Atlas về Trầm cảm: Con quỷ giữa ban trưa - Chương 1

atlas-ve-tram-cam-con-quy-giua-ban-trua-chuong-1

Trầm cảm là vết rạn của tình yêu. Để trở thành một sinh vật biết yêu, ta cần phải là một sinh vật có thể thất vọng trước điều ta đánh mất, và trầm cảm là chính là cơ chế của nỗi thất vọng ấy.

The Noonday Demon: An Atlas of Depression

CHƯƠNG MỘT

Ác Quỷ giữa ban trưa
Atlas Về Trầm Cảm

Tác giả: ANDREW SOLOMON

Update: Đây là 1 cuốn sách rất hay về trầm cảm, page đã nhiều lần liên hệ mua bản quyền nhưng không được. Mong có nhà xuất bản nào đi ngang qua đây và chọn cuốn này. Page sẽ giúp truyền thông để mang cuốn sách tới nhiều người.



Trầm cảm


Trầm cảm là vết rạn của tình yêu. Để trở thành một sinh vật biết yêu, ta cần phải là một sinh vật có thể thất vọng trước điều ta đánh mất, và trầm cảm là chính là cơ chế của nỗi thất vọng ấy. Khi điều đó xảy ra, nó làm giảm giá trị của cái tôi của một người và rốt cuộc làm lu mờ khả năng trao đi hoặc đón nhận sự yêu thương. Sự cô độc trong chúng ta trở nên rõ ràng, và nó không chỉ hủy hoại sự gắn kết với những người khác mà còn cả cái khả năng bình thản khi ở một mình. Tình yêu, dù tự nó không có khả năng ngăn chặn trầm cảm, lại là thứ có thể làm dịu tâm trí và bảo vệ nó trước chính nó. Thuốc men và liệu pháp tâm lý có thể làm hồi phục sự bảo vệ đó, khiến cho việc yêu và được yêu trở nên dễ dàng hơn, và đó là lý do vì sao chúng lại tỏ ra hiệu quả. Theo một cách tích cực, một số người thì yêu bản thân mình và một số người thì yêu những người khác và một số người thấy yêu công việc và một số người yêu Chúa: bất kỳ một sự đam mê nào trong đó cũng có thể nuôi dưỡng cho cái cảm giác quan trọng của việc có một mục đích mà hoàn toàn trái ngược với trầm cảm. Tình yêu từ bỏ chúng ta hết lần này tới lần khác, và ta thì từ bỏ tình yêu. Trong tuyệt vọng, sự vô nghĩa của mọi sự việc và mọi cảm xúc, sự vô nghĩa của chính cuộc đời này, trở nên thật hiển nhiên. Cảm giác duy nhất còn sót lại trong cái trạng thái không có tình yêu chính là sự vô nghĩa.

Đời sống vốn dĩ đầy những muộn phiền: dù ta có làm gì đi chăng nữa, thì cuối cùng ta cũng sẽ chết đi; chúng ta, mỗi một người trong chúng ta, hàm chứa nỗi cô đơn trong một cơ thể độc lập; thời gian trôi qua, và những gì đã diễn ra sẽ không còn trở lại. Nỗi đau là trải nghiệm đầu tiên trong cái thế giới bơ vơ này, và nó chẳng bao giờ từ bỏ chúng ta. Chúng ta giận dữ về việc bị ép buộc phải rời bỏ sự dễ chịu trong bụng mẹ, và ngay khi sự tức giận đó phai đi, sự đau khổ đến thay thế nó. Ngay cả những người có trong mình đức tin với lời hứa hẹn rằng mọi thứ rồi sẽ khác đi khi họ bước sang thế giới bên kia cũng không thể tránh khỏi cảm giác đau khổ trong thế giới này; ngay cả Chúa Jesus cũng là con người của đau khổ. Tuy vậy, chúng ta đang sống trong thời đại không ngừng gia tăng của những biện pháp tạm thời; việc quyết định cảm thấy gì và không cảm thấy gì trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Ngày càng ít hơn những điều khó chịu mà không thể tránh được trong đời sống, đối với những người muốn tránh khỏi chúng. Nhưng bất chấp những tuyên bố đầy hăng hái của ngành khoa học dược phẩm, không thể hoàn toàn xua tan trầm cảm bởi vì chúng ta là những sinh vật có ý thức về bản thân mình. Tốt nhất là có thể kiềm chế - và sự kiềm chế là tất cả những gì mà các liệu pháp chống trầm cảm hướng tới.

Những lời lẽ hoa mỹ mang tính chính trị đã làm lu mờ sự khác biệt giữa trầm cảm và những hệ quả của nó – sự khác biệt giữa việc bạn cảm thấy như thế vào và việc bạn hành động để phản ứng ra sao. Đây là một phần của hiện tượng xã hội và y học, nhưng nó cũng đồng thời là kết quả của sự bất thường trong ngôn ngữ gắn liền với sự bất thường trong biểu lộ cảm xúc. Có lẽ trầm cảm tốt nhất có thể được mô tả như là nỗi đau về mặt cảm xúc tự ép buộc chúng ta chống lại ý chí của chính mình, và rồi trốn thoát khỏi lớp vỏ bên ngoài của nó. Trầm cảm không chỉ là rất nhiều nỗi đau; mà là quá nhiều nỗi đau có thể hòa trộn thành trầm cảm. Nỗi đau buồn là sự trầm cảm theo tỉ lệ với hoàn cảnh; trầm cảm là sự đau buồn không tương xứng với hoàn cảnh. Đó là những khóm cỏ lăn của nỗi đau đớn sinh sôi nảy nở từ hư không, lặng lẽ vươn mình bất kể việc bị tách rời khỏi đất mẹ phì nhiêu. Điều này chỉ có thể được mô tả trong phép ẩn dụ và phúng dụ. Thánh Anthony sống ở nơi hoang mạc, khi được hỏi rằng làm sao ngài có thể phân biệt được giữa những thiên thần có bề ngoài khiêm nhường với lũ ma quỷ ngụy trang trong vẻ giàu sang, đã trả lời rằng anh có thể biết được điều đó dựa vào cảm nhận của anh sau khi họ đã rời đi. Khi một thiên thần rời đi, bạn cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh bởi sự hiện diện của người đó; khi một ác quỷ rời đi, bạn cảm thấy khiếp sợ. Nỗi đau buồn là một thiên thần khiêm nhường để lại cho bạn những suy nghĩ mạnh mẽ, sáng suốt và một cảm giác về chiều sâu của bản thể khi rời đi. Trầm cảm là một tên ác quỷ, kẻ để lại cho bạn nỗi kinh hoàng.

Trầm cảm đại khái được phân loại thành trầm cảm hẹp (trầm cảm nhẹ (mild depression) hay rối loạn trầm cảm dai dẳng (disthymic)) và rộng (trầm cảm chính (major depression)). Trầm cảm nhẹ là một điều diễn ra dần dần và đôi khi mang tính thường xuyên hủy hoại con người theo cái cách mà sự han gỉ bào mòn sắt thép. Có quá nhiều nỗi đau buồn trước một nguyên cớ nhỏ nhoi, nỗi đau xua đuổi và thay thế những cảm xúc khác. Một cơn trầm cảm như thế chiếm cứ phần thân thể nơi mí mắt và những khối cơ giữ cho sống lưng của ta được thẳng tắp. Nó khiến con tim và lá phổi ta đau đớn, khiến cho sự co giãn của các cơ bắp vô tình trở nên khó khăn hơn cần thiết. Giống như cơn đau thể chất trở thành mãn tính, sự khổ sở không phải là quá lớn bởi vì nó không tài nào chịu đựng nổi trong khoảnh khắc ấy, mà bởi vì nó là không tài nào chịu nổi khi biết rằng trong nhiều thời điểm nó sẽ biến mất và được mong đợi chỉ để biết rằng nó sẽ còn xuất hiện trong nhiều lần nữa. Thì hiện tại của chứng trầm cảm nhẹ không mang đến một sự làm dịu bớt nào cả bởi vì nó có cảm giác như là một dạng tri thức.

Virginia Woolf đã viết về trạng thái này với một sự rành mạch lạ kỳ: “Jacob đi đến bên cửa sổ và đứng đó với hai tay đút túi. Từ đây anh nhìn thấy ba người Hi Lạp trong chiếc váy truyền thống; cột buồm của những chiếc thuyền; những con người nhàn rỗi hoặc bận rộn của tầng lớp xã hội thấp hơn đi tản bộ hoặc đang rảo bước, hay tụ lại thành nhóm và khoa tay múa chân. Sự thiếu quan tâm của họ dành cho anh không phải là nguyên nhân khiến anh u sầu; mà là bởi một nhận thức sâu sắc hơn nhiều – không phải vì bản thân tình cờ trở nên cô đơn, mà là vì tất cả mọi người đều thế.” Trong cùng một cuốn sách, Căn phòng của Jacob, bà miêu tả việc “Dâng lên trong tâm trí cô là một nỗi buồn kỳ lạ, như thể thời gian và cõi vĩnh hằng hiện diện trong những chiếc váy và áo gi-lê, và cô nhìn thấy những con người buồn bã lướt qua để đến với sự hủy diệt. Vậy mà, Chúa biết, Julia không phải là kẻ ngốc.” Đó chính là nhận thức sắc bén về sự thoáng qua và hạn chế đã cấu thành nên cơn trầm cảm nhẹ. Trầm cảm nhẹ, trong nhiều năm chỉ đơn giản là sự thích nghi, giờ ngày càng trở thành mục tiêu điều trị khi mà các vị bác sĩ vẫn cứ loay hoay tập trung vào sự đa dạng của nó.

Trầm cảm rộng là vấn đề về sự suy sụp tinh thần. Nếu như ta hình dung linh hồn của sắt thép trải qua nỗi đau buồn và han gỉ với chứng trầm cảm nhẹ, thì trầm cảm chính chính là sự sụp đổ bất ngờ của toàn bộ cấu trúc. Có hai mô hình dành cho trầm cảm chính: theo quy mô và theo sự phân loại. Theo quy mô ấn định rằng trầm cảm nằm trong một phổ cùng với nỗi buồn và tương ứng với phiên bản cực đoan của một điều gì đó mà mọi người đều cảm thấy và biết đến. Theo sự phân loại mô tả trầm cảm như một chứng bệnh hoàn toàn tách biệt với những cảm xúc khác, giống như một con virus trong dạ dày là hoàn toàn khác biệt với axit tiêu hóa. Cả hai điều này đều đúng. Bạn đi theo một chặng đường từ từ hoặc một sự kích thích bất ngờ của cảm xúc và rồi bạn đến một nơi hoàn toàn khác biệt. Cần phải có thời gian để khung thép cấu thành nên một tòa nhà sụp đổ, nhưng gỉ thép vẫn không ngừng phủ lên khối cấu trúc vững chắc ấy, bào mòn và phá hủy nó. Sự sụp đổ, dù cho có vẻ đột ngột bao nhiêu, là hệ quả cộng dồn của sự phân rã. Tuy nhiên đó là một sự kiện gây ấn tượng sâu sắc và rõ ràng rất khác. Từ cơn mưa đầu tiên cho tới thời điểm gỉ thép ăn mòn xuyên xà nhà sắt thép là cả một quãng thời gian dài. Đôi khi sự hạn gỉ diễn ra trong những thời điểm định khiến cho sự sụp đổ có vẻ như mang tính toàn bộ, nhưng thực tế nó lại thường mang tính cục bộ hơn: phần này bị sụp đổ, va đập vào phần kia, làm biến đổi đổi hoàn toàn trạng thái cân bằng.

Thật chẳng dễ chịu gì khi trải nghiệm sự phân rã, khi nhận thấy bản thân đối mặt với sự tàn phá của một ngày mưa không dứt, và để biết rằng ta sẽ trở thành một thứ gì đó yếu đuối, rằng ngày càng nhiều hơn những phần trong ta sẽ bị cuốn đi trước cơn gió mạnh đầu tiên, khiến những gì còn lại trong ta ngày một trở nên ít ỏi hơn. Một số người tích tụ nhiều han gỉ cảm xúc hơn những người khác. Trầm cảm bắt đầu từ những điều tẻ ngắt, phủ sương ngày tháng thành những hành động thông thường yếu ớt, ảm đạm cho tới khi những hình hài rõ ràng của chúng bị che khuất bởi nỗ lực mà chúng đòi hỏi, khiến cho ta mệt mỏi và chán nản và bị ám ảnh về bản thân – nhưng ta có thể vượt qua tất cả những điều này. Không lấy gì làm hạnh phúc, có lẽ vậy, nhưng ta có thể vượt qua. Không một ai có thể xác định điểm suy sụp biểu thị sự trầm cảm chính, nhưng khi ta ở vào tình cảnh đó, ta chẳng thể nào nhầm lẫn được.

