưng tôi không làm được. Tôi không thấy bản thân mình có điểm nào xứng đáng được yêu thương. Cô KY, có phải cuộc đời tôi đã được định sẵn là sẽ mãi mãi cô đơn không?"
Sau khi đọc tin nhắn, tôi nhận thấy rằng người hâm mộ này cực kỳ không hài lòng với bản thân, những đánh giá về bản thân tràn ngập sự công kích và tiêu cực. Trên thực tế, sự bất mãn sâu sắc với bản thân cô là lý do khiến cô gặp khó khăn trong việc thoát khỏi nó và những khó khăn khi giao tiếp với những người khác.
Bạn nghĩ mà xem, trong cuộc sống, dường như những người thường không hài lòng với bản thân và luôn cảm thấy rằng họ "không đủ tốt", không hề hiếm gặp. Họ còn có những "thói quen" này (Matthews, 2014; Noormega, 2017):
- Luôn đặt mục tiêu rất thấp, thậm chí chủ động từ bỏ việc theo đuổi những mục tiêu lớn hơn tốt hơn đó, ngay cả khi bản thân họ rất mong muốn đạt được chúng.
- Quen sử dụng những phương pháp rất tiêu cực để thúc đẩy bản thân, dường như chỉ bằng cách đay nghiến và chỉ trích bản thân, họ mới có động lực để thay đổi.
- Dễ dàng coi quan điểm của người khác như một lời buộc tội nhằm vào mình và luôn cảm thấy rằng lời nói của người khác đang hướng vào mình.
- Rất khó tha thứ cho bản thân vì những sai lầm hoặc thất bại, luôn vướng vào những hối tiếc trong quá khứ, luôn canh cánh trong lòng những điều "không nên".
- Luôn so sánh bản thân với người khác, sống trong sự đố kị hoặc ghen tị với người khác, luôn cảm thấy rằng "người khác cái gì cũng tốt hơn tôi".
- Cảm thấy xấu hổ và bối rối trước sự đánh giá cao từ người khác, luôn cảm thấy người khác khẳng định mình chỉ vì họ lịch sự hoặc tốt bụng.
Nếu bạn thấy mình có nhiều hơn một trong những "thói quen" này trong cuộc sống hàng ngày, thì có khả năng sự ác cảm với bản thân đã âm thầm ảnh hưởng đến bạn.
1. Chán ghét bản thân (self-loathing) là một dạng nhân định chủ quan rằng "Tôi không đủ tốt"
Chán ghét bản thân chỉ một người về cơ bản cảm thấy rằng người đó không tốt hoặc ít nhất là không đủ tốt về mọi mặt, do đó cảm thấy rằng họ không xứng đáng để có những điều tốt đẹp hoặc những mối quan hệ tốt đẹp (White, 2013). Lý do để nhấn mạnh "về cơ bản" là đối với những người tự chán ghét bản thân mà nói, ngay cả khi những người khác đem cả bằng chứng ra để chứng minh họ "thực sự rất tốt đẹp", họ vẫn sẽ kiên trì nhận định bản thân không tốt. Đây là một nhận định hoàn toàn chủ quan. Những người này thường cảm thấy sâu trong nội tâm họ có một nhà phê bình sắc sảo và khắc nghiệt, liên tục đặt ra những nghi ngờ, những lời xúc phạm và làm nhục đánh trúng vào điểm yếu của họ.
Những tác động bất lợi của việc tự chán ghét bản thân là gì?
Như đã đề cập trước đó, sự ác cảm với bản thân sẽ ngăn cản mọi người theo đuổi những gì họ thực sự muốn, và nó cũng khiến mọi người mất đi sự hài lòng, thành tựu và lòng tự trọng mà họ nên có sau khi đạt được mục tiêu của mình (Matthews, 2014).
Ngoài ra, tự chán ghét bản thân cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ thân thiết và mối quan hệ với mọi người trong xã hội.
