4 Nguyên mẫu của Nam tính trưởng thành - Tâm lý học Carl Jung (Phần 4)

4-nguyen-mau-cua-nam-tinh-truong-thanh-tam-ly-hoc-carl-jung-phan-4

Khai thác đúng nguồn năng lượng Chiến Binh sẽ mang đến cho đàn ông một nguồn năng lượng vượt trội, giúp anh ta đạt được mục tiêu của mình, chiến đấu vì những mục tiêu xứng đáng, đạt được sự vĩ đại và để lại một di sản lâu dài.

Đây là phần 4 của loạt bài viết gồm 6 phần về các nguyên mẫu của nam tính trưởng thành, dựa theo cuốn sách King, Warrior, Magician, Lover của Robert Moore & Douglas Gillette. Bạn nào muốn đọc bản tiếng Anh thì inbox cho page nhé.

Đọc 3 phần trước ở đây

 

Chiến binh     

Mỗi nền văn minh vĩ đại đều có một truyền thống chiến binh vĩ đại và những huyền thoại chiến binh đi kèm. Kinh Cựu Ước kể lại những câu chuyện của một dân tộc chiến binh và một vị thần chiến binh. Ở Địa Trung Hải cổ đại, người Sparta có lẽ có truyền thống chiến binh huyền thoại nhất. Kể từ khi sinh ra, xã hội Spartan đã nuôi dưỡng và đào tạo các bé trai của họ trở thành những chiến binh, và quá trình đào tạo khắt khe đó đã tạo ra những người đàn ông như Leonidas và 300 người đàn ông có tinh thần bất khuất. Nhật Bản có những chiến binh samurai gan góc, có lòng dũng cảm không nao núng đến từ việc sống như thể họ đã chết.

Ngày nay, nguyên mẫu Chiến binh vẫn tồn tại trong sự tôn kính của chúng ta đối với những người phục vụ trong lực lượng vũ trang cũng như trong sách và phim ảnh thời hiện đại. William Wallace trong bộ phim Braveheart và General Maximus trong phim Gladiator là hiện thân của nguyên mẫu Chiến binh.

Song nhìn chung, nền văn hóa hiện đại không thoải mái với nguồn năng lượng Chiến binh. Sự ra đời của chiến tranh cơ giới hóa trong nửa đầu thế kỷ 20 đã làm thui chột lý tưởng lãng mạn về tinh thần dũng cảm thượng võ. Kể từ các cuộc cách mạng xã hội và văn hóa của những năm 60 và 70, chúng ta thường dạy các bé trai và đàn ông tránh đối đầu và xung đột, và thay vào đó nuôi dưỡng “khía cạnh nữ tính” của họ. Kết quả là sinh ra những chàng Trai Ngoan; né tránh đối đầu và gây hấn ngay cả khi việc đối đầu và gây hấn là chính đáng. 

Xã hội khuyến khích đàn ông trở thành người ngọt ngào và nhạy cảm, vì họ sợ đàn ông biến thành những tên máu lạnh, bạo hành, và có cơn giận mang tính hủy hoại. Nhưng nhận thức của xã hội về nguyên mẫu Chiến Binh không căn cứ trên nguồn năng lượng Chiến Binh ở mức biểu hiện lành mạnh và trọn vẹn của nó, mà dựa trên bóng âm của nguyên mẫu này. Vấn đề không phải là bản thân nguồn năng lượng Chiến Binh, mà là năng lượng Chiến binh không được sử dụng hài hòa với các nguyên mẫu nam tính khác và được định hướng bởi sự đồng cảm, chiêm nghiệm và theo trật tự. Bản thân việc chiến đấu không xấu, câu hỏi chỉ đơn giản là: Một người đàn ông đang chiến đấu vì điều gì? Năng lượng của Chiến binh không chỉ cần thiết trong thời chiến mà còn cần thiết trên tất cả các chiến trường của cuộc sống.

Khai thác đúng nguồn năng lượng Chiến Binh sẽ mang đến cho đàn ông một nguồn năng lượng vượt trội, giúp anh ta đạt được mục tiêu của mình, chiến đấu vì những mục tiêu xứng đáng, đạt được sự vĩ đại và để lại một di sản lâu dài.