Trầm cảm chính là sự ra đời và sự qua đời: đó vừa là sự hiện diện mới của một điều gì đó và là sự biến mất hoàn toàn của một thứ gì đó. Sự ra đời và sự qua đời diễn ra từ từ, mặc dù các tài liệu chính thống có thể cố gắng gắn chặt điều này với quy luật tự nhiên bằng cách tạo ra những sự phân loại như là “cái chết hợp pháp” và “thời gian sinh ra.” Bất kể sự bất thường của tự nhiên, sẽ có một thời điểm nhất định mà một đứa trẻ chưa từng hiện hữu trên thế giới này có mặt, và một thời điểm mà một người già cả từng ở trên thế giới này không còn hiện hữu nữa. Đúng thật là ở một thời điểm cái đầu của đứa trẻ ở đây còn cơ thể của nó thì không; rằng cho tới khi đó sợi dây rốn nuôi dưỡng đứa trẻ chính là sự gắn kết về mặt cơ thể với người mẹ. Đúng thật là một người già có thể nhắm mắt lại lần cuối vài giờ trước khi ông ta qua đời, và rằng có một khoảng cách về mặt thời gian khi mà ông ta ngừng thở và khi ông ta được xác nhận rằng “chết não.” Trầm cảm tồn tại theo thời gian. Một bệnh nhân có thể nói rằng anh ta mất nhiều tháng chịu đựng căn bệnh trầm cảm chính, nhưng đó là một cách áp đặt cho một phép đo đối với thứ không đo lường được. Tất cả những gì mà người đó thực sự có thể nói chắc chắn là người đó cảm thấy bị trầm cảm, và rằng người đó tình cờ hoặc không tình cờ trải nghiệm nó vào bất kỳ thời điểm nào mà nó hiện diện.

Sự ra đời và qua đời cấu thành nên sự trầm cảm xảy ra trong cùng một lúc. Cách đây không lâu, tôi có dịp quay về khu rừng mà tôi từng dạo chơi hồi còn nhỏ và nhìn thấy cây sồi, phải chừng trăm tuổi, mà tôi và anh trai từng đùa nghịch dưới bóng râm của nó. Trong vòng hai mươi năm, một dây leo khổng lồ đã gắn liền với cái cây vững chãi này và gần như phủ kín nó. Thật khó để nói rằng nơi nào thì cây sồi 'dừng bước' và nơi nào thì cây leo bắt đầu tồn tại. Toàn bộ cái cây leo ấy tự nó cuốn mình quanh những tán cây sồi khiến cho nếu nhìn từ xa những chiếc lá của nó trông giống như là lá của cây sồi; chỉ khi tiến tới thật gần ta mới thấy được chỉ còn rất ít những cành cây sồi còn sót lại, và chỉ một vài cái chồi nhỏ bé của cây sồi chĩa ra như những ngón tay cái giơ lên trên thân cây to lớn, những chiếc lá trên đó vẫn tiếp tục quang hợp một cách vô tri theo cơ chế sinh vật.

Lạ lẫm trước chứng bệnh trầm cảm chính mà tại đó tôi khó lòng có thể chấp nhận cái ý niệm về những vấn đề của người khác, tôi lại thấy thông cảm với cây sồi kia. Chứng trầm cảm lớn lên trong tôi như là cái cây leo đã xâm chiếm lấy cây sồi; đó là một điều tồi tệ bao trùm lấy tôi, đầy xấu xí và có sức sống hơn cả tôi nữa. Nó tự có sinh mệnh của riêng mình mà từng chút một nó bóp nghẹt tôi ra khỏi sinh mệnh của chính mình. Ở tình trạng tồi tệ nhất của cơn trầm cảm, tôi có những tâm trạng mà tôi biết rằng không phải là tâm trạng của tôi: chúng thuộc về cơn trầm cảm, cũng chắc chắn như là những chiếc lá trên tán cây cao kia thuộc về cái cây leo. Khi tôi cố gắng suy nghĩ rõ ràng về điều này, tôi cảm thấy rằng tâm trí mình như bị bao vây, rằng nó không thể mở rộng theo một hướng nào cả. Tôi biết rằng mặt trời vẫn mọc và lặn, nhưng thứ ánh sáng ấy hiếm khi nào chạm được tới tôi. Tôi cảm thấy mình như chìm xuống bên dưới thứ gì đó mạnh mẽ hơn chính mình nhiều lắm; đầu tiên tôi không thể cử động mắt cá chân, và rồi tôi không thể kiểm soát được đầu gối mình, kế đó thắt lưng tôi bắt đầu vỡ vụn dưới sự kéo căng này, và rồi đến lượt hai vai tôi, và cuối cùng tôi bị nén lại như một bào thai, yếu đuối bởi thứ nghiền nát tôi mà không hề chứa đựng tôi. Những cái tua của nó đe dọa sẽ nghiền nát tâm trí và sự can đảm và ruột gan tôi, và chúng sẽ bóp vỡ xương tôi và ép khô cơ thể tôi. Nó cứ tiếp tục sinh sôi trong tôi khi dường như chẳng còn gì để nuôi dưỡng nó nữa.

Tôi không đủ mạnh mẽ để ngừng thở. Tôi biết rằng sau đó tôi sẽ chẳng bao giờ có thể tiêu diệt cái cây leo trầm cảm này, và vì thế mà tất cả những gì tôi muốn là nó để tôi chết đi. Nhưng nó đã lấy đi của tôi thứ năng lượng mà tôi cần đến để giết chết chính mình, và nó sẽ chẳng bao giờ giết tôi hết. Nếu thân tôi mục ruỗng, thì cái thứ được nuôi dưỡng từ đó giờ đây đã quá mạnh để khiến cái thân này sụp đổ; nó đã trở thành một sự hỗ trợ thay thế cho thứ mà nó từng phá hủy. Nằm trong góc giường, vỡ vụn và đau khổ vì thứ mà dường như không ai khác có thể nhìn thấy, tôi cầu cầu xin vị Chúa trời mà hầu như tôi chẳng hề tin vào, và tôi cầu xin sự giải thoát. Tôi sẽ thấy hạnh phúc nếu được chết trong cái chết đau đớn nhất, mặc dù tôi quá đỗi đắm chìm trong sự ngu muội của mình, để nghĩ về tự sát. Mọi giây phút sống đều khiến tôi đau đớn. Bởi vì thứ này đã hút sạch mọi chất lưu trong tôi, tôi thậm chí còn chẳng thể khóc. Miệng môi tôi cũng khô rát. Tôi đã từng cho rằng khi ta cảm thấy tồi tệ nhất thì nước mắt tuôn rơi, nhưng nỗi đau tồi tệ nhất là nỗi đau khô cằn của tất cả những hỗn loạn diễn ra sau khi toàn bộ nước mắt đã được dùng hết, là nỗi đau chiếm trọn mọi không gian mà ta từng dùng để nhìn nhận thế giới, hoặc là cả thế giới này, hoặc là ta. Đấy chính là sự hiện diện của căn bệnh trầm cảm chính.

Tôi từng nói rằng trầm cảm vừa là sự ra đời và vừa là sự qua đời. Cái cây leo là thứ được sinh ra. Cái chết là sự mục ruỗng của một con người, là sự gãy đổ của những tán cây chịu đựng nỗi đau khổ đó. Thứ đầu tiên ra đi là hạnh phúc. Ta chẳng thể có được niềm vui thích từ bất cứ điều gì. Đó chính là dấu hiệu nổi bật của căn bệnh trầm cảm chính. Nhưng chẳng bao lâu sau các cảm xúc khác cũng theo chân hạnh phúc rơi vào sự quên lãng: nỗi buồn như ta từng biết đến, nỗi buồn dường như là thứ đã dẫn ta đến nơi này; sự hài hước trong ta; niềm tin của ta và cả cái năng lực yêu thương trong ta nữa. Đầu óc ta mờ mịt cho đến khi ta dường như trì độn với cả chính mình. Nếu như mái tóc ta vẫn luôn mỏng thế, thì giờ đây nó còn mỏng hơn nữa; nếu như làn da ta vẫn luôn xấu thế, thì lúc này nó còn xấu hơn. Ta bốc mùi chua chát ngay cả với chính bản thân mình. Ta mất đi cái khả năng tin tưởng vào người khác, để được chạm đến, để được khổ đau. Rốt cuộc, ta chỉ đơn giản là không hề tồn tại với chính mình.

Có thể thứ hiện hữu đang chiếm đoạt thứ trở nên vắng mặt, và có lẽ sự vắng mặt của những điều khó hiểu cho thấy những gì đang hiện hữu. Dù thế nào đi nữa, ta cũng trở nên nhỏ bé hơn chính bản thân mình và rơi vào một thứ gì đó thật lạ lẫm. Quá đỗi thường xuyên, những phương pháp trị liệu chỉ có thể xác định được một nửa vấn đề: chúng chỉ tập trung vào sự hiện diện hoặc chỉ tập trung vào sự vắng mặt. Điều cần thiết là vừa phải cắt bỏ hàng tấn những sợi dây leo kia và cần tìm hiểu lại hệ rễ và các kỹ năng quang hợp của cây sồi. Điều trị bằng thuốc giúp giải quyết vấn đề về sợi dây leo. Ta có thể cảm thấy được điều đó diễn ra, làm thế nào mà thuốc chữa bệnh dường như đầu độc loài kí sinh để mà từng chút một nó trở nên héo tàn. Ta có thể cảm thấy gánh nặng biến mất, cảm thấy cái cách mà những cành cây hồi sinh mạnh mẽ từ thân chính của nó. Cho đến khi ta có thể thoát khỏi những sợi dây leo, ta không thể nghĩ về những gì đã biến mất. Nhưng ngay cả khi những sợi dây leo đã biến mất, ta vẫn còn lại rất ít những chiếc lá và những cái rễ nông, và việc tái xây dựng lại chính bản thân ta không thể được thực hiện với bất kỳ loại thuốc nào hiện đang tồn tại. Khi sức nặng của cái dây leo biến mất, những chiếc lá nhỏ bé lấp ló trên khung cây trơ trụi giờ đây có thể tồn tại và phát triển với dưỡng chất cần thiết. Nhưng đây không phải là một chiều hướng tốt. Đây không phải là một giải pháp mạnh mẽ. Sự hồi sinh của một người sau trầm cảm đòi hỏi tình yêu, sự thấu hiểu, nỗ lực, và, hơn tất cả, là thời gian.


Việc chuẩn đoán cũng phức tạp như là căn bệnh vậy. Các bệnh nhân lúc nào cũng hỏi bác sĩ rằng, “Tôi có trầm cảm hay không” như thể câu trả lời cũng chắc chắn giống kết quả xét nghiệm máu. Cách duy nhất để biết được liệu ta có bị trầm cảm hay không là lắng nghe và quan sát bản thân, để cảm nhận các cảm xúc của ta và rồi suy nghĩ về chúng. Nếu như ta cảm thấy tồi tệ mà không vì một lý do nào cả trong hầu hết thời gian, thì có nghĩa là ta bị trầm cảm. Nếu như phần lớn thời gian ta cảm thấy tệ vì một lý do nhất định, thì ta cũng vẫn bị trầm cảm, dù cho sự thay đổi của các lý do có thể là một cách tốt hơn để tiến tới thay vì bỏ mặc sự việc như cũ và chống lại sự trầm cảm. Nếu như sự trầm cảm làm bạn bất lực, thì nó là chứng trầm cảm chính. Nếu như nó chỉ nhẹ nhàng làm bạn sao nhãng, thì nó không phải là trầm cảm chính. Cuốn kinh thánh của ngành tâm thần học – Hệ thống chuẩn đoán và thống kê các bệnh tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual), tái bản lần thứ tư (DSM-IV) – định nghĩa hời hợt về trầm cảm như là sự hiện diện của năm hoặc hơn trong số chín triệu chứng. Vấn đề của cái định nghĩa này là nó hoàn toàn tùy tiện. Không có lý do cụ thể nào để kết luận rằng năm triệu chứng đó cấu thành sự trầm cảm; bốn triệu chứng không ít thì nhiều cũng đã tạo nên sự trầm cảm; và năm triệu chứng thì ít nghiêm trọng hơn so với sáu. Thậm chí ngay cả một triệu chứng cũng đã gây khó chịu. Việc có tất cả các triệu chứng này ở mức độ nhẹ có lẽ sẽ đơn giản hơn so với việc gặp phải hai triệu chứng ở mức độ nghiêm trọng. Sau khi tiến hành chuẩn đoán, hầu hết mọi người đều tìm kiếm nguyên nhân, bất kể thực tế rằng việc biết tại sao bạn bị bệnh không hề có mối liên quan trực tiếp tới việc trị bệnh.

Chứng bệnh của tâm hồn là một căn bệnh thật sự. Nó có thể có những tác động xấu tới cơ thể. Có những người xuất hiện tại phòng khám và than phiền về những cơn co rút nơi dạ dày thường được nghe rằng, “Sao nào, anh chẳng bị làm sao cả ngoại trừ đang trầm cảm!” Bệnh trầm cảm, nếu như nó đủ nghiêm trọng để gây ra cơn co thắt nơi dạ dày, thì đó thực sự là một việc tồi tệ xảy ra với bạn, và nó đòi hỏi việc điều trị. Còn nếu như bạn tới khám và than rằng việc thở của bạn có vấn đề, không một ai nói với bạn rằng, “Sao nào, anh chẳng làm sao cả ngoại trừ bị khí thũng!” Đối với người gặp phải những vấn đề này, chứng căng thẳng thần kinh cũng thật như những cơn co thắt đường ruột khi bị ngộ độc thực phẩm vậy. Chúng tồn tại trong tiềm thức, và thường thì bộ não sẽ gửi đi những thông điệp không thích hợp tới dạ dày, vì thế mà chúng tồn tại ở đó nữa. Việc chuẩn đoán – dù là có thứ gì đó đang phân hủy trong dạ dày bạn hay ruột thừa hay não bạn – quan trọng ở chỗ nó giúp xác định phương pháp điều trị và không phải là vô dụng. Trong số các bộ phận của cơ thể người, bộ não khá là quan trọng, và sự trục trặc của nó nên được xác định một cách chính xác.

