“Tôi bị trầm cảm, bạn không giúp nổi đâu!” – Sự nguy hiểm của cái mác trầm cảm

toi-bi-tram-cam-ban-khong-giup-noi-dau-su-nguy-hiem-cua-cai-mac-tram-cam

Thiếu mất khái niệm này, mọi người không ý thức được mình đang mắc một căn bệnh rất nguy hiểm, rất đau khổ, có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Nhưng không biết lại có mặt tốt, đó chính là họ có thể dùng tâm tình bình thản để đón nhận.

1

Một người đến tư vấn tâm lý kể tôi nghe câu chuyện của cô ấy.

Cô ấy sống ở nông thôn, gia cảnh khó khăn, nghèo túng đến nỗi cơm không đủ ăn. Cô ấy là con cả trong nhà, vì phải chăm sóc các em và kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nên đã nghỉ học từ sớm. Đến năm mười bảy mười tám tuổi, kinh tế gia đình mới có chút khởi sắc. Kể từ đó, cô ấy mắc phải một căn bệnh kỳ lạ, buồn bã suốt ngày, không muốn nói chuyện với ai, không muốn làm việc, đến cơm cũng không buồn ăn, thường hay khóc lóc vô cớ. Tình trạng này diễn ra suốt nhiều năm liền, nhưng cô ấy không biết mình bị bệnh gì.

Sau khi kết hôn, mẹ chồng nghe cô ấy kể chuyện liền khẳng định chắc nịch: “Nhất định là do ăn uống không đủ chất!” Mẹ chồng khuyên cô ấy chịu khó uống canh. Bố mẹ chồng đều là người Quảng Đông, các cụ có thói quen bữa cơm nào cũng hầm canh, trước khi ăn cơm phải uống một bát canh nóng. Cứ thế một, hai tháng liền, cô con dâu cảm thấy tình hình có chút khởi sắc, không đau đầu nữa, tinh thần cũng phấn chấn hơn, bắt đầu cười nói vui vẻ. Cơn ác mộng thế là chấm dứt. Vài năm sau, lần đầu tiên cô ấy nghe đến căn bệnh trầm cảm, ban đầu cũng không nghĩ ngợi gì, nhưng sau khi thấy biểu hiện bệnh giống hệt biểu hiện của mình năm nào, cô ấy mới biết mình từng bị trầm cảm. Khi đến tìm tôi xin tư vấn, cô ấy đã là mẹ của hai đứa trẻ, một đứa bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Cô ấy không biết phải điều trị thế nào, nên đã thử dùng kinh nghiệm năm xưa để giúp con. Đáng tiếc thằng bé lại không vì một bát canh mỗi ngày mà khỏi bệnh.

“Tại sao mẹ lại không hiểu!” Đứa trẻ nói, “Con mắc bệnh, không phải suy dinh dưỡng.”

Cô ấy nhiều lần nhấn mạnh mình có kinh nghiệm vượt qua trầm cảm, đứa trẻ chỉ lắc đầu: “Mẹ không hề trầm cảm, trầm cảm không thể khỏi chỉ nhờ uống canh.” Cô ấy nhận ra không thể thuyết phục nổi con mình, đành cầu cứu tôi: “Năm đó do tôi không đến bệnh viện khám thôi, chứ anh nói xem, tôi mắc chứng trầm cảm đúng không?”

Tôi không biết phải trả lời ra sao.

Trùng hợp ngẫu nhiên là lý giải đơn giản nhất cho sự hồi phục của cô ấy. Đôi khi, trầm cảm có thể được cải thiện một cách tự nhiên, mấu chốt nằm ở bất cứ đâu. Nhưng tôi lại tin vào một lý giải khác, chính là trong trường hợp của cô ấy, nhân tố điều trị bệnh xuất hiện sau khi kết hôn, được chuyển đến sống trong một gia đình đầm ấm, được quan tâm, chăm sóc. Đồng thời, có thể còn do năm đó chưa có khái niệm bệnh trầm cảm.

