8 cách mà âm nhạc ảnh hưởng đến não bộ và mọi việc chúng ta làm
Có lẽ khi bị thu hút bởi tiêu đề bài viết này, bạn cũng đang đeo tai nghe tại nơi làm việc.
Tôi là một người thích âm nhạc và thường xuyên vừa nghe nhạc vừa làm việc. Mặc dù vậy, chính tôi từ trước đến nay cũng không nghĩ rằng âm nhạc có thể ảnh hưởng đến não bộ và cơ thể tôi như thế nào.
Bây giờ, tôi nghĩ rằng đã đến lúc để tìm hiểu điều thú vị và hữu ích đó. Như triết gia Friedrich Nietzsche từng nói: “Không có âm nhạc, sống sẽ chỉ là một sai lầm”. Sau hàng ngàn năm phát triển, âm nhạc vẫn luôn là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống của chúng ta.
Vậy, con người phản ứng thế nào khi nghe nhạc và đâu là những phản ứng nhạy cảm đến nỗi giác quan của chúng ta không nhận thấy được?
Tất nhiên, âm nhạc ảnh hưởng đến nhiều vùng khác nhau của não bộ, như bạn có thể nhìn thấy trong bức hình phía trên. Nhưng đó mới chỉ là những gì mà chúng ta lướt qua ở phần đầu bài viết này. Bây giờ mới là lúc tìm hiểu cụ thể hơn.
1. Nhạc vui và nhạc buồn ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta
Chúng ta có thể phân biệt một bản nhạc vui hay buồn, nhưng đó không hẳn chỉ là suy nghĩ chủ quan. Thực tế, nhạc vui hay nhạc buồn cũng khiến não bộ phản ứng khách quan, theo những cách khác nhau.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng sau khi nghe một đoạn nhạc ngắn, người nghe sẽ nhận dạng một khuôn mặt trung tính nghiêng về phía cảm xúc vui hay buồn giống giai điệu họ đã nghe.
Hiệu ứng này cũng xảy ra với những nét mặt khác, nghĩa là ngay cả một khuôn mặt vui, chúng ta cũng thấy nó buồn hơn khi đang nghe nhạc buồn. Có điều, âm nhạc sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lớn nhất khi cảm nhận một khuôn mặt trung tính, nghĩa là không có cảm xúc buồn hay vui.
Một điều thú vị nữa về cách âm nhạc ảnh hưởng đến chúng ta, đó là việc có đến hai loại cảm xúc liên quan đến âm nhạc: cảm xúc nhận thức và cảm xúc cảm giác.
Đó là lý do tại sao với cảm xúc cảm giác, chúng ta vẫn có thể hiểu được cảm xúc của một đoạn nhạc mà không cần thực sự cảm nhận về nó. Hai loại cảm xúc âm nhạc cũng giải thích tại sao một số người nghe nhạc buồn nhưng vẫn thấy vui.
Hơn thế nữa, âm nhạc không đặt bất kỳ ai vào các tình huống thực tế trong đời sống, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm nhận được những cảm xúc của tác giả. Điều đó giống như hiệu ứng cảm xúc lây lan khi chúng ta cảm thông với ai đó đang buồn hoặc cùng chia sẻ nỗi hạnh phúc với họ.
2. Tiếng ồn không gian có thể cải thiện sự sáng tạo
Hóa ra, nghe một tiếng ồn (noise - những âm thanh ở nhiều tần số kết hợp lại với nhau) vừa phải mới là điểm vàng cho sự sáng tạo. Các bản nhạc ghi lại tiếng ồn mô phỏng không gian (chẳng hạn như tiếng mưa rơi trong rừng, sóng vỗ ngoài biển…) kích thích dòng chảy sáng tạo trong não bộ mà không dập tắt nó như cách các tiếng ồn lớn hơn gây khó chịu.
Hiệu ứng này có thể giải thích, bởi tiếng ồn vừa phải giúp tăng khả năng xử lý những việc khó khăn đòi hỏi tư duy trừu tượng, kết quả dẫn đến mức sáng tạo cao hơn. Nói cách khác, khi chúng ta xử lý những vấn đề bình thường bằng một năng lực não bộ được thúc ép, những phương pháp tiếp cận sáng tạo hơn sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, ở mức độ tiếng ồn cao, tư duy sáng tạo của chúng ta bị suy yếu bởi những tiếng ồn áp đảo não bộ và khiến chúng ta phải vật lộn để xử lý chúng.
Điều này giống như cách nhiệt độ và ánh sáng có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc của chúng ta, hay một nghịch lý rằng một nơi hơi đông đúc một chút lại có thể giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn.
3. Nhìn vào gu âm nhạc có thể dự đoán được tính cách
Nửa tin nửa ngờ, nghiên cứu về điều này mới chỉ được thực hiện trên một nhóm nhỏ người trẻ.
Các nhà khoa học cho những cặp đôi tìm hiểu về tính cách của nhau dựa trên top 10 bài hát yêu thích của họ. Kết quả là danh sách bài hát này đã cung cấp những dự đoán tương đối tin cậy, sát với đặc điểm tính cách thực của người nghe.
Nghiên cứu này sử dụng năm đặc điểm tính cách: mở lòng trải nghiệm, hướng ngoại, dễ chịu, sự tận tâm và ổn định cảm xúc.
Điều thú vị là có một số đặc điểm tính cách được dự đoán chính xác hơn những đặc điểm khác dựa trên gu âm nhạc. Ví dụ, sự mở lòng trải nghiệm, hướng ngoại, và ổn định tình cảm là những đặc điểm dễ đoán nhất. Còn sự tận tâm là đặc điểm tính cách khó đoán khi chỉ dựa trên sở thích âm nhạc.
Theo một nghiên cứu khác của Đại học Heriot-Watt, gu âm nhạc cũng có thể được sử dụng để đoán tính cách của chúng ta như thế này:
- Người nào thích nhạc Blues hoặc Jazz đều có lòng tự trọng cao, sáng tạo, cởi mở, hiền lành và thoải mái.
- Người thích nhạc Cổ điển có lòng tự trọng cao, sáng tạo, thoải mái nhưng hướng nội.
- Fan nhạc Rap thường có lòng tự trọng cao và cởi mở.
- Fan nhạc Opera có lòng tự trọng cao, sáng tạo và hiền lành.
- Fan nhạc Đồng quê rất chăm chỉ và cởi mở.
- Người thích nhạc Reggae có lòng tự trọng cao, sáng tạo, không chăm chỉ nhưng cởi mở, hiền lành và thoải mái.
- Fan nhạc Dance sáng tạo và cởi mở nhưng không hề hiền lành.
- Fan nhạc Indie có lòng tự trọng thấp, sáng tạo, không chăm chỉ, và không hề hiền lành.
- Fan nhạc Bollywood sáng tạo và cởi mở.
- Fan nhạc Rock/heavy mental có lòng tự trọng thấp, sáng tạo, không chăm chỉ, không cởi mở nhưng hiền lành và thoải mái.
- Fan nhạc Chart pop có lòng tự trọng cao, chăm chỉ, cởi mở và hiền lành, nhưng không sáng tạo và không thoải mái.
- Fan nhạc Soul có lòng tự trọng cao, sáng tạo, cởi mở, hiền lành và thoải mái.
Tất nhiên, chỉ dựa vào nghiên cứu này mà nói nó đúng cho tất cả mọi người là điều không thể. Tuy nhiên nhìn nhận khoa học về người sống hướng nội và hướng ngoại, nó cho thấy một số điểm trùng khớp.
4. Âm nhạc có thể làm chúng ta phân tâm khi lái xe
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi, tập trung điều tra xem liệu nghe nhạc có ảnh hưởng gì tới việc lái xe.
Người lái xe được lựa chọn 3 bối cảnh lái xe: trong im lặng, bật bản nhạc mà họ thích hoặc nghe bản nhạc “an toàn” được các nhà nghiên cứu chọn lọc cho họ. Tất nhiên, rất nhiều người đã lựa chọn bài hát yêu thích của họ, nhưng kết quả là nó đã khiến lái xe mất tập trung hơn. Cụ thể, người lái xe mắc nhiều lỗi và tỏ ra liều lĩnh hơn.
Một điều đáng ngạc nhiên: bật âm nhạc các nhà nghiên cứu chọn được chứng minh có lợi hơn so với lái xe trong im lặng. Dường như âm nhạc lạ hoặc nhàm chán là lựa chọn tốt nhất cho việc lái xe an toàn.
Thật bất ngờ khi âm nhạc lạ hoặc nhàm chán mới là lựa chọn tốt nhất cho việc lái xe an toàn.
5. Học nhạc cũng có thể cải thiện đáng kể kỹ năng vận động và lý luận
Chúng ta cho rằng việc học một nhạc cụ có thể mang lại lợi ích nào đó cho trẻ em. Nhưng sự hữu ích có khi còn vượt ra khỏi mong đợi của các bậc phụ huynh. Một nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ học nhạc 3 năm trở lên có khả năng thính giác và vận động tốt hơn, so với những đứa trẻ bình thường không được học.
Những đứa trẻ học nhạc cũng có kết quả tốt hơn trong bài kiểm tra từ vựng và kỹ năng lý luận phi ngôn ngữ, trong đó, liên quan đến việc hiểu và phân tích các thông tin thị giác, chẳng hạn như xác định mối quan hệ, sự tương đồng và khác biệt giữa các hình dạng và họa tiết
Hai lĩnh vực này rất tách biệt so với việc được đào tạo về âm nhạc. Do đó, khá thú vị khi chúng ta biết được rằng việc biết chơi một nhạc cụ cũng có thể giúp trẻ em phát triển một loạt các kỹ năng quan trọng khác.
Nghiên cứu tương tự cũng chỉ ra rằng mối tương quan này đối với kỹ năng tập thể dục và vận động cũng liên quan đến âm nhạc theo cùng một cách.
6. Nhạc cổ điển có thể cải thiện sự chú ý cho thị giác
Trẻ em không phải là đối tượng được hưởng lợi duy nhất từ việc tập hoặc nghe nhạc. Trong một nghiên cứu nhỏ, các bệnh nhân đột quỵ cũng cải thiện được sự chú ý thị giác khi họ được cho nghe nhạc cổ điển.
Nghiên cứu này cũng đã thử tác động của tiếng ồn trắng (white noise) và sự im lặng để so sánh với nhạc cổ điển. Nhưng cũng giống như nghiên cứu trên người lái xe, sự im lặng cho điểm số tồi tệ nhất.
Bởi vì quy mô nghiên cứu này còn quá nhỏ, chúng ta phải tìm hiểu kỹ hơn mới có thể kết luận. Nhưng tôi thấy thực sự rất thú vị, khi biết âm nhạc và tiếng ồn có thể ảnh hưởng như thế nào đến các giác quan và khả năng của chúng ta, mà trong nghiên cứu này là thị giác.
7. Nghe lỏm một người nói chuyện điện thoại gây xao lãng hơn cả nghe nguyên cuộc đối thoại
Không phải âm nhạc, nhưng một nghiên cứu khác tập trung vào tiếng ồn cho thấy: khi chúng ta bị làm phiền bởi một người đang nói chuyện điện thoại, nó sẽ là điều phiền toái hơn là 2 người nói chuyện thực sự trong phòng.
Sau một cuộc khảo sát, có đến 82% số người đồng ý rằng sẽ thật phiền toái khi họ vô tình có mặt bên cạnh một người đang nói chuyện trên điện thoại. Veronica Galván, một nhà tâm lý học nhận thức tại Đại học San Diego, quyết định nghiên cứu điều này.
Trong nghiên cứu, người tham gia được yêu cầu hoàn thành câu đố ô chữ. Họ được chia làm 2 nửa: một nửa sẽ được cho nghe một người nói chuyện điện thoại. Một nửa còn lại thì được phép nghe toàn bộ cuộc đối thoại từ cả 2 người khi họ nói với nhau.
Kết quả, những người nghe cuộc trò chuyện điện thoại của một phía cho thấy họ bị xao lãng nhiều hơn so với những người nghe cả cuộc đối thoại. Họ cũng nhớ lại nhiều chuyện hơn, cho thấy rằng cuộc điện thoại đã chiếm lấy tâm trí người nghe một chiều so với những người nghe từ hai phía.
Hãy tưởng tượng, khi bạn chỉ nghe một người nói chuyện điện thoại mà không nghe những gì người đầu dây bên kia nói, bạn sẽ phải đoán nhiều hơn. Bởi vậy, những điều không thể đoán được trong cuộc hội thoại một chiều dường như đã nắm bắt sự chú ý của người nghe lỏm.
Ngược lại, một cuộc đối thoại từ hai phía cho chúng ta dễ dàng theo dõi hơn, giúp điều chỉnh và quản lý tốt hơn tình trạng phân tâm.
8. Âm nhạc giúp chúng ta tập thể dục
Trở lại với âm nhạc một lần nữa. Chúng ta đã thấy rằng sự im lặng không giúp chúng ta sáng tạo cũng như lái xe tốt hơn. Không gian tĩnh mịch cũng không giúp chúng ta tập thể dục hiệu quả.
Nghiên cứu về ảnh hưởng của âm nhạc khi tập thể dục đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ. Năm 1911, Leonard Ayres, một nhà nghiên cứu người Mỹ nhận thấy rằng tốc độ đạp xe của vận động viên tăng lên trong trong khi họ nghe nhạc.
Điều này xảy ra bởi vì âm nhạc có thể lấn át đi tiếng kêu mệt mỏi trong não bộ chúng ta. Khi cơ thể nhận ra nó đang mệt mỏi và muốn ngừng tập thể dục, sẽ có những tín hiệu gửi đến não yêu cầu bạn dừng lại để nghỉ ngơi.
Việc nghe nhạc đã cạnh tranh sự chú ý của não bộ, và có thể giúp chúng ta ghi đè những tín hiệu của sự mệt mỏi. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ xảy ra khi chúng ta tập thể dục cường độ thấp và vừa phải. Trong thời gian tập thể dục cường độ cao, âm nhạc thực sự không đủ sức mạnh giúp hướng sự chú của chúng ta ra ngoài cảm giác đau đớn cơ bắp mà bài tập mang lại.
Thế tuy nhiên, nó có thể giúp chúng ta sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn. Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy người đi xe đạp nghe nhạc cần ít hơn 7% oxy để đạt hiệu suất tương tự như những người đạp xe trong sự yên tĩnh.
Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nhạc có tốc độ xung quanh khoảng 145 bpm sẽ cho hiệu ứng tập luyện tốt nhất. Bạn nên chọn những bài hát trong khoảng này để tập luyện, theo bảng tốc độ dưới đây thì Dubstep là một sự lựa chọn:
Bây giờ nếu bạn thường xuyên đi bộ hoặc chạy, có một bảng tham khảo cho bạn biết lúc nào thì bạn nên nghe nhạc gì:
Cuối cùng, cũng giống như cách tập thể dục khiến chúng ta hạnh phúc hơn, không có gì ngạc nhiên khi âm nhạc cũng góp phần đáng kể vào hiệu quả tập luyện của bạn.
Sau bài viết này, bạn sẽ để ý hơn đến cách mà âm nhạc tác động đến bạn chứ? Hãy thử trải nghiệm và kiểm chứng trên chính bản thân mình.
Nguồn: https://www.fastcompany.com/3022942/the-surprising-science-behind-what-music-does-to-our-brains
Theo Genk.vn