 Hóa học thường được đưa vào để hàn gắn sự mất cân bằng giữa cơ thể và tâm hồn. Sự nhẹ nhõm mà mọi người thể hiện khi nghe bác sĩ nói rằng chứng trầm cảm của họ "có tính chất hóa học" là dựa vào niềm tin rằng có một bản ngã vốn dĩ trọn vẹn tồn tại qua thời gian, và trong một sự chia phân chia hư cấu giữa nỗi buồn trọn vẹn xảy ra theo dịp với sự hoàn toàn ngẫu nhiên. Từ hóa học ở đây có vẻ như làm dịu đi cảm giác về trách nhiệm có trong mỗi người trước những căng thẳng bất mãn vì không lấy gì làm thích thú với công việc của mình, lo lắng về việc trở nên già đi, thất bại trong tình yêu, chán ghét gia đình. Ở đó có một sự giải thoát dễ chịu khỏi cảm giác tội lỗi mà gắn liền với các hóa chất. Nếu như bộ não của bạn có thiên hướng bị trầm cảm, bạn không cần phải oán trách bản thân vì điều đó. Vâng, bạn có thể quy cho bản thân hoặc đổ tại sự tiến hóa, nhưng hãy nhớ rằng bản thân việc đổ lỗi này có thể được hiểu như là một quá trình phản ứng hóa học, và rằng cả hạnh phúc nữa, cũng là kết quả của phản ứng hóa học. Hóa học và sinh học không phải là những vấn đề ảnh hưởng đến bản thể “thật”; sự trầm cảm không thể tách rời khỏi đối tượng mà nó ảnh hưởng đến. Sự điều trị không hề làm dịu bớt sự thương tổn của bản ngã, đưa bạn trở về với tình trạng bình thường nào đó; mà nó chỉ giúp điều chỉnh lại một bản thể đa dạng, thay đổi ở mức độ nhỏ của việc bạn là ai.

Bất kỳ ai từng học môn khoa học ở trường học đều biết rằng cơ thể người được cấu tạo từ các hóa chất và rằng việc nghiên cứu về các hóa chất và các cấu trúc được hình thành từ các chất này được gọi là môn sinh học. Mọi thứ diễn ra trong bộ não đều có biểu hiện và nguồn gốc hóa học. Nếu như bạn nhắm mắt lại và tập trung suy nghĩ về con gấu trắng Bắc Cực, thì việc này sẽ có tác động hóa học đến bộ não của bạn. Nếu bạn theo đuổi chính sách chống đối việc giảm thuế đối với lời tăng vốn, thì điều đó sẽ có tác động hóa học đến bộ não của bạn. Khi bạn nhớ về một giai đoạn nào đó trong quá khứ, bạn thực hiện điều này thông qua các phản ứng hóa học phức tạp của bộ nhớ. Tổn thương từ thời thơ ấu và những khó khăn xảy đến về sau này có thể biến đổi hoá chất của bộ não. Hàng nghìn phản ứng hóa học đã tham gia vào quyết định đọc cuốn sách này, cầm nó lên bằng đôi bàn tay bạn, nhìn vào hình dạng của những con chữ trên trang giấy, rút ra ý nghĩa từ những hình dạng đó, và có những phản ứng trí tuệ và cảm xúc trước những gì mà chúng truyền đạt. Nếu như thời gian cho phép bạn thoát ra khỏi chu kỳ trầm cảm và cảm thấy tốt hơn, sự thay đổi về hóa chất không hề ít liên quan và kém phức tạp hơn so với những gì xảy ra bởi việc dùng thuốc chống trầm cảm. Các yếu tố bên ngoài quyết định yếu tố bên trong cũng nhiều như việc yếu tố bên trong tạo ra yếu tố bên ngoài vậy. Điều thật sự khó chịu ở đây là cái ý tưởng rằng ngoài việc các ranh giới đều trở nên mập mờ, ranh giới của những thứ khiến chúng ta là chúng ta cũng đã bị lu mờ. Không hề có một bản thể thực chất đơn thuần nằm đó như một mạch vàng bên dưới những hỗn loạn của các trải nghiệm và hóa chất. Mọi thứ đều có thể thay đổi, và chúng ta cần phải hiểu về cơ thể con người như một chuỗi các bản thể mà ngừng chống lại hay lựa chọn lẫn nhau. Tuy nhiên, ngôn ngữ của khoa học, được sử dụng trong việc đào tạo các bác sĩ và, đang không ngừng tăng lên, trong việc viết và trao đổi phi học thuật, lại đi ngược lại với điều này một cách kỳ lạ.
 

Kết quả cộng dồn của các tác động hóa học của bộ não vẫn chưa được hiểu đúng. Ví dụ như, trong ấn bản năm 1989 của cuốn Sách giáo khoa toàn diện về Tâm thần học (Comprehensive Textbook of Psychiatry - CTP), một người có thể tìm thấy công thức hữu ích này: điểm số trầm cảm tương đương với mức độ của 3-methoxy-4-hydroxyphenylglycol (một hợp chất được tìm thấy trong nước tiểu của tất cả mọi người và không rõ là bị ảnh hưởng bởi trầm cảm hay không); trừ đi mức độ của a-xít 3-methoxy-4-hydroxymandelic; cộng với mức độ của norepinephrine; trừ đi mức độ của norepinephrine cộng với mức độ của metanepherine, lấy tổng số đó chia cho mức độ của a-xít 3-methoxy-4-hydroxymandelic; cộng với một biến số không xác định; hay, như là CTP chỉ ra: “điểm D = C1 (MHPG) - C2 (VMA) + C3 (NE) - C4 (NMN + MN)/VMA + C0." Điểm số này nên cho kết quả từ một đối với rối loạn đơn cực cho đến không đối với chứng rối loạn lưỡng cực, vì vậy nếu như bạn đưa một kết quả khác - bạn đã thực hiện sai công thức trên. Vậy thì liệu cái công thức này mang tới cái nhìn sự sâu sắc đến nhường nào? Làm sao nó có thể được áp dụng với một thứ phức tạp như là tâm trạng đây? Ở mức độ nào một kinh nghiệm cụ thể đã dẫn tới một sự trầm cảm cụ thể là rất khó xác định; cũng như là ta không thể giải thích được việc một người đã đối mặt với những hoàn cảnh bên ngoài trong cơm trầm cảm dựa trên những hóa phản ứng hóa học mà họ trải qua; cũng như việc ta không thể chỉ ra điều gì đã khiến một ai đó trầm cảm về mặt bản chất.

Mặc dù trầm cảm được miêu tả trong báo chí phổ thông và ngành dược phẩm như thể nó là một căn bệnh có tác động một chiều giống bệnh tiểu đường, nó hoàn toàn không phải vậy. Thực ra, nó hoàn toàn khác xa bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường là việc không sản sinh ra đủ insulin, và bệnh tiểu đường được điều trị bằng cách tăng cường và ổn định chất insulin có trong máu. Trầm cảm không phải là hệ quả của việc suy giảm bất cứ thứ gì mà hiện nay chúng ta có thể đo lường được. Việc tăng hàm lượng chất serotonin trong não kích thích một quá trình thậm chí khiến cho nhiều người trầm cảm cảm thấy tốt hơn, nhưng như thế không có nghĩa là họ có mức độ serotonin thấp một cách khác thường. Hơn thế nữa, serotonin không hề có tác động tích cực ngay lập tức. Bạn có thể bơm một ga-lông serotonin vào bộ não của một người trầm cảm và nó không khiến người đó cảm thấy tốt đẹp hơn một tí ti nào ngay lập tức, dù cho việc duy trì tăng liều lượng serotonin trong dài hạn có một vài tác động đến việc cải thiện các triệu chứng trầm cảm. “Tôi bị trầm cảm nhưng đó chỉ là phản ứng hóa học mà thôi” là một câu nói tương đương với câu “Tôi giết người nhưng đó chỉ là phản ứng hóa học thôi” hay “Tôi thông minh nhưng đó chỉ là phản ứng hóa học mà thôi.” Mọi điều về một con người chỉ mang tính hóa học nếu như người đó muốn suy nghĩ theo lối như vậy. “Bạn có thể nói rằng ‘đó chỉ là hóa học thôi,’” theo như lời của Maggie Robbins, người phải gánh chịu chứng bệnh hưng trầm cảm. “Tôi cho rằng không có gì được gọi là ‘chỉ’ là hóa học thôi cả.” Mặt trời chiếu sáng rực rỡ và đó cũng chỉ là vấn đề về hóa học, và cũng là vấn đề hóa học khi mà đá thì cứng, và nước biển thì mặn, và rằng có những buổi chiều mùa xuân mang theo trong làn gió thoảng cái cảm giác hoài cổ làm khuấy động con tim ta với những khao khát và những hình ảnh đã ngủ yên trong mùa đông tháng giá. “Cái chất serotonin,” David McDowell của trường ĐH Columbia University nhận định, “là một phần của câu chuyện thần thoại tâm thần học hiện đại.” Đó là một tập hợp các câu chuyện có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Thực tại bên trong và bên ngoài tồn tại theo một thể liên tục. Điều gì xảy ra và bạn hiểu về nó như thế nào và bạn phản ứng với nó ra sao thường liên kết với nhau, nhưng cái này không đoán trước được cái kia. Nếu thực tại tự thân nó thường là một điều mang tính tương đối, và bản thể thì ở trong một tình trạng thường xuyên thay đổi, thì sự thay đổi từ một tâm trạng nhẹ nhàng sang tâm trạng cực đoan giống như là việc vuốt phím đàn. Vậy thì, bệnh tật là một trạng thái cực đoan của cảm xúc, và một người có thể có lý khi mô tả cảm xúc như là một dạng bệnh nhẹ. Nếu như tất cả chúng ta đều thấy có khả năng và tuyệt vời (nhưng không bị đánh lừa bởi cảm giác vui buồn thất thường) vào mọi thời điểm, ta có thể làm được nhiều việc hơn và có thể sẽ có một quãng thời gian hạnh phúc hơn trên trái đất này, nhưng cái ý tưởng đó thật đáng sợ và kinh hãi (dù vậy, dĩ nhiên, nếu như chúng ta cảm thấy có khả năng và tuyệt vời vào mọi lúc thì ta có thể sẽ quên đi toàn bộ những điều đáng sợ và khủng khiếp).

Chứng bệnh cúm là một điều dễ hiểu: vào ngày này bạn không có thứ virus gây ra căn bệnh đó trong cơ thể, và vào ngày khác bạn lại có nó trong người. HIV thì lan truyền từ người này sang người khác trong một phần giây riêng biệt. Còn trầm cảm ư? Nó giống như là việc cố gắng đưa ra thông số lâm sàng cho cơn đói vậy, mà tác động đến chúng ta vào mọi thời điểm khác nhau trong ngày, nhưng ở trong phiên bản cực đoan nhất thì nó là bi kịch kết liễu cuộc đời nạn nhân của mình. Một số người cần nhiều thức ăn hơn những người khác; một số khác có thể hoạt động dưới những tình trạng thiếu dinh dưỡng trầm trọng; trong khi những khác thì nhanh chóng trở nên suy yếu và ngã gục trên phố. Tương tự như vậy, trầm cảm tấn công mọi người theo những cách khác nhau: một số có khuynh hướng chống lại hoặc chiến đấu, trong khi những người khác lại bất lực trước sự kìm kẹp của nó. Sự bướng bỉnh và kiêu hãnh có thể cho phép một người vượt qua cơn trầm cảm từng hạ gục những người có tính cách hiền lành và dễ bằng lòng hơn.

Giữa trầm cảm và tính cách có sự tác động lẫn nhau. Một số người thì dũng cảm khi đối mặt với trầm cảm (trong thời điểm nó diễn ra và cả sau đó) và những người khác thì tỏ ra yếu đuối. Bởi vì cả tính cách cũng có một khía cạnh ngẫu nhiên và một quy trình hóa học khó hiểu, người ta có thể đổ lỗi mọi thứ cho di truyền học, nhưng điều đó lại quá đơn giản. “Không hề có thứ gọi là gen tâm trạng,” Steve Hyman, giám đốc của Viện sức khỏe tâm thần cho biết. “Đó chỉ là sự rút gọn của những tương tác vô cùng phức tạp trong môi trường gien.” Nếu như mọi người có khả năng đánh giá trầm cảm trong một số hoàn cảnh, thì mọi người cũng có khả năng chống lại trầm cảm tới một mức độ nào đó trong một số trường hợp. Thường thì, cuộc chiến sẽ diễn ra dưới dạng tìm kiếm những phương pháp điều trị mà sẽ là hiệu quả nhất trong cuộc chiến đó. Điều này liên quan đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ trong khi bạn vẫn còn đủ mạnh mẽ để làm điều đó. Nó liên quan đến việc cố gắng sống cuộc đời mình tốt nhất có thể giữa những giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất. Một số người có triệu chứng bệnh khủng khiếp có thể đạt được thành công thực sự trong cuộc sống; và một số người hoàn toàn bị đánh bại bởi những dạng nhẹ nhất của căn bệnh.

Vượt qua cơn trầm cảm nhẹ mà không dùng đến thuốc có những lợi thế nhất định. Nó cho phép bạn cảm thấy rằng bạn có thể tự điều chỉnh sự mất cân bằng hóa học trong cơ thể mình thông qua sự rèn luyện ý chí hóa học của riêng bạn. Việc học cách đi trên than hồng cũng là một chiến thắng của bộ não trước điều dường như là sự đau đớn không thể tránh được của cơ thể về mặt hóa học, và đó là một cách thức kỳ lạ để phát hiện ra sức mạnh tuyệt đối của tâm trí. “Tự mình” vượt qua trầm cảm cho phép bạn tránh khỏi những khó chịu xã hội liên quan đến việc sử dụng thuốc tâm thần. Điều này gợi ý rằng chúng ta chấp nhận bản thân như những gì chúng ta được tạo ra, xây dựng lại bản thân chỉ với những cơ chế bên trong của chính chúng ta và không viện tới sự giúp đỡ đến từ bên ngoài. Việc trở về từ trạng thái đau khổ theo một mức độ từ từ là hoàn toàn hợp lí đối với chính sự đau khổ đó.


Tuy nhiên, các cơ chế bên trong rất khó để vận hành và thường là không đủ. Trầm cảm thường hủy hoại sức mạnh tinh thần thông qua tâm trạng. Đôi khi cấu trúc hóa học phức tạp tạo nên sự đau buồn xuất hiện bởi vì bạn mất đi người thân yêu nào đó, và hóa chất của sự mất mát và tình yêu có thể dẫn tới hóa chất tạo nên sự trầm cảm. Hóa chất của việc rơi vào lưới tình có thể xuất hiện vì những lý do hiển nhiên bên ngoài, hoặc là vì một loạt những điều mà con tim chẳng bao giờ có thể thuyết phục được lý trí. Nếu ta muốn đối phó với sự điên rồ này của cảm xúc, có lẽ ta có thể làm vậy. Việc các thanh thiếu niên nổi giận với cha mẹ mình - những người đã làm tốt nhất những gì có thể thật là điên rồ, nhưng đó là một sự điên rồ mang tính tập quán, đủ thống nhất để chúng ta chịu đựng nó mà không nghi ngờ gì. Đôi khi cùng một hóa chất xuất hiện bởi những lý do bên ngoài là không đủ, theo những tiêu chuẩn thông thường, để giải nghĩa một sự tuyệt vọng: một ai đó lao vào bạn trên một chiếc xe buýt chật kín người và bạn muốn khóc, hay là khi bạn đọc về tình trạng dân số quá tải trên trái đất này và nhận thấy cuộc đời mình không tài nào chịu đựng nổi. Mỗi một người đều từng có cảm xúc không phù hợp trước một sự việc nhỏ bé hay cảm thấy những cảm xúc có nguồn gốc mơ hồ hoặc không có nguồn gốc nào cả. Đôi khi các hóa chất xuất hiện mà không vì một lý do nào hết cả. Hầu hết mọi người đều có những khoảnh khắc cảm thấy tuyệt vọng một cách không thể lý giải nổi, thường là vào lúc nửa đêm hoặc vào sáng sớm trước khi tiếng chuông báo thức vang lên. Nếu những cảm xúc như vậy kéo dài trong vòng mười phút, thì chúng là những tâm trạng kỳ lạ, diễn ra chóng vánh. Nếu như chúng kéo dài mười giờ, chúng trở thành cơn sốt đáng lo ngại, và nếu chúng kéo dài mười năm, chúng trở thành một căn bệnh nghiêm trọng.


Quá đỗi thường xuyên niềm hạnh phúc mà bạn cảm thấy ở mọi thời điểm đều thật mong manh, trong khi cơn trầm cảm mà bạn rơi vào dường như lại chẳng bao giờ kết thúc. Ngay cả khi bạn chấp nhận rằng các tâm trạng sẽ thay đổi, rằng bất cứ điều gì bạn cảm thấy ngày hôm nay rồi sẽ khác đi vào ngày mai, thì bạn cũng không thể buông lơi trước hạnh phúc giống như là trước nỗi buồn. Đối với tôi mà nói, nỗi buồn đã và vẫn luôn là một thứ cảm xúc mạnh mẽ hơn hẳn; và nếu như đó không phải là thứ trải nghiệm mang tính toàn cầu, thì có lẽ đó là nơi mà từ đó trầm cảm nảy sinh. Tôi ghét việc bị trầm cảm, nhưng cũng từ trong trầm cảm mà tôi hiểu được về mình, tới mức độ đầy đủ của linh hồn tôi. Khi mà tôi hạnh phúc, tôi cảm thấy hơi bị phân tâm đôi chút bởi hạnh phúc ấy, như thể bộ não và tâm trí tôi muốn hoạt động nhưng đã thất bại ở một phần nào đó. Trầm cảm là một việc cần phải làm. Khả năng nắm bắt của tôi trở nên chặt chẽ và chính xác hơn trong những khoảnh khắc của sự mất mát: tôi có thể nhìn thấy sự đẹp đẽ trọn vẹn của những mảnh thủy tinh vào thời điểm chúng tuột khỏi tay tôi và rơi xuống đất. “Ta nhận thấy niềm vui thích ít vui vẻ hơn nhiều, và nỗi đau đầy đau đớn hơn nhiều so với sự tiên đoán,” Schopenhauer từng viết. “Ta đòi hỏi vào mọi lúc một mức độ cụ thể của sự quan tâm hay đau buồn hay mong muốn, như là một con tàu đòi đến đồ dằn, để giữ cho nó không bị lật nhào giữa biển khơi."

Người Nga có một câu nói như thế này: nếu như anh thức dậy mà chẳng thấy đau đớn gì, thì có nghĩa là anh đã chết. Trong khi cuộc đời không chỉ có mỗi nỗi đau, thì việc trải nghiệm nỗi đau, mà đặc biệt trong cường độ của nó, là một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất của sinh lực. Schopenhauer từng nói rằng, “Hãy tưởng tượng rằng giống này được đưa đến Utopia nơi mà mọi thứ tự phát triển theo cách riêng của nó và đám gà tây bay quanh sẵn sàng cho việc cho vào lò nướng, nơi mà những người tình tìm thấy nhau vào đúng thời điểm và có thể giữ chân người kia thật dễ dàng: ở một nơi chốn như vậy con người ta sẽ chết vì buồn chán hay tự treo cổ, một số khác sẽ đánh nhau và tiêu diệt lẫn nhau, và do đó họ sẽ tạo ra cho chính mình nhiều đau khổ hơn so với những gì mà thiên nhiên gây ra cho họ… mặt đối lập của đau khổ [chính là] nhàm chán.” Tôi tin rằng nỗi đau cần được thay đổi nhưng không nên bị lãng quên; có thể từ chối nhưng không nên xóa sạch hoàn toàn.

Tôi bị thuyết phục rằng một vài con số khái quát nhất về trầm cảm là dựa trên thực tế. Mặc dù sẽ là một sai lầm nếu nhầm lẫn những con số này với sự thật, nhưng những con số này lại nói lên một câu chuyện đáng báo động. Theo như nghiên cứu gần đây, khoảng 3 phần trăm dân số Mỹ - khoảng 19 triệu người – phải gánh chịu căn bệnh trầm cảm mãn tính. Hơn 2 triệu trong số đó là trẻ em. Bệnh hưng trầm cảm, thường được gọi là chứng rối loạn lưỡng cực bởi vì tâm trạng của bệnh nhân biến đổi từ hưng cảm cho đến trầm cảm, làm khổ khoảng 2,3 triệu người và là tác nhân gây tử vong lớn thứ hai ở phụ nữ trẻ, lớn thứ ba ở nam giới trẻ. Trầm cảm được mô tả trong DSM-IV như là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật ở Hoa Kỳ và cả ở nước ngoài đối với những người trên 5 tuổi. Trên toàn thế giới, bao gồm cả những nước đang phát triển, trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến nhiều chứng bệnh nghiêm trọng hơn bất kỳ một nguyên nhân nào khác ngoại trừ bệnh tim mạch, mà được tính bằng số ca bất đắc kỳ tử cộng với những năm tháng khỏe mạnh của cuộc đời bị tước đoạt bởi bệnh tật. Bệnh trầm cảm diễn ra lâu dài hơn cả chiến tranh, ung thư, và AIDS cộng lại với nhau. Các chứng bệnh khác, từ nghiện rượu cho tới bệnh tim, ngụy trang cho căn bệnh trầm cảm khi nó là nguyên nhân gây ra chúng; nếu như một ai đó thực hiện so sánh, thì trầm cảm sẽ là kẻ sát nhân lớn nhất trên trái đất.

Hiện nay các biện pháp điều trị trầm cảm đang tăng lên nhanh chóng, nhưng chỉ có một nửa trong số những người Mỹ bị bệnh trầm cảm tìm đến sự giúp đỡ dưới mọi hình thức – dù đó là một tu sĩ hay bác sĩ tâm lý. Khoảng 95 phần trăm trong số 50 phần trăm này tìm tới các bác sĩ đa khoa, những người không biết nhiều về những chứng bệnh tâm thần. Một người Mỹ trưởng thành với chứng trầm cảm chỉ nhận biết được căn bệnh của mình trong khoảng 40 phần trăm thời gian. Tuy nhiên, khoảng 28 triệu người Mỹ - cứ một trong số mười người – hiện đang ở sử dụng SSRI (thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên serotonin – dòng thuốc bao gồm cả Prozac), và một số lớn khác sử dụng những loại thuốc khác. Có ít hơn một nửa những người được phát hiện bệnh nhận được phương pháp điều trị phù hợp. Bởi vì định nghĩa về trầm cảm đã được mở rộng để bao gồm ngày càng nhiều người dân hơn, việc tính đến con số tử vong chính xác ngày càng trở nên khó khăn hơn. Thống kê theo phương pháp truyền thống cho thấy 15 phần trăm số người trầm cảm cuối cùng sẽ tự sát; con số này ám chỉ những ca bị bệnh nặng. Các nghiên cứu gần đây mà đã đưa vào cả chứng trầm cảm nhẹ hơn cho thấy rằng có từ 2 đến 4 phần trăm những người bị trầm cảm sẽ tự kết liễu đời mình như là một hệ quả trực tiếp của chứng bệnh này. Đó vẫn là một con số gây sửng sốt. Hai mươi năm trước, khoảng 1,5 phần trăm dân số bị trầm cảm yêu cầu phải được điều trị; hiện nay con số này là 5 phần trăm; và gần 10 phần trăm người Mỹ hiện đang sống với khả năng sẽ trải qua giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng trong đời. Khoảng 50 phần trăm sẽ gặp phải một vài triệu chứng của bệnh trầm cảm. Những vấn đề lâm sàng đã tăng lên; các phương pháp điều trị còn tăng lên nhiều hơn nữa. Việc chuẩn đoán đang được cải thiện, nhưng nó không thể giải thích được quy mô của vấn đề này. Các ca trầm cảm đang tăng lên trên toàn bộ các nước phát triển, đặc biệt là ở trẻ em. Trầm cảm đang diễn ra ở đối tượng dân số trẻ hơn, xuất hiện lần đầu tiên khi nạn nhân của nó hai mươi sáu tuổi, trẻ hơn mười tuổi so với thế hệ trước đó; rối loạn lưỡng cực, hay hưng trầm cảm, thậm chí còn xuất hiện sớm hơn. Sự việc đang ngày một tệ đi.

Có một vài sự rối loạn của cơ thể được điều trị như là bệnh trầm cảm ở mức độ quá nhẹ hoặc là quá mức trong cùng một lúc. Những người mà trở nên hoàn toàn bất thường cuối cùng cũng được cho nhập viện và dường như sẽ nhận được sự điều trị, dù cho đôi khi bệnh trầm cảm của họ lại bị nhầm lẫn với sự đau ốm của cơ thể thông qua những gì mà nó trải qua. Tuy nhiên, thế giới nhân loại chỉ vừa đủ kìm nén và tiếp tục, bất kể những tiến bộ vượt bậc trong các phương pháp điều trị tâm thần và thần dược, chịu đựng nỗi khốn khổ khốn nạn này. Hơn một nửa số người tìm đến sự trợ giúp – thêm 25 phần trăm nữa của dân số bị trầm cảm – không hề nhận được sự điều trị. Một nửa số người được điều trị – 13 phần trăm hoặc tương đương của dân số bị trầm cảm – nhận được sự điều trị không phù hợp, thường là những loại thuốc an thần hoặc liệu pháp tâm lý vô ích. Còn đối với những người còn lại, một nửa – khoảng 6 phần trăm của dân số bị trầm cảm – nhận được liều lượng điều trị không phù hợp trong một khoảng thời gian không phù hợp. Vì thế dẫn đến việc khoảng 6 phần trăm của tổng số người bị trầm cảm đang nhận sự điều trị không phù hợp. Nhưng rất nhiều người trong số đó cuối cùng từ bỏ việc sử dụng thuốc, thường là bởi vì những tác dụng phụ của chúng. “Có khoảng từ 1 đến 2 phần trăm số người thực sự nhận được sự điều trị tối ưu,” John Greden, Giám đốc của Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần của trường ĐH University of Michigan cho biết, “đối với một chứng bệnh mà thường có thể được kiểm soát tốt bằng các loại thuốc rẻ tiền thì sẽ có một số tác dụng phụ khá nghiêm trọng tương ứng.” Trong khi đó, ở mặt đối lập, những người cho rằng hạnh phúc là quyền cơ bản của mình thì sử dụng rất nhiều thuốc trong một nỗ lực vô ích nhằm làm dịu những bất an bé nhỏ mà cấu thành nên mọi cuộc đời.

