Về việc ngủ sớm

ve-viec-ngu-som

Có một vòng lặp cứ lặp đi lặp lại như thế này: đã muộn rồi, tính theo giờ phải thức dậy vào sáng mai thì chúng ta nên đi ngủ ngay, nhưng thay vì thế, ta vẫn thức.

Có một vòng lặp cứ lặp đi lặp lại như thế này: đã muộn rồi, tính theo giờ phải thức dậy vào sáng mai thì chúng ta nên đi ngủ ngay, nhưng thay vì thế, ta vẫn thức. Hôm sau, dĩ nhiên, ta thấy uể oải, rệu rã và tự nhủ sẽ ngủ sớm hơn vào tối nay. Thế nhưng câu chuyện lại tiếp diễn: đồng hồ đã điểm nửa đêm, mai vẫn là một ngày bình thường, nhưng ta không chịu đi ngủ. Không phải vì ta tràn trề năng lượng — trái lại, ta mệt rã rời — nhưng vẫn cố chấp thức khuya. Và cứ thế, ngày này qua ngày khác, dù kiệt sức, ta vẫn tiếp tục chìm trong đêm muộn.

Trong cái vòng lẩn quẩn này, đôi khi ta thấy mình thật ngốc nghếch và bực bội. Ta tự trách mình là kẻ thiếu suy nghĩ, bướng bỉnh và tự hủy hoại bản thân: rõ ràng là cần đi ngủ sớm, nhưng lại không làm được. Sự mệt mỏi thể xác nay càng thêm nặng nề bởi cảm giác chán ghét chính mình. Nhưng sự giận dữ ấy không khiến ta thay đổi thói quen. Khi người bạn đời than phiền về việc ta ngủ muộn, ta gạt đi, coi đó là lời càm ràm khó chịu, càng bực hơn vì sâu trong thâm tâm, ta biết họ nói đúng.

Đây là một trong những điều kỳ lạ nhất của con người: dù biết rất rõ rằng những gì ta đang làm là sai trái và có hại, nhưng ta vẫn không dừng lại được. Chúng ta thường tự phê bình một cách gay gắt với hy vọng thúc ép bản thân thay đổi, nhưng điều đó chẳng mang lại kết quả gì ngoài sự xấu hổ, hoang mang và tuyệt vọng.

Photo credit: Claudia Mañas on Unsplash

Cách tiếp cận nhẹ nhàng và hiệu quả hơn là bắt đầu với lòng tò mò: thay vì phán xét, ta thử đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về hành vi của mình. Ta cần nghiêm túc tự hỏi: thức khuya thì có gì hay? Tại sao ta lại làm điều này? (Ý nghĩ ấy có vẻ kỳ quặc và sai trái, vì thật khó chấp nhận rằng một thói quen đang làm xáo trộn cuộc sống của ta lại có điều gì “tốt đẹp”). Nhưng liệu có thể, việc thức khuya đang hướng đến một điều gì đó quan trọng?

Tuổi thơ của chúng ta đầy ắp những ký ức ngọt ngào về đêm muộn. Ban đêm là khoảng thời gian bí ẩn và thú vị. Từ căn phòng tối, ta có thể nghe tiếng cười đùa của người lớn quanh bàn tiệc, họ nói về những điều bí mật mà ta chưa đủ tuổi để biết. Nếu được phép thức khuya, đó chắc chắn là dịp vô cùng đặc biệt: như bữa tiệc giao thừa ở nhà bà ngoại, nơi những ông chú râu ria dúi cho ta vài viên sô-cô-la, hay lần ta cùng đám anh chị em họ chen chúc trong căn phòng nhỏ xem một bộ phim dài. Rồi còn có chuyến bay đêm đầy háo hức cho kỳ nghỉ xa, khi thế giới ngoài kia bỗng trở nên thật rộng lớn và đầy ắp phiêu lưu.

Khi lớn hơn, những năm tháng tuổi trẻ đã nhuộm màu đêm bằng sự lãng mạn và kỳ diệu. Đó là thời điểm các nhà thơ tìm thấy nguồn cảm hứng, là khi những bữa tiệc trở nên cuồng nhiệt, là lúc bạn bè say sưa vẽ nên viễn cảnh thay đổi thế giới và là khi ta đặt nụ hôn đầu tiên với người mình yêu.

Dù những ký ức ấy đã xa xôi, đâu đó trong tiềm thức, chúng vẫn thôi thúc ta tin rằng ngủ sớm đồng nghĩa với bỏ lỡ những niềm vui của cuộc sống. Có thể đêm khuya của hiện tại chẳng có gì quá đặc biệt — ta chỉ lang thang trên mạng hay xem một bộ phim chẳng mấy hay ho — nhưng việc còn thức đến tận khuya khiến ta cảm giác mình đang “sống đúng nghĩa”, đang hòa mình vào một phiên bản trưởng thành đầy lôi cuốn của cuộc đời.

Và cứ thế, đêm này qua đêm khác, chiếc giường vẫn lặng lẽ đợi chờ, tấm chăn sẵn sàng để ta kéo lên, ánh đèn mong được tắt đi, nhưng đã là 12 giờ 30 phút, thậm chí 2 giờ sáng, và ta vẫn chưa ngủ.

Hãy thử nhìn bản thân bằng ánh mắt dịu dàng hơn. Ta không ngốc nghếch khi cứ mãi thức khuya; ta chỉ đang tìm kiếm điều gì đó quan trọng. Vấn đề không nằm ở mong muốn của ta, mà ở cách ta tìm kiếm nó. Những xúc cảm đẹp đẽ trong ký ức — sự ấm áp của tình thân, cảm giác khám phá và phiêu lưu, những ý tưởng lớn lao và sự kết nối sâu sắc — thật ra không gắn liền với màn đêm. Sự gần gũi với bạn bè hay người yêu, những suy tư sâu sắc và việc khai phá tiềm năng của bản thân — đó là nhiệm vụ của những giờ ban ngày, khi tâm trí ta tỉnh táo và sáng suốt nhất.

Ta sẽ chỉ thật sự có thể đi ngủ sớm — và tận hưởng giấc ngủ mình cần — không phải khi ta kiệt sức đến mức không chịu đựng thêm được nữa, cũng không phải khi ta đầu hàng trước sự tẻ nhạt của việc ngủ sớm, mà là khi ta biết tìm kiếm niềm vui và ý nghĩa của cuộc sống vào nơi chúng thực sự hiện diện: trong những giờ tươi mới, đầy năng lượng của ngày mới.

Nguồn: ON GETTING AN EARLY NIGHT

By The School of Life

menu
menu