Mặc dù khao khát được yêu thương, nhưng những người tự chán ghét bản thân rất sợ bắt đầu một mối quan hệ. Họ cho rằng sẽ không có một ai toàn tâm toàn ý yêu thương và quan tâm đến họ; ngay cả khi có ai đó tỏ ra có thiện chí, họ sẽ nghĩ rằng bên kia chỉ là “bị lừa” hình tượng bên ngoài của họ thôi. Một khi đã ở trong một mối quan hệ, đối phương sẽ thấy rằng họ vô dụng và sẽ không tiếp tục yêu họ nữa (White, 2011).
Và họ cũng có xu hướng ở trong một mối quan hệ không lành mạnh. Sự coi thường và tổn thương của đối phương sẽ mang lại cho họ cảm giác an toàn và quen thuộc - Họ nghĩ rằng một bản thân như vậy chỉ xứng đáng với một mối quan hệ tồi tệ như vậy. Ngược lại, những người đối xử với họ bằng sự chân thành sẽ khiến họ cảm thấy thấp thỏm lo âu, thậm chí phiền phức. Bởi vì đối với những người tự chán ghét mình, lòng tốt là một thách thức đối với nhận thức của họ về bản thân.
Mọi người thường sợ bị "chỉ trích" vì nó thách thức nhận thức tích cực của họ về bản thân. Nhưng đối với những người tự chán ghét bản thân, "được biểu dương" và "được công nhận" mới tạo nên kiểu thách thức như vậy, mang tính đe dọa cực kỳ cao (Karson, 2015).
Không chỉ vậy, họ cũng có nhiều khả năng cho đi nhiều hơn và hiếm khi yêu cầu nhận lại trong mối quan hệ. Động cơ của việc làm này là một loại bồi thường, hoặc tự trừng phạt gây ra bởi cảm giác tội lỗi áy náy. Họ cho rằng, đối phương chịu giao du với một người không đủ tốt như mình, là họ đã phải chịu “thiệt thòi” và “ấm ức” rồi, do đó họ cảm thấy áy náy, nên họ muốn bồi thường cho đối phương và trừng phạt bản thân bằng cách cho đi nhiều hơn và đòi hỏi ít hơn.
2. Tại sao một số người lại rơi vào tình cảnh tự chán ghét bản thân?
Một môi trường gia đình "thiếu cảm giác đủ đầy".
Một lý do chúng ta có thể dễ dàng nghĩ đến là môi trường gia đình nguyên sơ. Đúng vậy, nếu cha mẹ luôn chỉ trích lời nói và hành động của con cái họ, trẻ sẽ dễ rơi vào tình trạng tự chán ghét bản thân. Đặc biệt, khi cách thể hiện sự chỉ trích của cha mẹ không thỏa đáng, và đứa trẻ vẫn chưa thể phân biệt được giữa “sự phê bình đối với lời nói và hành vi” và “sự chỉ trích nhắm vào con người chúng”, chúng sẽ quen dần với kiểu tư suy “đều bởi vì mình không tốt”, “mình cái gì cũng tệ”. Để có được cảm giác bản thân biết nghe lời và để làm hài lòng cha mẹ, trẻ em cũng sẽ chọn cách đồng lòng với cha mẹ nghiêm khắc, nội tâm hóa giọng nói và dần dần tự phê bình, cảm thấy không hài lòng và chán ghét bản thân.
Nhưng đôi khi, cha mẹ vốn không hề quá khắc nghiệt với con cái, nhưng con cái sau khi trưởng thành vẫn cảm thấy chán ghét bản thân. Có thể có hai tình huống:
Tình huống đầu tiên là, cha mẹ thiếu sự khẳng định và khuyến khích tích cực cho con cái, hoặc cha mẹ hiếm khi thể hiện cảm xúc tích cực trước mặt con cái. Tại thời điểm này, trẻ nhỏ có thể giải thích tình huống này là "sự tồn tại của tôi không hề mang lại sự hài lòng cho cha mẹ, tôi không thể làm hài lòng cha mẹ, tôi không đủ tốt".
