7 cách mà nghịch cảnh thời thơ ấu làm thay đổi não bộ ở trẻ

7-cach-ma-nghich-canh-thoi-tho-au-lam-thay-doi-nao-bo-o-tre

Số lượng trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu của một người dự báo về mức độ chăm sóc y tế mà cô ấy cần khi trưởng thành với độ chính xác đáng ngạc nhiên

Nếu bạn từng tự hỏi tại sao mình phải vật lộn trong khoảng thời gian khá dài với những chứng bệnh mãn tính về thể chất và tinh thần mà chúng không hề thuyên giảm, hoặc có cảm giác như thể bạn đang bơi ngược lại dòng chảy vô hình không bao giờ chấm dứt, thì một lĩnh vực nghiên cứu khoa học mới có thể mang đến câu trả lời, hy vọng và những hiểu biết sâu sắc có tác dụng chữa lành.

Vào năm 1995, các bác sĩ Vincent Felitti và Robert Anda đã khởi động một nghiên cứu dịch tễ học trên quy mô lớn thăm dò tiền sử thời thơ ấu và tuổi thiếu niên của 17,000 người, đối chiếu trải nghiệm thời thơ ấu với hồ sơ y tế tuổi trưởng thành sau này của họ. Kết quả khiến mọi người bị sốc: Gần hai phần ba số người đã trải qua một hoặc nhiều trải nghiệm thời thơ ấu tiêu cực (ACEs)—một thuật ngữ mà Felitti và Anda đặt ra để bao quát những sự kiện mãn tính, không thể đoán trước và gây ra căng thẳng mà nhiều trẻ em phải đối mặt.

Chúng bao gồm việc lớn lên với một người cha/mẹ bị trầm cảm hoặc nghiện rượu; mất cha hoặc mẹ do ly hôn hoặc những nguyên nhân khác; hoặc thường xuyên phải chịu đựng cảnh bị nhục mạ, bỏ bê về mặt tình cảm, hoặc bị lạm dụng tình dục hay đánh đập. Những dạng sang chấn cảm xúc này vượt ra khỏi những thách thức hằng ngày thông thường của tuổi mới lớn. 

Số lượng trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu của một người dự báo về mức độ chăm sóc y tế mà cô ấy cần khi trưởng thành với độ chính xác đáng ngạc nhiên:

- Những ai từng đối mặt với 4 hoặc nhiều hơn 4 loại ACE có nguy cơ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư cao gấp đôi so với những ai không trải qua nghịch cảnh thời thơ ấu.

- Đối với mỗi điểm ACE mà một người phụ nữ có, thì nguy cơ nhập viện vì mắc bệnh tự miễn dịch của cô ấy tăng lên 20 phần trăm.

- Người có điểm ACE là 4 có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 460% so với người có điểm ACE là 0.

- Điểm ACE lớn hơn hoặc bằng 6 thì rút ngắn tuổi thọ của một người gần 20 năm.

Bạn có thể làm bảng hỏi về ACr ở đây để biết số điểm của mình.

Nghiên cứu ACE cho chúng ta biết rằng việc chịu đựng tình trạng căng thẳng triền miên độc hại, không thể dự đoán được từ thời thơ ấu khiến chúng ta dễ mắc các bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành. Nhưng tại sao lại thế? Hiện nay, ở các phòng thí nghiệm trên khắp đất nước, các nhà khoa học thần kinh đang xem xét kỹ mối liên kết bí hiểm giữa não bộ-cơ thể, và phân tích, trên cấp độ sinh hóa, chính xác thì mức độ căng thẳng mà chúng ta từng đối mặt khi còn nhỏ đuổi theo chúng ta khi chúng ta trưởng thành như thế nào, làm thay đổi cơ thể của chúng ta, tế bào của ta và thậm chí là DNA của ta. Những điều mà họ phát hiện ra có thể khiến bạn giật mình.

Một số phát hiện khoa học này có thể gây cho ta cảm giác hơi choáng ngợp để suy ngẫm. Chúng buộc chúng ta phải có một góc nhìn mới về cách mà nỗi đau tinh thần và cơ thể gắn kết chặt chẽ với nhau.