Chiến Binh ở mức độ trọn vẹn  

Moore nói rằng “Những đặc điểm của Chiến Binh ở mức độ trọn vẹn của anh ta tương đương với một cách sống, cái mà samurai gọi là do (phát âm là ‘do’). Những đặc điểm này tạo thành Warrior Dharma, Ma’at, hay Tao, một con đường tâm linh hay tâm lý đi qua cuộc đời.”

Những đặc điểm này là gì? Hãy cùng xem nào.

Lưu ý: Mặc dù ở đây chúng tôi dùng ngôn ngữ của chiến binh võ thuật, song các đặc điểm có thể được áp dụng cho bất kỳ sứ mệnh cuộc đời nào của người đàn ông, dù là thường dân hay người lính.

Gây hấn

Nếu bạn tra từ “gây hấn” trong từ điển thì đây là những định nghĩa bạn sẽ tìm thấy:

  1. được đặc trưng bởi hoặc thiên về những sự xúc phạm, những cuộc tấn công, xâm lược vô cớ,, hoặc những thứ tương tự; đe dọa quân sự

  2. dốc hết sức để giành chiến thắng hoặc thành công; đua tranh

  3. tràn đầy năng lượng, đặc biệt có tâm thế chủ động và mạnh mẽ

Trong 3 định nghĩa trên, định nghĩa đầu tiên là phổ biến nhất trong nền văn hóa hiện đại. Một cái gì đó vô cớ, quá lố, vượt quá giới hạn. Bạn hãy lưu ý về tần suất của từ “quá mức” trước từ “gây hấn” theo cách nói thông thường. Sự gây hấn cũng có thể làm ta nghĩ đến những chính sách quân sự mà một người không đồng tình. Nói chung là nó mang ý nghĩa tiêu cực.

Nhưng gây hấn đích thực nên được nghĩ đến trong bối cảnh của hai mục định nghĩa sau của từ điển. Nỗ lực. Năng lượng. Thế chủ động. Sức mạnh. Gây hấn là một công cụ trung lập có thể được sử dụng theo cách xấu hoặc tốt. Cách nó được định hướng như thế nào sẽ tạo ra mọi sự khác biệt. Một người đàn ông không kiểm soát sự gây hấn của mình thì sẽ gây chiến với tất cả mọi người về tất cả mọi thứ; các mối quan hệ của anh ta sẽ đổ vỡ và cản trở sự phát triển cá nhân của anh ta. Còn người đàn ông kiềm chế sự gây hấn của mình quá mức thì sẽ trở thành mẫu Trai Ngoan nhút nhát–sự gây hấn thích đáng biến thành sự gây hấn thụ động. Anh ta quá “lịch sự” để theo đuổi điều mình muốn, và anh ta hậm hực trong lòng vì nó. Một người đàn ông hợp nhất thành công nguyên mẫu Chiến Binh thì biết cách khai thác sự gây hấn của anh ta như nguồn sức mạnh thúc đẩy anh ta đua tranh với đời để trở thành người giỏi nhất và hướng tới mục tiêu của mình.

Mục đích

Tất nhiên là việc dùng đến cách gây hấn thích đáng giả định rằng ngay từ đầu người đàn ông đã có những mục tiêu mà anh ta muốn phấn đấu. Một người đàn ông phải có mục đích sống rõ ràng và dứt khoát, bằng không anh ta sẽ cảm thấy bồn chồn và lạc lõng, giống như thể sống vô chí hướng thay vì luôn tiến về phía trước.

Tỉnh thức

Tỉnh thức của Chiến Binh gồm 2 khía cạnh. Thứ nhất, anh ta luôn luôn tỉnh táo và cảnh giác. Anh ta có nhận thức tình huống sắc bén. Anh ta không bao giờ để cho sự tự mãn ru ngủ; thay vào đó anh ta luôn quan sát, theo dõi, học tập và lên kế hoạch. Thứ hai, Chiến Binh lưu tâm đến sự hữu hạn của cuộc đời và lẽ tất yếu của cái chết, do đó anh ta ý thức chiêm nghiệm về cái chết. Lòng dũng cảm của anh ta bắt nguồn từ sự thực là anh ta không sợ chết. Sự ngắn ngủi của cuộc đời mang lại sự am hiểu cho anh ta. Anh ta biết rằng bất kỳ phút nào cũng có thể là phút cuối cùng của mình, vì vậy anh ta làm cho mỗi ngày và mỗi quyết định đều trở nên có giá trị. Hãy sống với ngày hôm nay! trở thành tiếng gọi chiến đấu của anh ta.