Tình huống thứ hai là bản thân cha mẹ đang phải trải qua "giai đoạn khó khăn" trong cuộc sống của chính họ và mệt mỏi với việc phải đối mặt với nhiều áp lực khác nhau, điều này có thể khiến cả gia đình đầy căng thẳng và lo lắng. Một số trẻ sẽ nhận thức sâu sắc về những khó khăn mà gia đình phải đối mặt, do đó nghi ngờ liệu chúng có phải là "gánh nặng hoặc rắc rối của cha mẹ" (Freedenthal, 2013).
Hai tình huống trên sẽ khiến trẻ thiếu đi khả năng "hài lòng" với bản thân và người khác hoặc môi trường, do đó trẻ dễ rơi vào tình trạng không hài lòng và ác cảm với bản thân.
- Thoát khỏi sự thất vọng và bất lực đối thế giới bên ngoài.
Sự chán ghét bản thân mang lại nhiều tác động tiêu cực cho mọi người nhưng mọi người vẫn bị chìm sâu vào đó, bởi vì mọi người cũng nhận được một số cảm xúc tích cực từ nó.
Khi phải đối mặt với những mục tiêu không thể đạt được, những mối quan hệ không hạnh phúc, những tình huống cô đơn, những lúc thất bại hay bị đả kích, trong trang thái tự chán ghét bản thân, mọi người thường có những cảm giác giả về "hy vọng" và "sức mạnh", đó là "khi tôi trở nên khá hơn, mọi thứ sẽ ổn thôi." Nói cách khác, những người này thông qua sự chán ghét bản thân để thoát khỏi sự thất vọng và hối tiếc mà họ phải đối mặt trong cuộc sống. Nhưng sự thật là ngay cả khi chúng ta trở nên tốt hơn, vẫn sẽ có một số chuyện không tốt đẹp. Nhưng đó là chuyện hoàn toàn bình thường.
Theo cách này, những người tự chán ghét bản thât rất mâu thuẫn. Một mặt, họ cảm thấy tồi tệ và chán ghét chính mình, nhưng mặt khác, họ lại không sẵn sàng chấp nhận rằng đối với một số điều họ vốn không thể thay đổi được.
3. Vậy, làm thế nào để thoát khỏi sự tự chán ghét này?
Đầu tiên, bạn cần cho phép bản thân "thất vọng" và "bất lực". Bạn cần hiểu được cái gọi là thế sự vô thường, và bạn phải học được cách tha thứ cho chính mình. Thất bại một lần không nhất thiết có nghĩa là bạn không đủ tốt, kể cả khi bạn trở nên tốt hơn, thất bại cũng có lúc không tránh khỏi - thực tế, ngay cả người được coi là hoàn hảo cũng có lúc gặp khó khăn.
Thứ hai, trong cuộc sống hằng ngày, bạn hãy học cách nhìn nhận bản thân dựa trên góc độ ưu thế của chính mình, thay vì từ góc độ của vấn đề (from problem-based to strengths-based). Giáo dục nhận được từ thời thơ ấu và các quy tắc vận hành của thế giới trưởng thành, đều nên khuyến khích mọi người nhìn nhận bản thân từ góc độ của "các vấn đề", chẳng hạn như, "những thiếu sót nào khác tôi cần phải khắc phục và sửa chữa?", "những vấn đề nào có thể tránh được vào lần tới”, “điều này tôi có thể làm tốt hơn”, v.v.
Nhìn từ góc độ ưu thế khiến mọi người tin rằng họ đều có ưu thế và tiềm năng, học cách liên tục khám phá những điểm mạnh của bản thân và khám phá ra những ưu điểm của chính họ ngay cả trong những trường hợp xấu nhất (Hammond, 2010).
Để thực hành thói quen nhìn nhận sự việc từ góc độ ưu thế, bạn có thể tự hỏi mình những câu hỏi sau và đưa ra câu trả lời (Braime, n.d.):
- Trong số những sự việc/phẩm chất riêng/năng lực của mình, điều gì khiến tôi cảm thấy tự hào nhất?
