Chúng ta có nên TRỪNG-PHẠT-TRẺ hay không? Câu trả lời từ các Chuyên gia tâm lý

chung-ta-co-nen-trung-phat-tre-hay-khong-cau-tra-loi-tu-cac-chuyen-gia-tam-ly

Việc chúng ta đánh một đứa trẻ để em ngưng hành vi tiêu cực của mình có phải là giải pháp hiệu quả hay không?

Việc chúng ta đánh một đứa trẻ để em ngưng hành vi tiêu cực của mình có phải là giải pháp hiệu quả hay không? Với một số người câu trả lời có lẽ là "CÓ". Giống như khá nhiều thầy cô và phụ huynh vẫn tin rằng "Yêu cho roi cho vọt - ghét cho ngọt cho bùi" hay "Phải đánh mới nên người"??? 

Cái chúng ta cần làm rõ trong những tuyên bố đầy "Bias - thiên kiến" này là rất nhiều, ví dụ như:

- Hành vi tiêu cực, vậy "Tiêu cực" ở đây được hiểu là gì? Đối với bạn là "Tiêu cực" nhưng đối với đứa trẻ thì có "Tiêu cực" hay không? Và nếu có thì tại sao? 

- Cái chúng ta cần giải quyết là hành vi chưa phù hợp của trẻ, nhưng nhu cầu và động lực (Motivation) của các em đứng sau hành vi đó thì có chính đáng hay không? Nếu có thì làm thế nào để giúp các em đạt được nhu cầu đó bằng những hành vi phù hợp hơn?

- Việc đánh đập trẻ, mắng nhiếc trẻ liệu có tác động tích cực một cách lâu dài hay không? Hay nó chỉ đơn giản là doạ cho trẻ sợ ngay lúc ấy, và càng làm cho người lớn cảm thấy mình có "quyền" và sa đà vào bạo lực? 

- Việc trừng phạt trẻ (thể chất và tinh thần) có làm đứt gãy mối quan hệ liên nhân giữa Người lớn - trẻ; Trẻ - trẻ hay không? Nếu có thì điều này có xứng đáng để đánh đổi không? Và nó sẽ mang lại hậu quả về lâu dài như thế nào cho cả trẻ và người chăm sóc? 

- Hãy nhớ, trẻ sẽ có xu hướng quan sát, học tập và mô phỏng lại hành vi của người lớn để áp dụng nó vào trong cuộc sống của em sau này. Vậy khi chúng ta trừng phạt trẻ, trẻ đang học được bài học gì? 

Dưới đây, tôi sẽ trích dẫn một số ý kiến từ các Tiến sĩ, chuyên gia về Trị liệu gia đình, Tâm lý học trẻ em, Công tác xã hội.....Họ sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn về "Trừng phạt" đối với trẻ em từ góc độ cả Nghiên cứu và thực tiễn lâm sàng. 

1: Tiến sĩ Gina Green: Nhà nghiên cứu, Trung tâm Trẻ em New England; Nguyên chủ tịch của Hiệp hội Phân tích Hành vi.

Cách tốt nhất để giảm bớt hành vi chưa phù hợp của trẻ là cung cấp nhiều động lực tích cực cho hành vi tốt. Hình phạt dưới dạng hậu quả khó chịu có thể ngăn chặn hành vi sai trái, nhưng nó thường có tác dụng phụ không mong muốn. Một đứa trẻ bị trừng phạt vì hành vi chưa phù hợp của mình có thể phản ứng như: Tức giận, đánh trả hoặc xa lánh/ trốn tránh người đã phạt mình. Thay vì trừng phạt những hành vi chưa phù hợp, hãy cố gắng để dạy con những cách cư xử phù hợp hơn. Hãy thường xuyên nói với trẻ rằng bạn đánh giá cao những gì con đang làm. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng những hành vi chưa phù hợp không được kích thích bằng cách cho phép con bạn trốn làm bài tập về nhà hoặc làm việc nhà....

