Tại sao sang chấn có thể dẫn đến nghiện ngập

tai-sao-sang-chan-co-the-dan-den-nghien-ngap

Sang chấn tâm lý thời thơ ấu làm tăng nguy cơ nghiện ngập khi trưởng thành, nhưng nguyên nhân do đâu?

Những điểm chính

  • Có một mối tương quan chặt chẽ trong tài liệu khoa học giữa sang chấn và nghiện ngập
  • Sang chấn và căng thẳng mãn tính có thể khiến cho hệ thống phản ứng đối với căng thẳng bị rối loạn, có thể làm cho con người dễ rơi vào những hành vi nghiện ngập.
  • Sang chấn có thể dẫn đến chứng giải thể nhân cách (depersonalization) và tình trạng tê liệt, vô cảm, có thể khiến con người càng dễ sa vào hành vi nghiện ngập.
  • Một lối tiếp cận nhận thức về-sang chấn là rất cần thiết cho việc khái niệm hóa và điều trị nghiện.

Nhiều nghiên cứu xác nhận mối liên hệ giữa trải nghiệm đau thương thời thơ ấu và hành vi nghiện ngập ở tuổi trưởng thành. Một trong những nghiên cứu đáng chú ý nhất là nghiên cứu gốc về Trải nghiệm tuổi thơ bất trắc (ACEs) bởi Felitti và các đồng nghiệp (1998). ACEs bao gồm những trải nghiệm đau thương trong vòng 18 năm đầu đời như bạo hành thể xác, cảm xúc và tình dục, bị bỏ rơi, mất cha/mẹ, chứng kiến hành vi bạo lực bạn đời, và sống với một thành viên trong gia đình mắc bệnh tâm thần. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi điểm số ACEs tăng thì nguy cơ nghiện rượu và các chất kích thích/gây nghiện khác cũng tăng ở tuổi trưởng thành (Felitti và cộng sự, 1998).

Sau hơn 20 năm nghiên cứu liên quan đến ACEs, các tài liệu khoa học đưa ra mối liên hệ chặt chẽ giữa điểm số ACE và sự nghiện ngập (Zarse và cộng sự, 2019). Ví dụ, những người lớn xác nhận từ bốn mục ACEs trở lên có nguy cơ gặp vấn đề về rượu cao gấp ba lần ở tuổi trưởng thành (Dube và cộng sự, 2002), và những người xác nhận từ ba mục ACE trở lên có nguy cơ dính vào tệ nạn cờ bạc cao hơn gấp ba lần (Poole và cộng sự, 2017).

Vậy mối liên kết giữa sang chấn tâm lý đầu đời và chứng nghiện ngập ở người trưởng thành là gì? Câu trả lời phức tạp hơn bạn tưởng.

Ảnh hưởng của Sang chấn tâm lý thời thơ ấu 

Những trải nghiệm sang chấn thời thơ ấu có thể để lại một loạt tác động bất lợi đến một người, tùy thuộc vào loại sang chấn, khoảng thời gian của trải nghiệm sang chấn, giai đoạn phát triển mà sang chấn xảy ra, cấu trúc gen và giới tính của cá nhân trải qua sang chấn, và sự hiện diện hay vắng mặt của một người chăm sóc chu đáo, biết hỗ trợ (De Bellis & Zisk, 2014; Levin và cộng sự, 2021; Nakazawa, 2015). Tác động cụ thể của sang chấn thời thơ ấu mang nhiều sắc thái và rất phức tạp, nhưng một kết cuộc chung là sự rối loạn chức năng của hệ thống phản ứng đối với căng thẳng (Burke Harris, 2018; Moustafa và cộng sự, 2021).