Khả năng thích nghi

Trong Chiến Tranh Cách Mạng, quân đội Lục Địa hiểu rằng họ không thể địch lại nhân lực và hỏa lực của người Anh. Vì vậy thay vì đối đầu trực diện với họ trên chiến trường truyền thống, các dân quân (trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập) vào rừng và tung ra những đòn tấn công bất ngờ vào kẻ thù. Đây là cách của Chiến Binh; anh ta là một chiến sĩ du kích. Khi anh ta đối mặt với khó khăn lớn, anh ta không làm theo lệ thường và vận dụng sự nhanh trí và trí thông minh chiến lược để tìm ra những cách sáng tạo nhằm lật ngược tình thế để có lợi cho mình. Anh ta là một chiến binh sành sỏi–anh ta nghiên cứu điểm yếu của đối thủ và tập trung các đòn đánh của mình vào đó. Anh ta linh hoạt và có thể phản ứng trước sự thay đổi bằng cách thay đổi chiến thuật một cách nhanh chóng.

Người sống tối giản

Bí kíp của chiến tranh du kích thành công là khả năng di chuyển nhẹ nhàng của chiến binh. Trong khi sức mạnh của lực lượng truyền thống nằm ở các nguồn lực vượt trội thì những nguồn lực đó cũng đè nặng và làm họ chậm lại. Những chiến binh du kích bỏ hết mọi thứ thừa thãi; chỉ mang theo những gì cần thiết và do đó có thể di chuyển nhanh nhẹn và hoạt bát, có thể đi trước đối thủ vài bước.

Quyết đoán

Trong thời bình hay khủng hoảng, dù là việc lớn hay việc nhỏ, Chiến Binh có khả năng đưa ra những quyết định táo bạo. Anh ta không đứng đó mà run rẩy sợ hãi, tự hỏi mình nên làm gì, sợ chọn sai phương án. Anh ta bình thản và bình tĩnh trước áp lực. Một khi anh ta đưa ra quyết định, anh ta sẽ không do dự thực hiện nó vì anh ta không sống trong hối tiếc. Chiến Binh có thể quyết đoán như vậy bởi vì anh ta đã rèn luyện kỹ lưỡng cho những khoảnh khắc như thế này; anh ta đã có sự chuẩn bị. Anh ta nghĩ về tất cả các trường hợp có thể xảy ra và những gì anh ấy sẽ làm trong mỗi tình huống trước khi khủng hoảng xảy đến. Khi khủng hoảng ập đến, tâm trí và cơ thể của anh ta theo bản năng đã biết phải làm gì.

Có kỹ năng

Một phần của sự tự tin của Chiến Binh trong các quyết định của mình bắt nguồn từ năng lực tối cao của anh ta. Theo Moore, “Nguồn năng lượng Chiến Binh liên quan đến kỹ năng, sức mạnh và sự chính xác.” Chiến Binh “làm chủ kỹ thuật của lĩnh vực của mình…kỹ thuật cho phép anh ta đạt được mục tiêu của mình. Anh ta đã phát triển kỹ năng cùng với ‘những vũ khí’ mà anh sử dụng để thực hiện các quyết định của mình.”

