8 lý do vượt qua tuổi thơ bất hạnh một cách khó khăn
Bài viết này giúp chúng ta nhận thức được điều gì đang cản trở sự hồi phục của bản thân.
Trải qua sang chấn ở thời thơ ấu luôn để lại trong con người những vết thương khó lành, nhất là khi những thương tổn ấy bao gồm cả lạm dụng về thể xác, tinh thần hoặc về tình dục, hoặc bị bỏ rơi. Chúng vẫn tồn tại âm ỉ qua nhiều năm và gây nên những hậu quả tiêu cực như gia tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, PTSD (rối loại stress sau sang chấn), béo phì, gặp phải các vấn đề trong hành vi lẫn sức khoẻ (như là bệnh tim mạch). Qua khảo sát hàng trăm thanh niên, một nghiên cứu đã cho thấy rằng 80% cá nhân bị lạm dụng khi còn nhỏ gặp phải ít nhất một vấn đề tâm lí khi bước vào độ tuổi 21.
Tuổi thơ bất hạnh có thể khiến người ta tìm đến rượu hoặc thuốc phiện như một lối thoát, cứu rỗi họ khỏi nỗi đau tê tái trong lòng hoặc ngược lại, giúp bản thân tìm lại một thứ cảm xúc nào đó. Nghiên cứu ước đoán rằng tới 2/3 bệnh nhân đang trong quá trình điều trị có tiền sử bị lạm dụng về thể xác, tinh thần hoặc tình dục. Vượt qua quá khứ đáng buồn không phải chuyện dễ dàng nhưng bạn vẫn có thể kêu gọi sự giúp đỡ, thêm vào đó, hiểu biết tường tận về những gì đang cản trở tâm lí của mình có thể giúp ích cho quá trình phục hồi.
Sau đây là 8 lí do chính giải thích tại sao quá trình giải phóng bản thân khỏi sang chấn tuổi thơ lại khó khăn như vậy:
- Người bị sang chấn có thể mất nhiều thời gian để nhận ra căn nguyên của nỗi đau.
Trẻ em không hề có khái niệm khi nào những trải nghiệm sang chấn diễn ra, vì thế, các em dần dần coi hoàn cảnh của mình như chuyện thường ngày ở huyện, đặc biệt khi người chăm lo cho các em chính là nguồn gốc gây ra nỗi buồn. Thường thì sau một khoảng thời gian dài, khi đến với những gia đình lành mạnh hơn hoặc khi nuôi dạy con, họ mới nhận ra tuổi thơ mình bất hạnh như thế nào. Không may là khi con người chờ đợi sự giúp đỡ càng lâu, thì vết thương trong lòng họ càng khó chữa lành. (Nếu bạn đã trải qua sang chấn thời thơ ấu và tự hỏi mình có mắc phải vấn đề tâm lý hay không, một bài kiểm tra, xuất phát từ dự án nghiên cứu Trải nghiệm bị lạm dụng thời thơ ấu, có thể cung cấp cho bạn những góc nhìn mới cũng như đánh giá nguy cơ gia tăng các vấn đề sức khoẻ có liên quan.
- Những vấn đề ngoài lề có thể bị lầm tưởng với nguồn gốc thật sự.
Những người dùng thuốc phiện hoặc chất có cồn để đối phó với sang chấn lúc còn trẻ có thể chỉ tập trung vào việc chữa trị thói nghiện của mình, thực chất chỉ là một triệu chứng của sang chấn, nên không thể nào tìm ra ngọn nguồn của nỗi đau. Trừ phi họ vượt qua sang chấn, còn không thì họ sẽ mãi ở trong một vòng luẩn quẩn, không lối thoát. Một biến thể khác của thói nghiện này là khi người bạn nghiện đem lại cho họ cảm giác của gia đình mà trước giờ họ chưa từng có.
- Tổn thương về mặt sinh học.
Giờ các nhà khoa học đã biết rằng sang chấn tuổi thơ có thể tác động thay đổi cấu trúc não bộ và thay đổi biểu hiện của gen. Vào năm 2012, trong một nghiên cứu của Đại học Brown, các sang chấn tuổi thơ như lạm dụng hoặc mất người thân được chứng minh là có khả năng thay đổi cách hoạt động của những loại gen điều tiết căng thẳng, làm gia tăng nguy cơ lo âu và trầm cảm. Theo một nghiên cứu vào năm 2013, những thay đổi của não bộ do sang chấn có tác động làm suy giảm khả năng điều tiết những chấn động tiêu cực. Sang chấn tuổi thơ cũng ảnh hưởng đến chất dẫn truyền thần kinh của não bộ, làm tăng cảm giác thoả mãn khi dùng thuốc phiện hoặc rượu, khiến con người càng ngày càng phụ thuộc vào chúng. Những kiến thức mới này càng cho thấy sự khó khăn trong quá trình vượt qua sang chấn tuổi thơ, nhưng chúng cũng góp phần mở ra những liệu pháp và phương thuốc đặc trị cho căn bệnh.