Thay đổi biểu sinh  

Khi chúng ta bị đẩy vào những tình huống gây ra căng thẳng lặp đi lặp lại trong suốt thời thơ ấu hoặc thiếu niên thì phản ứng stress về mặt sinh lý của chúng ta trở nên quá tải, và chúng ta mất khả năng phản ứng một cách thích hợp và hiệu quả trước các tác nhân gây ra stress trong tương lai—10, 20, thậm chí 30 năm sau. Điều này xảy ra là do một quá trình gọi là methyl hóa gen, mà trong đó những chất làm dấu hóa học nhỏ, hay các nhóm methyl, bám chặt vào các gen liên quan đến việc điều chỉnh phản ứng trước stress của chúng ta, và ngăn chặn các gen này thực hiện công việc của chúng. Khi chức năng của các gen này bị thay đổi, phản ứng stress bị đặt lại ở mức “cao” suốt cả cuộc đời, đẩy mạnh tình trạng viêm nhiễm và bệnh tật.

Điều này có thể khiến chúng ta có thể phản ứng quá mức trước những tác nhân gây ra stress hằng ngày mà ta gặp phải trong cuộc sống trưởng thành—một hóa đơn đột ngột, một sự bất đồng với người bạn đời, hay một chiếc xe hơi cắt ngang trước mặt chúng ta trên xa lộ, và gây ra nhiều viêm nhiễm hơn. Đến lượt điều này lại khiến chúng ta dễ mắc phải một loạt bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tự miễn dịch, bệnh tim, ung thư và trầm cảm.  

Quả thật, các nhà nghiên cứu Yale gần đây đã phát hiện thấy những trẻ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng độc hại mãn tính cho thấy những thay đổi “trên toàn bộ hệ gen,” trong các genes không chỉ giám sát phản ứng stress, mà còn ở các gen liên quan đến một loạt các bệnh ở người trưởng thành. Nghiên cứu mới này về sang chấn tinh thần hồi bé, những thay đổi biểu sinh và bệnh thể chất ở người trưởng thành phá vỡ những rào cản tồn tại lâu năm giữa cái mà giới y khoa từ lâu đã xem là bệnh “thể chất” so với cái gọi là bệnh “tinh thần” hay “cảm xúc.”

Kích thước và Hình dạng của Não bộ

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy khi bộ não đang phát triển bị căng thẳng mãn tính thì nó tiết ra một loại hocmon thực sự thu nhỏ kích thước của hồi hải mã, một khu vực não bộ chịu trách nhiệm xử lý cảm xúc, trí nhớ và kiểm soát căng thẳng. Các nghiên cứu chụp cộng hưởng từ cho thấy (MRI) số điểm ACE của một người càng cao thì mật độ chất xám của họ càng ít ở các khu vực quan trọng khác của não bộ, bao gồm vỏ não trước trán, một khu vực liên quan đến các kỹ năng ra quyết định và tự điều chỉnh, và hạch hạnh nhân hay còn gọi là trung tâm xử lý sợ hãi. Những đứa trẻ có bộ não bị thay đổi do trải nghiệm thời thơ ấu tiêu cực có khả năng cao sẽ trở thành những người trưởng thành phản ứng quá mức trước những tác nhân gây căng thẳng dù là vặt vãnh.

Cắt tỉa thần kinh  

Trẻ em có rất nhiều nơ-ron và các kết nối synap; bộ não của chúng luôn chăm chỉ, nỗ lực để hiểu được thế giới xung quanh chúng. Mãi cho đến gần đây, các nhà khoa học tin rằng việc cắt tỉa các nơ-ron và kết nối dư thừa chủ yếu đạt được theo lối “sử dụng-nó-hay-đánh mất-nó, nhưng một tay chơi mới đáng ngạc nhiên trong sự phát triển não bộ đã xuất hiện. Các tế bào não (tế bào miễn dịch trong hệ thần kinh trung ương)—được gọi là microglia, chiếm 1/10 tổng số tế bào trong não bộ và thực sự là một phần của hệ thống miễn dịch—đã tham gia vào quá trình cắt tỉa. Những tế bào này cắt tỉa các synap giống như một người làm vườn cắt tỉa bờ giậu. Chúng cũng hấp thụ và tiêu hóa toàn bộ tế bào và mớ tế bào vụn, do đó đóng một vai trò vệ sinh quan trọng.