Trung thành

Nếu bạn còn nhớ, Người Hùng là nguyên mẫu bé trai phát triển thành Nguyên mẫu Chiến Binh. Một phần của quá trình trưởng thành này tập trung vào sự thay đổi ở lòng trung thành của người đàn ông. Moore cho rằng “Lòng trung thành của Người Hùng…là vì bản thân anh ta–nhằm gây ấn tượng với bản thân và người khác.” Ngược lại, lòng trung thành của Chiến binh “là vì một thứ gì đó cao trội nằm ngoài bản thân và những mối bận tâm của anh ta.” Lòng trung thành của Chiến Binh tập trung vào “một chính nghĩa, một vị thần, một dân tộc, một nhiệm vụ, một quốc gia–lớn lao hơn cá nhân.” Chiến Binh có một “cam kết trung tâm” mà anh ta tổ chức cuộc sống của mình xoay quanh nó. Mục đích sống của anh ấy bắt nguồn từ những lý tưởng và nguyên tắc, những lý tưởng và nguyên tắc này tự động loại bỏ những thứ thừa thãi và nhỏ nhen và mang lại ý nghĩa to lớn cho cuộc đời anh ta.

Kỷ luật

Chiến Binh đã làm chủ được bản thân về thể xác và tâm hồn. Sức mạnh của anh ta bắt nguồn từ khả năng kiểm soát được bản thân. Anh ta biết khi nào thì cần gây hấn và gây hấn như thế nào. Anh ta làm chủ được nguồn năng lượng của mình, giải phóng chúng và rút lại chúng theo lựa chọn của anh ta. 

Anh ta quyết định thái độ mà mình sẽ có trong một tình huống nào đó, thay vì để cho tình huống chi phối cảm xúc của anh ta. Không giống như nguyên mẫu Người Hùng thời thơ ấu, Chiến Binh hiểu được giới hạn của mình; anh ta biết mạo hiểm một cách có cân nhắc thay vì đâm đầu vào những rủi ro không cần thiết. Tính kỷ luật cũng giải phóng anh ta khỏi nỗi sợ hãi đau đớn. Những người đàn ông tầm thường, bạc nhược, đều tin rằng đau đớn là xấu. Nhưng Chiến Binh biết rằng có cái gọi là nỗi đau tốt và nỗi đau xấu. Anh ta sẵn sàng, thậm chí còn hăm hở chịu đựng nỗi đau về thể xác và tinh thần trên con đường đạt được mục tiêu của mình. Anh ta là kiểu đàn ông tuân theo triết lý “đau đớn chỉ là sự nhu nhược đang rời bỏ cơ thể”; anh ta thích khó khăn vì nó làm anh ta mạnh mẽ hơn.

Rũ bỏ cảm xúc

Không phải mọi lúc, mà chỉ khi anh ta đang ở trong chế độ Chiến Binh. Để hoàn thành nhiệm vụ, Chiến Binh phải biết rũ bỏ cảm xúc–thoát khỏi sợ hãi và hoài nghi do cảm xúc của anh ta sinh ra, thoát khỏi sự đe dọa của kẻ thù anh ta, và thoát khỏi những điều “phải, nên” và những đòi hỏi mà gia đình và bạn bè đặt lên anh ta. Chiến Binh cần loại đầu óc thông suốt chỉ đến từ một mục đích, hay như Moore nói, “Chiến Binh cần chỗ để vung kiếm.”

Tắt chế độ rũ bỏ cảm xúc khi không còn thực hiện nhiệm vụ là một thách thức lớn đối với Chiến Binh. Không có khả năng làm điều này có thể dẫn đến một trong những bóng âm của Chiến Binh.  

Kẻ hủy diệt sáng tạo

Chiến Binh là nguyên mẫu của sự hủy diệt. Tuy nhiên, Chiến Binh ở mức trọn vẹn chỉ hủy diệt nhằm để “nhường chỗ cho một thứ gì đó mới mẻ, tươi mới và sống động hơn.” Hành động của anh ta là hành động của sự hủy diệt sáng tạo–anh ta không phá hủy mọi thứ chỉ vì niềm vui sướng khi làm vậy. Chúng ta triệu hồi nguyên mẫu Chiến Binh khi chúng ta bỏ những thói quen xấu và thay thế chúng bằng thói quen tốt hơn, hoặc khi ta loại bỏ những người hay khinh thường ta ra khỏi cuộc sống của chúng ta và chỉ giao du với những người biết soi sáng, mở mang trí óc.

