Về sự xấu xí và cuộc khủng hoảng nhà ở
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng hơn về bản chất của vấn đề: đó không phải là sự bảo thủ cố chấp. Đó là một khao khát về cái đẹp.
Người dân tại những thị trấn nông thôn yên bình ở miền nam nước Anh, như Chipping Norton hay Ashford, không khỏi kinh hoàng trước kế hoạch của chính phủ muốn xây dựng hàng ngàn ngôi nhà mới trên những cánh đồng xanh bao quanh nơi họ sống – để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày một tăng. Từ cửa sổ nhà mình, họ nhìn ra những hàng cây sồi, những đồng cỏ xanh rờn và những lùm cây rậm rạp, rồi thề sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ ai có ý định nới lỏng các quy định quy hoạch nghiêm ngặt hiện tại.
Hậu quả của sự phản đối này thật nghiêm trọng. Nó đang đẩy xã hội vào một cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng. Số lượng nhà được xây dựng ít hơn rất nhiều so với nhu cầu, giá nhà leo thang không ngừng, các khoản thế chấp ngày càng đắt đỏ, và vô số người phải chấp nhận những quãng đường đi làm xa xôi kiệt sức. Việc sở hữu một ngôi nhà tử tế giờ đây đã trở thành nhiệm vụ cả đời. Đó thực sự là một thảm họa xã hội.
Thật dễ để gọi những người phản đối này là ích kỷ. Nhưng để giải quyết cuộc khủng hoảng mà họ đã góp phần gây ra, chúng ta cần có cách tiếp cận khôn ngoan hơn, chiến lược hơn, và cố gắng hiểu được tâm lý của những con người vốn dĩ thường bị gán mác “kẻ ích kỷ bảo thủ” (NIMBY – Not In My Back Yard).
Những khu nhà ở quy mô lớn được xây dựng tại Đông Nam nước Anh trong 25 năm qua có một điểm chung – và đây là điều hiếm khi được thảo luận trong bối cảnh này: chúng rất xấu xí. Hoặc chính xác hơn, chúng xấu hơn rất nhiều so với những vùng nông thôn mà chúng thay thế.
Vào giữa thế kỷ 18, khi những ngọn đồi xung quanh thị trấn nhỏ Bath được nhường chỗ cho những công trình như Queen Square, Royal Crescent hay Somerset Place, không ai cảm thấy đau lòng quá mức. Tương tự, xa hơn một chút trong lịch sử, khi các vùng đất ngập nước, những bãi sậy lưa thưa và các đảo cát nơi cửa sông Po bị hy sinh cho đô thị hóa, cũng ít ai phản đối – bởi những gì thay thế chúng thật đáng giá.
Lịch sử cho ta thấy rằng, con người không phản đối việc xây dựng nhà ở nói chung. Họ chỉ phản đối khi những ngôi nhà được xây dựng kém đẹp hơn cảnh quan thiên nhiên mà chúng xóa bỏ. Và đây chính là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nhà ở tại Anh – cũng như là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Sự xấu xí, một cách cụ thể và chính xác, là thủ phạm đứng sau thảm họa xã hội hiện nay. Điều tưởng chừng như là sự ích kỷ, bảo thủ của người dân, thực chất lại là một lời kêu gọi âm thầm, ngập ngừng nhưng dễ hiểu cho sự duyên dáng, thanh lịch và đôi chút uy nghiêm.
Giải pháp không nằm ở việc xây dựng những phiên bản sao chép của các dãy nhà thời Georgian hay những cung điện Gothic bên kênh đào (cũng giống như việc yêu tiếng Anh không đồng nghĩa với việc chúng ta phải trò chuyện với người lạ bằng ngôn ngữ của Shakespeare). Giải pháp là tạo ra những khu nhà ở mang hơi thở kiến trúc hiện đại xuất sắc, như dự án nhà ở Accordia ở vùng ngoại ô Cambridge – nơi, không ngạc nhiên, chẳng ai lên tiếng phản đối.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, chúng ta cần nhìn nhận rõ ràng hơn về bản chất của vấn đề: đó không phải là sự bảo thủ cố chấp. Đó là một khao khát về cái đẹp. Nếu chạm được vào mong ước ấy, chẳng ai sẽ quá bận tâm đến những cây sồi bị đốn hạ, và giá nhà cũng sẽ giảm xuống.
Nguồn: ON UGLINESS AND THE HOUSING CRISIS - The School Of Life