Hệ thống phản ứng đối với căng thẳng của chúng ta phần lớn được điều chỉnh bởi Trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận [HPA], chuẩn bị cho chúng ta phản ứng một cách hiệu quả trước nguy hiểm (Moustafa và cộng sự, 2021; Nakazawa, 2015; van der Kolk, 2014). Khi một tác nhân gây căng thẳng được xác định, trục HPA (phối hợp với các hệ thống khác) chuẩn bị cho ta “chiến đấu hay bỏ chạy” bằng cách tiết ra các hoc-mon gây căng thẳng chẳng hạn như adrenaline và glucocorticoids. Khi phản ứng với stress của chúng ta được kích hoạt, chúng ta cảm thấy bị kích động mạnh, huyết áp tăng, nhịp tim nhanh, thở nhanh và hoảng sợ (Burke Harris, 2018; Nakazawa, 2015; van der Kolk, 2014).

Máu và năng lượng được chuyển hướng đưa đến những cấu trúc não có thể hỗ trợ ngay lập tức, thay vì được đưa đến vỏ não trước trán hoạt động chậm hơn, nơi kiểm soát chức năng điều hành và tự điều tiết (De Bellis & Zisk, 2014). Những phản ứng tự động này giúp chúng ta ứng phó với nguy hiểm cho đến khi giải quyết xong mối đe dọa.

Tuy nhiên, có những lúc mà hệ thống phản ứng đối với căng thẳng chống lại chúng ta. Hãy xem xét các tình huống mà trong đó sự việc gây chấn động tâm lý cứ kéo dài dai dẳng và mối đe dọa không bao giờ giải quyết được. Căng thẳng mãn tính do sang chấn tâm lý tuổi thơ kéo dài (ví dụ như, bạo hành cảm xúc lặp đi lặp lại) có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chức năng của hệ thống phản ứng đối với căng thẳng. Cụ thể là, trục HPA bị kích hoạt thường xuyên, dẫn đến việc các hoc-mon căng thẳng tăng cao và cùng với nó là phản ứng căng thẳng cấp tính (Nakazawa, 2015). Do đó, những đứa trẻ phải chịu đựng sang chấn tâm lý kéo dài có thể bị kích thích, lo lắng, hoảng sợ và cảnh giác liên tục (De Bellis & Zisk, 2014).

Tình trạng rối loạn này của hệ thống phản ứng đối với căng thẳng, đặc biệt trong những năm phát triển đầu đời, có thể dẫn đến những tác động có hại đến hệ miễn dịch, kỹ năng điều chỉnh cảm xúc, phát triển nhận thức, chức năng điều hành và có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh thoái hóa thần kinh (De Bellis & Zisk, 2014; Dunlavey et al., 2018). Hơn nữa, sang chấn đầu đời có thể làm gián đoạn việc điều chỉnh oxytocin (một loại hoc-mon liên quan đến sự gắn bó và thân mật cảm xúc) và serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng), dẫn đến các vấn đề về sự gắn bó và trầm cảm (De Ballis & Zisk, 2014).

Mối liên hệ giữa Sang chấn và Nghiện ngập  

Vậy tất cả những chuyện gì có liên quan gì đến nghiện ngập?

Lý do chính mà người ta dùng ma túy là do những tác động tâm lý tức thì của chúng. Rượu và các chất gây nghiện khác (ngoài các hành vi tạo phần thưởng) thay đổi cảm xúc ở con người bằng cách tạo ra khoái cảm (tức là, củng cố tích cực) và giảm dysphoria (dysphoria là trạng thái nói chung của sự buồn bã bao gồm sự bồn chồn, thiếu sức sống, lo âu và một sự khó chịu rất mơ hồ) (tức là, củng cố tiêu cực; Goodman, 2001; Griffiths, 2005).

Đối với những cá nhân có hệ thống phản ứng đối với căng thẳng bị rối loạn do sang chấn tâm lý thì việc lạm dụng ma túy có thể giúp giảm phản ứng căng thẳng cấp tính và lo âu mãn tính. Rượu, benzodiazepines, opioids, và những sản phẩm từ cần sa có tác dụng gây ra trạng thái say sưa ngây ngất, một số chất trong đó thậm chí còn được dùng để làm hệ thần kinh trung ương chậm lại (ví dụ, các chất gây êm dịu, gây ức chế chức năng của hệ thần kinh trung ương). Ngoài ra, đánh bạc (đặc biệt là với máy đánh bạc điện tử) khiến người chơi chìm đắm vào một trạng thái xuất thần mà trong đó họ quên hết thảy mọi thứ trên đời ngoại trừ máy đánh bạc (Schull, 2012).

