Viktor Frankl – Người sống sót do giữ được tâm quân bình trong giông bão

viktor-frankl-nguoi-song-sot-do-giu-duoc-tam-quan-binh-trong-giong-bao

"Đau khổ tự bản thân nó không có ý nghĩa gì cả, chính cách phản ứng của chúng ta mới khoác lên cho chúng ý nghĩa” – Khuyết Danh

Hôm nay, tôi vừa đọc xong tiểu luận nhỏ “Đi tìm lẽ sống” của Viktor Frankl – một người Do Thái bị bắt vào một trong những trại tập trung nổi tiếng về sự khắc nghiệt nhất của Đức Quốc Xã là Auschwitz. Là một nhà tâm lý học trước khi bị bắt vào trại – Viktor đã giữ được thái độ trung lập nhất giữa những nghịch cảnh đau thương, mất mát diễn ra trong trại tập trung. Ông gần như có khả năng tách mình ra khỏi những khổ đau đó, đứng cạnh một bên để quan sát và phân tích chúng một cách khách quan và tỉnh táo. Bởi vậy, ông không bị đánh đồng với những cảm xúc như chán nản, tuyệt vọng, hưng phấn, tức giận, hận thù, lãnh cảm & bị chúng cuốn theo đi, điều khiển ông. Và đó là điều khác biệt lớn nhất giữa ông và những bạn tù khác trong trại, những người đã không còn sống sót để trở về khi họ chết vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cái chính là để tinh thần mình bị hoàn cảnh điều khiển.

 

Người thì chết do họ quyết định đầu hàng nghịch cảnh, họ mất niềm tin vào tương lai của chính mình và chết. Như trong trích đoạn sau đây của Viktor:

Người tù nào mất niềm tin vào tương lai của chính mình thì coi như người đó đã chết. Với việc mất niềm tin ở tương lai, người ấy cũng đã đánh mất cả tâm hồn, bị suy sụp và rệu rã cả thể chất lẫn tinh thần. Thông thường, điều này xảy ra khá đột ngột, dưới hình thức một cuộc khủng hoảng – một triệu chứng khá quen thuộc với những tù nhân có kinh nghiệm. Chúng tôi đều sợ khoảnh khắc này – không phải chúng tôi sợ cho bản thân mình, mà sợ cho bạn bè của chúng tôi. Thông thường sự việc bắt đầu vào một sáng, người tù không chịu mặc đồ, không rửa ráy hoặc không muốn tập trung ra sân. Không lời khẩn nài, cưỡng ép hay đe dọa nào có tác dụng với anh ta. Người ấy chỉ nằm đó, bất động. nếu thảm họa này là do bệnh tật, anh ấy sẽ không chịu cho người khác đưa đến bệnh xá hoặc làm bất cứ điều gì để giúp mình. Chỉ đơn giản là anh ta muốn từ bỏ tất cả. anh ta cứ nằm lì ra đó, bài tiết tại chỗ, và chẳng màng bận tâm đến gì cả.

Nhưng ngược lại, ngay trong đoạn tiếp theo. Viktor lại đề cập đến một trường hợp bị chết do… lạc quan và hưng phấn quá đà. Trích đoạn đó như sau:

Tôi có lần đã nhìn thấy một ví dụ sống động về mối quan hệ mật thiết giữa việc mất niềm tin ở tương lai và sự từ bỏ nguy hiểm này. F. – viên tự quản khối kỳ cựu của chúng tôi, một nhà thơ và nhà viết nhạc kịch khá nổi tiếng – một ngày nọ, đã kể cho tôi nghe một bí mật:

