Người ái kỷ luôn tàn nhẫn trong tình yêu - Mối quan hệ độc hại, dấu hiệu nhận biết và chữa lành 

nguoi-ai-ky-luon-tan-nhan-trong-tinh-yeu-moi-quan-he-doc-hai-dau-hieu-nhan-biet-va-chua-lanh 

Câu chuyện kể về quá trình hồi của một bệnh nhân bị lạm dụng ái kỷ, Debbie Mirza. Việc liên tục bước vào trong những mối quan hệ độc hại khiến sức khỏe tâm lý của cô suy sụp hoàn toàn, kéo theo đó là nhiều chứng bệnh trầm trọng.

Câu chuyện kể về quá trình hồi của một bệnh nhân bị lạm dụng ái kỷ, Debbie Mirza. Việc liên tục bước vào trong những mối quan hệ độc hại khiến sức khỏe tâm lý của cô suy sụp hoàn toàn, kéo theo đó là nhiều chứng bệnh trầm trọng. Bằng những phương pháp cụ thể, Mirza đã vượt qua tất cả để chữa lành cho bản thân mình.

1. DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN BỊ TỔN THƯƠNG TRONG MỐI QUAN HỆ ĐỘC HẠI

Trong một mối quan hệ, một người có chứng ái kỷ bị lạm dụng có thể gặp phải nhiều tổn thương về tâm lý kéo dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMDB

Sau khi thoát khỏi một mối quan hệ mà đối phương dường như đã bị lợi dụng tình cảm của mình, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và nhận thấy điều mà tôi chưa từng thấy trước đây. Tôi sẽ lặp lại những cuộc trò chuyện khó hiểu trong đầu. Tôi viết nhật ký, cố gắng hiểu những gì tôi đã trải qua và vẫn đang trải qua. Mọi thứ ngày càng trở nên rõ ràng hơn dù sự bất đồng về nhận thức vẫn còn mạnh mẽ. Khi bạn nhìn thấy ai đó theo một cách quá lâu, thật khó để chấp nhận sự thật họ là ai và trên thực tế, họ đã là ai trong suốt thời gian qua bạn không nhận ra.

Tôi phải trải qua nhiều triệu chứng của Rối loạn căng thẳng phức tạp hậu chấn thương tâm lý (CPTSD), vốn dĩ là những triệu chứng thường gặp sau khi có mối quan hệ với một người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.

Hầu hết chúng ta đều đã nghe nói về PTSD, nhưng gần đây người ta đã công nhận sự tồn tại của rối loạn căng thẳng phức tạp sau chấn thương tâm lý trong thế giới tâm lý học. PTSD là một chứng rối loạn lo âu có thể phát triển sau khi một người trải qua một sự kiện đau thương. Rối loạn căng thẳng phức tạp hậu sang chấn là kết quả của chấn thương kéo dài hoặc lặp đi lặp lại trong khoảng thời gian hàng tháng hoặc hàng năm.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của Rối loạn căng thẳng phức tạp hậu sang chấn:

  • Hồi tưởng sang chấn thông qua hồi tưởng và ác mộng
  • Chóng mặt hoặc buồn nôn khi nhớ lại ký ức
  • Tránh những tình huống hoặc địa điểm khiến bạn nhớ đến sang chấn hoặc kẻ bạo hành
  • Kích động mạnh, có nghĩa là luôn ở trong trạng thái cảnh giác cao độ
  • Có niềm tin rằng thế giới là một nơi nguy hiểm, mất niềm tin vào lòng tốt của người khác
  • Mất niềm tin vào bản thân hoặc người khác
  • Khó ngủ
  • Giật mình - nhạy cảm với kích thích
  • Cảnh giác cao độ - liên tục quan sát hành vi của người khác, tìm kiếm dấu hiệu của hành vi xấu và manh mối tiết lộ ý định xấu
  • Thiếu tự trọng, tự ti
  • Khó khăn trong điều tiết cảm xúc - bạn thấy mình dễ bị kích động về mặt cảm xúc hơn so với cách sống thông thường của bạn. Bạn có thể cảm thấy tức giận hoặc buồn bã hoặc có ý định tự tử.
  • Bận tâm đến kẻ bạo hành, không có gì lạ khi bạn tập trung vào kẻ bạo hành, mối quan hệ với kẻ bạo hành hoặc ý muốn trả thù vì đã bị lạm dụng
  • Xa rời người khác, muốn cô lập bản thân, rút lui khỏi cuộc sống
  • Gặp nhiều thách thức trong các mối quan hệ, kể cả việc khó tin tưởng những người khác, có thể đang tìm kiếm một người giải cứu, hoặc thậm chí có một mối quan hệ khác với kẻ bạo hành vì việc đó mang lại cảm giác quen thuộc.
  • Sự tách rời, cảm thấy mất kết nối với bản thân và cảm xúc của mình
  • Trầm cảm, buồn bã và cạn năng lượng, thiếu động lực
  • Cảm giác tội lỗi và xấu hổ độc hại, có cảm giác rằng bằng cách nào đó bạn xứng đáng bị lạm dụng, hoặc việc bạn không rời đi sớm hơn là dấu hiệu của sự yếu kém
  • Hành vì tự làm hại bản thân mang tính hủy hoại như lạm dụng ma túy và rượu là kết quả chung của chấn thương đang diễn ra. Điều này cũng có thể bao gồm việc ăn quá nhiều để xoa dịu và tự điều trị. Trái lại, bạn có thể đày đọa bản thân bằng cách nhịn ăn. Những hành vi này phát triển trong giai đoạn sang chấn như một cách để đối phó hoặc quên đi sang chấn và nỗi đau tinh thần.

2. NHỮNG CÂU HỎI GIÚP BẠN XÁC ĐỊNH MỘT MỐI QUAN HỆ ĐỘC HẠI

Khi ở trong mối quan hệ độc hại, bạn thường không đủ khách quan để nhận ra rằng bản thân mình đang phải chịu đựng những gì

Ảnh minh họa: Nguồn: IMDB.

Sau khi dành cả năm để nuôi dưỡng bản thân, tôi đã tiến tới mức độ chữa lành sâu sắc hơn, nơi tôi đã sẵn sàng nhìn nhận lại vai trò của mình trong mối quan hệ mà tôi từng có. Sự lạm dụng bí mật mà tôi đã trải qua rất khó nhận ra, nhưng khi nhìn lại, đặc biệt là khi tôi đọc nhật ký của mình, tôi đã bị đối xử theo rất nhiều cách không tử tế và thiếu tôn trọng, ngay cả trong thời gian đầu. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, tôi đã bào chữa cho hành vi đó.

Tôi bắt đầu nhận ra mình phải chịu đựng sự lạm dụng tình cảm bí mật bởi nhiều người trong phần lớn cuộc đời mình và câu hỏi mà tôi muốn tự trả lời là: "Tại sao tôi cảm thấy ổn khi bị đối xử như vậy?". Tôi biết mình cần hiểu điều này để chữa lành hoàn toàn và có cơ hội sở hữu những mối quan hệ yêu thương, lành mạnh trong tương lai. Tôi không muốn tiếp tục lặp lại khuôn mẫu này.

Trong thời gian này, khi tôi đang hồi phục sau mối quan hệ gần đây nhất của mình, tôi sợ phải hẹn hò lại. Tôi đã không tin tưởng bản thân có thể nhìn thấu hành vi bí mật. Tôi nhận ra mình phải học hỏi lại về tình yêu để có thể nhận ra sự giả tạo. Tôi cần duy trì sự hiện diện đầy yêu thương với bản thân để có thể quen với hình dáng và cảm giác của tình yêu thực sự.

Dưới đây là một số câu hỏi giúp bạn nhận ra bản thân có đang vướng vào một mối quan hệ với người ái kỷ hay không.

  1. Khi nhìn lại, những kiểu hành vi nào tương tự những gì bạn đã trải qua trong mối quan hệ với một người ái kỷ? Có phải cha/mẹ bạn đã áp đặt các vấn đề của họ lên bạn không? Có những chuyện thao túng không? Bạn có cảm thấy như thể mình sẽ không bao giờ là đủ không? Hay có lẽ đòi hỏi quá đáng hay không? Quá nhạy cảm không? Tập trung vào cảm xúc, nhu cầu của họ và của bạn không quan trọng ư?
  2. Bạn đã nhận được những thông điệp không lành mạnh hoặc tiêu cực nào về bản thân trong quá trình trưởng thành? Bạn đã nhận được những thông điệp nào tương tự từ người ái kỷ xuất hiện trong cuộc sống của bạn?
  3. Bạn cảm thấy thế nào khi ở bên mẹ trong quá trình trưởng thành? Bạn cảm thấy thế nào khi ở bên bố? Có bất kỳ cảm giác hoặc tiếp xúc cơ thể nào giống với những cảm giác và tiếp xúc cơ thể với người ái kỷ đang xuất hiện trong cuộc sống của bạn hay không?
  4. Mẹ bạn đối xử với bố bạn như thế nào? Bố bạn đang đối xử với mẹ bạn ra sao? Bạn có thấy bất kỳ điểm tương đồng nào với cách bạn được người ái kỷ đối xử trong cuộc sống không?
  5. Ký ức, tổn thương nào trong thời thơ ấu đã khiến bạn có mối quan hệ với những người ái kỷ. Hãy nhớ rằng, ngay cả những thông điệp rất tế nhị, hành vi có thiện ý nhưng không lành mạnh, cũng sẽ củng cố hành vi độc hại trong tương lai mà chúng ta nghĩ rằng chúng là bình thường.

3. CƠ THỂ CHÚNG TA SUY SỤP NHƯ NÀO SAU KHI BỊ LẠM DỤNG TÌNH CẢM

Một mối quan hệ độc hại không chỉ khiến tinh thần mà còn khiến cơ thể bạn suy kiệt nặng nề.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMDB

Khi bạn bị lạm dụng ái kỷ trong nhiều tháng, nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, hệ thống thần kinh của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, cơ thể bạn sẽ phải chịu rất nhiều chấn thương khi không có đủ thời gian tự hồi phục. Phần quan trọng của quá trình hồi phục là nhận thức về những gì bạn đã trải qua thực sự là lạm dụng tình cảm, tinh thần.

Cơ thể của chúng ta luôn nỗ lực để giữ cho ta sống sót. Chúng được thiết kế để xử lý các tác nhân gây căng thẳng định kỳ xảy ra trong cuộc sống. Vấn đề xảy ra khi căng thẳng trong cuộc sống của chúng ta liên tục và kéo dài, giống như khi chúng ta sống hoặc làm việc với một người ái kỷ.

Khi hệ thống thần kinh của chúng ta hoạt động bình thường, chúng ta sẽ trải qua một quá trình tự nhiên bao gồm các phản ứng tăng cường, sau đó là bình thường lại. Ví dụ khi bạn đang lái xe trên đường và nhìn thấy chiếc xe phía trước đột ngột đạp phanh, hệ thống thần kinh giao cảm của bạn sẽ hoạt động. Trong tích tắc, cơ thể bạn phản ứng trước khi bạn có cơ hội suy nghĩ và xử lý. Bạn nhanh chóng đạp phanh hoặc tấp vào lề để tránh tai nạn. Bạn có thể dừng lại bên đường để lấy hơi.

Bạn có thể cảm thấy năng lượng tăng cao và nhận thức dâng trào khắp cơ thể. Hơi thở của bạn nhanh hơn. Tim bạn bắt đầu đập loạn nhịp. Cơ thể bạn có thể bắt đầu run rẩy. Sau đó, dần dần bạn cảm thấy mọi thứ dịu xuống. Bạn cảm thấy mình đã sẵn sàng để quay trở lại luồng giao thông. Khi về đến nhà, bạn ngồi hoặc nằm xuống và cơ thể bạn dần dần nhẹ nhàng trở lại trạng thái cân bằng. Tất cả đều ổn. Sự kiện căng thẳng đã qua và bây giờ bạn có thể tiếp tục cuộc sống của mình. Đó là nhịp điệu của một hệ thống thần kinh tự chủ khỏe mạnh được điều hòa.

Nếu từng sống hoặc làm việc với một người ái kỷ, bạn đã trải qua căng thẳng hàng ngày và nhất quán. Bạn có thể cảm thấy mình đang đi trên dây xung quanh họ, cảm thấy tâm trạng luôn thay đổi của họ tràn ngập không khí. Ở bên họ, bạn cảm thấy như thể mình không bao giờ đủ tốt, luôn là nỗi thất vọng. Bạn liên tục cảm thấy mệt mỏi và khó hiểu khi nhận được những mẩu tin yêu thương, chỉ để rồi sau đó là những thông điệp hạ bệ ngầm hoặc công khai.

Cuộc sống bên một người ái kỷ luôn diễn ra trong trạng thái căng thẳng và lo lắng thường xuyên. Theo thời gian, điều này khiến cơ thể bạn không thể chịu nổi. Đồng thời, hệ thống thần kinh của chúng ta chuyển sang trạng thái bỏ chạy, chiến đấu hoặc đóng băng để tồn tại. Hệ thống của chúng ta trở nên rối loạn. Chúng ta trở thành những người phản ứng. Những yếu tố gây căng thẳng nhỏ nhất cũng có thể làm giọt nước tràn ly.

Có điều gì đó không ổn trong ngày và ta có phản ứng mạnh mẽ hơn bình thường. Cảm xúc dâng cao. Chúng ta cảm thấy không ổn định. Chúng ta bị choáng ngợp. Môi trường của chúng ta có cảm giác không an toàn. Đôi khi chúng ta luôn cảm thấy tức giận và lo lắng, biết rằng đây không thực sự là con người trong chúng ta. Chúng ta rơi vào mức độ lo lắng cao độ và sau đó rơi vào chán nản và tuyệt vọng.

Đó là khi hệ thống thần kinh của bạn bị rối loạn điều hòa, bạn có thể cảm thấy mình luôn ở trong trạng thái cảnh giác. Bạn thấy cơ bắp bị căng cứng. Tất cả hệ thống trong cơ thể bạn theo đó cũng chịu ảnh hưởng. Đây là một lý do khiến nhiều người trong chúng ta, những người đã trải qua điều này trong nhiều năm cuối cùng đã gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Khi hệ thần kinh bị rối loạn điều hòa, hệ tiêu hóa cũng như hệ miễn dịch, hệ cơ, hệ tim mạch và chức năng não cũng bị ảnh hưởng.

4. BỊ 'KHỦNG BỐ' TÂM LÝ SAU KHI CHIA TAY NGƯỜI ÁI KỶ

Sau khi chấm dứt một mối quan hệ với người mắc chứng ái kỷ, đối phương có thể bị "khủng bố" tinh thần bằng nhiều dòng tin nhắn với từ ngữ nặng nề.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMDB.

Kể cả khi mối quan hệ kết thúc, người ái kỷ hiếm khi để bạn yên. Bạn có thể trở thành mục tiêu cho cơn thịnh nộ của họ trong nhiều năm sau đó, ngay cả khi bạn cố gắng cắt đứt hoặc hạn chế liên lạc. Nếu bạn có con với họ và cần liên lạc, họ sẽ sử dụng mối liên hệ này để tiếp tục cố gắng lạm dụng bạn về mặt cảm xúc và tâm lý.

