Bản chất xấu xa của loài người trong 10 phát hiện tâm lý
10 phát hiện buồn tiết lộ những khía cạnh đen tối và khó có thể lấy làm tự hào về bản chất con người
Đây là một câu hỏi đã vang vọng qua nhiều thế hệ – liệu có phải loài người, dù không hoàn hảo, nhưng có bản chất thiện lương và óc xét đoán hay không? Hay sâu thẳm bên trong, chúng ta bị ràng buộc bởi sự xấu xa, hẹp hòi, lười nhác, kiêu ngạo, căm thù và ích kỷ? Câu trả lời không dễ dàng, và hiển nhiên là mỗi người mỗi tính, song ở đây chúng ta đang phơi bày một số bằng chứng có cơ sở về vấn đề này thông qua 10 phát hiện buồn tiết lộ những khía cạnh đen tối và khó có thể lấy làm tự hào về bản chất con người:
Ta coi những nhóm thiểu số và dễ bị tổn thương là kém bình đẳng hơn so với con người. Một ví dụ nổi bật về sự phi nhân tính trắng trợn này đến từ một nghiên cứu quét não cho thấy một nhóm nhỏ sinh viên thể hiện ít hoạt động thần kinh liên quan đến việc suy nghĩ về con người hơn khi họ nhìn vào những tấm hình của người vô gia cư hay người nghiện ma túy, so với khi nhìn vào những người có địa vị cao hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy những người phản đối dân nhập cư Ả Rập có xu hướng đánh giá người Ả Rập và Hồi giáo kém tiến hóa hơn so với mức trung bình theo đúng nghĩa đen. Trong số các ví dụ khác, cũng có bằng chứng cho thấy những người trẻ tuổi làm mất nhân tính của người già, và đàn ông và phụ nữ đều giống nhau trong việc làm mất đi phẩm giá của những phụ nữ uống rượu. Hơn thế nữa, xu hướng phi nhân tính bắt đầu từ rất sớm – trẻ con năm tuổi đã coi những khuôn mặt xa lạ không nằm trong nhóm của mình (những người đến từ một thành phố khác hay giới tính khác) là kém tính người hơn so với các khuôn mặt quen thuộc.
Chúng ta trải nghiệm Schadenfreude (vui mừng trên nỗi đau của người khác) vào năm 4 tuổi, theo một nghiên cứu từ năm 2013. Cảm nhận này sẽ gia tăng nếu đứa trẻ quan sát thấy người kia đáng phải nhận nỗi đau ấy. Một nghiên cứu gần đây hơn phát hiện ra, vào năm sáu tuổi, trẻ em sẽ trả tiền để xem một kẻ chống đối xã hội bị đánh, thay vì tiêu tiền vào các hình dán vui nhộn.
Chúng ta tin vào nghiệp chướng – cho rằng sự chà đạp mà người khác phải gánh chịu là số phận của họ. Hậu quả đáng tiếc của những niềm tin như vậy đã được chứng minh lần đầu tiên trong nghiên cứu giờ đã trở thành kinh điển vào năm 1966 do nhà tâm lý học người Mỹ, Melvin Lerner và Carolyn Simmons thực hiện. Trong thí nghiệm này, một nữ sinh viên bị trừng phạt bằng những cú sốc điện do trả lời sai, những người phụ nữ tham gia sau đó đánh giá cô khó ưa và không đáng ca ngợi khi họ nghe được rằng họ sẽ nhìn thấy cô phải chịu sốc điện một lần nữa, và đặc biệt khi họ cảm thấy bất lực trong việc giảm bớt sự đau khổ này. Kể từ đó nghiên cứu đã cho thấy chúng ta sẵn sàng đổ lỗi cho những người nghèo, nạn nhân hiếp dâm, bệnh nhân AIDS và những người khác vì số phận của họ, cũng là để giữ vững niềm tin của mình vào một thế giới công bằng. Mở rộng ra, các quá trình tương tự nhiều khả năng cũng chịu trách nhiệm cho quan điểm đầy màu hồng về người giàu của chúng ta.