Cũng khá hợp lý khi cho rằng sự xuất hiện của những cô siêu mẫu đã hủy hoại hình ảnh của chính những người phụ nữ bằng cách đặt ra những kỳ vọng phi thực tế. Tâm lý về siêu mẫu trong thế kỷ 21 thậm chí còn nguy hiểm hơn cả một cơ thể siêu mẫu. Con người ta liên tục xem xét tâm trí mình và chối bỏ tâm trạng của chính mình. “Đó chính là hiện tượng Lourdes,” William Potter – trưởng khoa dược lý học thần kinh của Viện sức khỏe tâm thần quốc gia (National Institute of Mental Health – NIMH) trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước nhận định khi những loại thuốc mới được nghiên cứu. “Khi bạn đối diện với những gì mà rất nhiều người nhận thức và tin rằng chúng là điều tích cực, thì bạn sẽ thấy đó là phép nhiệm màu – và đồng thời, dĩ nhiên rồi, một bi kịch.” Thuốc Prozac dễ sử dụng nên hầu hết mọi người đều dùng nó, và hầu hết mọi người đều làm vậy. Nó được sử dụng bởi những người có bệnh nhẹ mà sẽ không đánh đổi lấy sự khó chịu của những loại thuốc chống trầm cảm cũ, như là monoamine oxidase inhibitors (MAOI) hay tricyclic. Ngay cả khi bạn không bị trầm cảm, thì nó cũng có thể đẩy lùi cảm giác buồn rầu trong bạn, và chẳng lẽ như vậy lại không tốt hơn là việc sống với nỗi đau hay sao?

Chúng ta chuẩn đoán những gì có thể điều trị được, và những gì có thể dễ dàng điều chỉnh đến từ việc được điều trị như là một căn bệnh, dù cho nếu như trước đó nó có được xem như là tính cách hay tâm trạng đi chăng nữa. Ngay khi ta có phương thuốc dành cho bạo lực, thì bạo lực cũng sẽ trở thành một căn bệnh. Có quá nhiều những trạng thái không rõ ràng giữa trầm cảm toàn diện và một cơn đau nhẹ riêng biệt gây ra bởi những thay đổi trong giấc ngủ, sự thèm ăn, năng lượng, hay hứng thú; chúng ta phải bắt đầu phân định ngày càng nhiều hơn những điều này như là một căn bệnh bởi vì chúng ta đã tìm ra ngày càng nhiều hơn cách để cải thiện chúng. Nhưng điểm cắt vẫn cần được chú ý tới. Chúng ta đã quyết định rằng một người có chỉ số IQ ở mức 69 là người chậm phát triển, nhưng một người có IQ 72 cũng không phải là người thông minh, và một người với IQ ở mức 65 vẫn có thể tự chăm sóc bản thân; ta nói rằng cholesterol nên được duy trì ở mức độ dưới 220, nhưng nếu như cholesterol của bạn đạt mức 221, thì bạn cũng chẳng vì thế mà chết, và nếu như nó đạt mức 219, thì bạn vẫn cần phải cẩn thận; 69 và 220 là những con số bất kỳ, và điều mà chúng ta gọi là căn bệnh thì cũng là một sự bất kỳ; trong trường hợp của trầm cảm, nó cũng ở trong một sự thay đổi liên tục.

Người bị chứng trầm cảm sử dụng cụm từ “bên bờ vực” vào mọi lúc để mô tả sự di chuyển trạng thái từ đau khổ đến mức điên rồ. Sự mô tả mang tính vật lý này thường đưa đến việc rơi vào “vực sâu.” Thật kỳ lạ khi rất nhiều người sử dụng thứ từ vựng nhất quán như vậy, bởi vì bờ vực thực sự là một phép ẩn dụ trừu tượng. Chỉ rất ít trong số chúng ta mới rơi từ bờ vực của một cái gì đó, và chắc chắn là không phải rơi xuống vực sâu. Grand Canyon ư? Một cái vịnh hẹp ở Na Uy? Hay một mỏ kim cương ở Nam Phi? Thậm chí việc tìm kiếm một vực sâu để rơi xuống cũng là một điều khó. Khi được hỏi, mọi người thường mô tả cái vực sâu ấy khá nhất quán. Đầu tiên, nó thật tăm tối. Bạn rơi từ một nơi có ánh mặt trời xuống nơi mà toàn bộ là bóng đêm. Bên trong đó, bạn không nhìn thấy gì cả, và nguy hiểm hiện diện ở khắp mọi nơi (cái vực sâu ấy, không hề có phần đáy hay các cạnh bên mềm mại). Trong lúc bạn rơi xuống, bạn không biết bạn sẽ rơi xuống bao sâu, hoặc liệu bạn có thể dừng lại được hay không. Bạn va phải những vật không nhìn thấy được hết lần này tới lần khác cho tới khi bạn tan thành trăm mảnh, và dẫu vậy môi trường xung quanh quá không ổn định để bạn có thể bám víu vào một vật nào đó.

Sợ độ cao là chứng sợ hãi phổ biến nhất trên thế giới và hẳn cũng phải xảy ra đối với tổ tiên của chúng ta, bởi vì những người không sợ hãi có thể đã tìm thấy những vực sâu và rơi xuống đó, và vì thế nên đã triệt tiêu cái gen ấy ra khỏi nòi giống chúng ta. Nếu như bạn đứng bên mép vực và nhìn xuống, bạn sẽ thấy hoa mắt chóng mặt. Cơ thể bạn không hề hoạt động tốt hơn so với những thời điểm khác và cho phép bạn di chuyển lùi lại khỏi mép vực với một sự chính xác không chê vào đâu được. Bạn nghĩ rằng bạn sẽ rơi xuống, và nếu như bạn nhìn xuống đủ lâu, bạn sẽ rơi xuống thật. Bạn hoàn toàn bị tê liệt. Tôi nhớ có lần từng tới tham quan Thác Victoria cùng những người bạn, nơi mà những tảng đá cao ngất trở nên dốc đứng bên con sông Zambezi. Hồi ấy chúng tôi còn trẻ và từng thách thức nhau bằng cách chụp những bức ảnh gần bên mép vực nhất có thể. Mỗi người chúng tôi, khi đến quá gần mép vực, cảm thấy không ổn và như bị tê liệt. Tôi nghĩ rằng trầm cảm tự nó không phải là việc rơi xuống vực sâu (sẽ chóng khiến bạn chết), mà là bị kéo tới quá gần mép vực, rơi vào khoảnh khắc của nỗi sợ hãi khi mà bạn đã đi quá xa, khi mà sự hoa mắt hoa mắt chóng mặt lấy đi của bạn toàn bộ cái khả năng giữ thăng bằng. Bên con thác Victoria ấy, chúng tôi nhận ra rằng thứ không vượt qua được chính là một cái mép vực vô hình nằm ngay nơi núi đá dốc đứng. Ba mét kể từ mặt dốc đứng, chúng tôi đều thấy ổn. Hai mét từ đó, hầu hết chúng tôi đều sợ run. Vào một thời điểm, một người bạn chụp hình cho tôi và muốn đưa chiếc cầu bắt qua con sông Zambia vào trong bức hình. “Cậu dịch một chút sang bên trái được không?” cô ấy hỏi, và tôi buộc phải bước một bước sang trái – một bước chân sang bên trái. Tôi mỉm cười, một nụ cười đẹp được lưu giữ trong tấm hình, và rồi cô ấy nói, “Cậu đứng hơi gần mép vực rồi đấy. Lùi lại đi.” Tôi đã cảm thấy vô cùng thoải mái khi đứng đó, và rồi bỗng nhiên tôi nhìn xuống và nhận thấy tôi đã vượt qua mép vực của mình. Mặt tôi tái mét. “Không sao đâu,” bạn tôi nói, tiến đến gần tôi và giơ tay ra cho tôi nắm. Dốc núi đá cách tôi chừng ba mươi xăng-ti-mét và tôi đã phải khuỵu đầu gối và ngồi bệt xuống đất và lê về sau chừng vài mét cho tới khi tôi cảm thấy an toàn. Tôi biết rằng tôi có cảm giác khá tốt về sự thăng bằng và rằng tôi có thể dễ dàng đứng trên một bề mặt có chu vi chừng nửa mét; tôi thậm chí còn có thể thực hiện một điệu nhảy clacket nghiệp dư trên đó nữa, và tôi có thể làm điều đó mà không hề ngã. Chỉ là tôi không thể đứng gần con sông Zambezi đến thế.

Trầm cảm phụ thuộc nhiều vào một cảm giác tê liệt về điều sắp xảy ra. Bạn không thể thực hiện những gì mà bạn có thể làm ở độ cao hai mươi xăng-ti-mét khi mặt đất sụt xuống và để lộ ra một cái hố sâu hàng nghìn mét. Nỗi sợ hãi bị rơi xuống ấy nuốt chửng lấy bạn như thể nỗi sợ đó là thứ khiến bạn bị rơi xuống. Điều xảy ra đối với bạn trong cơn trầm cảm thật là kinh khủng, nhưng nó dường như được bao bọc trong những điều sẽ xảy ra với bạn. Nằm giữa những điều khác, bạn cảm thấy mình như sắp chết đến nơi. Việc chết đi cũng không hẳn là tệ lắm, nhưng việc sống bên bờ vực cái chết, cái tình trạng không-hẳn-bên-một-mép-vực-thật-sự ấy, thật là kinh khủng. Trong cơn trầm cảm, những cánh tay giơ ra vì bạn chỉ đơn giản là nằm ngoài tầm với. Bạn không thể quỵ xuống bằng hai tay và chân mình bởi vì bạn cảm thấy rằng ngay khi cúi xuống, dù là cách xa bờ vực, bạn cũng sẽ đánh mất sự thăng bằng và rơi xuống. Ôi, một vài hình ảnh vực sâu hiện lên thật rõ ràng: bóng tối, sự không biết chắc, sự mất kiểm soát. Nhưng nếu như bạn thực sự mãi rơi xuống vực sâu, thì chẳng cần thiết phải đặt câu hỏi về việc kiểm soát nữa. Bạn đã hoàn toàn mất kiểm soát. Đó là cái cảm giác kinh khủng về việc sự kiểm soát đã rời bỏ bạn khi mà bạn cần tới nó nhất và rằng đáng lý ra bạn phải có quyền có được nó. Tất cả những gì bạn cảm thấy là một việc khủng khiếp sắp xảy ra chiếm trọn toàn bộ khoảnh khắc hiện tại. Trầm cảm đã đi quá xa khi mà, bất kể một mép vực rộng rãi an toàn, bạn không còn giữ thăng bằng được nữa. Trong cơn trầm cảm, tất cả những gì đang diễn ra trong thời điểm hiện tại là sự đề phòng nỗi đau của tương lai, và hiện tại với tư cách là hiện tại không còn tồn tại nữa.

Trầm cảm là một căn bệnh không tưởng tượng nổi đối với những người không biết tới nó. Một loạt các phép ẩn dụ - cây leo, cây sồi, bờ vực, v.v – là cách duy nhất để nói về thứ trải nghiệm này. Việc chuẩn đoán không hề dễ dàng bởi vì nó phụ thuộc vào những phép ẩn dụ, và những ẩn dụ mà bệnh nhân này lựa chọn sẽ hoàn toàn khác so với bệnh nhân kia. Lời của chàng Antonio trong cuốn Chàng lái buôn thành Venice cho tới nay chẳng có gì thay đổi:

Nó làm tôi mệt mỏi, bạn nói rằng nó làm bạn mệt mỏi;
Nhưng làm thế nào mà tôi gặp phải nó, tìm thấy nó, và đi qua nó
Nó được tạo thành từ điều gì, nó sinh ra từ đâu
Tôi vẫn đang tìm hiểu;
Và nỗi buồn về sự mong muốn được hiểu biết làm nên con người tôi,
Rằng tôi thật vất vả để hiểu về chính mình

Chúng ta hãy thành thật về điều này: Ta không thực sự biết điều gì đã dẫn đến trầm cảm. Ta không thật sự biết điều gì cấu thành nên nó. Ta không thực sự biết rằng tại sao một số phương pháp điều trị nhất định lại tỏ ra hiệu quả đối với trầm cảm. Ta không biết được trầm cảm đã trải qua quá trình tiến hóa như thế nào. Ta không biết được tại sao một người lại bị trầm cảm trong một hoàn cảnh, trong khi nó lại miễn nhiễm với người khác. Ta không biết được nó diễn ra như thế nào trong hoàn cảnh đó.

