Vượt qua những cơn hưng phấn

vuot-qua-nhung-con-hung-phan

Hầu như vô thức, ta đã dành một phần lớn cuộc đời mình trong trạng thái “hưng phấn.”

Hầu như vô thức, ta đã dành một phần lớn cuộc đời mình trong trạng thái “hưng phấn.” Theo cách nói thông thường, từ này gợi lên hình ảnh của sự cuồng loạn, kích động và hoảng loạn – nhưng thực ra, “hưng phấn” mang ý nghĩa tinh tế hơn nhiều. Đó là trạng thái tâm trí khi ta bị thôi thúc phải lướt nhanh và mù quáng trên bề mặt cảm xúc của mình, khi ta không cho phép bản thân thực sự cảm nhận những gì mình đang có, và khi ta cố tình chối bỏ một phần cảm xúc chân thật vì lo sợ một mối đe dọa nào đó – mơ hồ nhưng mạnh mẽ. Trong những khoảnh khắc hưng phấn này, ta chạy trốn khỏi sự thật của cảm xúc, những điều vừa khiến ta hoảng sợ vừa làm ta đau buồn. Ta chạy chỉ để tránh phải đối diện với chính mình.

Vì vậy, ta đặc biệt khó chịu khi ở một mình trong yên lặng. Ta gọi ngay cho một người bạn – bất cứ ai cũng được – để có thể bắt đầu nói về bất kỳ điều gì, chỉ để ngăn chặn cuộc đối thoại nội tâm đáng sợ đang sắp trỗi dậy trong ta. Ta sẽ bàn về đám cưới của anh trai người bạn ở Hy Lạp, giá cả của đôi dép, hay xác suất đội bóng nào đó sẽ giành chiến thắng. Ta cũng có thể dồn hết sự chú ý vào những tin tức nóng hổi: nghiền ngẫm từng con số kinh tế mới nhất, theo dõi tên tội phạm đang chạy trốn, hoặc bám sát từng diễn biến ly hôn của người nổi tiếng.

Photo by Ellery Sterling on Unsplash

Ta thường nghĩ về nghiện ngập chỉ xoay quanh ma túy, phim khiêu dâm, hay rượu. Nhưng nếu định nghĩa lại chứng nghiện hưng phấn là sự bận tâm mãnh liệt với bất cứ điều gì chỉ để ta không phải đối mặt với chính mình, thì danh sách các “chất gây nghiện” này sẽ dài vô tận. Ta có thể nghiện bản tin đêm, kết quả bóng đá, những câu chuyện phiếm ở chỗ làm, hay thậm chí là lịch tập luyện của mình. Vấn đề thật sự không phải ở rượu hay phim khiêu dâm – mà là ở chỗ chúng cho phép người nghiện tránh khỏi những suy nghĩ đau đớn ẩn sâu trong lòng.

Có những cảm xúc mà – bởi niềm vui hay nỗi buồn quá đỗi mãnh liệt, sự thất vọng hay lòng ghen tị cháy bỏng – ta không thể chịu đựng nổi khi đối diện trực tiếp, và vì thế, ta dồn hết năng lượng tinh thần để đẩy chúng vào những góc xa xôi nhất của tâm trí. Đáng tiếc là, không cảm xúc nào bị đẩy đi lại có thể thực sự tan biến. Dù có chôn vùi chúng nơi tận cùng vỏ não hàng thập kỷ, thì nếu chưa được cảm nhận, chúng sẽ bằng cách nào đó tìm đường quay lại. Chúng sẽ phát ra những tín hiệu như nỗi sợ hãi, lo âu, mất ngủ, đau dạ dày, đau lưng, bất lực hay trầm cảm, để cuối cùng, những tiếng kêu ai oán từ trong vô thức ấy buộc ta phải lắng nghe. Mọi nỗi niềm bị từ chối đều tuân theo quy luật sắt đá của tâm trí: những gì chưa được thừa nhận đủ đầy sẽ luôn đeo bám ta, cho đến khi ta chạm được, cảm được và hiểu được chúng.

Thứ có thể làm dịu đi cơn hưng phấn này là tình yêu – hiểu theo nghĩa rộng của sự quan tâm, kiên nhẫn và tò mò nhẹ nhàng. Ta không thể bị ép buộc rời khỏi trạng thái hưng phấn, cũng không thể bị dằn vặt vì đã không cảm nhận được nhiều hơn. Ta cần được nắm tay, cần người lắng nghe với lòng trắc ẩn và thấu hiểu; ta cần thời gian và sự đồng cảm cho những ngập ngừng của mình. Đừng cười nhạo những cơn nghiện của ta, mà hãy nhìn nhận chúng bằng tình thương và thấu hiểu cho nỗi sợ và tuyệt vọng đằng sau đó.

Qua những lời động viên dịu dàng nhất, dần dần ta sẽ gom góp được chút can đảm. Đôi lúc, ta có thể dám ngừng lại, thôi chạy trốn, thôi dùng công việc làm cái cớ để phân tâm. Ta có thể cho phép bản thân chút bình yên, để suy nghĩ được thong dong theo lẽ tự nhiên.

Càng cho phép mình đối diện với con người mình đã từng, ta sẽ càng tìm thấy sự an yên. Và càng cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống mình đã thật sự trải qua, ta sẽ càng trưởng thành.

Nguồn: OVERCOMING MANIC MOODS - The School Of Life

menu
menu