2

Thiếu mất khái niệm này, mọi người không ý thức được mình đang mắc một căn bệnh rất nguy hiểm, rất đau khổ, có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Nhưng không biết lại có mặt tốt, đó chính là họ có thể dùng tâm tình bình thản để đón nhận.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy đầu đau mình nhức vốn có thể chịu đựng được, nhưng đến một ngày đột nhiên lại nghĩ: “Ôi, hay là mắc bệnh gì rồi?” rồi càng nghĩ càng sợ, lập tức lên Baidu tra cứu, đi khám bác sĩ. Nếu là bệnh liên quan đến thể chất, bác sĩ có thể đưa ra một số hướng điều trị. Nếu là bệnh liên quan đến tâm lý, đôi khi bác sĩ cũng bó tay. Một vài phụ huynh thấy con không thích nói chuyện với người khác, lo con có vấn đề trong giao tiếp; nếu con không tập trung, hoài nghi con bị tăng động giảm chú ý; thấy con ngày nào cũng xếp đồ chơi theo một trật tự cố định, lại nghĩ đến chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế; chưa kể trẻ con đứa nào cũng thích lề mề, bố mẹ lại cho rằng đấy là dấu hiệu của bệnh trì hoãn. Dù bác sĩ không đưa ra chẩn đoán, bố mẹ vẫn nơm nớp lo sợ, vì trong đầu họ tưởng tượng ra vô vàn khái niệm bệnh khác nhau.

Tuy lường trước các nguy cơ giúp giảm thiểu rủi ro cho tương lai, nhưng lo lắng thái quá chưa hẳn đã tốt. Khi gắn một cái mác bệnh lên mình hoặc người khác, chúng ta sẽ cảnh giác với bất cứ dấu hiệu nào có liên quan đến bệnh đó. Cảnh giác thật ra là biểu hiện của tâm lý mẫn cảm thái quá. Vừa lo sợ bất trắc xảy ra, vừa phóng đại góc độ phát hiện vấn đề. Bất luận chúng ta muốn chứng minh không có bệnh hay thật sự mắc bệnh, căn bệnh này đã tồn tại mất rồi. Chúng ta vô tình bị đặt vào hoàn cảnh có bệnh để xem xét, tự áp đặt cách nhìn nhận vấn đề lên bản thân.

3

“Thành tích của con chị thế nào?”

“Ngày trước thì tốt lắm, nhưng sau khi bị trầm cảm, nó liên tục trượt dốc không phanh!”

“Con chị có bạn bè không?”

“Hình như là không, sau khi bị trầm cảm, nó không muốn nói chuyện với mọi người.”

“Có chuyện gì giúp con chị vui vẻ hơn không?”

“Nó trầm cảm rồi thì làm sao vui nổi!”

“Sau này con chị có dự định gì không?”

“Phải trị bệnh trước, bệnh khỏi rồi mới nghĩ đến chuyện sau này.”

Sự chú ý đều bị cái mác trầm cảm dẫn dắt, đôi khi cũng vì cái mác này mà hạn hẹp đi nhiều.

Cô ấy không hề nhận thức được rằng đứa con lớn lên trong môi trường hoàn toàn khác biệt với mình. Đối với hai mẹ con, ý nghĩa của một bát canh khác nhau rất nhiều. Hai mươi năm trước, bát canh tượng trưng cho quan tâm và yêu thương, nhưng hai mươi năm sau nó lại trở thành trò mê tín vô tác dụng. Sự thật này rất rõ ràng, nhưng sau khi bị dán lên cái mác trầm cảm, người mẹ lại chỉ nghĩ đến việc uống canh từng chữa khỏi bệnh cho mình, không chừng nó cũng có tác dụng với con trai. Nếu cô ấy trông ra xa hơn, hẳn sẽ nhìn thấy cả con trai mình, chứ không chỉ thấy mỗi bát canh và trị bệnh.

“Cháu có đồng ý giới thiệu một chút về bản thân với bác không?” Tôi hỏi con trai cô ấy.

Cậu bé là một học sinh trung học khoảng mười mấy tuổi, gầy gò, ngồi một góc sô pha, cố tình cách xa mẹ. Cậu bé cúi đầu, rụt vai lại, hai tay không ngừng cọ cọ vào nhau:

“Cháu, cháu bị trầm cảm…”

“Bác biết cháu bị trầm cảm, bác muốn nghe cháu kể nhiều hơn.”

