Bị lây nhiễm ham muốn
Loại đồ uống đó, điếu thuốc lá đó, điệu nhảy đó: ham muốn rất dễ lây nhiễm. Liệu bạn có thể miễn dịch trước sự lây nhiễm?
Loại đồ uống đó, điếu thuốc lá đó, điệu nhảy đó: ham muốn rất dễ lây nhiễm. Liệu bạn có thể miễn dịch trước sự lây nhiễm?
Phần lớn những gì chúng ta biết đến từ người khác. Tôi tin rằng Moroni là thủ đô của quần đảo Comoros ở Ấn Độ Dương vì một người bạn của tôi vừa kể cho tôi biết cách đây năm phút, và tôi chẳng có lý do gì để cho rằng cô ấy đang tìm cách lừa gạt tôi. Nhưng cô ấy cũng chưa từng ở đó–cô ấy biết điều này chỉ vì cô đã đọc được ở đâu đó.
Chúng ta thu được hầu hết hiểu biết của mình về thế giới theo cách này–bởi sự chứng nhận. Sự chứng nhận là một điều tốt. Nếu chúng ta chỉ có thể dựa vào các giác quan/cảm giác của mình thì kiến thức của ta sẽ rất hạn chế. Khi bạn xem tin tức, nghe dự báo thời tiết hay buôn chuyện về một đồng nghiệp ở đài phun nước, ấy là bạn đang dựa vào sự chứng nhận (testimony) của người khác. Sự phân công lao động lành mạnh này mở rộng chân trời nhận thức của chúng ta.
Vì vậy hầu hết niềm tin của chúng ta đều dựa trên niềm tin của người khác. Thế còn những ham muốn thì sao? Những ham muốn của chúng ta dựa trên điều gì? Vâng, ít nhất thì phần nào dựa trên những ham muốn của người khác.
Hãy tưởng tượng bạn của bạn, một đầu bếp sành ăn, yêu thích một nhà hàng nào đó và cứ liến thoắng hoài về việc muốn đến đó. Thật khó để bạn không có cảm giác muốn đi đến đó. Hoặc hãy tưởng tượng, mặc dù bạn thật sự không thích nhảy, bạn đi đến một hộp đêm với bạn bè của bạn. Nhưng khi tất cả mọi người quanh bạn đều nhảy nhót, bạn sẽ thấy mình cũng muốn nhảy.
Tôi gọi đây là lây nhiễm ham muốn. Chúng ta thường bị lây nhiễm bởi ham muốn của những người ở xung quanh chúng ta. Điều này không nên gây bất ngờ cho bất cứ ai. Chúng ta cũng thường bắt đầu ngáp khi những người xung quanh ta ngáp. Và chúng ta cũng bị lây nhiễm bởi cảm xúc của người khác–một bộ phim có vẻ hài hước hơn nhiều nếu tất cả mọi người trong rạp đều cười phá lên. Cảm xúc của chúng ta bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác. Và những ham muốn của chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi ham muốn của người khác.
Điểm khác biệt chính là cảm xúc có tính nhất thời. Khi bạn rời khỏi rạp phim, bạn có thể chẳng còn thấy bộ phim đó hài hước nữa. Và nếu bạn không còn ở chung phòng với những người ngáp thì bạn sẽ dừng ngáp. Nhưng ham muốn mà bạn hình thành dựa vào những ham muốn của người khác thì có thể sống cùng bạn suốt nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ, và có một tác động to lớn đến việc cuộc đời bạn rẽ sang hướng khác như thế nào.
Đây là một ví dụ từ chính cuộc sống của tôi. Khi tôi lần đầu tiên sinh sống ở London, căn hộ mà tôi thuê cách sân vận động của Arsenal chỉ một dãy nhà, một trong những đội bóng lớn nhất ở Anh. Khi tôi lần đầu tiên dọn đến đó, tôi hoàn toàn không hứng thú với cái mà dân Anh gọi là bóng đá. Nhưng sau nửa năm đi bộ về nhà giữa những rừng fan hâm mộ Arsenal và ăn sáng ở Arsenal Café và uống rượu vào đêm khuya tại quán rượu Arsenal, xung quanh là những người ủng hộ Arsenal chỉ biết nói về đội bóng của họ, tôi cũng bắt đầu muốn Arsenal thi đấu tốt. Và nhiều năm sau đó, tôi vẫn mong đội thi đấu tốt.