  1. Tiến sĩ Norine G. Johnson: Nguyên chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA)

Nếu bạn muốn có một đứa trẻ biết yêu thương, tôn trọng và tự kỷ luật, thì đừng sử dụng hình phạt. Thay vào đó bạn hãy sử dụng các cách tiếp cận để nuôi dạy con cái phù hợp hơn. Đối với trẻ nhỏ, bạn có thể sử dụng các kỹ thuật như: Đánh lạc hướng, tạo ra môi trường có cấu trúc, đưa ra các giới hạn và thu hồi sự chú ý. Đối với những đứa trẻ lớn hơn, bạn sẽ đặt ra những kỳ vọng và nêu ra những phần thưởng hoặc hậu quả một cách logic và hợp lý. Khi tôi còn học ở trường trung học cơ sở, tôi đã lấy trộm những bắp ngô từ ruộng của một người nông dân. Cha tôi đã nhìn thấy và ông yêu cầu tôi nói sự thật, nếu không, hậu quả mà tôi sẽ phải nhận sẽ được tăng lên gấp đôi. Tôi đã nói sự thật. Tôi đã phải xin lỗi người nông dân và ăn những bắp ngô đó (ăn sống). Hôm nay, tôi trở thành một người luôn coi trọng sự thật và luôn tự hỏi bản thân mình "Hậu quả nào sẽ đi sau nếu tôi có hành vi chưa phù hợp". 

  1. Tiến sĩ Terry Mizrahi: Chủ tịch hiệp hội những nhà công tác xã hội Quốc gia. Giáo sư tại Hunter College School of Social Work

Hình phạt bao hàm hành vi hung hăng của người lớn, chính là thứ mà chúng ta vốn phản đối trẻ em làm. Nó gây ra sự phẫn uất và thường dẫn đến gia tăng bạo lực và lạm dụng nghiêm trọng. Tôi sắp xếp lại câu hỏi: Làm thế nào để bạn dạy con bạn làm điều đúng đắn; trở thành những con người biết quan tâm, thấu hiểu nhu cầu của chính họ và của người khác? Các nhân viên xã hội nhận ra rằng việc nuôi dạy con cái tốt bao gồm các biện pháp kỷ luật trẻ em bất bạo động, phù hợp với lứa tuổi. Tôi tin rằng các bậc cha mẹ nên là những tấm gương tích cực và dạy con cái họ về những hậu quả tiêu cực của hành vi bất lợi bằng cách sử dụng các biện pháp khuyến khích, tạm dừng và thiết lập các giới hạn hợp lý, vững chắc.

  1. Tiến sĩ James Morris: Giáo sư tại Texas Woman's University; Chủ tịch hiệp hội Trị liệu Hôn nhân và Gia đình Hoa Kỳ

Từ "trừng phạt" có nghĩa là chấp nhận một hình phạt cho một hành vi sai trái và thường bao gồm việc gây ra một số loại tổn thương. Trong việc nuôi dạy con cái, hình phạt như vậy thường được thực hiện bằng cách đánh đòn con cái. Lợi ích và tác hại của hình phạt vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi, và chắc chắn liên quan đến việc xem xét nền văn hóa độc đáo của mỗi gia đình cũng như cộng đồng nơi mà họ đang tồn tại. Tuy nhiên, những vụ bạo hành trẻ em liên tục xảy ra đã cảnh tỉnh chúng ta về trách nhiệm của chúng ta với tư cách là cha mẹ và với tư cách là thành viên của cộng đồng. Như vậy, chúng ta cũng như các bậc cha mẹ hãy cẩn thận thực hành các cách kỷ luật ít bạo lực hơn để khuyến khích sự phát triển lành mạnh của con cái chúng ta.

Chú ý: Việc tác giả dịch bài viết này với mục đích tham khảo thông tin, không có nghĩa là tác giả hoàn toàn ủng hộ các chia sẻ và cách tiếp cận bên trên. Như Tiến sĩ James Morris đã phát biểu "Việc áp dụng Kỷ luật còn phải tính đến yếu tố bối cảnh văn hoá gia đình và xã hội nơi mà các cá nhân đó đang tồn tại". Tuy nhiên, tác giả hoàn toàn KHÔNG-ỦNG-HỘ VIỆC BẠO LỰC THỂ CHẤT và NHỤC MẠ TINH THẦN TRẺ EM dưới bất kỳ hình thức nào

Nguồn bài: Psychologytoday 

Viết mở đầu và dịch: Nguyễn Minh Thành, Thạc sĩ khoa học chuyên ngành Tâm lý học Phát triển và Giáo dục 

menu
menu