Có vẻ như ngay trong lúc bạn đạt được những bước tiến nổi bật trong quá trình chữa lành thì đột nhiên một email, tin nhắn hoặc tương tác với họ đã khiến bạn giật lùi cả tháng hoặc năm. Điều này đã xảy ra với tôi, thậm chí nhiều lần liền. Một email cụ thể, nhiều năm sau khi chia tay, đã ảnh hưởng đến tôi theo những cách mà tôi chưa từng trải qua với những email trước đó. Thế nhưng nó cũng trở thành chất xúc tác để sức mạnh trong tôi trỗi dậy hơn bao giờ hết.

Tôi nhận được email lăng mạ này sau hơn ba năm mối quan hệ kết thúc. Lần này tôi nhận ra sự ngược đãi và quyết tâm đứng lên đấu tranh cho chính mình. Tôi đặt ra một ranh giới. Tôi đã viết thư hồi đáp và nói rằng nếu tôi nhận được bất kỳ email lăng mạ nào nữa, tôi sẽ chặn anh ta. Khoảng một giờ sau lá thư phúc đáp ngắn gọn, không cảm xúc, đúng sự thật và trực diện đó, tôi nhận được một loạt công kích, khi đọc chúng, tôi cảm thấy những làn sóng chấn thương đang phủ trùm lên tôi.

Có điều gì đó trong ngôn từ của email đó, kết hợp với cường độ và sự choáng ngợp từ những năm trước, đã tác động lên cơ thể tôi với sức ảnh hưởng mà tôi chưa từng trải qua trước đây. Tôi chìm vào trạng thái nội tâm tĩnh lặng và không nói năng gì trong suốt ba ngày. Tôi cảm thấy cơ thể mình đang ngừng hoạt động và tất cả các hệ thống của tôi như đồng loạt tắt nguồn.

Tôi ngồi trên một chiếc ghế ở góc phòng khách và nhìn chằm chằm ra một cửa sổ mỗi ngày trong một khoảng thời gian dài. Tôi cảm thấy như mình không thể di chuyển, giống như tất cả sự sống đã bị rút cạn khỏi cơ thể tôi, tôi giờ chỉ còn là một cái vỏ, chỉ đang tồn tại. Tôi cảm thấy tê liệt.

Tôi mang cả những cảm giác đó vào giấc ngủ mỗi đêm và khi thức dậy sau đó, khi tôi nằm đó, cảm xúc sẽ ùa ra khỏi tôi. Tôi sẽ lăn lộn và thổn thức trong một thời gian dài. Tôi thức dậy mỗi sáng như vậy trong ba ngày. Đến sáng cuối cùng, một điều khác biệt đã xảy ra. Tôi bắt đầu lăn qua một bên và khóc. Sau khi tất cả giọt nước mắt ấy tuôn ra, một cảm giác khác bắt đầu xuất hiện.

Tôi nghĩ về tất cả sự tàn ác mà tôi phải chịu đựng. Tôi biết tôi không đơn độc. Tôi nghĩ đến tất cả người khác cũng đang trải qua điều tương tự. Tôi cảm thấy tất cả điều này thật sai lầm. Một sự quyết liệt bắt đầu trỗi dậy trong tôi. Tôi nhắm mắt lại và một hình ảnh hiện lên. Đó là hành trình viết lên một cuốn sách The Covert Passive Aggresive Narcissist (Tạm dịch: Kẻ ái kỷ gây hấn thụ động bí mật).

5. NGƯỜI ÁI KỶ CÓ BIẾT YÊU AI NGOÀI BẢN THÂN KHÔNG

Đối với những ai từng ở trong mối quan hệ với một người ái kỷ, câu hỏi thường được đặt ra là: "Người đó có thực sự yêu mình hay không?".

Nhân vật Loki trong series web-drama cùng tên tự nhận mình là một người ái kỷ. Nguồn: Hollywood Insider.