Nhưng chúng ta thường không chỉ nhiễm phải những ham muốn ở độ tuổi 20 của ta từ những người hâm mộ Arsenal. Chúng ta nhiễm rất nhiều ham muốn khi lớn lên, từ cha mẹ và anh chị em của chúng ta. Phần nhiều trong số những ham muốn đó liên quan quan đến những thứ nhạy cảm, vượt xa chuyện nên ủng hộ đội bóng nào. Và chúng đi theo ta cho đến tận cuối đời.
Vấn đề thật sự chính là, trong khi ở trường hợp của sự chứng nhận, chúng ta khá giỏi trong việc loại bỏ những niềm tin sai lầm, thì chúng ta lại hoàn toàn không phòng bị được trước một số loại lây nhiễm ham muốn. Nhưng nếu đây là sự thật thì khi ấy toàn bộ quan điểm về một bản ngã độc lập tự chủ phần nào đó là ảo tưởng. Phần lớn những việc chúng ta làm trong cuộc sống đang trôi nổi theo những ham muốn của những người xung quanh chúng ta.
Những ham muốn của chúng ta được hình thành như thế nào? Đây là 4 tùy chọn:
Ví dụ A: Tôi thức dậy và cảm thấy khát nước kinh khủng–cơn khát này có thể đóng vai trò làm nền tảng cho ham muốn uống (một thứ gì đó) của tôi. Tôi hình thành ham muốn này chỉ đơn thuần dựa trên cơ sở các nhu cầu của tôi.
Ví dụ B: một lần nữa, tôi cảm thấy khát, và tôi tin rằng uống nước cam trong tủ lạnh sẽ làm dịu cơn khát của tôi vì trước đây tôi từng uống loại nước cam này nhiều lần trong đời. Do đó tôi hình thành một ham muốn uống loại nước cam này. Và tôi hình thành ham muốn này dựa trên cơ sở của niềm tin–những niềm tin mà tôi không học được qua sự chứng nhận.
Ví dụ C: Tôi là một người mới biết đến thế giới rượu vang thượng hạng của Ý nhưng dựa vào cuộc nói chuyện với người bạn sành rượu Ý của tôi, người muốn uống thử một chai Brunello di Montalcino 2004, nên tôi cũng hình thành một ham muốn dùng một chút rượu Brunello di Montalcino 2004. Tôi chưa bao giờ nếm thử bất kỳ loại rượu Brunello nào, chứ đừng nói đến một chai 2004 Brunello, vì vậy niềm tin của tôi rằng chai 2004 là loại rượu tôi nên uống thử được dựa vào sự chứng nhận. Tôi hình thành một ham muốn dựa trên cơ sở (của một) niềm tin mà tôi nhận được từ sự chứng nhận.
Ví dụ D: trong bộ phim đình đám Blow-Up (1966) của đạo diễn Michelangelo Antonioni, có một cảnh tại một buổi biểu diễn nhạc rock nơi nhân vật chính tóm lấy một mảnh của cây đàn ghita mà một thành viên của ban nhạc vừa đập vỡ. Khi anh ta cố gắng trốn thoát khỏi những fan hâm mộ khác cũng muốn giành được mảnh đàn ghita đó và thoát thân an toàn trên đường, anh ta quăng mảnh đàn đi. Ham muốn của nhân vật chính được hình thành dựa trên cơ sở ham muốn của các fan hâm mộ khác nhưng nó không được dựa trên một niềm tin mà anh ấy thu được qua sự chứng nhận. Có vẻ anh ấy không tin rằng mảnh đàn ghita này là thứ rất quý giá hoặc có giá trị–anh đã vứt nó đi khi chạy thoát trên đường.
