Xem phim để chữa lành?
Có thể bạn đã mệt mỏi với từ "chữa lành" nhưng những nhà trị liệu điện ảnh (cinematherapy) tin rằng quả có thể xem phim để chữa lành nếu làm đúng cách.
Tammy Rabideau, tác giả sách và là mẹ đơn thân, muốn quay lại viết lách ở tuổi 50 nhưng đối mặt với rào cản về tuổi tác và sự sáng tạo, khiến bà gặp nhiều thất bại trong mục tiêu "tái tạo cuộc đời". Khi gặp nhà trị liệu, bà được đề xuất liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) kết hợp với trị liệu điện ảnh.
Theo giới thiệu, đây là phương pháp mà nhà tham vấn sẽ cho thân chủ so khó khăn của mình với các nhân vật cũng gặp vấn đề tương tự trong phim, từ đó nhìn nhận vấn đề dưới một góc nhìn khác.
Từ danh sách phim do nhà trị liệu gợi ý dựa trên vấn đề của chính bà, Rabideau chọn xem Mrs Harris goes to Paris (2022), bộ phim hài có nhân vật chính Ada Harris cũng là một phụ nữ trung niên, gặp những biến cố ở ngã rẽ cuộc đời như bị sa thải vì lý do tuổi tác và hoàn cảnh sống nhưng vẫn mạnh mẽ vượt qua tất cả để đến với đam mê.
Rabideau cảm thấy đồng cảm với Ada ở việc chấp nhận nỗi đau, vượt qua khó khăn và chinh phục ước mơ. Việc xem phim và thảo luận cùng nhà trị liệu tâm lý khiến bà thêm thấu cảm, chấp nhận bản thân, từ đó có được định hướng mới trong cuộc sống.
Rabideau đã thuật lại trải nghiệm này trong bài "Liệu pháp điện ảnh đã giúp tôi vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên như thế nào" cho tạp chí Wired cuối năm 2023.
Xem người mà nghĩ đến ta
Trị liệu điện ảnh ra đời như một nhánh phát triển từ trị liệu bằng sách (bibliotherapy). Thuật ngữ cinematherapy phổ biến từ bài báo của ba tác giả, trong đó có Linda Berg-Cross (hiện là giáo sư tâm lý Đại học Howard), đăng trên tập san Psychotherapy in Private Practice năm 1990.
Theo đó, dựa trên vấn đề thân chủ nêu ra trong phiên trị liệu, nhà trị liệu lựa chọn các phim thương mại mang tiêu chí phù hợp với sở thích, mục tiêu và khả năng cảm thụ của đối tượng cũng như giai đoạn trị liệu của thân chủ. Sau đó thân chủ sẽ xem phim, cùng tâm lý gia trao đổi về những chủ đề chính diễn ra trong phim.
Cơ sở của trị liệu điện ảnh xuất phát từ hiệu ứng catharsis - tức đào thải hay giải phóng cảm xúc tiêu cực (buồn đau, giận dữ), thông qua tiếp nhận nghệ thuật. Thuật ngữ này bắt nguồn từ thời Hy Lạp cổ đại, khi Aristotle dùng từ katharsis (thanh lọc) để mô tả cách bi kịch, văn chương và nghệ thuật tác động lên cảm xúc của người xem.
Trong trị liệu điện ảnh, người được trị liệu sẽ trải qua ba giai đoạn. Đầu tiên, họ đồng cảm với nhân vật vì hành vi, động cơ và lý tưởng của họ cũng như cảm nhận được cảm xúc của nhân vật.
Kế đó người được trị liệu học hỏi thông qua trải nghiệm của nhân vật và nội hóa trải nghiệm của nhân vật, phát triển mối liên hệ của bản thân với những điều đó. Cuối cùng, khi nhìn thấy trải nghiệm của bản thân đã được phản ánh trên màn ảnh, thân chủ không còn thấy cô đơn nữa.
Bên cạnh hiệu ứng thanh lọc, phép ẩn dụ, biểu tượng và hình ảnh trong phim cũng giúp thân chủ khám phá suy nghĩ, cảm xúc của bản thân để từ đó giải quyết vấn đề họ gặp phải.
Trong một bài báo khoa học năm 2020, chuyên gia tâm lý Ryan M. Niemec cho rằng nhà tham vấn có thể khảo sát thân chủ về tình trạng sức khỏe, điểm mạnh và điểm yếu để lựa chọn ra bộ phim có nhân vật có các yếu tố tương đồng, từ đó giúp họ khám phá và phát huy thế mạnh của bản thân.
Giáo sư Frann Altman, một chuyên gia tâm lý uy tín từng áp dụng trị liệu điện ảnh trong hơn 20 năm, cho rằng liệu pháp này không chỉ mang tính giải trí. Với trị liệu điện ảnh, các cá nhân được gắn kết với các bộ phim được tuyển lựa cẩn thận, phù hợp trải nghiệm cá nhân của họ.
Họ sẽ kết nối với các nhân vật và câu chuyện phim, rút ra ý nghĩa và suy ngẫm về cách câu chuyện phim liên hệ với cuộc đời họ. "Đó là một quá trình nội tâm sâu sắc và khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ, vì thế đòi hỏi sự hướng dẫn của một nhà trị liệu có kinh nghiệm" - Rabideau dẫn chia sẻ của Altman.