Nhưng khi một đứa trẻ phải đối mặt với căng thẳng liên tục không thể đoán trước của những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu thì các tế bào microglial “có thể bị kích động và sản xuất ra các hóa chất thần kinh có thể dẫn đến viêm thần kinh,” theo tiến sĩ Margaret McCarthy, mà nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Maryland Medical Center nghiên cứu về bộ não đang phát triển. “Tình trạng viêm thần kinh mãn tính dưới-sóng-ra đa này có thể kéo theo những thay đổi thiết lập lại sắc thái của bộ não trong suốt cả cuộc đời.”

Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ bước vào tuổi vị thành niên với quá khứ bất hạnh và không có một người lớn yêu thương, nhất quán để giúp chúng vượt qua thì có nhiều khả năng mắc phải các chứng rối loạn tâm trạng hoặc có chức năng điều hành và kỹ năng ra quyết định kém.

Telomeres

Sang chấn thời bé có thể khiến trẻ trông “già hơn” về mặt cảm xúc so với bạn bè đồng trang lứa. Hiện nay, các nhà khoa học tại Đại học Duke, Đại học California, San Francisco, và Đại học Brown đã khám phá ra những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu có thể khiến trẻ lão hóa sớm ở cấp độ tế bào. Những người trưởng thành từng đối mặt với tổn thương tâm lý thời thơ ấu cho thấy sự xói mòn lớn hơn ở cái được gọi là telomeres—mũ bảo vệ ở hai đầu chuỗi DNA, giống như mũ bảo vệ dây giày, để giữ cho bộ gen được khỏe mạnh và nguyên vẹn. Khi telomeres của chúng ta bị xói mòn, chúng ta có nhiều khả năng mắc bệnh tật và các tế bào của chúng ta lão hóa nhanh hơn.    

Mạng chế độ mặc định  

Bên trong bộ não của mỗi chúng ta có một mạng lưới thần kinh được gọi là “mạng chế độ mặc định” đang lặng lẽ kêu o o, giống như một chiếc xe hơi đang ở bãi đậu. Nó hợp nhất các vùng não bộ gắn liền với trí nhớ và suy nghĩ, đồng thời nó luôn ở chế độ chờ, sẵn sàng giúp chúng ta xác định việc mình cần làm tiếp theo. “Sự kết nối dày đặc trong các vùng não bộ này giúp chúng ta xác định những thứ có liên quan hoặc không liên quan, do đó chúng ta có thể sẵn sàng cho bất cứ thứ gì mà môi trường sắp đòi hỏi nơi ta,” theo lời giải thích của tiến sĩ Ruth Lanius, nhà khoa học thần kinh, giáo sư tâm thần học, và đồng thời là giám đốc Đơn vị Nghiên cứu về Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) tại Đại học Ontario.

Nhưng khi trẻ em phải sớm đối mặt với nghịch cảnh và thường xuyên rơi vào trạng thái chiến đấu-hay-bỏ chạy thì mạng chế độ mặc định bắt đầu ngưng hoạt động; nó không còn giúp được chúng xác định những thứ liên quan, hay những gì chúng cần làm tiếp theo. Theo Lanius, những đứa trẻ phải sớm đối mặt với sang chấn thì có ít kết nối hơn trong mạng chế độ mặc định—thậm chí kéo dài tới mấy chục năm sau sang chấn. Bộ não của chúng dường như không ở trong trạng thái “nhàn rỗi” lành mạnh đó—và do đó chúng có thể gặp khó khăn với việc phản ứng một cách phù hợp với thế giới xung quanh.