Hai trường hợp cuối sẽ được xem là sự lây nhiễm ham muốn. Nhưng có một điểm khác biệt lớn giữa chúng. Trong ví dụ về Brunello, ham muốn của tôi bị lây nhiễm chỉ vì niềm tin dựa vào sự chứng nhận. Nhưng không có sự chứng nhận nào có liên quan đến trong ví dụ về bộ phim Blow-Up.
Đôi lúc chúng ta bị lây nhiễm bởi ham muốn của một ai đó biệt lập với bất kỳ niềm tin nào mà ta có thể thu được từ người này bởi sự chứng nhận. Điều này sẽ được gọi là ‘lây nhiễm ham muốn trực tiếp’. Trường hợp của Antonioni sẽ là một ví dụ cho lây nhiễm ham muốn trực tiếp: nhân vật chính có lẽ không tin vào giá trị của mảnh đàn ghita, nhưng anh ta vẫn bị lây nhiễm bởi ham muốn của mọi người xung quanh. Ngược lại, trong trường hợp về Brunello, chúng ta bị ‘lây nhiễm ham muốn gián tiếp’: chúng ta bị lây bởi ham muốn của người khác vì chúng ta thu được một niềm tin từ cô ấy bởi sự chứng nhận. Lây nhiễm ham muốn gián tiếp dựa vào sự chứng nhận; Lây nhiễm ham muốn trực tiếp thì không.
Lây nhiễm ham muốn trực tiếp thường khó phát hiện vì chúng ta có xu hướng hợp lý hóa nó. Nếu tôi thấy mình có một ham muốn dường như không dựa vào bất cứ niềm tin nào của tôi–hay thậm chí nó còn xung đột với một số niềm tin của tôi–tôi có thể bao biện, hợp lý hóa cho ham muốn của tôi và đưa ra một vài cách giải thích tào lao cho lý do tại sao tôi lại muốn thứ mà tôi muốn. Chúng ta có nhiều bằng chứng thực nghiệm từ tâm lý học xã hội rằng chúng ta sẽ tìm đủ mọi cách để cắt nghĩa/ bao biện và hợp lý hóa cho cho những hành động, sở thích và ham muốn của chúng ta. Khi chúng ta thấy mình có một ham muốn có vẻ kỳ quặc do lây nhiễm ham muốn trực tiếp, điều đó thậm chí có thể mâu thuẫn với những niềm tin mà chúng ta tin tưởng sâu sắc nhất, chúng ta nên nghĩ đến cái gọi là sự hợp lý hóa hậu định tào lao post-hoc confabulated rationalisations (‘Chẳng phải mình đã đọc được một nghiên cứu nói rằng hút thuốc thật sự không hại sức khỏe lắm sao?’). Và kiểu hợp lý hóa tào lao hậu định này có thể che giấu tầm quan trọng và sự phổ biến của lây nhiễm ham muốn trực tiếp.
Chúng ta phải làm gì? Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ bản thân khỏi sự lây nhiễm ham muốn? Tin xấu là nhiều lây nhiễm ham muốn diễn ra một cách ngấm ngầm. Giống như sự lây lan cảm xúc, nhưng không giống như sự chứng nhận. Trong trường hợp của sự chứng nhận, chúng ta có một cơ chế sàng lọc khá tốt. Nếu dự báo thời tiết nói rằng tuyết đang rơi ngoài trời nhưng tôi nhìn ra cửa sổ và không thấy tuyết rơi, khi ấy tôi chẳng có lý do gì để tin theo sự chứng nhận của dự báo thời tiết. Và nếu tất cả những chuyện tầm phào mà tôi nghe được từ anh bạn của tôi Bill là xạo, khi ấy tôi có lẽ sẽ không xem trọng chuyện tầm phào tiếp theo của anh ta.
Nhưng loại bỏ lây nhiễm ham muốn thì khó hơn rất nhiều. Nếu Bill kể cho bạn điều gì đó mà bạn biết là không đúng sự thật, bạn sẽ loại bỏ bất cứ điều gì mà Bill đang nói với bạn. Nếu bạn có một niềm tin mâu thuẫn rành rành với những niềm tin khác của bạn, thì niềm tin mới sẽ bị loại bỏ (ít nhất là hầu hết thời gian, khi mâu thuẫn thực sự hiển nhiên).