– Tôi sắp kể cho cậu nghe một chuyện. Bác sĩ (tức ám chỉ chức danh của Viktor), tôi đã có một giấc mơ lạ. Có một giọng nói với tôi rằng nếu tôi tha thiết ước muốn được biết một điều gì đó thì những câu hỏi của tôi về điều đó sẽ được trả lời. Cậu nghĩ tôi đã hỏi điều gì? Tôi muốn biết khi nào thì chiến tranh sẽ kết thúc với tôi. Cậu biết ý của tôi là gì rồi đấy, bác sĩ – kết thúc với tôi! Tôi muốn biết khi nào chúng ta, trại của chúng ta, sẽ được giải phóng và những đau khổ này sẽ kết thúc.
– Ông mơ thấy điều ấy khi nào? – tôi hỏi.
– Vào tháng 2 năm 1945. – Ông trả lời. Lúc ấy đã là đầu tháng 3 năm 1945.
– Rồi giọng nói trong giấc mơ của ông đã trả lời ra sao?
Ông thì thầm:
– Ngày 30 tháng 3.

Khi F. kể cho tôi nghe về giấc mơ của ông, ông vẫn tràn đầy hy vọng và tin tưởng rằng giọng nói trong giấc mơ của mình sẽ trở thành sự thật. Nhưng càng đến gần ngày đó, tin tức chiến sự đến trại chúng tôi đã cho thấy rõ rang rằng chúng tôi sẽ không được tự do vào ngày ấy, F. bỗng nhiên trở bệnh và sốt cao. Ngày 30 tháng 3, ngày mà lời tiên tri đã nói với ông rằng chiến tranh và những đau khổ sẽ chấm dứt với ông, F. bị mê sảng và không còn biết gì nữa. Và ông mất vào ngày 31 tháng 3. Về tác nhân sinh lý bên ngoài thì ông chết vì bệnh sốt phát ban.

Người nào hiểu được mối quan hệ mật thiết giữa trạng thái tinh thần của con người – sự phấn khởi, hy vọng hoặc sự thiếu thốn những điều này – với tình trạng miễn dịch của cơ thể thì sẽ hiểu được rằng việc đột ngột mất đi những thứ đó có thể tạo ra những tác động chí mạng ra sao. Nguyên nhân quan trọng nhất tạo nên cái chết của F. là vì sự tự do mà ông ấy hằng mong đợi đã không đến, và ông bị rơi vào sự thất vọng thê thảm. Điều này làm giảm đột ngột sức đề kháng của ông trước căn bệnh vốn vẫn âm ỉ trước đấy. Niềm tin vào tương lai và ý chí sống đã bị tê liệt, cơ thể của ông trở thành miếng mồi ngon cho căn bệnh chết người – và vì vậy, tiếng nói trong giấc mơ cuối cùng cũng đúng với ông.

Những quan sát và kết luận rút ra từ trường hợp này cùng với ý kiến của bác sĩ trưởng trại đã khiến tôi chú ý. Tỷ lệ tử vong trong tuần lễ từ Giáng sinh năm 1944 đến Tết năm 1945 tăng vọt, vượt hẳn các số liệu trước đó. Theo bác sĩ trưởng trại, sự gia tăng này không phải vì điều kiện làm việc vất vả hơn hay do thức ăn thiếu thốn hơn, cũng không phải vì thay đổi thời tiết hoặc một dịch bệnh mới. Nguyên nhân đơn giản là vì đa số tù nhân đã sống với hy vọng ngây thơ rằng họ sẽ được trở lại nhà vào dịp Giáng sinh. Và khi thời gian đến gần mà không có tin tức tốt nào, người tù bị nhụt chí và không gì ngăn cản nổi sự thất vọng ập tới. Nó tác động nguy hiểm lên sức đề khác của họ và khiến nhiều người mất mạng.

Tóm lại trong trại, người để trạng thái tinh thần thấp xuống cũng chết, mà người nào đẩy trạng thái tinh thần hưng phấn lên cao độ quá, cũng chết (có lẽ sau gia đoạn hưng cảm, là đến giai đoạn trầm cảm).

