Xã hội hiện đại làm người ta 'không chịu lớn'?
Làm người lớn đau khổ quá nên ngày càng nhiều người theo đuổi 'chủ nghĩa trẻ con', hay xã hội hiện đại đang ngăn cản sự trưởng thành?
Trong quyển Infantilised: How Our Culture Killed Adulthood (Trẻ con hóa - Văn hóa đã giết sự trưởng thành ra sao) xuất bản hồi tháng 6, tác giả Keith Hayward gọi thời kỳ mà chúng ta đang sống là "kỷ nguyên của tuổi mới lớn bất tận" và chốt hạ rằng những người trẻ ngày nay kém trưởng thành hơn các thế hệ trước, nguyên nhân là do văn hóa xã hội hiện đại.
Hayward, hiện là giáo sư tội phạm học tại khoa luật Đại học Copenhagen, đã gọi đúng tên vấn đề, hay vô cớ chỉ trích cả một thế hệ?
Ảnh: Power of positive
Kỷ nguyên của tuổi mới lớn bất tận
Để củng cố lập luận của mình, Hayward đưa ra hàng loạt ví dụ về những người "lớn già đầu" vẫn thích hóa trang thành các nhân vật thời thơ ấu, mua vé đi nhà banh, chơi đập gối, đi hộp đêm nhảy múa trong tiếng nhạc xập xình.
Trong nhiều năm làm giảng viên, Hayward ngày càng lo ngại khi những sinh viên 18 tuổi của mình "giống những thiếu niên kém chín chắn dù đang ở ngưỡng cửa trưởng thành, những đứa trẻ chông chênh run rẩy trong thế giới người lớn xa lạ và tự chủ".
Hayward kể, một sinh viên đã mặc bộ đồ liền quần đến lớp trong thời tiết trở lạnh, thái độ vô cùng thoải mái. Khi được hỏi có ngại bị nói là con nít khi ăn mặc vậy không, sinh viên này trả lời dứt khoát: "không, em muốn được đối xử như một đứa trẻ".
Có lẽ những trải nghiệm như vậy với người trẻ, cùng những con số thực tế chán chường, đã khiến nhà tội phạm học có cái nhìn khắt khe với chuyện "trẻ con hóa". Khảo sát chung ở các nước phát triển, tỉ lệ người đạt các mốc gắn mác trưởng thành ở độ tuổi 30 như rời nhà sống tự lập, độc lập tài chính, kết hôn, sinh con đã giảm mạnh.
Ở Anh, độ tuổi trung bình để kết hôn lần đầu (khác giới) là 33 đối với nam và 31 đối với nữ, cao hơn cả 10 tuổi so với đầu những năm 1960. Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) năm 2016 công bố kết quả lần đầu tiên sau 130 năm, người Mỹ từ 18 - 34 tuổi nhiều khả năng sống với cha mẹ hơn là ở riêng với bạn đời của họ.
Cuốn sách của ông Hayward đổ lỗi văn hóa đại chúng đã khiến người ta không chịu lớn. Điện ảnh hiện đại liên tục cổ xúy sự non nớt, tôn vinh thông điệp là chính mình ("Ngày nay đến rạp chiếu phim giống đang đi đến một cửa hiệu đồ chơi"); các chương trình truyền hình thực tế thì "bình thường hóa chủ nghĩa trẻ con" bằng cách để những người nổi tiếng 40-50 tuổi hóa trang thành ô tô đồ chơi, gấu bông và khủng long; nhiều quảng cáo khuyến khích con người cứ bé bỏng đi khi dùng hình tượng "mặt phụ huynh mà thân hình học sinh".
Lỡ khắt khe rồi, Hayward chỉ trích luôn hệ thống giáo dục. Ông cho rằng học sinh đã được bọc kỹ trong những luận điệu như "Bạn có thể trở thành bất cứ ai bạn muốn", để rồi họ chỉ muốn làm trẻ con cho khỏe, bởi "trưởng thành quá khó khăn".
Ngày xưa, trường học sẽ dạy học sinh phải điều chỉnh hành vi của mình để thích nghi với thế giới, với cộng đồng mà chúng mong muốn hoạt động hiệu quả trong đó. Giờ thì không thấy những bài học như vậy nữa, Hayward viết.
Phải vượt ngàn chông gai để trưởng thành
Tờ The Economist nhận định cuốn sách của Hayward đã quá gay gắt với người lớn thời nay. Tại sao người lớn không được hóa trang thành nhân vật truyện tranh, hoạt hình họ yêu thích? Trưởng thành là chịu trách nhiệm cho hành động của mình, không có nghĩa chỉ được tìm niềm vui ở nơi sang trọng, xa hoa.
Ngoài ra, lý do khiến những người trẻ ngày nay tìm việc và sinh con muộn hơn so với các thế hệ trước là vì họ phải dành nhiều thời gian học hành hơn thế hệ trước. 40% người Mỹ từ 25 tuổi trở lên hiện có bằng đại học, so với chỉ 8% vào năm 1960. "Những người vẫn đang học ở tuổi 25 thường chưa độc lập tài chính, do đó có thể ngần ngại khi lập gia đình. Điều này không phải là trẻ con mà là khôn ngoan" - The Economist viết.