Những bóng âm

Kẻ tàn bạo. Như đã thảo luận, người đàn ông kết nối được với nguyên mẫu Chiến Binh có khả năng tách biệt bản thân khỏi cảm xúc và những mối quan hệ với con người. Mặc dù sự tách biệt này mang đến cho đàn ông sự tập trung cần thiết vào những nhiệm vụ quan trọng, nhưng khi nó trở thành trạng thái thường trực của người đàn ông, thì bóng âm Kẻ tàn bạo đang kiểm soát tâm hồn anh ta.

Đây là lý do tại sao những người lính, người có một thái độ chú tâm vào nhiệm vụ khi còn tại ngũ, có thể thấy rất khó thích nghi với cuộc sống ở nhà và tìm được vị trí của họ trong gia đình, vốn dựa trên những nhu cầu cảm xúc và cơm áo gạo tiền–những thứ mà người lính từng quen dẹp qua một bên. Một cuộc đời tập trung vào sứ mệnh giải thoát anh ta khỏi những thứ nhỏ nhen của loài người–và việc quay trở lại đời thường có thể gây khó chịu. Điều này cũng đúng với các luật sư, bộ trưởng, bác sĩ, chính trị gia và những người đàn ông khác kết hôn với công việc của họ–việc chuyển từ chế độ-sứ mệnh công việc sang chế độ-đời sống gia đình có thể rất khó khăn cho họ.

Như tên gọi của nó, kẻ Tàn bạo có thể nhẫn tâm, thậm chí đối với những người yếu đuối nhất. Anh ta coi thường kẻ yếu. Một sĩ quan có thể tìm cách điều hành gia đình theo cách cứng nhắc như cách mà anh ta lãnh đạo quân đội. Kẻ Tàn bạo tạo ra những tiêu chuẩn cao không thể với tới cho bản thân anh ta và những người xung quanh. Khi đứa trẻ bị điểm kém trở về nhà, người cha bị chi phối bởi bóng âm Kẻ Tàn bạo sẽ nhục mạ và nhiếc móc đứa bé không thương xót. Nhưng một người đàn ông với nguồn năng lượng Chiến Binh tích cực sẽ tỏ ra thất vọng một cách khoan dung, rồi sau đó sẽ giúp con gái anh ta học bài chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo để con bé có thể đạt loại ưu.

Ghê tởm trước sự yếu đuối của Kẻ Tàn bạo có liên kết với nguyên mẫu Người Hùng thời thơ ấu. Người Hùng cố gắng thoát khỏi mẹ mình và nguồn năng lượng nữ tính nói chung khi anh ta tìm cách trở thành người đàn ông theo ý mình. Nhưng đàn ông trưởng thành vẫn bất an về việc mình có “đủ đàn ông hay không” sẽ phóng chiếu nỗi bất an này sang người khác. Anh ta căm ghét thứ mà anh ta sợ hãi đang tồn tại trong bản thân.  

Theo Moore, những người đàn ông bị bóng âm kẻ Tàn bạo chiếm hữu cũng có xu hướng trở thành người nghiện việc. Họ là những người đàn ông tự hào vì làm việc thâu đêm tại văn phòng và về nhà lúc 7 giờ sáng, chỉ 1 giờ sau đó lại đi làm. Họ sẽ chọn công việc với cái giá phải trả là sức khỏe và thậm chí gia đình. Họ đưa sự thoải mái với cơn đau của Chiến Binh lên mức cực điểm và nghiến răng để leo lên vị trí cao nhất. Nhưng họ đang làm điều đó vì họ thực sự không biết mình muốn gì trong cuộc sống, và liên tục làm việc để khiến bản thân sao nhãng khỏi sự thật này. Một khi họ đạt đến đỉnh cao, họ thường cảm thấy trống rỗng, mất mát và cay đắng. Nhưng nhiều kẻ Tàn bạo đã bị kiệt quệ trước khi họ đến được chỗ đó.