Tất nhiên, còn có nhiều kiểu chết khác trong trại. VD như người tù rất hay phải chơi trò “Cò quay Nga” (Russian Roulette) với lính canh. Trò mà người chơi sẽ dùng một khẩu súng có 6 ổ đạn, trong đó 5 ổ trống và 1 ổ có đạn thật. Những người cùng chơi trò này sẽ lần lượt dí họng súng vào thái dương mình và bóp cò, không ai biết đạn thật sẽ lên nòng ở lượt người chơi nào. Và tỷ lệ sống sót cho mỗi người là 1/6. Thế nhưng, một số thống kê không chính thức cho thấy, tỷ lệ quá bán những người chết do trò chơi này là những người đã tỏ ra sợ hãi ngay từ lúc ban đầu. Và không hiểu sao tới lượt những người chơi yếu bóng vía đó, tỷ lệ họ quay phải ổ có đạn là rất lớn.

Trong trại Auschwitz, trò Roulette đó thường diễn biến theo một hình thái khác. Ví dụ có một đợt vận chuyển tù nhân trong trại đến trại tập trung mới, lính cai sẽ đến các phòng giam thông báo và để cho những tù nhân tình nguyện ghi danh mình vào đợt vận chuyển này. Thông tin truyền tai nhau trước đó trong số các tù nhân, phần lớn khả năng trại mới này không có phòng hơi ngạt, không có lò thiêu, khẩu phần ăn khấm khá hơn, và tất nhiên tỷ lệ sống sót của họ cũng cao hơn là ở trại Auschwitz – nơi mà trung bình mỗi ngày có 1 tá người tù bị chết này. Trên thực tế, có 3 khả năng xảy ra với một người tù trong những dịp thế này:

– Khả năng 1: Người tù được vận chuyển tới trại mới điều kiện sống đúng như lời đồn đại trước đó. Anh ta sẽ sống sót để trở về.

– Khả năng 2: Nhưng rất có thể đợt vận chuyển này là “một lời nói dối” của lính Đức Quốc Xã. Rất có thể điểm đến tiếp theo của những người tình nguyện ghi danh, chính là lò thiêu. Và đợt “vận chuyển” lần này chỉ là cái cớ để lính cai dọn dẹp và giảm tải số lượng tù nhân đã quá đông trong trại này mà thôi.

– Khả năng 3: Do không biết khả năng 1 hay 2 có thể xảy ra, tù nhân không ghi danh. Và trước sau sau trước, khả năng anh ta chết trong trại Auschwitz này là rất lớn, nếu không vì suy dinh dưỡng, bị thương, thì cũng là phòng hơi ngạt hay lò thiêu trong một ngày nào đó.

Đôi khi, lính canh Đức quyết định số phận của các tù nhân một cách đầy cảm tính. Giả sử trong lần đầu tiên khi đoàn tầu chở tù nhân (trong đó có Viktor) đến Auschwitz, một tên lính canh đã bắt các tù nhân xếp thành một hàng. Sau đó hắn nhìn từng người, rồi sắp xếp người này đứng vào hàng bên trái, người kia đứng vào hàng bên phải. Rồi 2 đoàn người được dẫn về 2 dãy nhà khác nhau trong trại. Đoàn người bên trái được lệnh đi vào khu “nhà tắm”, mỗi người sẽ được phát trên tay một bánh xà phòng, rồi đi vào một căn phòng khép kín. Nhưng thực ra đó lại chính là lò thiêu. Thời điểm đó khá may mắn cho Viktor, ông đã giấu một chiếc balo nhỏ bên trong vạt áo bên trái. Sức nặng của balo khiến ông đứng hơi nghiêng về phía bên trái, thế nhưng rốt cuộc tên lính canh lại chỉ ông đứng vào hàng bên phải, do đó ông đã thoát chết.

