Tại sao một số người không biết rút ra bài học từ lỗi lầm của mình
Không biết rút kinh nghiệm từ sai lầm? Một phần nguyên nhân là do thời thơ ấu và cách con người cân nhắc rủi ro và phần thưởng.
Nghiên cứu phát hiện thấy, những người trưởng thành không biết rút ra bài học từ những sai lầm của họ thường có tuổi thơ đầy căng thẳng và khó cảm nhận được hiểm nguy đang kề cận. Vì thế mà đối với những người từng bị ngược đãi thuở bé, họ gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện ra những vấn đề về sức khỏe tài chính hoặc pháp lý đang đến gần. Nhưng khi vận rủi ập đến, những người có tuổi thơ căng thẳng sẽ bị tác động nặng nề hơn – có lẽ vì điều đó khiến họ bất ngờ nhiều hơn.
Giáo sư Seth Pollak, người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết:
“Không phải những người này quyết định chuốc lấy những rủi ro tiêu cực đó, hay làm những việc mang lại rắc rối cho bản thân. Có thể là não bộ của họ không thực sự xử lý thông tin để báo cho họ biết rằng họ đang “đâm đầu vào đá”, rằng đây không phải là bước đi đúng đắn.”
Nghiên cứu về lý do tại sao con người không học hỏi được từ những sai lầm của họ
Đối với nghiên cứu này, những người trẻ—một số người trong đó từng trải qua tuổi thơ đầy căng thẳng—được giao cho làm một loạt bài kiểm tra về rủi ro và phần thưởng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những trẻ bị ngược đãi khi khoảng 8 tuổi gặp khó khăn hơn trong việc học hỏi từ sai lầm và khó cảm nhận được mất mát đang đến.
Họ hết lần này đến lần khác đưa ra những quyết định thiếu sáng suốt giống nhau, khi cân nhắc giữa rủi ro và phần thưởng.
Giáo sư Pollak nói:
“Theo quan sát của chúng tôi, không phải là họ không biết tính toán, mà thực sự là họ không chú tâm đến những điều đúng. Chúng tôi không thấy họ cải thiện theo thời gian.
Bạn có thể nói rằng, ‘Chà, họ không biết cách tính toán.’
Nhưng đối với người có tuổi thơ căng thẳng cực độ thì thậm chí sau khi trải qua nhiều khó khăn thử thách, họ vẫn không biết dùng phản hồi tiêu cực để thay đổi và cải thiện hành vi của mình.”
Ảnh quét não cũng tiết lộ rằng có hoạt động tương đối thấp ở những vùng não liên quan đến sự mất mát khi những người đó đang cân nhắc đến lựa chọn của họ—giúp lý giải tại sao một số người không biết rút ra bài học từ sai lầm của mình.
Giáo sư Pollak nói tiếp:
“Rồi sau đó, khi họ thua cuộc, mất mát, chúng ta sẽ thấy nhiều hoạt động hơn dự kiến—một phản ứng thái quá—ở phần não bộ phản ứng với phần thưởng, điều này cũng hợp lý.
Nếu bạn không nhận biết được tín hiệu rằng mình có khả năng thua thì bạn có thể sẽ khá sốc khi bạn không chiến thắng.”
Giáo sư Rasmus Birn, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết họ muốn mở rộng phát hiện này:
“Bây giờ khi đã phát hiện ra điều này, chúng tôi có thể dùng nó để chỉ dẫn chúng tôi xem xét về những mạng lưới cụ thể trong não bộ đang hoạt động và kết nối theo chức năng.
Chúng ta có thể thấy rằng sự căng thẳng thời thơ ấu sẽ định hình lại cách liên lạc diễn ra trong não bộ.”
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS (Birn et al., 2017).
Nguồn: https://www.spring.org.uk/2023/02/not-learning-from-mistakes.php