Những người xung quanh người bị trầm cảm hi vọng rằng người đó sẽ tự mình vượt qua được: xã hội của chúng ta không có nhiều chỗ dành cho sự u uất này. Bạn đời, cha mẹ, con cái, và bạn bè đều là những đối tượng khiến họ cảm thấy tồi tệ, và họ không muốn gần gũi với nỗi đau không đong đếm được ấy. Không một ai có thể làm được điều gì ngoại trừ cầu xin sự trợ giúp (nếu anh ta thậm chí có thể làm được điều đó) ở độ sâu nhỏ nhất của cơn trầm cảm, nhưng một khi sự giúp đỡ được đưa ra, thì nó cần phải được chấp nhận. Chúng ta đều muốn Prozac thực hiện điều này cho mình, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, Prozac không thể phát huy được tác dụng nếu chúng ta không bỏ nỗ lực của mình vào đó. Hãy lắng nghe những người yêu thương bạn. Hãy tin rằng họ xứng đáng để bạn sống vì cho dù bạn không hề tin vào điều đó. Hãy tìm kiếm những ký ức về việc cơn trầm cảm bị xua tan và gìn giữ chúng cho việc sử dụng trong tương lai. Hãy dũng cảm; hãy mạnh mẽ; và hãy uống thuốc điều trị. Hãy rèn luyện thân thể vì điều đó là tốt cho bạn dù cho mỗi bước đi dường như nặng đến cả ngàn cân. Hãy ăn khi mà ngay cả thức ăn cũng khiến bạn thấy chán ghét. Hãy cố gắng thuyết phục bản thân mình khi mà bạn mất đi lý trí. Những lời khuyên trong chiếc bánh quy này nghe chừng thích đáng, nhưng cách tốt nhất để thoát khỏi trầm cảm là chán ghét trầm cảm và không cho phép bản thân bạn trở nên quen thuộc với nó. Hãy ngăn chặn ngay những ý nghĩ khủng khiếp xâm chiếm lấy đầu óc bạn.

Tôi sẽ tham gia trị liệu trầm cảm trong một thời gian dài. Tôi ước gì tôi có thể nói rõ điều này diễn ra như thế nào. Tôi không hiểu vì sao tôi lại cảm thấy buồn đến thế, và chỉ mơ hồ về việc làm thế nào mà tôi có thể vực dậy tinh thần rồi lại chìm dưới mênh mang hết lần này đến lần khác. Tôi đối xử với thứ hiện hữu, cái cây leo, theo mọi cách thông thường mà tôi có thể tìm thấy, rồi luận ra làm thế nào để sửa chữa thứ vắng mặt một cách đầy khó nhọc bằng trực giác như cái cách mà tôi học bước đi và tập nói. Tôi có rất nhiều những lần vấp ngã, rồi hai lần suy sụp tinh thần nghiêm trọng, rồi một lần nghỉ ngơi, rồi lần suy sụp thứ ba, và rồi thêm vài lần vấp ngã nữa. Sau tất cả, tôi làm những gì cần phải làm để tránh thêm muộn phiền. Vào mỗi sáng và mỗi tối, tôi nhìn vào những viên thuốc trong tay mình: trắng, hồng, đỏ, ngọc lam. Đôi khi chúng như được viết trên tay tôi, những con chữ tượng hình nói với tôi rằng tương lai có thể rồi sẽ ổn và rằng tôi mắc nợ bản thân mình để sống và chứng kiến điều đó. Đôi khi tôi cảm thấy như thể tôi nuốt trọn đám tang của mình những hai lần trong ngày, bởi vì nếu không có những viên thuốc ấy, tôi đã chết từ lâu. Tôi gặp bác sĩ tâm lý một lần mỗi tuần khi tôi về nhà. Tôi đôi khi thấy buồn chán với những cuộc hẹn ấy và đôi khi tôi thấy hào hứng theo một cách hoàn toàn khác biệt và đôi khi tôi có cảm giác như Chúa hiển linh. Một phần, từ những gì mà vị bác sĩ ấy nói với tôi, tôi tự xây dựng lại bản thân mình đủ để có thể tiếp tục chịu đựng đám tang của mình thay vì thực sự diễn phần vai đó trong đời thực. Rất nhiều cuộc nói chuyện liên quan đến điều đó: tôi tin rằng những lời lẽ có sức mạnh của riêng chúng, rằng chúng có thể chế ngự những điều ta sợ hãi khi mà nỗi sợ hãi dường như kinh khủng hơn so với cuộc sống vốn dĩ tốt đẹp này. Tôi đã chuyển sang, với một sự chú ý ngày càng tăng, để yêu thương. Tình yêu là một phương thức khác để tiến về phía trước. Chúng cần được kết hợp với nhau: nếu tách biệt thì thuốc men là thứ thuốc độc yếu, và tình yêu là một con dao cùn, bên trong một chiếc thòng lọng bị thắt lại dưới quá nhiều những sự căng thẳng. Với rất nhiều những thứ đó đó, nếu như bạn may mắn, bạn có thể cứu cây sồi khỏi cái cây leo.

Tôi yêu cái thế kỷ này. Tôi rất mong có được khả năng du hành vượt thời gian bởi vì tôi rất muốn được ghé thăm đất nước Ai Cập trong Kinh Thánh, nước Ý thời kỳ Phục Hưng, vương quốc Anh dưới sự trị vì của nữ hoàng Elizabeth, để được ngắm nhìn thời hoàng kim của đế chế Inca, được gặp gỡ những người thổ dân Great Zimbabwe, được thấy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từng như thế nào khi mà những người da đỏ còn làm chủ vùng đất. Nhưng tôi không mong sống tại một thời kỳ nào trong số đó. Tôi yêu thích sự tiện nghi của cuộc sống hiện đại. Tôi yêu sự phức tạp của triết lý sống của chúng ta. Tôi yêu cái cảm giác của sự chuyển biến vĩ đại bao trùm lên chúng ta tại thiên niên kỷ mới này, cái cảm giác rằng chúng ta đang ngấp nghé bên địa giới của sự hiểu biết rộng lớn hơn so với những gì mà con người từng biết đến trước đó. Tôi thích sự khoan dung của xã hội ở mức độ tương đối cao tại những quốc gia mà tôi sinh sống. Tôi thích việc có thể đi vòng quanh thế giới rồi lại vòng quanh thế giới. Tôi thích thú rằng con người đang sống lâu hơn nhiều so với trước đây, rằng thời gian trong tay chúng ta dài hơn nhiều so với hàng nghìn năm trước.

Dầu vậy, chúng ta đang phải đối mặt với những khủng hoảng chưa từng có trong môi trường vật chất của mình. Chúng ta sử dụng những tài nguyên của trái đất với một tốc độ khủng khiếp, tàn phá đất đai, biển cả, và bầu trời. Những khu rừng mưa nhiệt đới đã bị phá hủy; các đại dương của chúng ta đầy ắp rác thải công nghiệp; tầng ô-zôn bị thủng. Có nhiều người sinh sống trên trái đất này hơn bao giờ hết, và vào năm sau sẽ còn nhiều thêm nữa, và rồi năm kế tiếp lại thêm một nhiều hơn. Chúng ta gây ra những vấn đề sẽ làm khổ thế hệ tiếp theo, và cả thế hệ tiếp theo, rồi tiếp theo nữa. Con người đã biến đổi trái đất kể từ khi con dao bằng đá lửa đầu tiên được thành hình từ đá và hạt giống đầu tiên được gieo trồng bởi người nông dân Anatolia, nhưng tốc độ biến đổi giờ đây đã hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Tôi không phải là một kẻ hay gieo hoang mang sợ hãi về vấn đề môi trường. Tôi không tin rằng lúc này ta đang đứng trên bờ vực của sự diệt vong. Nhưng tôi tin chắc rằng chúng ta cần phải hành động để thay đổi hướng đi của mình nếu như chúng ta không muốn tuyệt diệt chính mình.

Đây là một dấu hiệu cho thấy tính linh hoạt của nhân loại mà từ đó chúng ta tìm ra những giải pháp mới trước những vấn đề này. Thế giới vẫn tiếp tục chuyển vần và cả các giống loài cũng vậy. Bệnh ung thư da giờ phổ biến hơn nhiều so với trước đây bởi vì bầu không khí của chúng ta ít được bảo vệ trước mặt trời hơn nhiều. Vào mùa hè, tôi thường bôi xem dưỡng da có hàm lượng chất SPF cao, và chúng giữ cho tôi được khỏe mạnh. Tôi thường tới gặp bác sĩ da liễu, người sẽ soi thấy một đốm tàng nhang ngoại cỡ và gửi nó tới phòng xét nghiệm để kiểm tra. Những đứa trẻ từng một thời trần truồng chạy dọc bãi biển ngày nào thì giờ đây lại đắp vô tội vạ các loại thuốc mỡ bảo vệ vào người. Những người đàn ông từng phơi lưng trần làm việc giữa trưa thì giờ đây lại mặc áo dài tay và cố gắng tìm kiếm bóng râm. Chúng ta hoàn toàn có khả năng đối phó với khía cạnh này của cuộc khủng hoảng. Chúng ta phát kiến ra những phương thức mới, mà dường như là một cách sống trong bóng tối. Chống nắng hay không chống nắng, dù sao đi nữa, thì chúng ta cũng không được phá hủy đi những gì còn sót lại. Ngay lúc này đây, vẫn còn nhiều ô-zôn lắm và nó vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Sẽ là tốt cho môi trường hơn cả nếu mọi người ngừng sử dụng xe hơi, nhưng điều đó sẽ chẳng xảy ra trừ phi có một đợt sóng thủy triều vô cùng khủng khiếp ập tới. Nói thẳng ra, tôi tin rằng con người sẽ đến sống trên mặt trăng trước khi xã hội này hoàn toàn thoát khỏi những phương tiện vận hành tự động. Sự thay đổi triệt để là không tưởng và theo nhiều cách là không đáng mong đợi, nhưng thay đổi là điều cần thiết.

Dường như trầm cảm xuất hiện kể từ khi con người có khả năng tự ý thức. Có lẽ là trầm cảm còn tồn tại trước cả thời điểm đó, rằng lũ khỉ và lũ chuột và có thể là bạch tuộc đều phải chịu đựng căn bệnh này trước khi sinh vật đầu tiên có hình dáng giống người tìm thấy đường đến hang động của mình. Chắc chắn là các triệu chứng gặp phải trong thời đại của chúng ta không có mấy khác biệt so với những gì đã được mô tả bởi Hippocrates vào 2.500 năm trước. Cả trầm cảm lẫn ung thư da đều không phải là phát hiện mới của thế kỷ 21. Giống như ung thư da, trầm cảm là nỗi đau đớn mang tính toàn diện đã leo thang trong thời gian gần đây vì một số lý do cụ thể. Chúng ta đừng chỉ đứng đó quá lâu mà bỏ qua thông điệp rõ ràng của những vấn đề đang phát triển nhanh chóng này. Sự tổn thương không phát hiện ra được ở thời đại trước thì giờ đây nở rộ thành căn bệnh lâm sàng. Chúng ta không những cần phải tận dụng cho bản thân mình những giải pháp tức thời đối với những về đề của chúng ta, mà còn phải tìm cách để ngăn chặn những vấn đề đó và tránh việc những vấn đề đó chiếm đoạt tâm trí chúng ta. Tỷ lệ gia tăng của trầm cảm là một hệ quả không cần phải bàn cãi của đời sống hiện đại. Tốc độ cuộc sống, sự hỗn loạn của công nghệ trong đó, sự xa cách giữa con người với nhau, sự phá vỡ của mô hình gia đình truyền thống, nỗi cô đơn đã trở thành đặc trưng, sự thất bại của các hệ thống niềm tin (tôn giáo, đạo đức, chính trị, xã hội – bất cứ điều gì từng có vẻ mang đến ý nghĩa và định hướng cho cuộc đời) đã trở thành thảm họa. May mắn thay, chúng ta đã phát triển những hệ thống nhằm đối phó với bài toán này. Chúng ta có các loại thuốc để đối phó với sự xáo trộn trong cơ thể, và những liệu pháp tâm lý nhằm xử lý những biến động cảm xúc của chứng bệnh mãn tính. Trầm cảm là chi phí gia tăng của xã hội chúng ta, nhưng nó không phải là sự thất bại. Chúng ta có những giải pháp tâm lý tương đương với kem chống nắng và mũ lưỡi trai và bóng râm.

Nhưng liệu chúng ta có giải pháp tương đương với một phong trào hoạt động vì môi trường, một hệ thống ngăn chặn những tổn hại mà chúng ta gây ra với tầng khí quyển của xã hội hay không? Rằng có những liệu pháp trị liệu không nên khiến chúng ta bỏ qua vấn đề được điều trị. Chúng ta cần phải thấy kinh sợ trước những con số thống kê. Cần phải làm gì đây? Đôi khi có vẻ như tỷ lệ bị bệnh và số người được điều trị đang cạnh tranh với nhau để xem thứ gì có thể vượt xa được thứ kia. Một vài người trong chúng ta muốn, hoặc là có thể, từ bỏ cuộc sống hiện đại trong suy nghĩ không hơn gì so với việc từ bỏ thế giới vật chất hiện đại. Nhưng lúc này đây chúng ta cần phải thực hiện những việc nhỏ để giảm thiểu mức độ ô nhiêm tâm-lý-xã-hội. Chúng ta cần phải tìm kiếm đức tin (vào bất cứ điều gì: Thượng đế hay bản thân hay người khác hay chính trị hay cái đẹp hay bất cứ một điều gì khác) và cấu trúc. Chúng ta cần phải giúp đỡ những người mà sự đau khổ của họ ẩn dưới quá nhiều niềm vui thú trên thế giới này – vì những đám đông hối hả và cả vì những con người riêng biệt thiếu đi mất động cơ sâu sắc trong cuộc đời mình. Chúng ta phải thực hiện hành động của tình yêu, và chúng ta cần phải truyền dạy cả điều ấy nữa. Chúng ta phải cải thiện những hoàn cảnh dẫn đến mức độ căng thẳng khủng khiếp. Chúng ta cần phải chống lại bạo lực, và có lẽ là cả những đại diện của nó nữa. Đây không phải là một đề nghị ủy mị; mà nó cũng cấp bách như là việc hãy cứu lấy những khu rừng nhiệt đới vậy.