Đọc trong tiểu luận này, nếu bạn không giữ được một cái tâm quân bình, bạn rất dễ bị cuốn theo cảm xúc nặng nề. Bạn sẽ cảm thấy chua xót và nghi vấn về những giá trị nhân văn của con người thời đó, khi mà những người Do Thái trước khi vào trại, thì đều là những người có địa vị, học vấn cao và thành đạt trong xã hội như giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ hay giám đốc ngân hàng. Nhưng khi vào trại, họ phải từ bỏ toàn-bộ-những-vật-ngoại-thân bên ngoài của họ, kể cả bằng cấp, học vị, một món đồ kỷ niệm, hay cả tóc tai và những sợi lông vùng kín của họ, cũng bị cạo sạch để chống chấy rận, ngay cả cái tên của họ cũng phải bị từ bỏ trong trại, bởi Đức Quốc Xã sẽ quản lý các tù nhân Do Thái này bằng những con số vô hồn và lạnh lùng. Viktor có mô tả rằng, sau khi bị lột trần và cạo sạch lông, mọi người bị tống vào nhà tắm tập thể, khi những giọt nước đầu tiên chảy ra từ vòi xối vào cơ thể họ, họ mới thực sự nhận ra mình đã mất sạch và chẳng còn gì cả. Sau bao nhiêu năm, họ lại trở về nguyên sơ, thậm chí cả một sợi lông trên người cũng không có, như thể họ mới lọt lòng mẹ vậy.

Tất nhiên, thời gian tiếp sau trong trại, ít nhiều họ vẫn còn giữ phẩm giá và cung cách cư xử như những người có giáo dục trong trại. Nhưng lính canh, bạn tù và môi trường trại tập trung đã đè bẹp những gì mang tính “nhân văn” còn sót lại trong những người tù. Rồi từ cảm giác những đứa bé vô sản mới lọt lòng mẹ, những người tù lại rơi tiếp xuống một tầng thấp hơn nữa, khi họ cảm giác mình không còn được cư xử như những con người, mà đơn thuần chỉ là những con vật nhớp nhúa và bị chăn dắt bởi lính canh và những tên trưởng trại (Capo) tàn ác khác. Họ bị đánh đập, chửi rủa, vắt kiệt sức lao động, ăn uống thiếu dinh dưỡng, ngủ chui rúc vào nhau trên những tấm phản gỗ chật hẹp, bị đưa vào phòng hơi ngạt hoặc lò thiêu một cách ngẫu nhiên lúc nào không hay. Cô đơn không biết tin tức về người thân, vợ con, cha mẹ mình đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Khi họ bị chết (phần nhiều do suy dinh dưỡng) thì bị lột trần và vứt vào những hố chôn tập thể, những chiếc răng vàng sẽ bị Đức Quốc Xã bẻ đi để nấu chảy. Và trong nhiều trường hợp trại thiếu lương thực, xác chết của họ sẽ được xẻo đi để nấu.

Bản thân Viktor cũng rất nhiều lần rơi vào trạng thái tinh thần như vậy:

Tôi nhớ lại trải nghiệm của chính mình. Gần như chảy nước mắt vì đau (bàn chân đau buốt vì những vết thương trong đôi giày rách nát), tôi lết đi nhiều cây số trong hàng người dài từ trại đến công trường. Những cơn gió lạnh buốt đập vào chúng tôi tê cóng. Tôi luôn nghĩ đến những vấn đề nhỏ nhặt, vô tận trong cuộc sống khốn khổ của mình. Tối nay tôi sẽ ăn gì? Liệu người ta có phát cho tôi thêm một ít xúc xích không, liệu tôi có nên đổi nó để lấy một mẩu bánh mỳ không? Liệu tôi có nên bán đi điếu thuốc cuối cùng còn sót lại từ phần thưởng nhận được hai tuần trước để lấy một chén xúp không? Làm sao tôi có thể kiếm được sợi dây để thay cho sợi dây giày bị đứt? Không biết tôi có đến nơi làm việc đúng giờ để nhập vào nhóm quen hay là phải nhập vào một nhóm khác và có thể gặp phải một tên quản đốc hung bạo? Tôi có thể làm gì để tạo thiện cảm với tên Capo để được hắn giúp cho vào làm trong trại thay vì phải làm việc bên ngoài và buộc phải đi bộ hàng ngày kinh khủng như thế này?