Cần ứng dụng kết hợp
Trong bài viết cho Wired, Rabideau cho biết nghiên cứu khoa học liên quan đến trị liệu điện ảnh sớm nhất là vào năm 1974. Liệu pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị các tình trạng sức khỏe tâm thần khác nhau, bao gồm rối loạn ăn uống, lo lắng, trầm cảm và nghiện ngập.
Theo một bài báo đăng trên tập san Journal of Korean Academy of Psychiatric and Mental Health Nursing năm 2014, thử nghiệm trị liệu điện ảnh trên 45 người già tại một viện dưỡng lão ở Hàn Quốc cho thấy liệu pháp này giúp các cụ tăng mức độ hài lòng với bản thân và giảm trầm cảm.
Cụ thể, nhóm thử nghiệm gồm 23 người được cho xem bộ phim My Mother, the Mermaid và phim truyền hình Hàn Quốc Life is Beautiful - hai bộ phim nói về những mối quan hệ, mâu thuẫn, giá trị của gia đình. Chương trình thử nghiệm kéo dài 90 phút/tuần qua 10 buổi, ngoài xem phim còn có thảo luận cùng giáo sư điều dưỡng sức khỏe tâm thần, chuyên gia lão khoa và y tá trưởng tại viện dưỡng lão.
Kết quả, những người trong nhóm thử nghiệm có mức độ tự đánh giá về bản thân tăng và giảm trầm cảm so với 22 người trong nhóm đối chứng. Nếu các chương trình can thiệp này được tiến hành thường xuyên, điều này có thể tác động đến việc hòa nhập tích cực về cuộc sống của họ tại viện dưỡng lão, theo nhóm nghiên cứu.
Bất kể những hiệu ứng tích cực, trị liệu điện ảnh thực chất chỉ là một cách bổ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thân chủ nhận thức và thay đổi hành vi các phiên trị liệu tâm lý.
Trong bài viết trên Psychology Today tháng 12-2023, tác giả Michael Shelton đặt nghi vấn khi hiện tại những nghiên cứu, bài báo về tính hiệu quả của trị liệu điện ảnh vẫn còn quá ít ỏi.
Một nghiên cứu đánh giá tổng quan (scoping review) về 38 công trình liên quan đến trị liệu có sử dụng phim ảnh và video của nhóm tác giả người Ý đăng trên tạp chí Frontiers in Psychology tháng 1-2022 cũng đặt câu hỏi về tính khách quan của các nghiên cứu. Theo đó, trị liệu điện ảnh truyền thống thiếu nguyên tắc chuẩn hóa từ những nhà trị liệu và diễn dịch kết quả thường rất chủ quan.
Do vậy, trị liệu điện ảnh cần phải kết hợp với những các liệu pháp khác như CBT, mà trường hợp của Rabideau có thể xem là một câu chuyện thành công.
Không mở các phiên trị liệu điện ảnh, một số người có chuyên môn chọn cách mở kênh trên mạng xã hội để chia sẻ những vấn đề tâm lý trong phim.
Chẳng hạn, nhà trị liệu tâm lý Jonathan Decker và Alan Seawright, đạo diễn từng đoạt giải Emmy mở kênh Cinema Therapy trên YouTube năm 2020, đến nay đã có trên 230 video và hơn 1,53 triệu lượt đăng ký.
Ở mỗi video, họ cùng lựa chọn một bộ phim điện ảnh/truyền hình liên quan đến chủ đề tâm lý nhất định, cùng xem và phân tích các vấn đề trong các cảnh phim liên quan đến trị liệu cá nhân, gia đình và cặp đôi.
Trong một video về phim hoạt hình Elemental (2023) của Pixar, Decker phân tích về khía cạnh tích cực của nhân vật Wade.
Thông qua lòng trắc ẩn của chàng Nước với mọi người, nhà trị liệu giải thích kỹ thuật tâm lý đằng sau sự quan tâm là việc "gắn kết", khi chúng ta kết nối với người khác nhờ năng lượng của họ hay chào đón họ ở nơi họ đang sống.
Elemental khơi gợi cảm xúc ở nhiều khán giả về những khía cạnh tâm lý liên quan đến danh tính người định cư, kỳ vọng cha mẹ lên con cái, việc chấp nhận sự khác biệt lẫn nhau.
Cùng dòng phim chủ đề tâm lý này, Pixar còn có Inside Out (2015) - bộ phim đã nhận được nhiều phản hồi tích cực khi có thể giúp khán giả thảo luận về giá trị tích cực của cảm xúc "buồn".
Thông điệp trực quan, nhiều sắc màu và sinh động của Inside Out đã được đưa vào làm bộ câu hỏi trong tài liệu hướng dẫn về sức khỏe tinh thần cho trẻ em của Trung tâm Sáng tạo sức khỏe tinh thần quốc gia (Mỹ). Trailer Inside Out phần 2 cũng đã được công bố và phim dự kiến ra rạp trong năm nay.
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần