Vì sao sự lãng mạn trong tình yêu có thể trở nên độc hại?

vi-sao-su-lang-man-trong-tinh-yeu-co-the-tro-nen-doc-hai

Các nhà tâm lý đã kết luận rằng, sự lãng mạn kéo dài theo thời gian sẽ biến một giấc mơ tình yêu tuyệt vời trở thành một cơn ác mộng đau đớn.

Sự lãng mạn trong tình yêu giống như hơi men của một loại bia, rượu. Khi nó còn tồn tại, chúng ta bị đắm chìm trong sự say sưa, ngây ngất và chỉ nhìn thấy những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, khi đã tỉnh táo, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng và trống rỗng.

Trong nghệ thuật từ xưa đến nay, chủ đề được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là tình yêu đôi lứa. Đây là thứ tình cảm rất kì lạ bởi nó khiến hai con người vốn dĩ xa lạ lại gắn kết chặt chẽ với nhau. Nó giúp chúng ta không còn phải chịu nỗi cô đơn của một người trưởng thành đã bước ra khỏi vòng tay của cha mẹ, bôn ba ngoài xã hội, chịu áp lực cơm, áo, gạo, tiền… Người yêu cũng chính là một người bạn đồng hành vô cùng thân thiết, chia sẻ với ta mọi vui buồn, khiến ta sống có ý nghĩa và có mục đích hơn. Tuy nhiên, điều khiến tình yêu lứa đôi đặc biệt hơn những thứ tình cảm khác chính là sự lãng mạn.

Khi bắt đầu hẹn hò với ai đó, có phải bạn và người ấy bắt đầu ôm điện thoại cả ngày để nhắn tin, gọi điện hỏi han nhau bằng những câu nói đậm chất “ngôn tình”? Đến sinh nhật của đối phương, bạn dành hàng giờ trên mạng để nghiên cứu thật kĩ các kết quả tìm kiếm với từ khóa “những món quà lãng mạn nhất” và nghĩ ra đủ mọi cách để người đó bất ngờ khi nhận quà?… Những biểu hiện này chính là sự lãng mạn trong tình yêu.

Tuy nhiên, một thời gian sau, bạn lại có cảm giác mọi thứ đẹp đẽ dường như biến mất, sự ngọt ngào giảm dần và thay vào đó là đôi lần mâu thuẫn vì đủ mọi lý do. Các nhà tâm lý đã kết luận rằng, sự lãng mạn kéo dài theo thời gian sẽ biến một giấc mơ tình yêu tuyệt vời trở thành một cơn ác mộng đau đớn. Những lý giải cho hiện tượng này đều liên quan đến những đặc điểm tâm lý tự nhiên của con người.

Khi hẹn hò với đối tượng mình thích, Dopamine – một chất hóa học có trong não – sẽ tiết ra để phản ứng lại với các nguồn tạo ra niềm vui, từ đó khiến chúng ta có cảm giác hạnh phúc, ngây ngất và phấn khích. Bên cạnh đó, tình yêu cũng giúp bộc lộ những phần tính cách tiềm ẩn của con người. Chúng ta bỗng dưng trở nên tinh tế hơn và biết đồng cảm hơn. Theo cách này, chúng ta cảm thấy cuộc sống trở nên mới mẻ và thú vị bởi những mặt khác của mình có cơ hội bộc lộ ra ngoài. Cảm giác mới lạ này cũng khiến não tiết ra Dopamine.

Rõ ràng khi mới hẹn hò, nồng độ Dopamine liên tục tăng cao khiến cho não bộ trở nên hỗn độn và không thể nghĩ đến thứ gì khác ngoài yêu. Chúng ta chìm đắm trong men tình và hiện tượng lý tưởng hóa bắt đầu xuất hiện. Lúc này, hình ảnh của đối phương được vẽ nên với những màu sắc lung linh rực rỡ nhất và chúng hoàn toàn áp đảo nhận thức khách quan, đúng đắn của bạn về đối tượng đó. Bạn ngưỡng mộ người mình yêu, sẵn sàng “ngó lơ” hết mọi khiếm khuyết, lỗi lầm của họ. Bạn trở nên mù quáng, luôn mơ mộng về một tình yêu lãng mạn đến hết đời và không thể nào gạt những ý nghĩ đó ra khỏi tâm trí mình.