Vào một thời điểm nào đó, một điểm mà chúng ta chưa đạt tới những rồi sẽ tới, tôi cho là, sớm thôi, mức độ tổn hại sẽ bắt đầu trở nên khủng khiếp hơn hẳn so với những lợi ích mà chúng ta có được từ những tổn hại đó. Sẽ không còn cuộc cách mạng nào cả, những sẽ có sự ra đời, có lẽ, của các kiểu trường học khác, các mô hình gia đình và xã hội khác, các quy trình xử lý thông tin khác. Nếu như chúng ta còn tiếp tục sinh sống trên trái đất này, thì chúng ta buộc lòng phải làm vậy. Chúng ta sẽ cân bằng việc chữa trị căn bệnh với việc thay đổi những hoàn cảnh đã tạo ra nó. Chúng ta sẽ tìm kiếm sự ngăn chặn cũng nhiều như sự chữa trị. Trong sự bão hòa của thiên niên kỷ mới, chúng ta sẽ, tôi hi vọng, cứu lấy những khu rừng nhiệt đới, tầng khí quyển, các dòng sông và những con suối, các đại dương trên trái đất này; và chúng ta cũng sẽ cứu, tôi hi vọng, tâm hồn và con tim của những con người sinh sống ở đó. Rồi ta sẽ kiềm chế nỗi sợ hãi không ngừng gia tăng của chúng ta về con ác quỷ lúc ban ngày – nỗi bất an và trầm cảm của chúng ta.

Người dân Campuchia vẫn luôn sống trong cái bóng của tấn thảm kịch ngày xưa. Trong suốt những năm 1970, nhà cách mạng Pol Pot đã xây dựng chế độ độc tài theo kiểu chủ nghĩa Mao ở Campuchia dưới cái tên mà ông ta gọi là Khmer đỏ. Theo sau đó là cuộc nội chiến đẫm máu, mà trong suốt thời kỳ đó 20 phần trăm dân số đã bị sát hại. Tầng lớp có học thức bị xóa sổ, và giai cấp nông dân thường xuyên phải di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, một số người bọn họ bị đưa vào nhà giam và bị xem thường và tra tấn; cả đất nước lúc nào cũng sống trong sợ hãi. Thật khó để xếp hạng các cuộc chiến tranh – những tội ác ở Rwanda gần đây cũng đặc biệt khủng khiếp – nhưng chắc chắn là thời kỳ của Pol Pot cũng kinh khủng như bất cứ thời điểm nào trong lịch sử gần đây. Điều gì sẽ xảy ra đối với cảm xúc của bạn khi chứng kiến một phần tư số đồng bào của mình bị sát hại, khi mà bản thân bạn thì sống trong gian khổ của một chế độ bạo tàn, khi mà bạn đấu tranh chống lại khả năng tái thiết một đế quốc đã suy tàn từ lâu? Tôi từng hi vọng được thấy điều gì đã diễn ra đối với cảm nhận của những người dân của một đất nước khi mà họ phải chịu đựng toàn bộ những căng thẳng đau buồn như vậy, khi nghèo khổ như vậy, khi hầu như không có được những nguồn lực, và chỉ có rất ít cơ hội được giáo dục hoặc việc làm. Tôi có thể sẽ lựa chọn những nơi chốn khác để tìm kiếm nỗi đau khổ ấy, nhưng tôi không muốn đến một đất nước đang lâm vào cảnh chiến tranh, vì tâm lý tuyệt vọng của thời chiến vẫn thường rất điên cuồng, trong khi sự tuyệt vọng đi cùng với sự tàn phá thường mang tính tê liệt và mang tính toàn diện hơn hẳn. Campuchia không phải là một đất nước mà phe phái này tàn bạo chống lại phe phái kia; đó là một đất nước mà mọi người đều rơi vào cuộc chiến chống lại toàn bộ những người còn lại, ở đó tất cả các cơ chế của xã hội đều bị hủy hoại hoàn toàn, và tại đó không hề có sự hiện hữu của tình yêu thương, không có lý tưởng, chẳng có gì tốt đẹp dành cho bất cứ ai.

Người Campuchia nhìn chung rất hòa nhã, và họ hết sức thân thiện với những người nước ngoài tới thăm mình. Hầu hết mọi người đều nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, và thú vị. Thật khó mà tin rằng cái đất nước xinh đẹp này chính là nơi mà sự tàn bạo của Pol Pot đã diễn ra. Mỗi người mà tôi gặp đều có một giải thích khác nhau về việc làm sao mà Khmer Đỏ có thể diễn ra ở đó, nhưng không một sự giải thích nào trong số đó là hợp lý cả, cũng như không một lời giải thích nào về Cách mạng văn hóa hay thuyết tư tưởng tập quyền của Stalin hay Chủ nghĩa quốc xã là hợp lý hết. Những điều này xảy ra với các xã hội, và khi nhìn lại ta có thể hiểu được vì sao một quốc gia lại đặc biệt dễ bị nguy hiểm đến vậy; nhưng những hành vi ấy bắt đầu từ đâu trong trí tưởng tượng của con người thì không thể biết được. Cơ cấu xã hội vốn luôn rất mỏng, nhưng không thể biết được làm thế nào mà nó lại bốc hơi hoàn toàn trong những xã hội này. Ngài Đại sứ Mỹ ở đó nói với tôi rằng vấn đề lớn nhất đối với người Khmer là xã hội Campuchia truyền thống không hề có một cơ chế hòa bình để giải quyết vấn đề. “Nếu như họ có những sự khác biệt,” ông nói, “họ sẽ phải chối bỏ chúng và ngăn chặn chúng một cách toàn bộ, hoặc là họ sẽ phải rút dao ra và chiến đấu.” Một thành viên Campuchia của chính phủ hiện thời nói rằng mọi người đã phải khúm núm quá nhiều trước một vị vua chuyên quyền trong quá nhiều năm và không nghĩ tới việc chiến đấu chống lại chính quyền cho tới khi quá muộn. Tôi còn nghe được ít nhất là cả chục câu chuyện khác; nhưng mà tôi vẫn thấy hoài nghi.

Trong những cuộc phỏng vấn với những người từng phải chịu đựng sự hung tàn dưới bàn tay của Khmer Đỏ, tôi nhận thấy rằng hầu hết mọi người đều thích nhìn về phía trước. Tuy nhiên, khi tôi tìm hiểu thêm về câu chuyện cá nhân của họ, thì họ sẽ chuyển sang thì quá khứ thê lương. Những câu chuyện mà tôi nghe được thật vô nhân tính và kinh khủng và ghê tởm. Mỗi một người trưởng thành mà tôi gặp gỡ ở Campuchia đều phải chịu đựng những vết thương bên ngoài mà sẽ khiến hầu hết chúng ta phát điên hoặc tìm đến tự vẫn. Nhưng những gì mà họ đã trải qua trong tâm trí mình lại là một mức độ khủng khiếp khác. Tôi tới Campuchia để hạ mình trước nỗi đau của những người khác, và tôi đã hạ mình xuống tận mặt đất.

Năm ngày trước khi rời khỏi đất nước này, tôi gặp Phaly Nuon, một ứng cử viên khá thường xuyên của giải Nobel Hòa bình, người sáng lập ra một trại trẻ mồ côi và một trung tâm dành cho những phụ nữ bị trầm cảm ở Phnom Penh. Bà đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc trong việc hồi sinh những người phụ nữ bị đau đớn về tinh thần mà các bác sĩ đã đầu hàng trước việc điều trị. Thực ra thành công của bà quá lớn đến mức hầu hết những người phụ nữ mà bà từng giúp đỡ đều trở thành nhân viên của trại trẻ mồ côi, và đã hình thành nên một cộng đồng của lòng cao thượng xoay quanh Phaly Nuon. Nếu như bạn cứu giúp những người phụ nữ, họ nói, đến phiên họ sẽ cứu các trẻ em, và từ đó hình thành nên một chuỗi ảnh hưởng có thể cứu cả một đất nước.

Chúng tôi gặp nhau trong một căn phòng nhỏ ở một tòa nhà văn phòng cũ gần trung tâm thủ đô Phnom Penh. Bà ngồi đó trên một chiếc ghế, còn tôi ngồi trên một chiếc ghế trường kỷ nhỏ ở phía đối diện. Đôi mắt không cân xứng của Phaly Nuon dường như có thể nhìn xuyên qua bạn ngay tức khắc và, tuy nhiên, lại chào đón bạn. Cũng như hầu hết những người Campuchia khác, bà tương đối nhỏ bé nếu so sánh với tiêu chuẩn phương Tây. Mái tóc hoa râm của bà được đưa về phía sau và mang đến cho khuôn mặt bà một độ cứng cỏi nhất định. Bà có thể công kích bạn khi đưa ra những luận điểm của mình, nhưng bà cũng thật ngại ngùng, mỉm cười và nhìn xuống những khi không nói chuyện.

Chúng tôi bắt đầu với câu chuyện của chính bà. Vào đầu những năm bảy mươi, Phaly Nuon từng làm việc cho Kho bạc và Phòng thương mại của Campuchia với vai trò thư ký. Vào năm 1975, khi mà Phnom Penh rơi vào tay Pol Pot và Khmer Đỏ, bà bị đưa ra khỏi ngôi nhà của mình cùng chồng và các con. Chồng bà bị đưa đến nơi nào không biết, và bà không biết được liệu ông đã bị xử tử hay là vẫn còn sống. Bà bị bắt lao động trên đồng ruộng như một nông dân cùng với cô con gái mười hai tuổi của mình, cậu con trai ba tuổi và một đứa con mới sinh. Điều kiện thời ấy thật là khắc nghiệt và thức ăn thì khan hiếm, nhưng bà vẫn làm việc bên những người bạn khác, “không bao giờ nói với họ bất cứ điều gì, và không bao giờ cười, như thể chúng tôi chưa bao giờ biết cười, bởi vì chúng tôi biết rằng vào bất kỳ lúc nào chúng tôi cũng có thể chết.” Sau vài tháng, bà và gia đình bị đưa đến một địa phương khác. Trong cuộc di chuyển, một nhóm lính trói bà vào một thân cây và buộc bà chứng kiến cảnh con gái mình bị cưỡng hiếp tập thể rồi bị sát hại. Vài ngày sau đó đến lượt Phaly Nuon. Bà cùng một vài người khác bị đưa tới một cánh đồng bên ngoài thị trấn. Rồi họ trói tay bà ra sau và trói chân bà lại với nhau. Sau khi buộc bà quỳ xuống, chúng trói bà vào một cột tre, và chúng bắt bà quỳ xuống mặt đất đầy bùn, để chân bà bị căng lên hoặc sẽ mất thăng bằng. Ý tưởng ở đây là khi bà cuối cùng ngã xuống vì kiệt sức, bà sẽ ngã xuống đống bùn và, không thể di chuyển, và sẽ chết chìm trong đó. Cậu con trai ba tuổi đi theo và khóc bên cạnh bà. Đứa trẻ mới sinh bị trói vào cùng với bà để rồi thằng bé cũng sẽ chết chìm nếu như bà ngã xuống: Phaly Nuon sẽ là kẻ sát hại con mình.

Phaly Nuon đã nói dối chúng. Bà nói rằng, trước chiến tranh, bà từng làm việc cho một trong những thành viên cấp cao của Khmer Đỏ, rằng bà từng là người tình của ông ta, rằng ông ta sẽ giận dữ nếu như bà bị giết. Chỉ rất ít người mới có thể chạy thóat khỏi cánh đồng chết, nhưng tên chỉ huy có lẽ đã tin vào câu chuyện của Phaly Nuon, cuối cùng hắn nói rằng hắn không thể chịu nổi tiếng gào khóc của con bà và rằng những viên đạn quá đắt đỏ để mà lãng phí vào việc giết bà chóng vánh, và hắn cởi trói cho Phaly Nuon và bảo bà chạy đi. Với một tay bồng đứa con nhỏ và tay kia bồng đứa con ba tuổi, bà chạy sâu vào trong khu rừng phía đông bắc của Campuchia. Bà ở trong rừng ba năm, bốn tháng, và mười tám ngày. Bà không bao giờ ngủ hai lần ở một nơi. Khi bà di chuyển, bà hái lá cây và đào củ để nuôi sống mình và gia đình, nhưng thức ăn rất khó tìm và những người khác, những người khỏe mạnh hơn thường đã lấy đi hết mọi thứ. Thiếu dinh dưỡng trầm trọng, bà bắt đầu ốm yếu gầy mòn đi. Sữa trong bầu ngực bà dần khô cạn đi, và đứa con nhỏ mà bà không thể cho bú đã chết trong vòng tay bà. Bà và đứa con còn lại lay lắt sống và vượt qua được giai đoạn chiến tranh.

Vào thời điểm Phaly Nuon kể cho tôi câu chuyện này, cả hai chúng tôi đều di chuyển tới phần nền nhà giữa những chiếc ghế của chúng tôi và bà rơi nước mắt và dùng chân di chuyển hòn đá dưới chân mình, trong khi khi tôi ngồi tựa đầu lên gối và đặt một tay lên vai bà như là một cái ôm trong tình trạng gần như bị thôi miên trong lúc nghe bà kể chuyện. Bà tiếp tục câu chuyện với chất giọng gần như tiếng thì thầm. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà tìm thấy chồng mình. Ông bị đánh đập tồi tệ ở phần đầu và cổ, dẫn đến việc bị ảnh hưởng tinh thần đáng kể. Bà và chồng và con trai mình đều được đưa tới một trại tập trung ở gần biên giới Thái Lan, nơi mà hàng nghìn người sinh sống trong những túp lều tạm bợ. Họ bị lạm dụng về cơ thể và tình dục bởi một số nhân viên làm việc tại trại, và giúp đỡ những người khác. Phaly Nuon là người duy nhất có học thức trong số những người ở đó, và, biết nhiều ngoại ngữ, bà có thể nói chuyện với những nhân viên cứu trợ. Bà trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của trại tập trung, và bà và gia đình mình được đưa tới căn lều gỗ mà được xem như khá là xa xỉ vào thời đó. “Tôi hỗ trợ một vài nhiệm vụ cứu trợ cụ thể vào thời điểm đó,” bà kể lại. “Vào mọi lúc tôi đi vòng quanh, tôi nhìn thấy những người phụ nữ ở trong tình trạng rất tồi tệ, nhiều người trong số họ như bị liệt vậy, không chuyển động, không nói chuyện, không chăm sóc và quan tâm tới con cái mình. Tôi thấy dù họ đã vượt qua được cuộc chiến tranh, thì lúc này họ sẽ chết vì trầm cảm, bởi sự hoàn toàn bất lực vì căng thẳng sau chấn thương của mình.” Phaly Nuon đưa ra một đề nghị đặc biệt với các nhân viên cứu trợ và thiết lập túp lều của mình như là một trung tâm trị liệu tâm lý.

Bà sử dụng những phương thuốc truyền thống của người Khmer (được điều chế từ hàng trăm loại thảo dược khác nhau) như là bước đầu tiên. Nếu như nó không hiệu quả, bà sẽ sử dụng thuốc Tây nếu có sẵn, vì đôi khi các loại thuốc có sẵn để sử dụng. “Tôi sẽ giấu đi bất kỳ thứ thuốc chống trầm cảm nào mà các nhân viên cứu trợ có thể mang đến,” bà nói, “và cố gắng có đủ cho những ca tệ nhất.” Bà cũng hướng dẫn các bệnh nhân của mình ngồi thiền, lập trong nhà mình một điện Phật và bày những bông hoa ở trên đó. Bà sẽ thuyết phục những người phụ nữ mở lòng mình ra. Đầu tiên, bà sẽ dành ra ba giờ để khiến mỗi người phụ nữ kể câu chuyện của mình. Rồi sau đó bà sẽ thường xuyên ghé thăm họ để hiểu về câu chuyện thêm nữa, cho tới khi bà giành được toàn bộ sự tin tưởng của người phụ nữ đang tuyệt vọng kia. “Tôi phải biết được câu chuyện mà những người phụ nữ này cần phải kể,” bà giải thích, “bởi vì tôi muốn hiểu thấu đáo những gì mà mỗi một người cần phải vượt qua.”

Một khi bước khởi đầu này được hoàn thành, bà sẽ chuyển sang một hệ thống có tính công thức. “Tôi chia nó làm ba bước,” bà nói. “Đầu tiên, tôi dậy họ cách quên đi. Chúng tôi có những bài tập hàng ngày để mà mỗi ngày họ có thể quên đi thêm một chút về những điều mà họ sẽ không bao giờ có thể hoàn toàn quên được. Trong suốt thời gian này, tôi cố gắng sao nhãng họ bằng âm nhạc hoặc với việc thêu thùa hoặc dệt vải, với những buổi buổi diễn ca nhạc, với vài giờ xem TV, với bất kỳ thứ gì có vẻ hiệu quả, với bất kỳ điều gì họ nói với tôi rằng họ thấy thích thú. Trầm cảm là thứ nằm bên dưới lớp da của chúng ta, toàn bộ bề mặt cơ thể đều chứa đựng sự trầm cảm ở sau nó, và chúng ta có thể cố gắng lãng quên sự trầm cảm ngay cả khi nó ở ngay đó.”

“Khi tâm trí họ đã xóa bỏ được những gì họ cần phải quên đi, khi họ học được cách lãng quên, tôi sẽ dạy họ làm việc. Bất kỳ loại công việc gì mà họ muốn làm, tôi sẽ tìm ra cách để dạy nó cho họ. Một số người được đào tạo chỉ để lau dọn nhà cửa, hay chăm sóc trẻ em. Còn những người khác thì học những kỹ năng mà họ có thể sử dụng với trẻ mồ côi, và một số người người thì bắt đầu một nghề nghiệp chuyên môn thật sự. Họ phải học để làm tốt những điều này và để tự hào về bản thân.”

“Và rồi khi họ đã thuần thục công việc của mình, cuối cùng, tôi sẽ dạy họ cách yêu thương. Tôi xây một nhà chái và biến nó thành phòng tắm hơi, và hiện nay ở Phnom Penh tôi sử dụng một cái tương tự, được xây tốt hơn nhiều. Tôi đưa họ tới đó để họ có thể tắm rửa sạch sẽ, tôi dạy họ cách chăm sóc móng tay và móng chân cho nhau và làm thế nào để chăm sóc móng tay của chính mình, bởi vì việc làm như vậy sẽ khiến họ cảm thấy rằng mình đẹp, và họ thì rất muốn được xinh đẹp. Điều đó cũng khiến họ tiếp xúc với cơ thể của những người khác và khiến họ đưa thân thể của mình cho người khác chăm sóc. Nó cứu họ khỏi sự cô độc về mặt cảm xúc, mà thường khiến họ đau khổ, và dẫn đến sự suy sụp tinh thần. Khi họ cùng nhau tắm rửa và tô lên lớp sơn móng tay, họ bắt đầu nói chuyện cùng nhau, và từng chút một họ học cách tin tưởng lẫn nhau, và đến cuối cùng, họ học cách kết bạn, để rồi họ sẽ không bao giờ còn cảm thấy cô đơn và cô độc nữa. Những câu chuyện của họ, mà họ chưa từng kể với ai trừ tôi ra – thì giờ đây họ bắt đầu kể cho nhau nghe.”

Phaly Nuon sau đó chỉ cho tôi những vật dụng hành nghề bác sĩ tâm lý của bà, những chiếc bình nhỏ tráng men sứ màu, phòng tắm hơi, những cây gậy để chà da, những tấm ván, những chiếc khăn tắm. Tắm gội là một trong những hình thức nguyên thủy của sự hòa nhập xã hội giữa động vật linh trưởng, và điều này dẫn đến việc tắm gội là một cách thức hòa nhập xã hội giữa con người với nhau. Tôi nói với bà rằng tôi từng cho rằng thật khó để dạy chính chúng ta hay những người khác học cách quên đi, cách làm việc, và cách yêu và được yêu, nhưng bà nói rằng nó không đến nỗi phức tạp như thế nếu ta có thể tự mình làm ba điều đó. Bà nói với tôi về việc làm thế nào mà những người phụ nữ từng được bà điều trị đã trở thành một cộng đồng, và về việc họ đã đối xử tốt với những đứa trẻ mồ côi mà họ chăm sóc ra sao.

“Đây là bước cuối cùng,” bà nói với tôi sau một lúc im lặng. “Cuối cùng, tôi dạy cho họ điều quan trọng nhất. Tôi dạy họ rằng ba kỹ năng này – lãng quên, làm việc, và yêu thương – không phải là ba kỹ năng riêng biệt, mà là một phần của cả một tổng thể to lớn, và rằng đó là việc thực hiện những điều này cùng với nhau, mỗi điều trong đó như là một phần của điều kia, và nó sẽ tạo nên một sự khác biệt. Đó là điều khó truyền đạt nhất” – bà bật cười – “nhưng tất cả bọn họ đều hiểu ra điều này, và khi họ làm vậy – vì cái gì, thì họ đã sẵn sàng để bước vào thế giới lần nữa.”


Trầm cảm giờ đây tồn tại như một hiện tượng mang tính cá nhân và xã hội. Để chống lại trầm cảm một người cần phải hiểu được trải nghiệm của sự suy sụp, phương thức hoạt động của thuốc, và những dạng thức phổ biến nhất của việc trị liệu bằng lời nói (phân tâm học, giữa cá nhân với nhau, và nhận thức). Kinh nghiệm là một người thầy tốt và những phương pháp điều trị chính thống đã từng được thử nghiệm và kiểm tra; nhưng nhiều phương pháp khác, từ cây Saint John’s wort cho tới khoa ngoại thần kinh, đều mang đến những hứa hẹn chấp nhận được – mặc dù cũng còn nhiều thủ đoạn lang băm ở đây hơn những lĩnh vực sử dụng thuốc khác. Phương pháp điều trị thông minh đòi hỏi một sự kiểm tra chặt chẽ trên đối tượng dân số cụ thể: trầm cảm có các biến thể đáng chú ý đặc biệt đối với trẻ em, với người già, và với mỗi giới tính. Những người lạm dụng chất kích thích hình thành nên một nhóm của riêng mình. Tự tử, ở nhiều dạng của nó, là một sự phức tạp của trầm cảm; điều quan trọng là phải hiểu làm thế nào mà một cơn trầm cảm lại có thể dẫn đến cái chết.

Những vấn đề trải nghiệm này lại dẫn tới dịch tễ học. Xem trầm cảm như là một chứng bệnh thời hiện đại là một điều mang tính thời thượng, và đây là một sai lầm, mà việc nhìn lại về lịch sử tâm thần sẽ cho ta thấy điều đó. Sẽ là hợp mốt khi nghĩ về chứng bệnh này như là chứng bệnh của tầng lớp trung lưu dựa vào những sự biểu hiện của nó. Nhưng cả điều này nữa cũng là không đúng. Khi nhìn vào chứng trầm cảm ở những người nghèo, chúng ta có thể thấy rằng những điều cấm kị và định kiến đã ngăn chúng ta khỏi việc giúp đỡ một phần dân số phi thường dễ tiếp thu với sự giúp đỡ đó. Vấn đề về trầm cảm ở những người nghèo tự nhiên sẽ dẫn đến những vấn đề chính trị cụ thể. Chúng ta cần lập pháp với những ý tưởng về bệnh tật và phương pháp điều trị xoay quanh sự tồn tại này.

Sinh học không phải là định mệnh. Có nhiều cách để đi tới một cuộc sống tốt đẹp cùng với với trầm cảm. Thực vậy, những người mà học được từ sự trầm cảm của mình có thể rèn luyện đạo đức từ trải nghiệm của bản thân, và đó là một sợi lông tơ nằm dưới đáy chiếc hộp sầu khổ của họ. Có một chuỗi rộng của sự phân bố cảm xúc cơ bản mà chúng ta không thể và cũng không nên trốn tránh, và tôi tin rằng trầm cảm nằm trong sự phân bố đó, không chỉ nằm gần với đau khổ mà còn cả tình yêu nữa. Quả thực tôi tin rằng tất cả những cảm xúc mạnh mẽ đều đứng cùng với nhau, và rằng mỗi một trong số đó đều phụ thuộc vào những gì mà chúng ta thường nghĩ ngược lại. Tôi đã từng có thời điểm xoay sở để kiềm nén lại sự bất lực mà trầm cảm gây ra, nhưng trầm cảm tự nó lại tồn tại mãi mãi trong sự tầm thường của bộ não tôi. Nó là một phần trong tôi. Để chiến đấu chống lại trầm cảm là chiến đấu chống lại chính mình, và điều quan trọng là cần phải biết trước những trận chiến ấy. Tôi tin rằng trầm cảm có thể bị xóa bỏ chỉ bằng việc đào sâu vào những cơ chế cảm xúc khiến ta là một con người. Khoa học và triết học cần phải được đưa vào như là một nửa của biện pháp chữa trị.

“Hãy chào đón nỗi đau này,” Ovid từng viết, “vì bạn sẽ học được từ đó.” Hoàn toàn có thể (dù cho trong thời gian không chắc chắn) rằng, thông qua tác động hóa học, chúng ta có thể định vị, kiểm soát, và xóa bỏ mạch máu của sự đau khổ trong não. Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ làm điều đó. Việc loại bỏ nó đi cũng sẽ đồng nghĩa với việc gạn bớt kinh nghiệm, và sẽ tác động đến một sự phức tạp có giá trị hơn hẳn bất kỳ thành phần nào đang đau khổ của nó. Nếu như tôi có thể nhìn thế giới theo chín chiều không gian, thì tôi sẽ phải trả một cái giá đắt vì điều đó. Tôi sẽ sống mãi mãi trong màn sương của sự đau khổ thay vì từ bỏ cái khả năng cảm nhận đau đớn. Nhưng nỗi đau không phải là trầm cảm cấp tính; một người yêu và được yêu trong sự đau khổ lớn lao, và một con người sống trong việc trải nghiệm cuộc sống. Chính phẩm chất thây ma của trầm cảm là thứ mà tôi luôn cố gắng xóa sổ khỏi đời mình; nó cũng giống như là nòng pháo chống lại sự tuyệt diệt mà cuốn sách này được viết ra.

 

Đọc tiếp chương 2 ở đây 

Người dịch: December Child

Nguồn: https://archive.nytimes.com/www.nytimes.com/books/first/s/24solomon.html?mcubz=0

menu
menu