Khi bạn nhận ra người mà bạn đã ở cùng hoặc đã từng nuôi nấng bạn là một người ái kỷ, thì phản ứng thông thường và tự nhiên của bạn sẽ là đặt ra câu hỏi họ có từng thực sự yêu bạn hay không. Có phải tất cả đều là dối trá không? Có phần nào trong tình yêu đó là thật không? Đó là một khía cạnh của sự bất hòa về nhận thức. Chúng càng bị che giấu thì càng khó tìm ra hướng giải quyết.

Bạn lướt qua tất cả kỷ niệm trong tâm trí của bạn. Tôi chắc rằng đã có lúc bạn nhận được những ghi chú, tin nhắn, email và thiệp tử tế. Có thể họ sẽ nói với người khác rằng bạn tuyệt vời như thế nào. Họ có thể thỉnh thoảng tặng quà cho bạn. Có những tiếng cười và khoảng thời gian vui vẻ xen lẫn với hành vi phá hoại, kiểm soát và thao túng. Bạn thực sự yêu họ và nghĩ rằng bạn cũng cảm thấy họ như vậy. Sự thật là gì? Họ có thực sự yêu bạn hay họ chỉ phản chiếu tình yêu và sự nhiệt tình đến từ bạn?

Có thể có những khoảnh khắc họ cảm thấy yêu bạn. Điều quan trọng là nhìn vào trải nghiệm tổng thể của bạn và tự hỏi bản thân: Liệu sự đối xử mà tôi nhận được có phải đến từ tình yêu thương không? Có thể có những cảm xúc thực sự ngay từ đầu, nhưng cảm xúc có thể thay đổi. Tuy nhiên, đó không phải tình yêu. Tình yêu thì phải kiên định.

Sự thật là những người ái kỷ có ham muốn quyền lực và kiểm soát, họ tìm kiếm những người yếu kém trong lĩnh vực mà họ có thể khai thác. Người hoàn hảo để người ái kỷ nhắm tới là người không có hình dung và kinh nghiệm rõ ràng về tình yêu, một người tốt bụng, cho đi, nuôi dưỡng và không có ranh giới rõ ràng.

Người đó là một mỏ vàng đối với họ. Đó là lý do bạn có thể nhận thấy rằng mọi thứ bắt đầu rạn nứt trong mối quan hệ khi bạn mạnh mẽ hơn, khi bạn đặt ranh giới và khi bạn bắt đầu đặt câu hỏi về cách họ đối xử với bạn. Khi điều này xảy ra, họ không còn cần hoặc muốn bạn trong cuộc sống của họ nữa.

Bạn đã được chọn để đóng vai mà bạn không biết là mình đã thử vai từ đầu. Khi bạn ngừng đóng vai mà bạn được giao, họ sẽ loại bỏ bạn và gần như ngay lập tức bắt đầu thử vai những người khác cho lần tuyển diễn viên tiếp theo của họ. Bạn không thật sự bị thay thế. Vai trò bạn mới là thứ bị thay thế.

Từ nghiên cứu và kinh nghiệm của mình, tôi tin rằng những người ái kỷ chứa đầy nỗi sự hãi sâu sắc bên trong và kết quả là họ không cho phép mình tin tưởng người khác tuyệt đối. Họ chọn kiểm soát mọi người hơn là mạo hiểm để bị tổn thương và kết nối thực sự. Vì điều này, họ không thể trải nghiệm những mối quan hệ sâu sắc và trọn vẹn.

Trớ trêu thay, những lựa chọn ái kỷ mà họ đưa ra dựa trên nỗi sợ hãi sâu sắc và ham muốn quyền lực cuối cùng lại khiến họ trở thành nạn nhân do chính họ tạo ra và tự chuốc họa vào thân. Trừ khi họ chọn thay đổi, nếu không họ sẽ không bao giờ trải nghiệm trọn vẹn niềm vui của cuộc sống, dòng sông yêu thương chữa lành và sự tĩnh lặng êm dịu của hòa bình.

6. NGƯỜI ÁI KỶ LUÔN TÀN NHẪN TRONG TÌNH YÊU

Hai lý do khiến người ái kỷ luôn tỏ ra tàn nhẫn là vì những điều bất mãn họ thấy trong cuộc sống và mất khả năng kiểm soát cơn tức giận.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMDB.

Những người ái kỷ thường bất an, đầy ắp sợ hãi và giận dữ. Họ gặp phải những vấn đề chưa được giải quyết, đầy hận thù bản thân và ham muốn quyền lực.

Một số người được nuôi dưỡng trong những ngôi nhà có người lạm dụng tinh thần, trong khi những người khác được nuôi dưỡng trong môi trường ưu ái thái quá và tự coi mình là đặc biệt hơn những người khác. Nhiều người đã lớn lên và xem những người khác chỉ ở đây để phục vụ họ.

Họ tự coi mình là trung tâm và không quan tâm đến các mối quan hệ hài hòa. Cuối cùng, họ sống vì bản thân và đặt mong muốn và nhu cầu của mình lên trên người khác. Họ lạc lối bên trong và xa rời con người thật của họ.

Có hai lý do những người ái kỷ lại có hành vi lạm dụng đối phương.

Thứ nhất, cơn thịnh nộ của người ái kỷ thường bị đặt nhầm chỗ. Bất kỳ ai từng ở với một người ái kỷ đều biết cảm giác tức giận của họ. Nếu họ để lộ rõ, bạn sẽ nhìn và nghe thấy cơn thịnh nộ của họ, bạn sẽ thấy họ la hét, mắng chửi bạn, hạ thấp bạn và có thể tác động vật lý đến bạn. Nếu họ kín đáo, cơn thịnh nộ sẽ được che giấu nhiều hơn. Nó xuất hiện theo những cách hung hăng thụ động hơn như im lặng và trừng phạt bạn theo cách không thể truy ngược lại họ hoặc theo những cách tinh vi khiến bạn không thể nghi ngờ họ.

Với những kiểu lạm dụng ái kỷ bí mật, bạn có thể cảm nhận được cơn thịnh nộ tiềm ẩn bên trong họ. Nó tràn ngập khắp không khí và khiến bạn cảm giác như đang đi trên một lớp băng mỏng.

Cơn thịnh nộ này thường hướng vào bạn. Bạn cảm thấy họ coi thường, ghét bạn mà bạn không hiểu tại sao. Nó khiến bạn tự hỏi liệu bạn có thực sự tồi tệ khi sống chung và hành vi của bạn có phải là nguyên nhân khiến họ tức giận hay không? Một số sẽ nói với bạn điều đó một cách thẳng thắn, nhưng những người khác sẽ đưa ra ám chỉ.

Thứ hai, người ái kỷ có những điều không hài lòng về cuộc sống khiến họ cảm thấy bất hạnh vì vậy họ bắt bạn cũng phải như vậy. Nếu họ không thể hạnh phúc, không ai có thể. Hẳn bạn đã nhận thấy rằng bất cứ lúc nào bạn cảm thấy vui vẻ hoặc theo đuổi điều gì đó mà bạn hào hứng, họ sẽ cố gắng phá hoại niềm vui của bạn. Thông thường họ sẽ tập trung vào những điểm cụ thể ở bạn, những điểm này liên quan đến nguồn gốc của sự bất hạnh của chính họ.

7. NHỮNG CÂU HỎI GIÚP BẠN XÁC ĐỊNH MÌNH CÓ PHẢI NGƯỜI ÁI KỶ KHÔNG

Trong một mối quan hệ độc hại, bạn có thể tự hỏi rằng liệu bản thân có đang mắc chứng ái kỷ hay không.

Ảnh minh họa. Nguồn: IMDB.

Người ái kỷ thường nói với bạn rằng bạn đang ái kỷ. Nếu là người giấu giếm, họ sẽ ám chỉ hoặc dùng từ ngữ khác để chuyển tải thông điệp đó. Bởi bạn là một người tự phản ánh, bạn sẽ nhìn lại chính mình, bạn sẽ nỗ lực trong vô vọng và khiến mình kiệt sức khi cố gắng tìm hiểu xem điều này có đúng không. Đó là những gì người ái kỷ muốn bạn làm. Họ vắt kiệt năng lượng của bạn.

Động thái này là một cách họ dùng để rút cạn năng lượng từ bạn và là một phần khiến bạn trở thành nhà cung cấp năng lượng cho họ. Họ cũng muốn bạn mất tập trung khỏi việc nhìn ra con người thật của họ. Điều này còn giảm thiểu hành vi lạm dụng của họ bằng cách làm như thể bạn vừa đánh chửi nhau. Cả hai bạn đều bị tổn thương, tức giận và chịu đựng đả kích.

Một lý do khác khiến bạn băn khoăn rằng liệu mình có phải người ái kỷ hay không là sau khi ở bên một người quá lâu, bạn đã mất đi sự tự tin và sáng suốt. Bạn đã quá quen với việc trao quyền lực của mình cho người ái kỷ nên dễ tin rằng họ biết nhiều hơn bạn về con người bạn. Nhiều người ái kỷ sẽ nói điều đó. Họ sẽ nói với bạn rằng họ hiểu bạn hơn cả chính bạn. Nhưng thực tế không bao giờ như vậy.

Lý do phổ biến thứ ba có thể liên quan đến cách bạn xác định chứng ái kỷ. Bạn có thể tập trung vào bản thân. Đây là cách nhiều người nhìn nhận chủ nghĩa ái kỷ cho đến khi họ thực sự nghiên cứu về chủ đề này và nhận ra còn nhiều điều thú vị hơn thế nữa. Bạn có thể thấy rằng sự tập trung luôn nhắm vào bạn khi bạn nói chuyện với bạn bè hoặc gia đình, vì bạn đang cố gắng sắp xếp mọi thứ diễn ra trong cuộc sống của mình.

Nếu bạn đang hỏi liệu mình có phải là người ái kỷ hay không, hãy thử trả lời những câu hỏi sau để tìm manh mối:

  1. Bạn có thường xuyên hạ thấp và đánh giá thấp mọi người không?
  2. Bạn có gaslight (một hình thức lạm dụng tâm lý) mọi người với mục đích khiến họ nghi hoặc chính họ không?
  3. Bạn có khiến mọi người chống lại nhau, như trong kỹ thuật tam giác thao túng không?
  4. Bạn có đổ lỗi cho người khác về những vấn đề chưa được giải quyết của mình không?
  5. Bạn có hay nổi cơn thịnh nộ trong người và dùng nó để kiểm soát người khác khiến họ cảm thấy sợ hãi và bất an không?
  6. Bạn có thường xuyên thao túng người khác bằng cảm xúc của mình không?
  7. Khi người khác bị tổn thương, bạn có thấy mình vô cảm không? Bạn có thấy mình thiếu sự đồng cảm không?
  8. Bạn có kiêu ngạo không? Bạn có tin rằng các quy tắc không áp dụng cho bạn giống như với những người khác không?
  9. Bạn có thường xuyên nói dối không?
  10. Trong các mối quan hệ của bạn, bạn có nói một đằng làm một nẻo không? Bạn bè của bạn có nói rằng hành động và lời nói của bạn không nhất quán không?

Nếu bạn trả lời "Có" cho những câu hỏi này, tôi sẽ nói rằng bạn có khả năng sở hữu đặc điểm ái kỷ.

 

Bài viết trích từ cuốn sách Mối quan hệ độc hại - Dấu hiệu nhận biết và chữa lành

Tác giả: Debbie Mirza

Xem sách tại shopee: https://shope.ee/6AGOAoTE7W

Xem sách tại lazada: https://shorten.asia/DfvpbmVF

 

menu
menu