Chúng ta phiến diện và giáo điều. Nếu loài người có tư duy hợp lý và cởi mở, thì cách thẳng thắn để sửa chữa những niềm tin sai lầm của người khác sẽ là trình bày cho họ nghe những sự thật có liên quan. Tuy nhiên, một nghiên cứu kinh điểm vào năm 1979 cho thấy sự vô ích của phương pháp tiếp cận này – những người tham gia tin tưởng hoặc chống đối mạnh mẽ cái chết trừng phạt hoàn toàn lờ đi những sự thật làm suy yếu đi vị thế hiện tại, và còn gia tăng gấp đôi quan điểm ban đầu của họ. Điều này xảy ra một phần vì chúng ta nhìn nhận những sự thật đối lập làm suy yếu đi bản sắc cá nhân của mình. Tệ hơn là nhiều người trong chúng ta quá tự tin về mức độ thấu hiểu sự việc của bản thân, và khi ta tin rằng ý kiến của mình vượt trội hơn người khác, nó sẽ ngăn ta tìm kiếm thêm những kiến thức liên quan.
Chúng ta thà để bị điện giật còn hơn dành thời gian chìm trong suy nghĩ một mình. Điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu gây tranh cãi năm 2014, trong đó có 67 phần trăm nam giới, 25 phần trăm nữ giới đã tự chọn cho mình những cú sốc điện không mấy thoải mái thay vì dành 15 phút chiêm nghiệm trong yên bình.
Chúng ta kiêu căng và tự phụ. Sự vô lý và giáo điều của chúng ta có thể không quá tệ nếu kết hợp với chút khiêm tốn và tự giác, song phần lớn chúng ta lại nghênh ngang với những quan điểm bị thổi phồng về khả năng và phẩm chất của bản thân, như kỹ năng lái xe, trí thông minh và sự hấp dẫn – một hiện tượng được mệnh danh là Hiệu ứng hồ Wobegon trong một thị trấn tưởng tượng nơi mọi phụ nữ đều mạnh mẽ, mọi đàn ông đều điển trai, và mọi đứa trẻ đều trên trung bình. Trớ trêu thay, những người kém kỹ năng nhất trong số chúng ta lại dễ tự phụ nhất (còn gọi là hiệu ứng Dunning-Kruger). Tính tự phụ vô ích này dường như trở nên cực đoan và phí lý trong những trường hợp liên quan đến đạo đức, chẳng hạn như mức độ ta nghĩ mình nguyên tắc và công bằng. Thực tế, ngay cả những tên tội phạm bị bỏ tù cũng nghĩ họ tử tế, đáng tin cậy và chân thành hơn mức trung bình trong xã hội.
Chúng ta là những kẻ đạo đức giả. Cần thận trọng với những kẻ nhanh nhảu lớn tiếng lên án những thất bại đạo đức của người khác – khả năng là những người hay rao giảng đạo lý cũng mang đầy tội lỗi, song lại coi những vi phạm của mình nhẹ nhàng hơn. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng người ta đánh giá cùng một hành vi ích kỷ (tự cho mình hai nhiệm vụ thử nghiệm dễ hơn và nhanh hơn) là bất công khi hành vi này được duy trì bởi một người khác. Tương tự, một hiện tượng đã được nghiên cứu từ lâu tên là sự bất đối xứng của diễn viên – người quan sát, phần nào mô tả xu hướng của chúng ta là quy kết những thói xấu của người khác, chẳng hạn như sự phản bội của bạn đời, là do tính cách của họ, trong khi quy cho những tật xấu của bản thân là hành động bộc phát. Bản thân tiêu chuẩn kép này còn giải thích cảm giác phổ biến rằng sự thô lỗ đang gia tăng – nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta nhìn nhận những hành vi thô lỗ khắc nghiệt hơn nhiều khi những người lạ thực hiện so với bạn bè hay bản thân mình làm.
