Về sự tự tin
Thật khiêm nhường khi nhận ra rằng rất nhiều thành tựu vĩ đại không đến từ tài năng vượt trội hay kiến thức kỹ thuật siêu phàm, mà chỉ nhờ vào một thứ sức mạnh lạ lùng trong tâm hồn mà ta gọi là sự tự tin.
Điều thường phân biệt một cuộc đời viên mãn với một cuộc đời dang dở không nằm trong bất kỳ giáo trình nào, và đôi khi nghe có vẻ mơ hồ, ngớ ngẩn, thậm chí “sến” theo kiểu phim ảnh California: SỰ TỰ TIN.
Thật khiêm nhường khi nhận ra rằng rất nhiều thành tựu vĩ đại không đến từ tài năng vượt trội hay kiến thức kỹ thuật siêu phàm, mà chỉ nhờ vào một thứ sức mạnh lạ lùng trong tâm hồn mà ta gọi là sự tự tin.
Nhưng tại sao sự tự tin lại dễ dàng thiếu vắng đến vậy? Một phần, đó là di sản của quá khứ. Trong hàng ngàn năm, đối với phần lớn loài người, hy vọng gần như không tồn tại: chúng ta là nông nô, là nô lệ – và kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất khi ấy là cúi đầu chịu đựng và giữ kỳ vọng ở mức thấp nhất.
Dẫu cho thời đại đã đổi thay, mỗi người chúng ta vẫn còn mang theo đâu đó bóng dáng của tinh thần nông nô ngày trước, một thái độ cam chịu tiềm tàng có thể đè nén tinh thần ta, ngay cả giữa thế giới dân chủ hiện đại và công nghệ phát triển.
Hy vọng đôi khi vẫn là điều khiến ta thấy nguy hiểm.
Thêm vào đó, có thể chúng ta từng lớn lên trong những gia đình mà cha mẹ gửi gắm những thông điệp tinh tế như:
“Người như chúng ta thì không…”
“Con nghĩ mình là ai mà dám…?”
Hãy cảm thông với những thông điệp phòng thủ này. Chúng là cách cha mẹ bảo vệ chúng ta, một chiến lược sinh tồn, một lá chắn khỏi sự nhục nhã mà họ từng chịu đựng.
Trường học cũng chẳng giúp gì mấy. Nó dạy chúng ta làm những cậu bé, cô bé ngoan ngoãn và đặt niềm tin vào các hệ thống quyền lực được thiết lập sẵn. Nhưng đáng buồn thay, chúng ta có lẽ đã tin tưởng quá lâu, quá nhiều vào những định chế ấy – để rồi giờ đây phải trả giá vì sự tuân phục một cách thái quá.
Một phần của sự trưởng thành là chấp nhận sự thật đau lòng rằng, những người trưởng thành không thực sự có mọi câu trả lời. Vì vậy, ta hoàn toàn có quyền – thậm chí là trách nhiệm – phá vỡ một số quy tắc và tự mình suy xét mọi thứ. Chúng ta cần học cách không hoàn toàn tuân thủ, một sự chống đối có tính toán, điều mà sau hơn 20 năm sống trong sự ép buộc phải ngoan ngoãn, quả thực không hề dễ dàng.
Cần học cách đặt ra những hoài nghi mang tính xây dựng với quyền lực, tìm ra con đường nằm giữa sự phục tùng mù quáng và thái độ hoài nghi bất mãn.
Thêm nữa, sự tự tin đòi hỏi ta phải dũng cảm chấp nhận sự không hoàn hảo. Thật dễ để mãi không bắt đầu làm gì nếu ta cứ đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo ngay từ đầu. Đó là công thức để mãi trốn dưới gầm giường. Nhưng ta có biết rằng, bao nhiêu cuộc đời vĩ đại đã đầy rẫy những sai lầm – thế nhưng những sai lầm đó vẫn không làm họ gục ngã.
Sự tự tin bắt đầu bằng khả năng tha thứ cho chính mình về những điều tồi tệ ở lần thử đầu tiên.
Và hãy nghĩ về cái chết. Đừng để ý niệm này làm ta thêm sầu muộn, mà hãy dùng nó như một lời nhắc nhở đầy sức mạnh, thúc giục ta hành động ngay.
Rủi ro của việc không làm gì cả, sau cùng, còn lớn hơn rủi ro của việc thất bại.
Nỗi sợ thất bại nên nhường chỗ cho hiểm họa thực sự duy nhất: đó là không bao giờ dám thử.
Nguồn: ON CONFIDENCE