- Việc gì khiến tôi hạnh phúc/phấn khích nhất khi làm việc đó? Những phẩm chất riêng/khả năng nào có để giúp tôi cảm thấy vui vẻ trong sự việc này?
- Lần cuối tôi gặp khó khăn là khi nào? Những phẩm chất riêng /năng lực/ưu thế nào đã giúp tôi đã thoát khỏi tình cảnh lúc đó?
Những bài tập như vậy, trên thực tế có thể mang lại cho bạn cơ hội để nhìn nhận bản thân một cách tích cực. Dần dần, bạn sẽ cảm nhận được sức mạnh của mình từ góc độ ưu thế, và bạn không còn cần phải thông qua sự tự phê bình để thoát khỏi cảm giác bất lực. Trong quá trình này, bạn cũng sẽ học được cách chấp nhận trạng thái "đủ tốt" (good enough), từ đó cảm nhận được sự đủ đầy. Không ai có thể luôn luôn hoàn hảo và luôn luôn đúng. Thay vì tự hỏi "tại sao tôi luôn làm không tốt như vậy", chúng ta cần một tâm trạng "mặc dù đó không phải là tốt nhất, nhưng vậy là đủ". Điều này sẽ giúp bạn dần dần chấp nhận những "cảm giác thất vọng không thể tránh khỏi".
Ngoài ra, bất cứ khi nào trong lòng bạn lại xuất hiện những lời tự chỉ trích hoặc cảm giác tự chán ghét bản thân, hãy tưởng tượng rằng bạn đang nói chuyện với người bạn quan tâm nhất. Ví dụ, nếu người đó đang phải trải qua những thứ giống bạn đã trải qua, bạn muốn nói gì với người đó? (Freedenthal, 2013).
Cuối cùng, điều đáng nói là những người tự chán ghét bản thân sẽ không hài lòng với bản thân vì những thiếu sót của họ ở nhiều khía cạnh khác nhau, và cốt lõi của những điều này vẫn thiếu đi việc"yêu và được yêu".
Thế thì có phải là có thể thoát khỏi sự chán ghét bản thân bằng cách "tìm kiếm tình yêu đích thực"? Không hẳn. Tình yêu đích thực không phải là sự cứu rỗi toàn năng. Khát khao tình yêu và được yêu trong lòng những người tự chán ghét bản thân thật khó có thể có một người nào đó (the one) thỏa mãn hoàn toàn.
Do đó, bạn có thể cố gắng tìm cơ hội và minh chứng được yêu thương bởi nhiều người khác nhau, và làm giảm sự mong đợi của một người cụ thể hoặc một mối quan hệ nhất định. Rồi sự thiếu thốn, không hài lòng và thất vọng mà chúng ta cảm thấy cũng sẽ giảm đi.
Bạn cũng có thể cho mình thêm một chút lòng tốt và cơ hội để có những gì bạn thực sự mong muốn.
Tài liệu tham khảo:
Braime, H. (n.d.). 10 ways to find your own personal strengths. Lifehack.
Freedenthal, S. (2013). How to turn self-hatred intoself-compassion? Good Therapy.
Hammond, W. (2010). Principles of strengths-based practice. Resiliency Initiatives.
Matthews, K. (2014). How to tell if you’re self-loathing and what to do about it? The Huffington Post.
Noormega, R. (2017). 10 signs you hate yourself and don'teven realize it. Thought Catalog.
Psychalive. (n.d.). I hate myself.
White, M. D. (2011). Why it’s hard to love people who don't love themselves?Psychology Today.
White, M. D. (2013). Do the self-loathing see the same “self” that others do? Psychology Today.
______
Nguồn: zhidao.baidu.com/daily/view?id=202094
Ảnh: Getty Images/iStockphoto
Dịch bởi: Trang Thu Trang