Tất cả chúng ta đều là những kẻ độc ác tiềm tàng. Bất cứ ai từng tham gia vào một vụ cãi vã trên Twitter đều có thể chứng thực, truyền thông xã hội có thể đang phóng đại một số khía cạnh tồi tệ nhất trong bản chất con người, một phần do hiệu ứng thiếu đồng cảm trực tuyến, và thực tế là việc ẩn danh (dễ dàng đạt được khi lên mạng) được biết đến có khả năng làm gia tăng khuynh hướng vô đạo đức của chúng ta. Trong khi nghiên cứu đã cho thấy những người sẵn sàng thực hiện những trò oái oăm hàng ngày (chiếm tỷ lệ cao đáng lo ngại trong số chúng ta) thì đặc biệt có xu hướng bắt nạt trên mạng, một nghiên cứu được công bố năm ngoái tiết lộ việc một người đang có tâm trạng tồi tệ cộng với bị người khác trêu chọc ác ý, sẽ nhân đôi khả năng người đó tự gây hại cho chính mình. Thực tế, việc bị một số ít người trêu chọc ban đầu có thể gây ra hiệu ứng tuyết lăn làm gia tăng sự tiêu cực, vốn là những gì các nhà nghiên cứu phát hiện được khi nghiên cứu phần bình luận trên CNN.com, với “tỷ lệ bài viết bị gắn cờ cảnh cáo và tỷ lệ người dùng có bài viết bị gắn cờ cảnh cáo…tăng dần theo thời gian.”
Chúng ta ủng hộ các nhà lãnh đạo kém hiệu quả vì các đặc điểm thái nhân cách. Nhà tâm lý học nhân cách người Mỹ, Dan McAdams, gần đây đã kết luận rằng sự hung hăng và những lời lăng mạ công khai của tổng thống Donald Trump mang một “sức hấp dẫn nguyên thủy”, và “những dòng tweet kích động” của ông giống như “biểu hiện tấn công” của một con tinh tinh đực alpha, “được thiết kế để đe dọa.” Nếu đánh giá của McAdams là đúng, nó sẽ khớp với một mô hình rộng hơn – rằng có đến hơn một nửa số nhà lãnh đạo mang đặc điểm thái nhân cách. Thực hiện khảo sát các lãnh đạo tài chính tại New York cho thấy họ đạt điểm cao về các đặc điểm thái nhân cách song lại có số điểm thấp hơn mức trung bình về trí thông minh cảm xúc. Một phân tích tổng hợp được công bố vào mùa hè này đã kết luận rằng có một mối liên hệ khiêm tốn nhưng đáng kể giữa các đặc điểm thái nhân cách cấp độ cao và việc có được vị trí lãnh đạo, điều này rất quan trọng vì bệnh thái nhân cách cũng có mối tương quan với kỹ năng lãnh đạo tồi.
Chúng ta bị hấp dẫn tình dục với những người có tính cách đen tối. Chúng ta không chỉ bỏ phiếu cho những người có đặc điểm thái nhân cách để trở thành lãnh đạo, mà bằng chứng còn cho thấy đàn ông và phụ nữ bị hấp dẫn về mặt tình dục, ít nhất là trong ngắn hạn, với những người thể hiện ra cái gọi là “bộ ba đen tối” – ái kỷ, tâm thần và chủ nghĩa Machiavelli – do đó có nguy cơ tuyên truyền thêm cho những đặc điểm này. Một nghiên cứu cho thấy sức hấp dẫn về mặt cơ thể của một người đàn ông đối với phụ nữ sẽ gia tăng khi anh ta được mô tả là người ái kỷ, thao túng và lạnh lùng. Một giả thuyết cho rằng các đặc điểm đen tối truyền đạt thành công tín hiệu “phẩm chất con đực” về sự tự tin và sẵn sàng gánh chịu rủi ro. Điều này có quan trọng với tương lai của loài chúng ta hay không? Có lẽ là có –một báo cáo khác vào năm 2016, đã phát hiện ra rằng những phụ nữ bị thu hút mạnh mẽ bởi khuôn mặt của những người đàn ông ái kỷ có xu hướng có nhiều con hơn.
Đứng bi quan quá – những phát hiện này không nhắc đến thành công mà một vài người trong chúng ta có khi nỗ lực vượt qua bản năng sơ khai của mình. Trên thực tế, người ta cho rằng bằng cách thừa nhận và thấu hiểu những thiếu sót của bản thân, chúng ta có thể thành công hơn trong việc khắc phục chúng, vì vậy hãy nuôi dưỡng những thiên thần tốt bụng trong mình.
Tác giả:
Ảnh: Newspaper Carriers (Work disgraces) by Georg Scholz. 1921. Courtesy Wikipedia
Dịch: Hoàng Dung