Mặc dù hiện tượng lý tưởng hóa không làm chúng ta hoàn toàn mất nhận thức trước các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng về một đối tượng chưa phù hợp nhưng nếu bạn là kiểu người hay chán nản hoặc có lòng tự trọng thấp, bạn càng có nhiều khả năng đánh giá người ấy ở mức cao hơn thực tế và bỏ qua các dấu hiệu rắc rối, chẳng hạn như họ là người không đáng tin cậy, có quá nhiều tật xấu hay đôi khi là thiếu tôn trọng bạn…

Sau giai đoạn lý tưởng ban đầu, chúng ta bước vào giai đoạn thử thách tình yêu khi bắt đầu biết thêm những khuyết điểm của đối phương. Lúc này, một số đặc điểm hấp dẫn trước đây bỗng trở nên phiền phức. Bạn tự hào rằng cô người yêu của mình rất ấm áp và chu đáo vì người ấy luôn nhắn tin để hỏi mình đi đâu, làm gì nhưng bây giờ, sự quan tâm ấy lắm lúc lại trở nên phiền phức. Bạn từng ngưỡng mộ sự táo bạo và quyết đoán của anh ấy nhưng giờ đây lại cảm thấy người yêu của mình thật thô lỗ và cộc cằn khi giải quyết vấn đề. Bạn bị mê hoặc bởi tâm hồn vô tư, hồn nhiên của cô ấy nhưng bây giờ lại kinh hoàng bởi sự chi tiêu không tính toán. Bạn từng hạnh phúc biết bao khi nghe anh chàng người yêu hứa hẹn về một tương lai tươi sáng nhưng lại phát hiện ra anh ấy rất hay nói dối…

Lúc này, những thứ mới mẻ lúc bắt đầu hẹn hò đã dần trở nên quen thuộc. Nồng độ của Dopamine hạnh phúc trong não dần dần cạn kiệt. Chúng ta bắt đầu trở lại với tính cách thật của mình và người ấy cũng vậy. Sự bao dung để chấp nhận hết mọi hành vi tiêu cực của đối phương cũng từ từ biến mất. Ban đầu, bạn cảm thấy mình hoàn toàn có thể thích nghi với anh ấy hoặc cô ấy. Còn bây giờ, bạn đang cảm thấy chán nản vì những điều mình muốn không được đáp ứng.

Bạn liên tục hỏi bản thân rằng có phải người mình yêu đã thay đổi. Những câu nói, hành động lãng mạn không còn diễn ra nữa. Người ấy bỗng trở nên bình thường, thậm chí không khác gì những người khác. Trên thực tế, bạn và người yêu đều thay đổi bởi chất hóa học trong não giúp bạn yêu say đắm, cuồng nhiệt đã tự động biến mất. Đây là điều mà bạn không thể nào kiểm soát được. Niềm vui sướng từ sự lãng mạn trong tình yêu đã không còn nữa và đến lúc bạn bắt buộc phải chọn tiếp tục hay dừng lại mối quan hệ này.

Sự lãng mạn trong tình yêu càng kéo dài bao nhiêu thì sau khi nó kết thúc, bạn càng hụt hẫng và chán nản bấy nhiêu. Cảm giác này tương tự như khi bạn say rượu. Càng say bao nhiêu thì sau khi tỉnh giấc, đầu óc bạn sẽ càng trống rỗng và mỏi mệt bấy nhiêu. Những câu nói, hành động “ngôn tình” đầy ngọt ngào không phải là thứ tạo ra một tình yêu đích thực. Chỉ có sự sẻ chia, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau mới tạo nên một mối quan hệ gắn bó bền bỉ. Hãy học cách chấp nhận những khuyết điểm của người ấy và dung hòa tính cách giữa hai bạn. Mặc dù giai đoạn lãng mạn ban đầu đã qua đi nhưng thỉnh thoảng, hãy dành cho đối phương những bất ngờ nho nhỏ bạn nhé. Hạnh phúc luôn đến từ những điều bình dị hàng ngày, đúng không nào?

 

Ảnh: thedreamwithinpictures.com

Bài: Thu Trang

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: The Minds Journal

menu
menu