- Vượt qua quá khứ cũng có nghĩa là nhớ về nó.
Nhiều người thấy việc nhắc lại quá khứ là quá đau đớn. Một số khác sẵn lòng nhớ lại nhưng vẫn không tài nào tháo gỡ những khúc mắc lúc còn bé. Và thường thì tất cả những gì còn lại chỉ là những cảm xúc lo âu hỗn độn. Nỗi đau sẽ trở nên khó gỡ bỏ một khi căn nguyên của nó vẫn chưa được tìm ra.
- Kết quả có thể bị thoái thác.
Thường thì để bắt những người gây ra sang chấn đứng ra chịu trách nhiệm cho lỗi của họ trong quá khứ là điều không thể. Có thể khi người bị sang chấn đến tìm hiểu về nguồn gốc của nỗi buồn hoặc khi đã sẵn sàng giải quyết nó thì người kia đã không còn sống nữa. Thật khó để chấp nhận rằng kẻ lạm dụng mình sẽ chẳng bao giờ đứng ra nhận trách nhiệm cho những hành động của họ, hoặc việc phát triển lại một mối quan hệ lành mạnh với họ là vô vọng.
- Câu trả lời có lẽ không nằm ở bản thân họ, mà ở những người khác.
Trong nỗ lực cải biên quá khứ, con người thường cố tìm kiếm những điều mà cuộc đời họ không có ở những cá nhân khác. Hoặc họ có thể trở thành một kẻ ba phải, sẵn sàng làm mọi cách để dàn hoà hoặc giành tình cảm từ người khác. Thay vì quan tâm cho nhu cầu của chính mình, họ dùng hết năng lượng để cố trở nên có giá trị trong mắt người khác, và rồi lại chịu đựng nhiều ức chế hơn.
- Đóng băng cảm xúc.
Trong một số trường hợp, sự quan tâm quá chu đáo trở nên nguy hiểm đối với trẻ em, vì thế các em tự làm tê liệt cảm xúc của chính mình. Điều này không chỉ tổn hại đến khả năng xây dựng mối quan hệ lành mạnh mà còn khiến cho nỗ lực đem lại những cảm xúc cần thiết cho quá trình điều trị sau này trở nên phức tạp hơn.
- Rất khó để kiềm nén tiếng nói nội tâm.
Trẻ em tin vào mọi điều người khác nói về mình. Nếu những điều đó là tiêu cực – như nói rằng các em vô dụng, lười biếng, ngu ngốc, một đứa thất bại hoặc sẽ không bao giờ so sánh được với một người anh chị nào đó – những lời như vậy sẽ khiến các em cảm thấy không có tư cách để có cuộc sống tốt hơn và không có khả năng thay đổi được.
Dù những lí do trên đều là thách thức với quá trình phục hồi, nhưng không có nghĩa chúng không thể giải quyết. Với nhiều trường hợp, điều trị bệnh và sử dụng liệu pháp có thể cải thiện chất lượng cuộc sống ngay lập tức, trong đó, các kĩ thuật như liệu pháp nhận thức hành vi, có thể thay đổi các lối suy nghĩ tiêu cực; hoặc phương pháp Giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu và tái nhận thức (EMDR), một dạng liệu pháp tâm lí giúp con người phục hồi, nhận thức và giải quyết những sang chấn đã qua.
Nhiều kĩ thuật và cách chữa trị mới được tìm ra nhờ vào các nghiên cứu giúp chúng ta hiểu thêm về ảnh hưởng của sang chấn đến trí óc và cơ thể. Nghiên cứu cho rằng một ngày nào đó, chúng ta có thể sở hữu khả năng khoá những kí ức xấu liên quan đến sang chấn lại.
Thêm vào đó là các nhà nghiên cứu và nhà trị liệu đã biết được rằng vẫn luôn có tia hi vọng đối với những trải nghiệm tiêu cực: thỉnh thoảng chúng có thể trở thành một nguồn động lực. Mang mãi một vết thương từ quá khứ có thể khiến một người đau khổ, tuy nhiên, nó cũng có thể khiến họ mạnh mẽ hơn.
-----
Bác sĩ David Sack khi được chẩn đoán là nghiện thuốc men và nghiện tâm thần học, ông đã viết một bài blog về thói nghiện của mình. Giờ với tư cách là CEO của tập đoàn Elements Behavioral Health, ông giám sát một số chương trình đặc trị cho sang chấn cảm xúc, bao gồm The Ranch ở Tennessee và trung tâm chăm sóc tâm lý cho phụ nữ Malibu Vista ở Malibu, Calif.
Khương Minh Tú dịch