Vì sao giành huy chương bạc thường kém hạnh phúc hơn huy chương đồng Olympic?

vi-sao-gianh-huy-chuong-bac-thuong-kem-hanh-phuc-hon-huy-chuong-dong-olympic

Một số nghiên cứu chỉ ra VĐV giành huy chương đồng Olympic thường có xu hướng hạnh phúc, hài lòng hơn VĐV giành huy chương bạc.

Với Olympic nói riêng và thể thao nói chung, huy chương vàng là danh hiệu danh giá nhất dành cho các VĐV, tiếp theo đến huy chương bạc, cuối cùng là huy chương đồng. Tuy nhiên, huy chương giá trị hơn, không đồng nghĩa với hạnh phúc nhiều hơn.

Vì sao VĐV đoạt HCB không vui?

VĐV Ben Whittaker (Vương quốc Anh) vừa có hành động gây chú ý sau trận chung kết boxing. Anh từ chối đeo HCB lên cổ, mà lặng lẽ cất vào túi. Khi được đề nghị giơ huy chương để chụp ảnh, Whittaker chỉ miễn cưỡng cầm HCB trên tay với gương mặt khó chịu. 

Trả lời báo chí, Whittaker nói tấm HCB là một thất bại. "Tôi không giành được HCV. Tôi đã đánh mất nó. Đây là thất bại, nên tôi không thể ăn mừng với tấm HCB. Đừng nói là bạn giành HCB, mà phải nói là bạn mất HCV. Đó là lý do tại sao tôi có cảm xúc ấy", Whittaker nói. 

Whittaker (trái) miễn cưỡng cầm tấm HCB. 

 Nỗi buồn của Whittaker đối lập với gương mặt rạng rỡ của Imam Khataec (Ủy ban Olympic Nga) và Loren Berto Alfonso Domiguez (Azerbaijan) - hai VĐV giành HCĐ.

Đây không phải vấn đề cá nhân của Whittaker. Bài viết của ký giả Jason G. Goldman trên tạp chí khoa học thường thức Mỹ chỉ ra rằng VĐV giành HCĐ thường có xu hướng hài lòng, hạnh phúc hơn VĐV giành HCB. Tại sao?

"Trong tâm lý học có một luận điểm nổi tiếng: thành tựu của một người không quan trọng bằng cách người đó nhìn nhận thành tựu của mình. Ví dụ, một người đàn ông tên Arthur có thể vui mừng khi được tăng 5% lương, cho đến khi anh ta biết đồng nghiệp Emily của mình được tăng 10% lương.

Nhưng có bao giờ người được tăng 5% lương hài lòng hơn người được tăng 10% lương không? Có lẽ nếu Arthur chỉ kỳ vọng tăng 3% nhưng được tăng 5%, trong khi Emily kỳ vọng tăng 15% nhưng chỉ nhận được 10%, thì quả thực Arthur sẽ hài lòng hơn, mặc dù nó thấp hơn kết quả của Emily", nhà tâm lý học William James nêu luận điểm vào năm 1892. 

Luận điểm nói trên được ứng dụng trong Olympic. Theo lý thuyết, người giành HCV có thành tích tốt nhất. Người HCB thành tích kém hơn một chút, còn người đoạt HCĐ thành tích thấp hơn nữa. Người ta có thể mong đợi rằng niềm hạnh phúc của họ sẽ phản ánh thứ tự này

Ở Thế vận hội mùa đông Vancouver (2010), VĐV Hannah Kearny của Mỹ giành HCV, Jennifer Heil (Canada) giành HCB, còn Shannon Bahrke (Mỹ) giành HCĐ. Như vậy, Kearny sẽ là người hạnh phúc nhất, sau đó đến Heil rồi đến Bahrke.

Giành huy chương bạc, nhưng Jennifer Heil (ngoài cùng bên trái) không vui như Shannon Bahrke - người chỉ có huy chương đồng.

Tuy nhiên, Bahrke - VĐV đoạt HCĐ, dường như lại hạnh phúc hơn Heil (đoạt HCB). Các nhà tâm lý cho rằng hiện tượng này có thể được giải thích bằng tư duy phản thực tế. Điều này có nghĩa là mọi người so sánh những thành tựu khách quan của họ với những gì "có thể đã đạt được".

Các VĐV giành HCB thực tế chỉ tập trung vào việc tranh đấu để lấy HCV. Họ sẽ nhìn vào sự khác biệt giữa việc đứng đầu so với bất kỳ kết quả nào khác. Với họ, không giành HCV đồng nghĩa với thất bại trong cuộc tranh đấu này. VĐV ấy sẽ giống Whittaker, cho rằng bản thân mình mất HCV, hơn là giành được HCB.

Tuy nhiên, người giành HCĐ có thể tập trung suy nghĩ ngược lại về vị trí thứ tư, tức là thay vì có nguy cơ chẳng giành được huy chương nào cả, họ lại bứt lên và được an ủi bằng tấm HCĐ.

Chính vì sự so sánh này mà người giành HCĐ, người có hoàn cảnh khó khăn hơn, sẽ hài lòng với bản thân hơn, và hạnh phúc hơn với thành tích của mình, hơn là người giành HCB. 

Khác biệt ở nét mặt 

Để điều tra khoa học vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã quay video cảnh Olympic 1992 ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha. Cụ thể, họ ghi lại các buổi lễ trao huy chương và cho các sinh viên đại học xem, cũng như các đoạn phim từ các cuộc thi thể thao ngay sau khi công bố những người chiến thắng.

Họ yêu cầu sinh viên đánh giá mức độ hạnh phúc của từng người được huy chương trên thang điểm 10, với 1 là "đau đớn" và 10 là "ngây ngất".

Gương mặt khó chịu của McKayla Maroney khi chỉ giành huy chương bạc ở Olympic London. 

Trung bình, những người giành HCB đạt 4,8 điểm, và những người giành HCĐ đạt điểm 7,1 ngay sau khi công bố kết quả. Tại lễ trao huy chương, các VĐV đoạt HCB đạt 4,3 trên thang điểm hạnh phúc, trong khi các vận động viên HCĐ đạt 5,7.

Các phân tích thống kê đã chứng minh rằng cả ngay sau khi giành chiến thắng, cũng như sau lễ trao huy chương, những người giành HCĐ đều vui hơn rõ ràng so với những người giành HCB. 

Năm 2006, nhà tâm lý học David Matsumoto của Đại học Bang San Francisco, cùng với Bob Willingham của tạp chí The World of Judo đã hợp tác để xem liệu mô hình này có phù hợp hay không.

Họ nghiên cứu nét mặt VĐV sau các trận đấu judo tại Olympic Athens (2004). Cả hai thu thập dữ liệu từ 84 VĐV vào 3 thời điểm khác nhau: ngay sau các trận đấu của họ, khi họ nhận huy chương và khi họ đứng trên bục vinh quang.

Nỗi buồn của đội tuyển bơi Mỹ khi giành HCB 4x100m tại Olympic London. 

Nhìn chung, họ thấy rằng 13/14 người đoạt HCV mỉm cười ngay lập tức sau khi chiến thắng, trong khi 18/26 người giành HCĐ mỉm cười. Tuy nhiên, không ai trong số các vận động viên giành HCB nở nụ cười ngay lập tức sau khi trận đấu của họ kết thúc. 

Nét mặt được ghi nhận ở những người đoạt HCB dao động từ buồn bã (43%), khinh thường (14%) cho đến vô cảm (29%). "Họ thể hiện cảm xúc rời rạc, tiêu cực", Matsumoto và Willingham viết. 

Trên bục nhận giải, các VĐV đoạt HCB có nhiều khả năng mỉm cười hơn. 96,4% người được nghiên cứu có khoảnh khắc nở nụ cười vào lúc này. Tuy nhiên, phân tích chỉ ra rằng nụ cười của những người đoạt HCB thường gượng gạo, ít chân thực hơn.

Mô hình nghiên cứu này còn tồn tại một số tranh cãi, nhưng đúng trong không ít trường hợp, mà câu chuyện của Whittaker chỉ là một ví dụ. 

HỒNG NAM

Nguồn: https://vtc.vn/vi-sao-gianh-huy-chuong-bac-thuong-kem-hanh-phuc-hon-huy-chuong-dong-olympic-ar629065.html

menu
menu