6 dấu hiệu cho thấy bạn có thể bị tăng động giảm chú ý

6-dau-hieu-cho-thay-ban-co-the-bi-tang-dong-giam-chu-y

Tuy nhiều người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành (ADHD) có sự nghiệp thành công nhưng thông thường tình trạng này vẫn tạo ra những thách thức trong công việc.

Rối loạn tăng động giảm chú ý ở người trưởng thành (ADHD) là một rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm sự kết hợp của các vấn đề khó chú ý, hiếu động thái quá và hành vi bốc đồng.

Tuy nhiều người trưởng thành mắc chứng ADHD có sự nghiệp thành công nhưng thông thường tình trạng này vẫn tạo ra những thách thức trong công việc.

Tính bốc đồng, hiếu động thái quá và thiếu chú ý là những đặc điểm nổi bật của ADHD, mặc dù các triệu chứng có thể khác nhau.

Các triệu chứng của ADHD có thể khác nhau ở mỗi người. Trong khi một người mắc bệnh này có thể không có hứng thú với công việc vì các triệu chứng của họ, thì người khác có thể thành công ở vị trí tương tự.

Các bác sỹ đã chia sẻ những đặc điểm tính cách và hành vi làm việc thường liên quan đến ADHD:

1. Cần mọi thứ phải hoàn hảo

Dede O'Shea, nhà tâm lý học đồng thời là giảng viên tại Đại học Tufts, cho biết có thể có sự trùng lặp giữa những người mắc chứng ADHD và những nhân viên có xu hướng cầu toàn.

“ADHD ảnh hưởng đến một phần não kiểm soát cách bạn hướng sự chú ý của mình. Với những người bị ADHD, vùng kiểm soát đó không hoạt động bình thường. Vì vậy, họ thực sự không thể tập trung vào những gì họ cần hoàn thành. Nó cứ lặp đi lặp lại giữa những ý tưởng khác nhau. Và vì vậy, đôi khi chủ nghĩa hoàn hảo có thể xuất hiện như một cách để cố gắng đối mặt với điều đó và xuất hiện suy nghĩ ‘được rồi, nếu tôi hoàn thành mọi việc một cách chính xác, thì tôi có thể bắt đầu,’” O’Shea nói.

“Đó là lúc họ gặp rắc rối, bởi vì họ không bao giờ đạt đến mức mà họ cảm thấy mọi thứ đều đủ hoàn hảo để có thể thực sự bắt đầu.”

2. Trì hoãn đến phút cuối cùng

Tiến sĩ Deepti Anbarasan, Phó Giáo sư về tâm thần học tại Trường Y khoa NYU Grossman, cho biết: “Trì hoãn sẽ là một biểu hiện mà ADHD ở người trưởng thành thể hiện. Điều này có thể là do họ gặp khó khăn trong chức năng điều hành và cơ cấu nhiệm vụ của mình một cách kịp thời.”

Đối với nhân viên mắc chứng ADHD, việc không thể hoàn thành đúng thời hạn thường có thể là do lo lắng.

Megan Anna Neff, nhà tâm lý học lâm sàng, cho biết sự lo lắng quá mức dẫn đến trạng thái "tê liệt" trong mọi công việc.

3. Thường xuyên đi họp và làm việc muộn

Những người bị ADHD có thể gặp khó khăn khi đến các cuộc họp và làm việc đúng giờ mặc dù họ đã cố gắng hết sức.

Trong khi nhiều người trong chúng ta thỉnh thoảng đến trễ, nhưng những người mắc chứng ADHD gặp phải hiện tượng được gọi là “mù thời gian,” trong đó “họ có thể gặp khó khăn trong việc đo lường xem họ cần bao nhiêu thời gian để đến nơi họ muốn hoặc họ chỉ nghĩ đến điều đó trong đầu ngay cả lúc họ cần đến,” O'Shea nói.

“Ví dụ, họ phải làm việc lúc 9 giờ sáng, vì vậy họ nghĩ trong đầu là 9 giờ sáng và đó là lúc họ rời khỏi nhà, bởi vì tất cả những gì họ có thể nghĩ trong đầu là 9 giờ sáng.”

4. Suy sụp khi công việc trở nên căng thẳng

O'Shea cho biết vỏ não trước trán của bạn kiểm soát sự chú ý và phản ứng cảm xúc của bạn, và đối với những người mắc chứng ADHD, khu vực đó có thể kém phát triển.

“Khi họ không thể kiểm soát tất cả những suy nghĩ khác nhau đang diễn ra trong tình huống căng thẳng cao độ có thể dẫn đến rối loạn điều hòa, suy sụp tinh thần,” cô nói.

“Nhiều người hoặc trở nên trống rỗng với sự rối loạn điều hòa đó, hoặc bộc phát trở nên dễ xúc động, cáu kỉnh, dưới môi trường áp lực, căng thẳng cao độ đó.”

