7 quy tắc nuôi dạy giúp trẻ phát triển một bộ não linh hoạt

7-quy-tac-nuoi-day-giup-tre-phat-trien-mot-bo-nao-linh-hoat

Bộ não của trẻ không phải là mô hình thu nhỏ của não người lớn. Đó là bộ não được hình thành từ sự kết nối với thế giới nên phụ thuộc nhiều vào thế giới mà cha mẹ tạo ra quanh con.

Tiến sĩ Lisa Feldman Barrett, một nhà thần kinh học, nhà tâm lý học và là tác giả của cuốn "Seven and a Half Lessons About the Brain". Bà là Giáo sư Xuất sắc tại Đại học Northeastern, công tác tại Trường Y Harvard và Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Bà cũng là Giám đốc Khoa học của Trung tâm Luật, Trí não & Hành vi (Center for Law, Brain & Behavior) tại Đại học Harvard.

Dựa trên nhiều năm nghiên cứu trong khoa học thần kinh và tâm lý học, bà đã đưa ra 7 quy tắc nuôi dạy có thể giúp trẻ phát triển một bộ não linh hoạt và không dễ bị khuất phục.

  1. Hãy là "người làm vườn" chứ không phải "thợ mộc"

Những người thợ mộc chạm khắc gỗ để cho ra đời những tác phẩm theo đúng ý họ, còn thợ làm vườn biết cách ươm mầm, giúp mọi thứ phát triển theo hướng tốt nhất, mạnh khỏe nhất, tự nhiên nhất. Việc nuôi dạy con cái cũng tương tự như vậy.

Phụ huynh nào cũng đều kỳ vọng đứa trẻ trở thành một hình tượng mà họ muốn. Hoặc họ có thể tạo ra một môi trường khuyến khích sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tùy theo từng cách giáo dục sẽ mang đến những kết quả khác nhau.

Chẳng hạn, cha mẹ muốn con mình chơi vĩ cầm một cách thuần thục thì có thể áp dụng phương pháp của người thợ mộc. Theo đó, họ đặt ra các quy tắc tập luyện nghiêm ngặt và buộc đứa trẻ tuân theo. Việc này giúp con sớm đạt được kỹ thuật điêu luyện, nhưng đôi khi khiến con trẻ xem âm nhạc như một "công việc" đầy khó chịu.

Trong khi đó, cách tiếp cận theo phong cách thợ làm vườn sẽ tạo cơ hội và không gian để con tiếp xúc với âm thanh, khơi dậy niềm yêu thích của con. Khi cha mẹ hiểu điều con muốn như cách một thợ làm vườn hiểu về loài cây mình đang ươm trồng, thì mới có thể điều chỉnh để "cây bén rễ phát triển".

  1. Hãy trò chuyện và đọc cho con nghe thật nhiều

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngay cả ở giai đoạn vài tháng tuổi khi trẻ chưa hiểu nghĩa của từ thì não bộ của chúng vẫn có thể tiếp nhận ngôn ngữ. Vì vậy, việc trò chuyện và đọc cho con nghe sẽ giúp trẻ tiếp thu thông tin và là nền tảng cho việc học chủ động về sau. Khi bạn đọc cho con nghe càng nhiều nội dung là đang giúp con hình thành vốn từ vựng và tăng khả năng đọc hiểu.

Dạy chúng "từ ngữ cảm xúc" (chẳng hạn như buồn, vui, thất vọng…) đặc biệt có lợi. Càng biết nhiều, chúng càng có thể hành động linh hoạt hơn.

Hãy đưa lời khuyên này vào hành động bằng cách quan sát kỹ cảm xúc của người khác. Nói về thứ gây ra cảm xúc và chúng có thể ảnh hưởng đến ai đó như thế nào: "Con có thấy cậu bé đang khóc đó không? Cậu bé đang cảm thấy đau vì ngã và trầy xước đầu gối. Cậu ấy đang buồn và có lẽ muốn một cái ôm của bố mẹ".

Hãy coi bạn là hướng dẫn viên du lịch của con bạn, dẫn chúng qua thế giới bí ẩn của con người thông qua chuyển động và âm thanh. .

  1. Chịu khó giải thích cho con

Có thể đôi khi bạn cảm thấy khá mệt mỏi khi con liên tục đưa ra những câu hỏi "Tại sao…?". Việc giải thích có thể giúp con tiếp thu thêm được một điều gì đó mới mẻ và khiến trẻ tự tin hơn. Bộ não sẽ hoạt động hiệu quả hơn khi chúng dự đoán được điều gì đó một cách rõ rệt.

Bậc phụ huynh nên tránh trả lời các câu hỏi "Tại sao" bằng "Bởi vì bố/mẹ đã nói như vậy". Khi trẻ hiểu được lý do để cư xử theo cách cụ thể sẽ giúp điều chỉnh hành động của mình hiệu quả hơn.

Nếu tất cả những gì trẻ biết là, "Mình không nên ăn tất cả bánh quy vì một nhân vật "có thẩm quyền" đã nói với mình như vậy và mình sẽ gặp rắc rối mất", lý do đó có thể không hữu ích khi cha mẹ không có mặt.

Sẽ tốt hơn nếu chúng hiểu rằng, "Mình không nên ăn tất cả bánh quy vì mình sẽ bị đau bụng và anh chị em của mình cũng sẽ thất vọng vì thiếu món tráng miệng". Lý luận này giúp chúng hiểu hậu quả của hành động của chúng và nuôi dưỡng sự đồng cảm.

  1. Mô tả về hoạt động chứ không phải đánh giá con người

Khi thấy con trai bạn đập vào đầu em gái, bạn đừng gọi con là "thằng tồi". Hãy cụ thể hơn: "Đừng đánh em gái nữa. Hành động ấy khiến em con cảm thấy đau và khó chịu. Hãy nói với em rằng con rất tiếc".

Quy tắc tương tự đối với lời khen ngợi: Đừng gọi con gái bạn là "một cô gái tốt". Thay vào đó, hãy bình luận về hành động của cô bé: "Con đã rất đúng khi không đánh lại anh". Kiểu ngôn từ này sẽ giúp não bộ của trẻ xây dựng các khái niệm hữu ích hơn về hành động và bản thân.

Một gợi ý khác là mô tả hành động của các nhân vật trong truyện. Khi ai đó không nói sự thật, đừng nói, "Sam là kẻ nói dối" (chỉ con người), hãy nói "Sam đã nói dối" (chỉ hoạt động). Sau đó, hãy tiếp tục: "Con nghĩ tại sao Sam lại làm như vậy? Người khác sẽ cảm thấy thế nào nếu họ phát hiện ra? Họ có nên tha thứ cho Sam không?"...

Bằng cách thu hút sự tò mò, bạn đang mô hình hóa sự linh hoạt mà trẻ cần trong các tình huống thực tế. Bạn cũng đang báo hiệu với con rằng Sam vốn dĩ không phải là người không trung thực, Sam chỉ đang nói dối trong một tình huống cụ thể. Có lẽ Sam sẽ cư xử trung thực hơn trong những trường hợp khác.

  1. Giúp con bạn "sao chép" chính bạn

Bạn có để ý rằng một số công việc tưởng chừng như chỉ phù hợp với bạn (ví dụ như dọn dẹp nhà cửa hoặc làm cỏ vườn) cũng có thể khiến một đứa trẻ cảm thấy hào hứng không?

Trẻ em học một cách tự nhiên bằng cách xem, chơi và hơn hết, bằng cách sao chép của người lớn. Đó là một cách học hiệu quả và mang lại cho con cảm giác làm chủ. Vì vậy, hãy giao cho chúng một cây chổi nhỏ hoặc thuổng làm vườn hoặc một chiếc máy cắt cỏ đồ chơi và để việc bắt chước được bắt đầu.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý: Trẻ nhỏ sẽ sao chép bạn theo chiều hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Khi con gái tôi 3 tuổi, con bé nói "chẳng ra gì" rất nhiều lần. Nhưng khi cha hỏi về điều đó, con bé thản nhiên đáp "ồ, mẹ nói như vậy".

  1. Cho trẻ tiếp xúc một cách an toàn với nhiều người

Ngoài những người mà con bạn thường gặp - ông bà, cô dì chú bác, bạn bè, những bạn nhỏ khác - hãy cố gắng cho chúng tiếp xúc với sự đa dạng nhiều nhất có thể, đặc biệt là khi chúng còn là trẻ sơ sinh.

Theo nghiên cứu, những em bé tương tác thường xuyên với những người nói các ngôn ngữ khác nhau có thể giữ lại hệ thống não bộ quan trọng giúp chúng học các ngôn ngữ khác trong tương lai.

Tương tự, những em bé nhìn thấy nhiều khuôn mặt đa dạng có thể tự phân biệt và ghi nhớ nhiều khuôn mặt hơn trong cuộc sống sau này. Đây có thể là bước chống phân biệt chủng tộc đơn giản nhất mà bạn có thể làm với tư cách là cha mẹ.

  1. Cơ chế tán thưởng

Trẻ em thích tự mình thử mọi thứ mà không cần bạn giúp đỡ, chẳng hạn như mặc quần áo hoặc giải đáp các câu đố. Điều này là tốt. Bạn muốn con phát triển cảm giác tự chủ.

Ngay cả những hành động trông giống như hành vi sai trái cũng có thể là nỗ lực của trẻ để hiểu ảnh hưởng của chúng đối với thế giới. Khi thiên thần 2 tuổi của bạn ném ngũ cốc của mình xuống sàn và đợi bạn nhặt chúng lên, cô bé không có ý "điều khiển" bạn.

Nhiều khả năng là cô bé đang học điều gì đó về lực hấp dẫn. Cô bé cũng sẽ học được rằng hành động của mình có ảnh hưởng đến thế giới xung quanh. Vì vậy, hãy nhặt ngũ cốc và để con bé thử lại.

Biết khi nào nên bước vào và khi nào nên lùi lại có thể là một thử thách. Nhưng nếu bạn luôn có mặt, hướng dẫn con bạn và quan tâm đến mọi nhu cầu của trẻ thì chúng sẽ không học cách tự làm mọi việc. Đôi khi, hãy để con tự xây dựng khả năng phục hồi và giúp chúng hiểu được hậu quả trong hành động của mình.

 

Ảnh: Karen Hayes | Twenty20

Nguồn

https://www.cnbc.com/2020/12/08/harvard-psychologist-rules-for-raising-intelligent-kids-with-resilient-brains.html

menu
menu