Và cơ chế sàng lọc tương tự này có thể giúp bảo vệ chúng ta không bị lây nhiễm ham muốn gián tiếp, vì sự lây nhiễm ham muốn gián tiếp tiến hành thông qua sự chứng nhận. Nếu niềm tin về 2004 Brunello mà tôi thu được bởi sự chứng nhận lại mâu thuẫn với nhiều niềm tin mà tôi tin tưởng sâu sắc thì tôi sẽ từ chối nó – do đó nó không thể khơi dậy (bởi lây nhiễm ham muốn gián tiếp) ham muốn uống một chai 2004 Brunello của tôi. Chừng nào còn liên quan đến sự lây nhiễm ham muốn gián tiếp thì chúng ta vẫn còn được bảo vệ rất kỹ.
Chúng kích hoạt ham muốn, vượt qua cơ chế sàng lọc của bạn, có lẽ đó là cơ chế chống lại việc hút thuốc
Nhưng có cơ chế sàng lọc nào cho lây nhiễm ham muốn trực tiếp? Những niềm tin hình thành nên một mạng lưới cố kết, nhưng các ham muốn thì không. Chúng ta có thể, và thường xuyên có những ham muốn mâu thuẫn với nhau. Chỉ vì một ham muốn mà tôi nhiễm phải qua lây nhiễm ham muốn mâu thuẫn với một vài ham muốn khác của tôi, thường thì tôi sẽ không loại bỏ nó. Những xung đột, mâu thuẫn giữa các niềm tin thì dễ dàng phát hiện hơn là những mâu thuẫn giữa các ham muốn.
Những quảng cáo về thuốc lá hoặc đồ uống, nước giải khát là những cách rất hữu hiệu để lây nhiễm ham muốn cho bạn. Chúng không cố gắng truyền đạt một thông điệp. Nếu có, họ có lẽ sẽ chọn một thông điệp hiệu quả hơn so với thông điệp Đàn ông đích thực chỉ hút nhãn hiệu thuốc lá này. Những quảng cáo như vậy đang cố gắng kích hoạt ham muốn trong bạn, vượt qua cơ chế sàng lọc của bạn, có lẽ là chống lại việc hút thuốc và tiêu thụ nước giải khát nhiều đường. Và chúng làm rất hiệu quả: cho dù bạn tin rằng một nhãn hiệu nước ngọt nào đó là rất có hại cho bạn, song nếu quảng cáo làm tốt thì nó vẫn sẽ kích hoạt được một ham muốn trong bạn.
Vậy chẳng lẽ không có cơ chế sàng lọc nào chống lại lây nhiễm ham muốn trực tiếp ư? Đây là một tùy chọn: chúng ta muốn rất nhiều thứ, nhưng chúng ta muốn mình chỉ muốn rất ít thứ. Muốn được ham muốn điều gì đó là thứ khiến cho nó nổi bật giữa đám đông. Bởi vậy ham muốn-thứ hai này (không chỉ muốn, mà còn muốn mình muốn) có thể được xem như cơ chế sàng lọc cho lây nhiễm ham muốn trực tiếp. Chúng ta sàng lọc, loại bỏ những ham muốn mà ta không muốn có. Và có những ham muốn mà chúng ta muốn có–đó là những ham muốn vượt qua sự sàng lọc và được chứng thực.
Điều này sẽ cho chúng ta một sự song hành tuyệt vời với cơ chế sàng lọc đối với niềm tin dựa trên sự chứng nhận. Vấn đề là nó chưa chắc có hiệu quả. Những ham muốn-thứ hai cũng vẫn là ham muốn. Thế nên nếu chúng ta có thể bị nhiễm phải những ham muốn-đầu tiên bởi sự lây nhiễm ham muốn trực tiếp, không có lý do rõ ràng nào cho thấy tại sao ta lại không thể bị nhiễm phải những ham muốn-thứ hai bởi sự lây nhiễm ham muốn trực tiếp. Nhưng khi đó thì điều gì sẽ bảo vệ chúng ta khỏi sự lây nhiễm ham muốn-thứ hai của chúng ta? Là những ham muốn-thứ ba chăng? Nếu chúng ta cần những ham muốn-thứ hai để quyết định xem những ham muốn-đầu tiên nào của chúng ta được phép nhiễm, thì sau đó chúng ta cũng sẽ cần đến những ham muốn-thứ ba để quyết định xem những ham muốn-thứ hai nào của chúng ta được nhiễm. Và cứ như vậy. Như một cơ chế sàng lọc chống lại sự lây nhiễm ham muốn, điều này sẽ không có hiệu quả.
