Về nỗi đau gaslight từ thời thơ ấu

ve-noi-dau-gaslight-tu-thoi-tho-au

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vốn dĩ đã không cân bằng.

Ta đã quá quen với khái niệm gaslighting trong các mối quan hệ tình cảm: khi một người làm tổn thương hoặc lừa dối đối phương, nhưng lại khéo léo thuyết phục họ rằng cảm giác nghi ngờ của mình là vô lý, rằng có lẽ họ “đang suy nghĩ quá nhiều.” Nhưng thực tế, việc bị gaslight lại phổ biến và dai dẳng hơn trong mối quan hệ cha mẹ - con cái.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vốn dĩ đã không cân bằng. Một bên có đến ba mươi năm kinh nghiệm sống, trí óc vững vàng; trong khi bên còn lại chỉ mới biết đánh vần từ “cừu.” Khoảng cách này dễ khiến cha mẹ xây dựng một “câu chuyện” chủ quan về con mình: “Con là đứa trẻ hay cáu kỉnh, tự nhốt mình trong phòng chẳng vì lý do gì.” Hoặc: “Con rất khó chịu, lúc nào mẹ rời nhà là con nhõng nhẽo.” Hay: “Con ghen tị với em trai đến mức thật khó chịu.”

Boy with a Crow, Akseli Gallen-Kallela, 1884, Wikimedia Commons

Những “nhãn mác” này có thể vô cùng nguy hại, bởi đứa trẻ còn quá nhỏ để hiểu và đặt câu hỏi. Nhưng nếu thực tế, sự “cáu kỉnh” ấy là do con không bao giờ được phép bày tỏ cảm xúc trong một gia đình mà cha luôn là người áp đặt mọi thứ? Nếu cái gọi là “nhõng nhẽo” chỉ là cách phản ứng tự nhiên của một đứa trẻ khi liên tục bị người mẹ bận rộn bỏ rơi? Hoặc, nếu sự “ghen tị” với em trai chỉ đơn thuần là nỗi đau khi bị cha mẹ bỏ bê vì đứa em nhỏ?

Đôi khi, gaslighting không nằm ở câu chuyện được kể, mà ở sự im lặng bao trùm. Một phụ huynh có thể để mặc những căng thẳng, cãi vã, đập phá trong gia đình diễn ra mà không bao giờ giải thích với con cái. Điều này khiến đứa trẻ không hiểu nổi: Đây có phải điều bình thường không? Hoặc có khi gia đình từng trải qua nỗi đau sẩy thai, nhưng lại bị giấu nhẹm như thể chẳng có gì để cảm nhận hay nói đến.

Lớn lên, khi nhìn lại, ta nhận ra có quá nhiều cảm xúc đã bị chôn vùi, quá nhiều câu chuyện chưa được làm sáng tỏ. Có thể, ta không phải là đứa trẻ “hay khóc nhè” như vẫn tưởng, mà chỉ đơn giản là bị bỏ rơi. Cảm giác sợ hãi, tuyệt vọng ấy không chỉ của riêng ta, mà còn là dấu ấn của một gia đình không ai dám chạm đến nỗi đau. Có thể, sự phá sản hoặc mối quan hệ ngoại tình mà gia đình giấu kín đã để lại trong ta những vết sẹo.

Công việc của trị liệu tâm lý đôi khi là giúp ta nhận ra những cảm xúc mà mình thực sự xứng đáng được cảm nhận. Một số người vẫn sợ rằng, nếu thừa nhận những nỗi đau này, họ sẽ trở nên “yếu đuối” hay “tự thương hại.” Nhưng thật ra, vấn đề không phải ở sự ích kỷ, mà ở sự trung thành quá mức với những ký ức đau thương. Đa phần chúng ta sợ rằng mình “than vãn” quá nhiều, nhưng thực chất là chưa bao giờ than vãn đủ. Cũng vì kìm nén quá nhiều mà sinh ra oán giận, nghi ngờ bản thân, tức giận và tuyệt vọng — những cảm xúc sau đó có thể biến thành các triệu chứng tâm lý và thể chất khó lường.

Để có một tuổi trưởng thành tự do và bình an, đôi khi chúng ta cần chỉnh sửa lại nhiều câu chuyện trong quá khứ: có thể mẹ không phải là người hy sinh vô điều kiện, mà đơn giản bà không biết cách nói ra nhu cầu của mình và khiến ta luôn thấy áy náy. Hoặc có lẽ ta có quyền buồn cho những gì đã xảy ra ở trường, thay vì chỉ biết ơn vì được học ở đó. Có thể, ta không phải là đứa trẻ “ngoan ngoãn” mà là đứa không được phép đứng lên bảo vệ bản thân trước những người lớn thiếu chín chắn.

Dù có ở tuổi 55 hay 89, công việc này vẫn đáng làm, bởi càng tháo gỡ được những lẫn lộn trong ký ức, ta càng cảm thấy bình yên và tự tại hơn.

Nguồn: ON BEING GASLIT IN OUR CHILDHOODS

menu
menu