Chấn Thương Đầu Và Rối Loạn Tâm Lý
Ngoại trừ những chấn thương thể chất thì chúng ta có thể không biết rằng những chấn thương ở đầu, dù nhẹ thôi, cũng có thể là nguyên nhân gây ra những rối loạn tâm lý, thay đổi tính cách và cảm xúc.
Mỗi năm ở Việt Nam có hàng ngàn người mất và bị thương bởi tai nạn giao thông, nhất là chấn thương ở đầu. Ngoại trừ những chấn thương thể chất thì chúng ta có thể không biết rằng những chấn thương ở đầu, dù nhẹ thôi, cũng có thể là nguyên nhân gây ra những rối loạn tâm lý, thay đổi tính cách và cảm xúc.
Vào năm 1848, một người công nhân tên Phineas Gage làm nổ những tảng đá để lắp ráp đường ray mới ở Cavendish, bang Vermont, Mỹ. Anh phải đào một cái hố, đặt thuốc nổ vào bên trong, và dùng một thanh sắt nặng gần 6kg để nện cát xuống lấp. Nhưng lần này, thanh sắt lại tạo nên tia lửa và kích nổ thuốc nổ bên dưới, khiến thanh sắt đâm xuyên qua má trái, đằng sau hốc mắt anh và xuyên thẳng qua khỏi đỉnh đầu. Gage không chết, nhưng thanh sắt hủy hoại phần lớn thùy trán bên trái và tính cách trầm tĩnh của Gage cũng thay đổi đột ngột. Anh từng là một người chăm chỉ, bình tĩnh, và dễ gần. Mặc dù không được đi học, nhưng anh được những người khác nhận xét là một thương nhân thông minh, có năng lực. Sau tại nạn, Gage trở nên thất thường, bất kính, báng bổ người khác, hay bỏ việc, thiếu kiên nhẫn khi có xung đột. Tâm trí anh thay đổi hoàn toàn và bạn bè anh nói rằng “anh không còn là Gage” nữa. Trường hợp của Phinease Gage mở ra một hướng đi mới trong ngành thần kinh học và tâm lý học, về những chấn thương não dẫn đến sự thay đổi tính cách và/hoặc các dạng rối loạn tâm lý như thế nào.
Chấn thương não, thường gọi tắt là TBI, xuất hiện khi chấn thương từ bên ngoài gây ra những tổn thương cho não bộ. Ví dụ, một người phụ nữ đập đầu vào tấm kính chắn xe trong tai nạn xe cộ sẽ có khả năng bị TBI. Đột quỵ không phải là TBI vì tổn thương đến từ bên trong chứ không phải bên ngoài.
Tại sao chấn thương não ảnh hưởng cảm xúc?
Chấn thương não thường gây ra những thay đổi khó thấy hoặc dễ thấy trong tính cách. Chấn thương ở những khu vực đặc biệt trong não, bao gồm thùy trán và thùy thái dương, hạch hạnh nhân và hồi hải mã có thể khiến người bị nạn dễ kích động, cảm xúc hay thay đổi, trí nhớ bị ảnh hưởng, tấn công lời nói, thích gây hấn, và dễ bốc đồng mất kiềm chế. Vì những khu vực kể trên chịu trách nhiệm cho những hành vi phức tạp như lên kế hoặc, làm ra quyết định, giải quyết vấn đề, tự điều chỉnh bản thân, đánh giá sự vật hay sự việc.
Những vấn đề tâm thần sau chấn thương não?
Vào năm 2013, một nhóm các nhà khoa học Đan Mạch đã tìm ra những người có TBI thường dễ mắc các rối loạn tâm lý gấp bốn lần. Có khoảng 65% người mắc TBI dễ mắc tâm thần phân liệt, 59% dễ mắc trầm cảm và 28% dễ mắc rối loạn lưỡng cực. Đây là một nghiên cứu lớn nhất trong chủ đề này vì nó bao gồm đến khoảng 1.4 triệu công dân Đan Mạch sinh giữa những năm 1977 và 2000.
Nghiên cứu này không phải là nghiên cứu duy nhất đề xuất mối quan hệ giữa TBI và rối loạn tâm lý. Một đội nghiên cứu được dẫn dắt bởi Jonathan Godbout, một giáo sư ở trường đại học bang Ohio tìm thấy ở những con chuột có TBI biểu hiện nhiều triệu chứng trầm cảm hơn. Nhưng điều đáng sợ nhất trong nghiên cứu này chính là những người bị chấn động (concussion) thường dễ tự tử gấp ba lần.
Những người trong nghiên cứu không có chấn thương nặng. Đa phần những người đấy chỉ bị chấn động nhẹ và chỉ chữa trị theo kiểu thông thường: một chuyến đi ngắn đến phòng cấp cứu, nằm nghỉ trên giường, và thuốc giảm đau. Tuy nhiên bộ não chúng ta lại là một cơ quan mỏng manh và đáng tiếc là không cần dùng nhiều sức để các chất hóa học trong não trở nên bất thường.
Đã có một trường hợp một bênh nhân nữ 39t có những triệu chứng lo âu, trầm cảm và loạn thần. Mặc dù cô ấy nói rằng bản thân chưa từng bị chấn thương đầu, nhưng mẹ cô ấy nhớ rằng, khi cô ấy năm tuổi, cô đã bị tai nạn xe cộ và mất nhận thức trong vòng 30 phút. Sau đó cô mắc chứng động kinh. Bác sĩ kê đơn thuốc chống động kinh để giảm những cơn động kinh lại và thời gian ngắn sau đó cô báo cáo rằng những triệu chứng trên đã giảm dần. Nếu bạn đã từng bị chấn thương đầu, đừng lờ nó đi. Nếu bạn cảm thấy trầm uất, lo âu sau chấn thương, đừng tự cho hai thứ này không liên quan. Hãy nói chuyện với bác sĩ.
Tổng hợp và viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Nguồn tham khảo:
Hình: từ TBIstafftraining
https://hiroshimi.wordpress.com/2017/12/05/chan-thuong-dau-va-roi-loan-tam-ly/