Thành công và may mắn: Vận may và chuyện hoang đường về tài năng
May mắn liên quan rất nhiều đến thành công, chúng ta chỉ là không muốn thừa nhận điều đó.
Robert Frank, giáo sư kinh tế tại trường đại học Cornell, nói rằng ông vẫn còn sống đến ngày hôm nay là nhờ vào “may mắn.” Năm 2007, ông đột quỵ trên sân quần vợt, và nguyên nhân được chẩn đoán sau đó là bị chết tim đột ngột, một chứng bệnh mà chỉ có 2% nạn nhân sống sót. Dù bệnh viện gần nhất cách sân quần vợt đến 5 dặm (gần 8 km), Frank đã sống sót nhờ vào một chiếc xe cấp cứu trùng hợp xuất hiện đúng lúc đó vì một ca cấp cứu khác cách đó vài trăm mét. Bởi ca cấp cứu kia không quá nghiêm trọng, chiếc xe cấp cứu đã kịp thời chuyển hướng và cứu sống Frank. Các bác sỹ đặt máy sốc tim lên ngực ông trong thời gian kỷ lục. Frank được nhanh chóng đưa đến bệnh viện địa phương, sau đó một chiếc trực thăng đưa ông đến một bệnh viện lớn hơn, nơi mà ông chờ phẫu thuật qua đêm. Hầu hết những người sống sót trong các trường hợp tương tự đều có những di chứng về não bộ và cơ thể. Còn Frank, ông trở lại sân quần vợt chỉ hai tuần sau đó.
Frank cho biết các ý tưởng nghiên cứu của ông thường bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân, và nghiên cứu về may mắn không phải ngoại lệ. Quyển sách mới nhất của ông, Success and Luck: Good Fortune and the Myth of Meritocracy (Thành công và may mắn: Vận may và chuyện hoang đường về tài năng) lập luận rằng vai trò của may mắn trong cuộc sống, đặc biệt là trong các thành công vê kinh tế, chưa được ghi nhận đúng đắn.
Đây là cuốn sách viết rất hay và dễ hiểu. Nền văn hóa Mỹ hay văn hóa hiện đại ở hầu hết các quốc gia đề cao sự thành công vật chất. Những người giàu, thành đạt thường tự hào cho rằng thành công của mình chủ yếu là do năng lực vượt trội và sự nỗ lực quên mình mà có. Tuy nhiên, theo Frank thì họ thường quên rằng nhiều người cũng nỗ lực như họ, tài năng không kém gì họ nhưng lại kém thành công hơn nhiều. Chẳng qua vì họ "may mắn" hơn. "May mắn" lớn nhất của giới triệu phú ở Mỹ là do được "sinh ra ở Mỹ" chứ nếu cũng với tài năng và nỗ lực như vậy mà được sinh ra ở Ấn Độ chả hạn thì cầm chắc là họ rất khó thành công.
Chính vì những người giàu ở Mỹ tin rằng thành công của họ là do nỗ lực của chính họ nên họ hay phản đối việc đánh thuế thu nhập cao vào những người giàu vì họ cho rằng như vậy là "bất công" do chính phủ đã cố gắng tước đoạt và trừng phạt những người thành công, trừng phạt sự nỗ lực. Tuy nhiên, tác giả cho rằng nếu những người này nhận thức được rằng thành công của họ đến rất nhiều từ "may mắn" thì họ cần có trách nhiệm đóng góp nhiều hơn để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vào giáo dục để tạo ra nền tảng cơ hội cho sự thành công của các thế hệ sau.
Nói chung thì những người "thành đạt" trong xã hội rất nên đọc và suy ngẫm quyển sách nhỏ này để bớt "tự kiêu" hơn và có trách nhiệm hơn trong việc đóng góp ngược trở lại cho xã hội.
Đọc thêm bài phỏng vấn Robert Frank ở đây.