Tương tự, báo The Irish Independent gọi quyển sách của Hayward là u ám, không đào đủ sâu để biết vì sao người lớn phải vật lộn với sự trưởng thành. Tại Ireland, độ tuổi trung bình của những bà mẹ lần đầu sinh con là 33,3 (tính đến năm 2021), cao nhất kể từ khi số liệu được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1955. Năm ngoái, số liệu từ Eurostat cho thấy 68% người Ireland ở độ tuổi cuối 20 vẫn sống ở nhà với cha mẹ.
Làm sao có thể ra ở riêng, kết hôn, sinh con và chăm sóc chúng chu toàn khi không thể xin được việc làm, tiền lương trì trệ tăng không kịp tốc độ lạm phát, khủng hoảng nhà ở và chi phí sinh hoạt khiến câu chuyện mua nhà cứ như một cuộc đuổi bắt vô tận với người trẻ. Họ bị kẹt giữa hai đầu cầu "trẻ con" và "người lớn" vì muôn ngàn chông gai của cuộc sống hiện đại.
Nhà phân tích tâm lý Josh Cohen có phần đồng cảm với thế hệ trẻ, rằng "trong thời đại mà những người trẻ tuổi bị tước đi quá nhiều quyền tự quyết, khi họ phải đối mặt với tương lai ngập trong nợ nần, thì trì hoãn trưởng thành, trốn vào tuổi thơ thoải mái, dù mơ hồ nhưng rõ ràng hấp dẫn hơn nhiều".
Chia sẻ với trang blog Dazed, Cohen cho biết theo quan điểm tâm lý học, tự trẻ hóa bản thân hóa ra lại tốt, vì con người sẽ chủ động lôi sự bất lực của mình ra rồi cho phép bản thân khả năng kiểm soát chúng.
Dù khó đạt các mốc chứng nhận trưởng thành như độc lập tài chính, sở hữu nhà và xe, kết hôn, sinh con, người trẻ vẫn có thể chọn cho mình hình thức trưởng thành khác. Đó là chăm sóc bản thân tốt, đối xử với người khác chu đáo, đầu tư vào thứ gì đó lâu dài. Ở xã hội mới, tiêu chuẩn trưởng thành có lẽ cũng đã ít nhiều đổi thay.
Trong quyển The Peter Pan Syndrome: Men Who Have Never Grown Up (1983), Dan Kiley đặt ra hội chứng Peter Pan để chỉ những người "từ chối lớn". Về mặt y học, hội chứng này chưa được công nhận là một dạng rối loạn tâm lý.
Theo trang Verywell Mind, các dấu hiệu của một người mắc hội chứng Peter Pan bao gồm: sống phụ thuộc quá mức vào cha mẹ; thiếu chín chắn trong tình cảm yêu đương; tránh bị chất vấn hay chỉ trích; thái độ hời hợt trong công việc; đối mặt với căng thẳng sẽ tìm đến những thói quen thiếu lành mạnh như lạm dụng bia rượu, ăn uống vô độ; không biết cách bộc lộ cảm xúc phù hợp và khó kiểm soát hành vi bốc đồng; ưa hư danh và ích kỷ.
Khi nghe về những dấu hiệu này, Thư Hồ (Đồng Tháp) cười trừ, "chắc đang nói về cha của mấy đứa con tôi". Theo cựu nhân viên truyền thông 33 tuổi này, có lẽ đứa trẻ con trong chồng cô quá mạnh nhưng anh không nhận ra. Những khi vợ chồng cãi nhau, lúc đuối lý, chồng cô sẽ liên tục nhắc đến mẹ như một hình mẫu, một cứu tinh. Trước mặt mọi người, anh luôn tỏ ra là một người giỏi giang quán xuyến, nhưng khi ở riêng thì sự vô tâm và thiếu trách nhiệm của chồng làm Thư Hồ không thể chịu nổi.
Hội chứng Peter Pan có thể xuất hiện ở bất kỳ ai với nhiều lý do, phần đa là do gia đình và hoàn cảnh sống, theo trang Medical News Today. Đây được coi là hệ quả của việc cha mẹ nuông chiều, bảo bọc con cái thái quá.
Ngoài ra, nhà tâm lý học Humbelina Robles Ortega thuộc Đại học Granada cho biết cô đơn cũng được xếp vào danh sách nguyên nhân gây ra hội chứng này. Bởi người cô đơn quá lâu thường có xu hướng tìm kiếm ai đó quan tâm và chăm sóc họ, cuối cùng trở nên phụ thuộc.
Tuy nhiên, xét trên bình diện rộng hơn, có nhiều yếu tố thúc đẩy xu hướng trẻ con hóa phát triển. Chẳng hạn như sự gia tăng của chủ nghĩa cá nhân và sự thỏa mãn tức thời. Nhiều người lớn ngày nay đã lớn lên trong nền văn hóa đề cao sự hoàn thiện bản thân, dẫn đến cảm giác thừa quyền nhưng thiếu trách nhiệm với hành động của chính mình.
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần