Chuyện trò rèn giũa tính cách như thế nào
Cuộc trò chuyện trực tiếp được xem là một trong những cách tốt nhất để rèn luyện tâm tính con người.
Người ta đã nói nhiều về sự suy giảm trong các tương tác mặt-đối-mặt của chúng ta do công nghệ gây ra có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và hạnh phúc tinh thần của chúng ta ra sao. Trong trường hợp thiếu vắng những mối quan hệ mật thiết, thì lo âu, trầm cảm và cũng như một số bệnh khác, đang trên đà gia tăng.
Trong khi những ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý và sinh lý do đánh mất cuộc trò chuyện mặt-đối-mặt đáng để ta tiếp tục suy ngẫm, thì xu hướng này lại sinh ra tác động có hại khác thường bị xem nhẹ: một sự suy đồi về tính cách.
Mặc dù chúng ta thường nghĩ về tính cách như một thứ gì đó mà chủ yếu được tôi luyện nếu không phải trong những cuộc khủng hoảng lớn, thì cũng là trong các quyết định với gánh nặng trách nhiệm đạo đức rõ ràng. Nhưng trên thực tế, tính cách có thể được phát triển trong bất kỳ hoạt động bình thường, hằng ngày nào của chúng ta. Cách chúng ta thực hiện mọi thứ, tỏa ra hiệu ứng bên trong lẫn bên ngoài. Mặc dù điều này đúng với bất kỳ thói quen nào, nhưng nó đặc biệt đúng với cuộc trò chuyện. Trên thực tế, với khả năng tiếp cận hằng ngày và sự lặp đi lặp lại của nó—cho phép thực hành, điều chỉnh và sửa chữa—và nhiều phẩm chất đa dạng mà nó kêu gọi, những bài tập thể thao, cuộc trò chuyện trực tiếp được xem là một trong những cách tốt nhất để rèn luyện tâm tính con người.
Dưới đây chúng tôi làm sáng tỏ nhiều phẩm chất tính cách có thể được xây dựng thông qua việc tham gia chủ động, nỗ lực vào cuộc trò chuyện:
Kiểm soát bản thân
Những hành vi mà chúng ta phải triệu tập để tham gia vào một cuộc đối thoại xảy ra với rất ít nhận thức, do đó ta dễ dàng bỏ qua mức độ kiểm sát bản thân to lớn mà chúng đòi hỏi.
Chúng ta phải kiểm tra ngôn ngữ cơ thể và nét mặt, thể hiện sự quan tâm và thân thiện, tránh đảo mắt, và thể hiện vẻ ngoài không phù hợp gây sốc, chán ghét, hoặc buồn chán, cùng những điệu bộ bị xem là tách biệt, lo lắng hoặc phòng thủ. Chúng ta phải theo dõi những gì mình nói, tránh nói những điều vô căn cứ, tiêu cực và phàn nàn quá mức, buôn chuyện hoặc vô tình xúc phạm đến người mà ta đang nói chuyện và những người họ biết. Chúng ta phải ngăn mình không thốt ra những lời vô tâm, dù thật sự chúng không hàm chứa ý nghĩa gì, hoặc theo ý nghĩa làm tổn thương cảm xúc của người khác. Chúng ta phải chăm chú lắng nghe và phản ứng phù hợp với những gì người kia nói, cố gắng để lời nói của chúng ta phù hợp với hoàn cảnh. Chúng ta phải lựa chọn từ ngữ của mình một cách cẩn thận, nói rõ ràng, và không nói quá nhanh hay quá chậm.
Tổng kết lại, một cuộc trò chuyện thú vị đòi hỏi kỷ luật tinh thần cực kỳ lớn! (Đó là lý do tại sao, dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, bạn có thể cảm thấy khá mệt mỏi sau một tối giao lưu với mọi người.) Trên con đường đi đến sự tự chủ, những cuộc đối thoại mặt-đối-mặt là một công cụ bị đánh giá thấp.
Tập trung
Trò chuyện là một bài tập duy nhất về sự hiện diện trong khoảnh khắc hiện tại. Để hiện diện toàn tâm toàn ý, bạn phải dập tắt những sao lãng từ thế giới bên ngoài và ngắt kết nối khỏi các thiết bị. Để chăm chú lắng nghe người khác, bạn phải liên tục đưa tâm trí quay trở lại hiện tại mỗi khi bạn suy nghĩ lan man. Bạn phải cam kết với quan điểm rằng không có nơi nào khác mà bạn muốn có mặt hơn nơi đó, ngay lúc đó và với người đó.
Thiên về nỗ lực và hành động
Quá dễ để trở thành người chỉ biết chờ đợi người khác hành động trước, hy vọng người khác sẽ tiến đến và bắt chuyện với bạn. Cũng thật quá dễ dàng, đặc biệt là trong một nhóm, chỉ biết ngồi yên đó, lắng nghe nửa vời, và để người khác gánh lấy việc trò chuyện nặng nhọc — để cho người khác giới thiệu mọi chủ đề và nghĩ về các thắc mắc để hỏi.
Đôi khi chúng ta viện cớ cho những hành vi thụ động này là do tính nhút nhát hay hướng nội, trong khi thực tế chúng là dấu hiệu của sự thụ động hay lười biếng. Tức là chúng ta nói rằng mình chẳng thể nhớ nổi ai đó đang nói với chúng ta điều gì về X vì trí nhớ của ta kém, trong khi sự thật là chúng ta nghe không tốt.
Một người giao tiếp tốt không phải là người biếng nhác hay trì trệ; mà anh ấy là một người chủ động. Anh ta nhận ra giống như bất kỳ điều đáng giá nào khác, trò chuyện cũng tốn nhiều công sức. Thay vì chờ đợi một cuộc trò chuyện tuyệt vời xảy ra, anh ta bùng nổ và truyền năng lượng để tiếp tục câu chuyện.
Trầm tĩnh
Nếu cuộc trò chuyện tốt yêu cầu một khuynh hướng thiên về hành động, thì nó cũng đòi hỏi ta làm chủ phản ứng.
Trong cuộc trò chuyện cho và nhận, mỗi bên đưa ra câu trả lời tiếp nối điều người khác nói, và sự khéo léo của những câu trả lời đó chỉ có thể phát sinh từ việc lắng nghe chăm chú. Ta không thể chuyên tâm lắng nghe trong trạng thái lo lắng và căng thẳng—bạn không thể chú tâm đến những gì người khác đang nói nếu bạn đang bận để tâm đến vòng xoáy cảm xúc bên trong. Lo lắng sẽ làm cho lời nói của bạn bộp chộp, lúng túng, vội vã, và/hoặc lầm bầm. Do đó, một người giao tiếp giỏi phải học cách giữ cho mình bình tĩnh.
Ngay cả khi không bị căng thẳng trong giao tiếp, một tâm thái điềm tĩnh là cần thiết để giữ lời ăn tiếng nói của ta có chừng mực khi người khác nói những điều có thể khiến ta cảm thấy bị xúc phạm, chọc giận ta, sinh ra ghen tuông hoặc đơn giản là có quan điểm quá khác biệt với ta. Khả năng đón nhận bất kỳ điều gì người khác nói với tư thế đĩnh đạc và sự bình thản theo phong cách của người khắc kỷ khiến người đó không sợ tham gia vào bất kỳ cuộc đối thoại nào, với bất kỳ người nào.
Khiêm tốn
Một thái độ khinh miệt những cuộc nói chuyện phiếm thường che đậy sự khinh miệt đối với những điều hời hợt, nhưng trên thực tế nó bắt nguồn từ một dạng thức kiêu ngạo ảo tưởng. Nó cùng một biểu hiện của bản ngã muốn bỏ qua những giai đoạn đầu ít thú vị trong bất kỳ lĩnh vực mới nào, để nhảy ngay đến những giai đoạn sâu sắc thú vị hơn. Cũng giống như những người tránh bắt đầu từ bậc thang dưới cùng của một công việc để làm theo cách của anh ta, anh ta khinh thường cuộc nói chuyện phiếm, cho rằng đó là việc “hèn mọn” không xứng với anh ta.
Người giao tiếp giỏi biết rằng sự phát triển của bất cứ việc gì cũng bắt đầu từ những điều cơ bản, với việc nắm bắt các nguyên tắc cơ bản. Anh ta không cảm thấy mình quá giỏi trong các cuộc tán gẫu; anh ta sẵn sàng bắt đầu từ những điều nhỏ, và kiên nhẫn để cuộc nói chuyện phát triển hơn.
Sức mạnh của quan sát
Khung cảnh của cuộc trò chuyện phong phú, đa dạng và nhiều sắc thái một cách bất ngờ. Có nhiều điểm cần chú ý khi bạn đi qua những con đường của nó: những nơi mà bạn và người khác kết nối và bất đồng quan điểm; những chủ đề mà anh ta thấy thú vị nhất để nói; những chỗ ngắt giọng, ngập ngừng, và những thay đổi tinh tế trong giọng nói nhấn mạnh hoặc tương phản với những lời được nói, hoặc tiết lộ một ẩn ý nào đó không được nói ra; một ám chỉ được đề cập trong việc vượt qua những điểm đó đến một điều mà anh ấy muốn tiết lộ, nhưng khó mà nói thẳng.
Anh ta, người biến một cuộc thảo luận thành một cuộc thám hiểm sâu hơn, biến một cuộc trò chuyện thành một cuộc nghiên cứu tò mò, hẳn phải là một thám tử giỏi: anh ta phải chăm chú nhìn và căng tai ra nghe, nghe được những khoảng trống giữa “những ngôn từ”, luận ra các manh mối mà phần lớn mọi người sẽ bỏ qua. Người nào học được nghệ thuật nói chuyện, thì cũng phát triển cả nghệ thuật quan sát chú ý.
Giảm bớt nỗi ám ảnh về bản thân
Khi chúng ta chỉ nói về bản thân, và không hỏi han người khác— khi chúng ta thô lỗ ngắt lời đối phương, hầu như không để cho người khác có cơ hội chen ngang được một câu, và không lắng nghe khi họ nói— cuộc trò chuyện có thể chỉ là một bục diễn thuyết khác để bộc lộ tính ái kỷ của một người.
Nhưng khi được thực hiện đúng cách, như một sự trao đổi đích thực, ít có thứ nào có thể khiến chúng ta bước ra khỏi bản thân mình như cách mà một cuộc chuyện trò có thể làm. Nó cho phép một không gian mà bạn có thể trao đối mối quan tâm đích thực đến người khác. Người giỏi giao tiếp tràn đầy hào hứng bằng những câu hỏi như: Làm sao tôi có thể hiểu được người này tốt hơn? Làm sao tôi có thể khiến họ cảm thấy thoải mái? Những cảm xúc và kinh nghiệm nào nằm bên dưới sự bộc bạch này? Họ thực sự đang muốn nói điều gì? Người giỏi giao tiếp sẵn sàng nhường lại quyền phát biểu ý kiến và trung tâm chú ý để trả lời được những câu hỏi đó. Anh ta có thể kiềm chế được nhu cầu cắt ngang, và biến mọi chủ đề đều hướng về bản thân. Người giao tiếp giỏi vượt qua sự ám ảnh về bản thân để chú ý, nêu bật và tham gia vào những ý tưởng của người khác. Thoát khỏi cảm giác ghen tỵ hoặc bất an, anh ta nhận ra, đánh giá cao và khen ngợi những điểm mạnh xuất hiện khi người khác đang nói.
Sáng tạo
Chuyện trò là một kỹ năng, một đấu trường cho tài năng và chiến lược, giống như cờ vua.
Chuyện trò cũng là một nghệ thuật, một nghệ thuật hợp tác của sự sáng tạo, như khiêu vũ.
Những người tham gia vào cuộc trò chuyện phải “trôi chảy cùng nhau”, có chiến lược phù hợp/cư xử đúng mực, khiêu vũ theo một bản nhạc hài hòa của riêng họ sáng tác.
Giống như các thành viên của một dàn nhạc, những người tham gia vào một cuộc trò chuyện xây dựng một cái gì đó cùng nhau mà một mình họ không thể tạo nên. Sự va chạm của các nguồn năng lượng trong tổ hợp tập thể này tạo ra cảm giác tươi mới, truyền sức sống, ý nghĩa, bừng ngộ và ý tưởng mới. Không phải ngẫu nhiên mà những nơi và những thời kỳ mà ở đó cuộc trò chuyện được tôn vinh nhất — dù là trong các Quảng trường của Hy Lạp cổ đại hoặc tiệm và các quán cafe ở châu Âu thế kỷ 18 — đã sản sinh ra nhiều tư tưởng và triết lý sáng tạo nhất lịch sử.
Can đảm
Mỗi bước vào cuộc trò chuyện là một bước vào ẩn số. Nó sẽ dẫn ta đi đến đâu? Kết quả sẽ là sự gắn kết? Thân mật? Xấu hổ? Thù địch?