Sự lo lắng quá mức có thể dẫn đến trạng thái "tê liệt" trong mọi công việc. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

Tại nơi làm việc, điều đó có thể có nghĩa là bạn sẽ có những phản ứng thái quá bất cứ khi nào có một nhiệm vụ mới hoặc trở ngại bất ngờ xảy ra.

Bởi vì những người mắc chứng ADHD thường gặp khó khăn trong khả năng phản ứng của họ, “bất cứ khi nào có sự thay đổi, điều gì đó bất ngờ hoặc ngoài thói quen thông thường của họ, phần bổ sung đó có thể dẫn đến rối loạn điều hòa cảm xúc đó,” O’Shea nói.

5. Thường xuyên gửi email lỗi

O'Shea nói: “Chức năng điều hành giống như người quản lý trong não bạn - đó là thứ giúp bạn luôn ngăn nắp. Và đối với những người mắc chứng ADHD, chức năng điều hành của họ có thể bị suy giảm và họ có thể gặp khó khăn trong việc tập trung khi cần và có xu hướng vội vàng thực hiện những gì đang làm."

O'Shea cho biết: “Họ có thể cảm thấy như thế này: 'được rồi, tôi đang làm nhiệm vụ' nhưng họ vẫn không thể kiểm soát sự chú ý đó để đọc và xử lý đầy đủ tất cả thông tin trước mặt họ. Thật khó để bộ não của họ được kích thích đủ lâu để thực sự thực hiện những công việc đặc biệt tẻ nhạt, nhàm chán hơn như đọc email hay xem giấy tờ. Bộ não của người mắc chứng ADHD cần rất nhiều sự kích thích liên tục.”

O'Shea nói rằng nếu đồng nghiệp luôn phải theo sát hoặc sửa chữa những gì bạn làm do bạn mắc lỗi bất cẩn hoặc bạn thiếu các chi tiết quan trọng trong email hoặc giấy tờ, đó có thể là dấu hiệu cho thấy ADHD đang ảnh hưởng đến công việc của bạn.

6. Khó khăn khi thực hiện những ý tưởng sáng tạo

Những người mắc chứng ADHD là những người giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, nhưng do chức năng điều hành bị suy giảm nên những người này cũng có thể gặp khó khăn trong việc thực hiện những giải pháp sáng tạo đó.

O'Shea nói: “Ở nơi làm việc, những người mắc chứng ADHD có thể được biết đến là những người vô cùng sáng tạo, thực sự đam mê và thực sự có trí tưởng tượng. Nhưng họ vẫn có thể gặp rắc rối vì khó khăn trong việc tìm ra cách để thực hiện dự án và sự tập trung để hoàn thành công việc đó."

Phải làm gì nếu bạn nghi ngờ mình bị ADHD?

O'Shea cho biết trước tiên bạn nên tìm hiểu cách mọi người nhìn nhận bạn tại nơi làm việc có giống như cách bạn nhìn nhận bản thân hay không.

Bạn có thể âm thầm làm điều này mà không cần tiết lộ trực tiếp rằng bạn nghĩ mình mắc chứng ADHD. Hãy hỏi một đồng nghiệp đáng tin cậy rằng: “Bạn thấy cách cư xử của tôi ở văn phòng như thế nào? Tôi có gặp khó khăn gì trong việc hoàn thành công việc, đáp ứng thời hạn đã đặt ra không? Những người khác trong văn phòng có gặp phải vấn đề tương tự không? Mọi người có bị căng thẳng không?"

Bằng cách đó, bạn có thể đánh giá xem mình đang làm việc như thế nào, so với năng suất và mức độ căng thẳng của những người khác trong nhóm của bạn.

Neff cho biết nếu bạn nghĩ mình mắc chứng ADHD, hãy tìm đến nhà tâm lý học chuyên về ADHD ở người trưởng thành.

Sau đó, bạn có thể bắt đầu kế hoạch điều trị.

Nguồn: Vietnam+

-----------------

Nếu Bạn đang cần chẩn đoán và tư vấn về ADHD ở người lớn, hãy gọi cho Psychologist Vietnam - Dịch Vụ Hỗ Trợ Sức Khỏe Tinh Thần cung cấp dịch vụ tham vấn, trị liệu cho trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và chủ doanh nghiệp có nhu cầu phát triển về thể chất, tinh thần, với nhiều nhà trị liệu, tham vấn trong nước và nước ngoài có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.

Liên hệ với chúng tôi để được tham vấn và đưa ra lộ trình trị liệu (online, trực tiếp) phù hợp:

Phone: 0812151220 (Whatsapp/Viber/Telegram)

Facebook: https://www.facebook.com/PsychologistVietnam

Email: [email protected]

Địa chỉ: 136 Nguyễn Phạm Tuân, Phường Hòa Hải, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

menu
menu