Sự tương phản mà tôi tạo ra giữa cơ chế sàng lọc niềm tin và cơ chế sàng lọc ham muốn không nên được coi là tuyệt đối. Việc sàng lọc những niềm tin sai lầm của chúng ta thường thất bại. Và, như một số kỹ thuật trong tâm thần học cho thấy, một vài ham muốn ‘ngoài ý muốn’ thường bị loại bỏ, ví dụ, bằng cách làm cho xung đột giữa chúng trở nên rõ ràng hiển nhiên. Nhưng mặc dù có một cơ chế mặc định cho việc sàng lọc các niềm tin, thì lại không có cơ chế sàng lọc mặc định tương đương cho các ham muốn. Và điều này có những ngụ ý nghiêm túc cho cách chúng ta nhìn nhận về bản ngã.
Các ham muốn của chúng ta thường thay đổi. Câu hỏi là, điều gì thay đổi chúng? Chúng ta nhiễm phải nhiều ham muốn qua sự lây nhiễm ham muốn, và không có cơ chế sàng lọc cho những ham muốn đó. Nhưng điều này có nghĩa là nhiều ham muốn của chúng ta, ở khía cạnh nào đó, được thừa hưởng từ những người xung quanh ta.
Một hậu quả cực đoan của lập luận này liên quan đến cách mà chúng ta nên nghĩ về bản ngã dưới ảnh hưởng của những xem xét này. Một cách tư duy phổ biến về bản ngã, ít nhất là từ thế kỷ 18 và David Hume, đó là nó bao gồm tất cả các ham muốn của chúng ta (bên cạnh một số trạng thái tinh thần khác). Nhưng nếu điều này đúng thì khi ấy chúng ta là ai (hoặc bản ngã) phần lớn là kết quả của sự lây nhiễm ham muốn một cách ngẫu nhiên.
Chúng ta biết rằng chúng ta lờ đi khả năng bản ngã tương lai có thể khác biệt với bản ngã hiện tại của ta. Đây được gọi là ‘ảo tưởng cái kết của Lịch sử’: chúng ta có khuynh hướng xem bản thân như một sản phẩm hoàn thiện, nhưng rõ ràng là không. Và ‘ảo tưởng cái kết Lịch sử’ này khiến chúng ta có nhiều khả năng sẽ tìm cách hợp lý hóa hậu định cho bất kỳ ham muốn nào mà chúng ta có thể nhiễm phải qua sự lây nhiễm ham muốn trực tiếp.
Vì thế bản ngã cũng thay đổi. Câu hỏi là, bao nhiêu phần thay đổi này nằm dưới sự kiểm soát của chúng ta? Một số trong đó là: chúng ta có quyền kiểm soát khá tốt đối với những niềm tin mới mà chúng ta thu được. Và chúng ta thậm chí có thể kiểm soát được những ham muốn điên rồ, dữ dội. Nhưng chúng ta không có được sự kiểm soát hoàn toàn. Sự lây nhiễm ham muốn trực tiếp có thể có một tác động mạnh đến con người chúng ta là ai và con người mà chúng ta trở thành – nó là một hiện tượng mà chúng ta nên nghiêm túc xem xét.
Tác giả: Bence Nanay, là giáo sư triết học tại Đại học Antwerp. Ông là tác giả của cuốn sách of Aesthetics as Philosophy of Perception (2016)
Nguồn: https://aeon.co/essays/can-you-stop-yourself-being-infected-with-other-peoples-desires