Thế nào là một người biết lắng nghe?

the-nao-la-mot-nguoi-biet-lang-nghe

Một trong những điều tử tế, ý nghĩa và thú vị nhất mà ta có thể làm cho người khác chính là lắng nghe họ một cách trọn vẹn.

Một trong những điều tử tế, ý nghĩa và thú vị nhất mà ta có thể làm cho người khác chính là lắng nghe họ một cách trọn vẹn. Nhưng lắng nghe tốt không chỉ đơn thuần là tập trung vào những gì đối phương đang nói. Lắng nghe còn là một quá trình chủ động hơn nhiều, có thể gọi đó là “chỉnh sửa” – vì nó mang nhiều nét tương đồng với công việc của một biên tập viên văn học lý tưởng.

Thông thường, một biên tập viên giỏi không bao giờ chấp nhận bản thảo như khi nó vừa được gửi đến. Họ bắt đầu bằng việc chất vấn, cắt gọt, mở rộng và tập trung nội dung – không phải để thay đổi bản chất của những gì tác giả muốn nói, mà để làm sáng tỏ những ý tưởng sâu sắc đang bị che khuất bởi những lan man, do dự, mất tự tin và xao nhãng. Biên tập viên không biến tác giả thành người khác, họ chỉ giúp tác giả trở thành chính mình một cách trọn vẹn hơn.

Quá trình ấy cũng diễn ra tương tự với một người biết lắng nghe thực sự. Họ hiểu rằng, không phải lúc nào lời nói của người kể cũng phản ánh chính xác điều họ thực sự muốn diễn đạt. Có thể người nói đang muốn chạm đến một vấn đề nhạy cảm, buồn bã, nhưng lại e ngại mình quá nặng nề hoặc làm phiền người khác. Có khi họ muốn nói rõ điều gì đó khiến họ thấy đẹp đẽ, phấn khích, nhưng lại bị sa lầy vào những chi tiết thừa thãi hay những câu chuyện nhỏ không cần thiết. Hoặc có một sự thật cảm xúc nào đó họ đang cố thể hiện, nhưng cảm giác an toàn trong việc nói về những sự kiện khách quan lại khiến họ ngần ngại, không dám đào sâu vào những điều thực sự quan trọng.

Tất cả những điều này, một người lắng nghe giỏi – như một biên tập viên tinh tế – đều biết cách chỉnh sửa nhẹ nhàng. Họ khéo léo khuyến khích người nói chia sẻ cảm xúc sâu sắc hơn, mở rộng ý nghĩ với niềm tin rằng những điều này sẽ thật thú vị, chứ không hề nhàm chán hay khó chịu đối với người nghe. Họ giúp người nói khép lại những câu chuyện ngoài lề và nhắc nhở họ quay lại mạch chính, nơi mà ý nghĩa thực sự đang bị bỏ quên. Khi người kể cảm thấy e dè và lưỡng lự, một người lắng nghe giỏi sẽ xuất hiện như một điểm tựa, mang đến sự trấn an và khích lệ. Họ biết cách mở lòng, gửi đi những tín hiệu sẵn sàng đón nhận mọi lời thú nhận, dù có vẻ kỳ lạ nhưng lại vô cùng quan trọng.

Một người lắng nghe giỏi cuối cùng sẽ là người có nhiều "can thiệp" trong cuộc trò chuyện. Nếu những gì được nói ra được ghi lại và chỉnh sửa như một bản thảo, chắc chắn sẽ có vô số vết gạch đỏ. Nhưng kết quả của sự "chỉnh sửa" này không phải là cảm giác bị can thiệp hay vi phạm, mà là một ấn tượng sâu sắc rằng nhờ sự giúp đỡ tinh tế của người nghe, ta đã được đưa đến gần hơn với những điều mình thực sự muốn nói. Một người lắng nghe lý tưởng giúp ta trở thành chính mình, thậm chí còn hơn cả khi ta cố gắng thể hiện một mình.

Nguồn: WHAT MAKES A GOOD LISTENER?

menu
menu