Kẻ Khổ dâm. Kẻ Khổ dâm là bóng âm thụ động trong nguyên mẫu Chiến Binh Ba bên, và những thuộc tính của nó thì gần giống với của bóng âm hèn nhát của nguyên mẫu Người Hùng thời thơ ấu. Một người đàn ông bị bóng âm Kẻ Khổ dâm chiếm hữu thì cảm thấy mình bất lực. Anh ta là người dễ bị dụ dỗ, không có ranh giới cá nhân và để người khác chà đạp lên mình. Anh ta có thể ghét công việc hay mối quan hệ của mình và phàn nàn về nó, nhưng thay vì rời bỏ, cắt lỗ, giảm tổn thất, và sống tiếp, anh ta cứ hòa mình vào và cố gắng nhiều hơn để trở thành mẫu người mà sếp hay bạn gái anh ta thích và chịu sỉ nhục nhiều hơn. Vì mặc dù anh ta có thể than phiền về nỗi đau, nhưng anh ta thực sự thích nó. Đây là hạng đàn ông thích bị đọa đày.

Những bóng âm lưỡng cực của một nguyên mẫu thường phối hợp với nhau để chống lại một người đàn ông. Đàn ông chịu sự ảnh hưởng của bóng âm Kẻ khổ dâm thì sẽ cam chịu trước thái độ khinh thường của người khác mà không chống trả hoặc khẳng định bản thân. Rồi đến một ngày nọ, một điều gì đó, có thể là lời chỉ trích của cô vợ, đẩy anh ta vào chân tường và anh ta “bùng nổ với những lời lẽ hung bạo [và đôi lúc là] bạo hành thể xác.”

Cách tiếp cận nguyên mẫu Chiến Binh  

Nhiều đàn ông ngày nay thiếu nguồn năng lượng Chiến Binh. Từ khi còn bé họ được khuyên nhủ rằng gây hấn là xấu và họ nên phấn đấu trở thành “trai ngoan”. Nhưng nếu có một thứ mà thế giới ngày nay cần đến thì ấy là những người đàn ông kết nối được với nguyên mẫu Chiến Binh. Đó là nguồn năng lượng thúc đẩy đàn ông liều mình và đấu tranh cho chính nghĩa. Vậy chúng ta có thể làm gì để tiếp cận được nguồn năng lượng Chiến Binh tích cực này?

Xem phim về những chiến binh vĩ đại. Vâng, nó là câu sáo rỗng nhưng lại hiệu quả. Chúng không cần phải là phim về chiến tranh. Chỉ cần là bất cứ bộ phim nào giới thiệu về những người đàn ông có tinh thần chiến binh là đủ. Đây là vài bộ phim chiến binh mà tôi yêu thích. 

  • Braveheart
  • Gladiator
  • The Seven Samurai
  • Last of the Mohicans
  • Shane
  • Glory
  • Patton

Đọc tiểu sử về những chiến binh vĩ đại. Ngoài ra, hãy tìm hiểu những tác phẩm như Suy Tưởng của Marcus Aurelius (triết gia Khắc kỷ-chiến binh tối thượng).

Tập quyền anh hoặc võ thuật.  

Làm việc gì đó khiến bạn sợ hãi.  

Nỗ lực để trở thành người quyết đoán.

Thiền định/suy ngẫm. Đặc biệt là về cái chết

Chiến Binh có thể bỏ ngoài tai ý kiến của người khác để thực hiện nhiệm vụ của anh ta.

Tìm ra giá trị cốt lõi của bạn.

kế hoạch và mục đích cho cuộc sống của bạn.

Tăng cường khả năng thích ứng bằng cách tăng cường tính kiên cường của bạn  

Học tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để hoàn thành mục tiêu của bạn. Cho dù là tài thiện xạ, lập trình máy tính hay là trở thành người có sức hút, hãy trở thành bậc thầy trong nghề của bạn.

Tìm ra các nguyên tắc mà bạn trung thành.

Đặt ra một số nguyên tắc không thể thương lượng, không thể thay đổi và tuân theo chúng. 

Tăng cường kỷ luật của bạn bằng cách thiết lập các thói quenlề lối hàng ngày.

Áp dụng triết lý tối giản. Dọn dẹp cuộc sống của bạn. Đơn giản hóa chế độ ăn uống. Thoát khỏi nợ nần.

 

Đọc tiếp phần 5 ở đây

Nguồn: Art of Manliness

menu
menu