Thế nhưng, Viktor đã cố gắng kéo mình thoát khỏi trạng thái tinh thần khủng khiếp này ngay tức khắc:

Tôi cảm thấy ghê sợ với việc mỗi ngày, mỗi giờ đều nghĩ về những việc tầm thường như thế. Tôi buộc đầu óc mình phải nghĩ đến một chủ đề khác. Bỗng nhiên tôi thấy mình đang đứng trên bục giảng trong một căn phòng sang sủa, ấm áp và dễ chịu. Trước mặt tôi là những khán thính giả đang ngồi trên những chiếc ghế nệm êm ái và chăm chú lắng nghe. Tôi đang giảng bài về tâm lý học trong trại tập trung! Tất cả những gì đè nặng lên tôi vào lúc ấy bỗng trở thành đối tượng nghiên cứu, được xem xét và mô tả một cách khách quan từ góc nhìn khoa học. Bằng cách này, tôi đã thành công phần nào trong việc cải thiện tình hình, vượt lên trên những đau khổ mà tôi đang phải chịu đựng lúc ấy và quan sát chúng như thể chúng đã là quá khứ. Cả tôi và những khó khăn của tôi trở thành đối tượng của một đề tài nghiên cứu tâm lý thú vị do chính tôi phụ trách. Spinoza đã nói gì trong tác phẩm Ethics (Đạo đức học) của mình? “Affectus, qui passio est, desinit esse passio simulatque eius claram et distinctam forrmamus ideam” (Cảm giác đau khổ sẽ chấm dứt ngay khi chúng ta có được một bức tranh rõ ràng và chính xác về nó).

Xin nhắc lại câu này một lần nữa: “Cảm giác đau khổ sẽ chấm dứt ngay khi chúng ta có được một bức tranh rõ ràng và chính xác về nó.”

Tôi có kinh nghiệm tương tự khi thực hành thiền và quan sát về một đối tượng nào đó. Có những thời điểm tôi thấy mình chìm ngập trong đau khổ. Quãng thời gian đó, tôi cứ chìm dần, chìm dần vào trong đau khổ đó, như mình đang mắc kẹt giữa một vùng đầm lầy. Lúc đầu thì tôi cố đấu tranh để thoát ra. Nhưng cố suy nghĩ tích cực bao nhiêu, cố lãng quên vấn đề đó của mình đi bao nhiêu vào ban ngày, thì vào ban đêm khi đèn đã tắt, tôi phải đối diện với chính mình, đau khổ đó lại một mạnh mẽ hơn và lan tỏa tràn ngập cả căn phòng. Hoặc giả, có những đêm tôi thoát khỏi sự đối mặt đó, nhưng khi tỉnh dậy mỗi sang tinh mơ, tôi lại đối mặt với nó dưới một hình thái khác. Khi mới tỉnh dậy, đầu óc bạn thường được refresh toàn bộ sau 1 đêm, bạn sẽ cảm giác như mình nguyên sơ và tươi mới nhất. Thế nhưng vào thời khắc này, những đau khổ mà bạn đã cố che lấp trong tàng thức sẽ lại trồi lên mạnh mẽ. Và vì đầu óc bạn đang rảnh rang do chưa bị những bộn bề trong ngày chiếm chỗ, bạn sẽ chẳng có chủ đề trong đầu để thế chỗ cho cái đau khổ đang tràn lấp này. Và tôi tin rằng có rất nhiều người trong chúng ta, cả bạn, cả tôi, bỗng thấy mình bật khóc vào một buổi sáng tinh mơ, mà chẳng vì gì cả.

