Tại sao người ta thảo mai với nhau?

tai-sao-nguoi-ta-thao-mai-voi-nhau

Không thật sự muốn tốt với nhau, không thật sự muốn tử tế với nhau, vậy mà người ta vẫn cứ tỏ ra như là yêu quý nhau lắm, tốt với nhau lắm ấy. Vì sao?

 

Nạn nhân của sự “thảo mai” có thể phát triển lòng tự trọng thấp, lo âu và trầm cảm

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Hai tiến sĩ tại Mỹ, Melanie Greenberg - nhà tâm lý học lâm sàng, tác giả của The Stress-Proof Brain và Julia Breur - nhà trị liệu hôn nhân và gia đình, cùng quan tâm đến việc tại sao một số người tử tế giả tạo và một số người chấp nhận sự giả tạo ấy.

Theo PT, hai tiến sĩ này đưa ra 3 lý do phổ biến khiến người ta “thảo mai” với người khác như sau:

  1. Ái kỷ: Tiến sĩ Greenberg giải thích, những người này thường tự hỏi cách nào tốt nhất để hoàn thành mục tiêu của họ mà không quan tâm quá nhiều đến người khác. Họ sẽ tốt, sẽ xởi lởi, sẽ rất tử tế với người khác chỉ vì hy vọng đạt được một số lợi ích cá nhân.
  2. Kiểm soát: Tiến sĩ Breur đề nghị nên để mắt đến ai đó có vẻ tốt bụng với bạn nhưng hay phán xét người khác. “Những người không thật thường đánh giá người khác như một cách để giành quyền kiểm soát. Hãy cẩn thận, bởi vì một số người có thể sử dụng lòng tốt để cố gắng kiểm soát bạn”.
  3. Không an toàn: Tiến sĩ Greenberg nói rằng không nên quy sự "thảo mai" hoàn toàn tiêu cực, ai như thế cũng có động cơ thầm kín. Ví dụ, một người thiếu cảm giác an toàn có thể không tự tin khi yêu cầu sự giúp đỡ. Do đó, họ “đề nghị” người khác giúp bằng cách thường xuyên thể hiện những lời nói và hành vi đẹp.

Làm sao để biết ai đó tử tế chỉ vì lợi ích?

Một người khen lấy khen để những gì bạn nói hoặc làm khi sinh nhật của họ đến gần với ý định nhận được món quà họ gợi ý với bạn. Bệnh nhân khen ngợi bác sĩ với hi vọng rằng sẽ được ưu tiên. Học sinh ở lại sau giờ học bắt chuyện và khen bài giảng để giáo viên biết họ là ai và có thể du di điểm số. Khách hàng khen ngợi thợ làm tóc với hy vọng sẽ được chăm sóc tốt hơn, có kiểu tóc đẹp hơn. Khách mời nhà đài khen người dẫn chương trình để được xem là khách mời đặc biệt và có cơ hội quay lại.

Hay "thảo mai" để nhận được sự hỗ trợ, chẳng hạn như lính tâng bốc sếp với hy vọng được công nhận hoặc được thăng chức. Nịnh hót và tỏ ra tốt quá mức khi hẹn hò để gây ấn tượng với một đối tác tiềm năng…, theo PT.

Vì sao người ta chấp nhận sự “thảo mai”?

Con người ai chẳng thích được nhận sự tử tế. “Một số cá nhân khao khát lòng tốt hoặc lời khen. Chúng cho cảm giác tốt đẹp. Thật hay khi có ai đó khen ngợi bạn, đặc biệt nếu bạn đang có một ngày tồi tệ”, tiến sĩ Breur nói với PT. 

Thứ nữa, không phải ai cũng dễ dàng lên tiếng phản bác lại những người có lời nói và ý định trong lòng bất nhất. Bà lấy ví dụ: “Một đứa trẻ có thể cảm nhận được ai đó tử tế vì động cơ riêng, nhưng không thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình bằng lời nói cho đến nhiều năm sau. Thật đáng buồn, chúng ta nghe đi nghe lại những câu chuyện về việc trẻ tin vào “lòng tốt” của người thân, giáo viên, huấn luyện viên thể thao… nhưng nhiều năm sau đó, chúng nói ra rằng người đó đã lợi dụng chúng, thậm chí là về mặt tình dục”.

Một số người nhận ra lòng tốt giả ngay lập tức, trong khi những người khác khao khát sự tử tế đến nỗi không quan trọng điều đó có thật hay không. Họ cần chúng để lấp đầy khoảng trống trong bản chất không an toàn của họ.

“Một số người thiếu vắng cảm giác an toàn đến mức họ cần lời khen quá. Vì vậy, họ mất nhiều thời gian hơn để nhận ra sự nịnh hót không thành thật”, tiến sĩ Greenberg chia sẻ.

Ngoài ra, cách nuôi dưỡng có liên quan nhiều đến việc nhận thức về lòng tốt. Ví dụ, nếu từ bé bạn thường bị chê vô dụng thì khi lớn lên, bạn dễ bị nịnh hót hơn.

Hậu quả của "thảo mai"

“Thảo mai” gây ra các vấn đề về niềm tin, cảm giác bị lợi dụng và thất vọng. Người ta sẽ luẩn quẩn câu hỏi: Sao mình lại bị đối xử như thế? Sao chẳng ai yêu quý tôi vì chính tôi?...

Tiến sĩ Breur nói thêm trên PT, nạn nhân của sự “thảo mai” có thể phát triển lòng tự trọng thấp (tin tưởng lòng tốt giả tạo khiến người ta suy nghĩ ít hơn về việc đưa ra quyết định, cảm thấy không an toàn hoặc không thông minh); lo âu (lòng tốt giả làm cho người ta lo lắng về việc chấp nhận cử chỉ tử tế của những đối tượng khác); và trầm cảm.

Theo https://thanhnien.vn/chuyen-gia-ly-giai-tai-sao-nguoi-ta-thao-mai-voi-nhau-post869484.html

menu
menu