Vì sao tâm trạng chúng ta lại đi xuống sau kỳ nghỉ
Cảm giác chán nản, mệt mỏi khi phải trở lại nhịp sống thường ngày sau các kỳ nghỉ kéo dài là dấu hiệu nhận biết của tình trạng post-holiday anxiety.
Những triệu chứng của post-holiday anxiety sẽ xuất hiện muộn nhất tầm khoảng một tháng sau chuyến đi.
Nội dung chính:
- Kỳ nghỉ càng dài và càng thú vị thì nguy cơ mắc phải hội chứng này càng cao.
- Post-holiday anxiety thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu như sự chán nản kéo dài hơn, nó có thể được phân loại như một dạng “nghiêm trọng” hơn của chứng trầm cảm.
Quay lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, Minh Thông (22 tuổi, thực tập sinh tại một công ty truyền thông) cảm thấy khó bắt nhịp và không mấy hứng thú khi làm việc.
Thông vẫn nhớ cảm giác thoải mái, vui vẻ bên gia đình trong những ngày nghỉ vừa qua thay vì không khí áp lực ở văn phòng. Tương tự, Anh Thư (25 tuổi, kế toán làm việc tại TP.HCM) cũng cảm thấy khó "vào guồng" sau thời gian nghỉ Tết.
Dù đã đi làm 3 năm, sau mỗi chuyến du lịch hay kỳ nghỉ kéo dài, Thư đều uể oải và không thể tập trung trong những ngày đầu quay lại làm việc.
Vậy, tại sao chúng ta lại cảm thấy buồn chán sau khi kết thúc thời gian nghỉ ngơi trong các kỳ nghỉ hay các chuyến du lịch? Hiện tượng này được gọi là post-holiday anxiety.
Khi du lịch và các kỳ nghỉ cũng khiến bạn lo âu
Theo định nghĩa của National Alliance on Mental Illness (Liên minh Quốc gia về bệnh tâm thần), post-holiday anxiety là cảm giác lo lắng, căng thẳng và mệt mỏi xuất hiện trong hoặc sau kỳ nghỉ do những kỳ vọng hoặc ký ức đẹp liên quan đến kỳ nghỉ lễ.
Ngay cả khi bạn đã tận hưởng chuyến đi một cách vui vẻ nhưng khi trở về nhà thì tâm trạng đó bắt đầu tan biến. Sự thoải mái và hạnh phúc bị thay thế dần bởi những cảm giác hụt hẫng, khó chịu khi phải thích nghi lại với nhịp sống bình thường.
Verywell Mind đã tổng hợp một số dấu hiệu cho thấy bạn đang rơi vào tình trạng post-holiday anxiety như sau:
- Mệt mỏi và lo lắng
- Cảm thấy không có động lực
- Luôn cảm thấy bản thân đang ở trong một tâm trạng tồi tệ
- Cảm giác tiếc nuối khoảng thời gian trong kỳ nghỉ
- Mất ngủ và chán ăn
Vì sao tâm trạng chúng ta lại "đi xuống" sau kỳ nghỉ?
Theo TS tâm lý học Eileen Kennedy-Moore, niềm vui trong các chuyến đi hay các kỳ nghỉ sẽ khiến sản sinh ra dopamine cho cơ thể, khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Khi kết thúc khoảng thời gian này để trở lại với thói quen sinh hoạt bình thường, mức dopamine đột ngột xuống thấp dẫn đến tâm trạng bị "tụt mood" và suy sụp.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cũng là một "thủ phạm" gây ra tình trạng này. Các buổi tiệc hay các bữa ăn nhiều đường và rượu có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của chúng ta.
Chúng sẽ mang đến sự hưng phấn và thỏa mãn nhất thời nhưng cũng để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực về cả mặt thể chất lẫn tinh thần.
Làm thế nào để quay lại cuộc sống thường nhật?
Để nạp lại năng lượng và cải thiện tâm trạng sau những kỳ nghỉ, bạn có thể tham khảo một vài gợi ý của nhà trị liệu tâm lý Ruairi Stewart chia sẻ trên Tạp chí Stylist (Anh):
Chăm sóc bản thân
Giấc ngủ chất lượng, tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng,... là những nền tảng cho một lối sống lành mạnh được nhiều chuyên gia khuyên dùng để cải thiện tâm trạng và kiểm soát các triệu chứng trầm cảm.
Có thể các thói quen này đã được bạn xây dựng từ trước nhưng trong kỳ nghỉ dài thì thật khó để duy trì chúng. Việc thiết lập lại chúng là điều rất cần thiết và là tiền đề quan trọng để bạn có thể quay lại nhịp sống thường ngày một cách nhanh chóng và thoải mái nhất.
Sắp xếp thời gian cho niềm vui
Tương tác xã hội là một phần quan trọng để nâng cao sức khỏe về cả mặt tinh thần lẫn thể chất. Khi kỳ nghỉ kết thúc cũng là lúc bạn tạm biệt các buổi hẹn hò hay tiệc tùng và quay lại với một bảng kế hoạch trống. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy hơi hụt hẫng và chán nản.
Hãy lấp đầy bảng kế hoạch của mình với các hoạt động bạn yêu thích và các buổi hẹn thú vị. Nó sẽ đem lại cảm giác thú vị, vui vẻ và hạn chế tình trạng "sốc nhiệt" khi quay về nhịp sống thường ngày.
Hãy kiên nhẫn
Sự hụt hẫng, mệt mỏi và căng thẳng sau kỳ nghỉ sẽ không tồn tại mãi mãi. Trong khi chờ nó kết thúc, hãy cho phép bản thân được thả lỏng và tâm trạng chùng xuống đôi chút.
Đừng bắt ép bản thân phải vui vẻ hay năng suất trở lại ngay lập tức mà hãy để mình nghỉ ngơi và thích ứng từ từ với trạng thái này. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu của post-holiday anxiety kéo dài, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.
Vân Khanh
Đồ họa: Hina
Nguồn: zingnews.vn