Cậu bé sợ sệt liếc nhìn tôi: “Nói gì cơ ạ?”

“Nếu không nhắc đến bệnh trầm cảm, cháu sẽ giới thiệu về mình như thế nào? Nếu bệnh trầm cảm chưa bị phát hiện, giống như khi mẹ cháu còn trẻ, cháu sẽ miêu tả tình hình bản thân như thế nào?”

Cậu bé ngẫm nghĩ một lúc: “Cháu không vui, chẳng muốn làm gì.”

“Giả sử cháu gặp mẹ cháu hồi còn trẻ, mẹ cháu nói, tình trạng của hai người giống hệt nhau, cháu sẽ nghĩ thế nào?”

Cậu bé lắc đầu, nhìn về phía mẹ: “Không giống nhau.”

“Khác nhau ở đâu?”

“Cháu mắc bệnh trầm cảm thật, còn mẹ cháu thì không.”

Cậu bé không thoát khỏi ba chữ bệnh trầm cảm.

“Mẹ thật sự bị trầm cảm.” Người mẹ lập tức chen vào.

“Nếu không có khái niệm trầm cảm thì sao?”

Tôi ngắt lời cả hai người, “Mẹ cháu nói mẹ cháu mắc một chứng bệnh lạ, bị rút cạn sức lực, không còn niềm vui, cháu cũng mắc một chứng bệnh lạ tương tự, hai người khác nhau chỗ nào?”

Cậu bé cúi đầu, bắt đầu rơm rớm.

“Bệnh của mẹ có thể chữa được, bệnh của cháu không chữa được.” Cậu bé vừa khóc vừa nói

“Sao cháu biết không chữa được?”

“Bởi vì…” Cậu bé nói, “Cháu biết nó là bệnh trầm cảm.

Chúng ta dùng cái mác để tự tạo vòng luẩn quẩn cho bản thân. Đằng sau vòng luẩn quẩn này, cậu con trai không muốn đối mặt với nỗi đau khổ không hồi kết, cậu bé nhấn mạnh bản thân đang bị dồn vào bước đường cùng không thể cứu vãn, còn người mẹ muốn giúp con tin vẫn còn hy vọng nên phủ định cảm xúc của con. Đôi bên đều vội vã đi đến một khẳng định chắc nịch, tạo thành cái mác bệnh trầm cảm. Cũng do cái mác này, hai mẹ con vốn có thể trao đổi để hiểu nhau hơn nay lại chỉ tranh cãi vô ích, không nhìn thấu thông điệp thật sự của đối phương. Hy vọng trong tuyệt vọng của đứa con, người mẹ không nhìn thấy. Tuyệt vọng đằng sau hy vọng của người mẹ, đứa con cũng không thể hiểu được.

Chúng ta thường bị những cái mác thôi miên. Đa số những cái mác đều là biểu hiện của tâm lý nóng vội đưa ra kết luận. Chúng ta dùng những biệt danh như “đồng nghiệp đáng ghét”, “lãnh đạo hà khắc”, “cấp dưới không nghe lời” để thuyết phục bản thân tin tưởng những đối tượng này thật sự như thế. Chúng ta khiến bản thân tin rằng con mình không so bì nổi với con người khác, gia đình không ủng hộ mình, cuộc đời chúng ta thật vô nghĩa, năm vừa qua không có tiến bộ…

Cứ thế, một con người, tài nguyên của người đó, sự thay đổi trong kinh nghiệm và tương lai của người đó, những thứ họ tiếp thu được dù là nhỏ nhặt, cả những điều muốn thổ lộ nhưng chưa thổ lộ, chúng ta nhất thời không nhận ra. Có lúc gán mác lên mọi thứ khiến sự việc trở nên đơn giản hơn, nhưng cũng có lúc, chúng ta vì thế mà tổn thất rất nhiều.

Trích từ sách "Lẽ nào tất cả đều là lỗi của tôi"

Xem sách: https://shorten.asia/QCHGsdU7

Tác giả: Lý Tùng Úy

 

menu
menu