Con đường Não bộ-Cơ thể

Cho đến gần đây, khoa học từng chấp nhận rằng não bộ “có đặc quyền-miễn dịch,” hoặc tách biệt khỏi hệ miễn dịch của cơ thể. Nhưng hóa ra không phải thế, theo một nghiên cứu đột phá được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại trường Y đại học Virginia. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra một con đường mòn khó nắm bắt di chuyển giữa não bộ và hệ miễn dịch thông qua các mạch bạch huyết. Hệ thống bạch huyết, là một phần của hệ tuần hoàn, mang theo bạch huyết—một chất lỏng giúp loại bỏ độc tố, và di chuyển các tế bào miễn dịch từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể. Giờ thì chúng ta biết rằng con đường hệ miễn dịch bao gồm cả não bộ.

Kết quả của nghiên cứu này có ý nghĩa sâu sắc đối với nghiên cứu về ACE. Đối với một đứa trẻ từng trải qua nghịch cảnh thì mối quan hệ giữa đau khổ về tinh thần và thể chất là mạnh mẽ: những hóa chất gây viêm ngập tràn cơ thể của đứa trẻ khi nó thường xuyên gặp căng thẳng không bị giới hạn ở mỗi mình cơ thể; mà chúng di chuyển khắp mọi ngóc ngách, từ đầu tới chân.

Kết nối não bộ

Tiến sĩ Ryan Herringa, bác sĩ thần kinh và phó giáo sư về tâm thần học về trẻ em và vị thành niên tại Đại học Wisconsin, phát hiện thấy những trẻ em và thiếu niên từng chịu đựng nghịch cảnh dai dẳng thời thơ ấu thì cho thấy các kết nối thần kinh giữa vỏ não trước trán và hồi hải mã yếu hơn. Các bé gái cũng cho thấy kết nối yếu hơn giữa vỏ não trước trán và hạch hạnh nhân. Mối quan hệ vỏ não-trước trán-hạch hạnh nhân đóng một vai trò thiết yếu trong việc xác định mức độ phản ứng cảm xúc của chúng ta đối với những chuyện xảy đến với ta trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, và khả năng chúng ta cảm nhận những sự kiện đó là căng thẳng hoặc nguy hiểm ra sao.

Theo Herringa:

“Nếu bạn là một cô gái từng trải qua những nghịch cảnh thời thơ ấu và những kết nối não bộ này yếu hơn thì bạn có thể mong đợi điều đó trong bất kỳ tình huống gây căng thẳng nào mà bạn gặp phải trong cuộc sống, bạn có thể trải nghiệm mức độ sợ hãi và lo âu cao hơn.”

Herringa phát hiện thấy, những cô gái có kết nối thần kinh bị suy yếu này đứng trước nguy cơ mắc phải lo âu và trầm cảm cao hơn khi họ bước vào cuối độ tuổi thiếu niên. Điều này phần nào có thể lý giải tại sao nữ giới lại có nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm trạng sau này cao gấp đôi nam giới.

Thông tin khoa học này có thể khiến cho chúng ta, đặc biệt là các bậc cha mẹ bị choáng. Vậy bạn có thể làm được gì nếu bạn hay đứa con yêu dấu của bạn từng bị ảnh hưởng bởi nghịch cảnh thời bé? Tin tốt là cũng giống như hiểu biết khoa học của chúng ta về cái cách mà nghịch cảnh tác động đến bộ não đang phát triển đang ngày càng tăng trưởng, thì hiểu biết khoa học của chúng ta về cách mà ta có thể mang lại cho đứa con yêu thương của mình kiểu nuôi dạy kiên cường, và cách chúng ta có thể từng bước thực hiện để chữa lành cơ thể và não bộ cũng thế. Cũng giống như các vết thương và vết bầm tím trên cơ thể có thể lành lại, chúng ta cũng có thể lấy lại trương lực cơ của mình, chúng ta có thể phục hồi chức năng ở những vùng não bộ kém-kết nối. Bộ não và cơ thể không bao giờ đứng yên; mà chúng luôn ở trong quá trình trở thành và thay đổi.

 

Dịch: Rubi 

Nguồn: https://acestoohigh.com/2016/09/08/7-ways-childhood-adversity-changes-a-childs-brain/?fbclid=IwAR2VTX8tRsDRa2V1DvlyYdTdJQjHNHImjgZ4zJt57KcSS_FU98NF73oVKgE

menu
menu