Những người có tiền sử bị sang chấn có thể dễ sa vào nghiện ngập như một phương tiện để điều chỉnh tâm trạng của họ, làm dịu những suy nghĩ quấy rầy và dập tắt trạng thái kích động do hóc-mon stress tăng cao (Levin và cộng sự, 2021; van der Kolk, 2014). Lạm dụng ma túy hay những hành vi nghiện ngập khác có thể tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng tê liệt vô cảm, mặc dù chỉ là tạm thời (và đồng thời gây ra tình trạng thích nghi-thần kinh làm kéo dài, thay vì giải quyết vấn đề gốc ban đầu).

Những cá nhân khác từng trải qua sang chấn có thể có một lối phản ứng khác (một lần nữa, do loại sang chấn, khoảng thời gian kéo dài sang chấn, độ tuổi gặp sang chấn, và đặc điểm sinh học của cá nhân đó). Thay vì phản ứng căng thẳng cấp tính, một số người tự bảo vệ mình trong những trải nghiệm sang chấn kéo dài bằng cách   phân ly hoặc sử dụng cách chiến lược giải thể nhân cách -- depersonalization (van der Kolk, 2014). Những cá nhân này có thể thường xuyên cảm thấy tê liệt, không cảm xúc, không hứng thú.

Cocaine, amphetamines, ma túy tổng hợp và nicotine có tác dụng gây ra trạng thái ngất ngây tạo ra năng lượng và sự tỉnh táo. Ngoài ra, những hoạt động như tự gây thương tích cho bản thân nhưng không phải là tự sát, tình dục và đánh bạc có thể đưa cá nhân thoát khỏi trạng thái vô cảm tê liệt và mang lại chút cảm giác cho họ (dù chỉ là tạm thời và cũng làm trầm trọng thêm vấn đề gốc ban đầu; van der Kolk, 2014).

Vì vậy, những người có tiền sử bị sang chấn tâm lý dễ rơi vào nghiện ngập vì đặc tính điều chỉnh-tâm trạng của ma túy/các chất gây nghiện và hành vi tưởng thưởng. Quả thực, hành vi nghiện ngập có thể là nỗ lực hết sức của một người để đương đầu với những tác động về mặt sinh học và sinh học thần kinh của sang chấn tâm lý tuổi thơ, có thể bao gồm cả phản ứng căng thẳng cấp tính hoặc giải thể nhân cách (Dube et al., 2003; Felitti, 1998; Poole et al., 2017; van der Kolk, 2014).

Do mối quan hệ phức tạp này mà, việc khái niệm hóa và điều trị nghiện đòi hỏi một góc nhìn nhận thức-về sang chấn tâm lý nhằm giải quyết đồng thời cả trải nghiệm sang chấn tâm lý và hành vi nghiện ngập.

Tham khảo

Burke Harris, N. (2018). The deepest well: Healing the long-term effects of childhood adversity. Bluebird.

De Bellis, M. D., & Zisk, A. (2014). The biological effects of childhood trauma. Child and Adolescent Psychiatric Clinics of North America, 23, 185-222.

Dube, S. R., Anda, R. F., Felitti, V. J., Edwards, V. J., & Croft, J. B. (2002). Adverse childhood experiences and personal alcohol abuse as an adult. Addictive Behaviors, 27, 713-725.

 

Đọc thêm loạt bài viết liên quan

Phương thuốc cho nghiện ngập là học cách chịu đựng thực tại ở đây 

Một góc nhìn mới về nghiện ngập - Đối lập với nghiện ngập là kết nối ở đây

7 cách mà nghịch cảnh thời thơ ấu làm thay đổi não bộ ở trẻ ở đây

Tìm đọc thêm cuốn sách Sang chấn tâm lý - hiểu để chữa lành của tác giả van der Kolk

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/understanding-addiction/202109/why-trauma-can-lead-addiction

menu
menu