Tôi biết rằng dù có đi đâu khắp thế giới này, tôi cũng không thể chạy trốn được vấn đề nằm sâu bên trong con người mình. Thế nên tôi tìm tới thiền. Khi đạt được một độ tĩnh nhất định, tôi đã có thể tách mình ra khỏi cơn đau đã bao trùm tôi bấy lâu nay, nhìn thẳng và quan sát nó không sợ hãi, không chớp mắt, và cũng không xua đuổi. Tôi dần dần nhìn rõ ngọn ngành nguyên cớ vì sao khổ đau đó nó tới. Tôi dần dần bắt đầu chấp nhận những lỗi lầm của tôi, và của cả người khác trong quá khứ. Và tôi đã có thể dần thứ cho mình và cho những người đó. Rồi vấn đề trở nên nhỏ lại và bình thường, nỗi đau khi đã được nhận diện rồi, nó không còn gây đau cho tôi nữa. Và tôi lại có thể tiếp tục sống và sinh hoạt như những ngày trước đây.

Khi đọc tiểu luận của Viktor Frankl, mặc dù tác giả không đi qua những trải nghiệm về thiền tập, nhưng tôi tin rằng Viktor cũng có những kinh nghiệm về mặt tâm linh giống bao nhiêu người tập thiền khác. Đúc kết lại, tôi cảm nhận rằng điều khiến Viktor sống sót trong trại, không phải vì ông ta tuyệt vọng, cũng không phải vì ông ta thể hiện khao khát sống một cách khiên cưỡng và dẫn tới hoang tưởng như viên tự quản F. kể trên, mà Viktor chỉ đơn giản là luôn giữ cho 2 bàn chân mình đứng chắc trên mặt đất. Và ông sống sót vì đã “giữ được tâm quân bình trong giông bão”.

Kết thúc bài viết này, tôi xin trích dẫn một “bí quyết sinh tồn” của cựu tù nhân trong trại nói với những tù nhân mới (trong đó có Viktor):

Có một việc mà tôi tha thiết đề nghị các anh”, anh ấy nói tiếp, “hãy cạo râu hàng ngày, vào mọi lúc có thể, dù cho phải cạo râu bằng mảnh kính hay dù các anh có phải cho đi mẩu bánh mì cuối cùng vì nó. Các anh sẽ trông trẻ hơn và việc cạo râu sẽ làm gò má các anh trông hồng hào hơn. Nếu các anh còn muốn sống, cách duy nhất là hãy chứng tỏ cho bọn lính thấy là mình còn sức làm việc. Để tôi nói cho nghe, nếu như một tay SS thấy các anh đi cà nhắc vì bị thương ở gót chân thì ngày hôm sau chắc chắn anh sẽ bị đưa đến phòng hơi ngạt. Các anh có biết chúng nó nói “Moslem” nghĩa là gì không? Moslem là tử để chỉ một người chán nản và kiệt sức vì đau ốm, không thể làm việc chân tay nặng được nữa… Chẳng sớm thì muộn, thường là sớm thôi, các “Moslem” sẽ bị đưa tới phòng hơi ngạt. Bởi vậy, hãy nhớ: cạo râu, đứng thẳng và đi đứng nhanh nhẹn. Tất cả các anh đang đứng đây, dù là mới chỉ đến đây 24 giờ, các anh cũng không phải sợ phòng hơi ngạt, có lẽ trừ anh này”. Rồi anh ta chỉ tay vào tôi và nói: “Đừng trách tôi nói thẳng nhé”. Quay sang những người khác anh ta đáp lại: “So với tất cả mọi người thì anh ta là người duy nhất phải sợ cuộc tuyển chọn tiếp theo. Vậy nên đừng lo lắng gì cả!”

Và tôi đã cười. Tôi tin rằng bất cứ ai ở vị trí của tôi ngày đó cũng làm điều tương tự.”


Nguồn: iffect.vn

menu
menu