Chính vì lý do khó dự đoán này mà khi chúng ta tiếp cận ngưỡng cửa của một cuộc trò chuyện — đặc biệt cuộc trò chuyện với nhân vật ‘nặng ký’— chúng ta cảm thấy lo lắng, thậm chí sợ hãi. Và cũng chính vì lý do này mà việc vượt qua ngưỡng cửa đó, dù không biết nó sẽ dẫn đi đến đâu, đòi hỏi sự can đảm.
Tò mò và cởi mở
Mỗi người giống như một quốc gia nhỏ bé có chủ quyền, một nền văn hóa vi mô, bản thân họ là một thế giới. Và hộ chiếu đến thăm những vùng lãnh thổ này là cuộc trò chuyện.
Mỗi người đều có điều gì đó để dạy cho chúng ta, nếu chúng ta tiếp cận họ bằng óc tò mò và sự cởi mở. Vì mỗi người có những trải nghiệm khác nhau, và gạn lọc thế giới thông qua họ, mỗi người có thể cho chúng ta một góc nhìn khác nhau về cuộc sống. Chúng có thể là những thông tin khoa học hoặc những hiểu biết sâu sắc, hoặc chúng có thể là những thay đổi tư duy tinh tế về những lực lượng định hình nhân loại, những khó khăn mà loài người đang đấu tranh chống lại, và tại sao họ lại có lối tư duy như vậy.
Cái thực tế rằng chúng ta có thể học hỏi từ bất cứ ai mà chúng ta đàm đạo không chỉ áp dụng cho những người mới quen, mà còn cả bạn bè và những thành viên gia đình mà ta đã quen nhiều năm hay thậm chí hàng thập kỷ. Điều không may là thói quen thường gặp rằng ta tin rằng mình đã biết tất cả mọi thứ về những người thân cận lâu năm của ta. Điều may mắn là nỗ lực để giữ cho các mối quan hệ luôn mới mẻ—vẫn luôn giữ được óc tò mò và tìm kiếm những bí mật, những tiết lộ mới, những ý kiến và khao khát mới— bất kể chúng ta đã biết người đó được bao lâu.
Hào sảng
Tham gia vào cuộc trò chuyện là một món quà. Bạn lắng nghe họ, bày tỏ quan tâm, hài hước, động viên, nồng ấm và khoan dung. Bạn cho đi thời gian và năng lượng của bạn, sự hiện diện và băng thông, cơ thể và tâm trí bạn. Bạn cho đi nguồn lực mà con người ngày nay cảm thấy đói khát nhất: sự chú ý.
Tham gia vào cuộc trò chuyện là một hành động hiếu khách. Bất kể vị trí hay hoàn cảnh, một ai đó đảm nhận vai trò chủ nhà, mang lại cảm giác chào đón, làm cho người khác cảm thấy dễ chịu, giúp họ có cảm giác như đang ở nhà.
Tự ý thức
Ta dễ dàng nghĩ rằng mình là người tự tin, ngầu lòi và lôi cuốn khi chúng ta ở một mình. Ta cũng dễ dàng tin rằng những tư tưởng của mình là xuất sắc không thể chối cãi khi chúng ta chỉ nghe chúng trong đầu óc hạn hẹp của ta.
Thế nhưng khi ta tương tác với người khác, chúng ta nhận ra chúng ta khác với những gì mình nghĩ. Chúng ta nhận ra mình không thú vị và yên tâm như ta hay hình dung. Chúng ta lười biếng, mất tập trung và quá bận tâm đến bản ngã hơn ta tưởng. Chúng ta thấy những ý tưởng có vẻ rõ ràng dễ hiểu trong đầu chúng ta, hiện ra như một mớ bòng bong khi ta cố gắng trình bày chúng. Những quan điểm có vẻ chắc chắn, không thể sai lầm của chúng ta hóa ra lại có vài lỗ hổng.
Những cuộc trò chuyện có thể khiến ta khó chịu vì chúng thách thức sự tự nhận thức khoa trương, tự mãn mà chúng ta hình thành nên khi sống ẩn dật. Đối tác trò chuyện của chúng ta có tác dụng như một màn hướng âm, cho phép chúng ta nghe được rõ hơn những suy nghĩ của mình từ sự dội âm. Đối tác của chúng ta như một tấm gương, cho phép chúng ta nhìn thấy rõ hơn những lỗi lầm của mình khi soi mình trong gương.
Tài Ứng biến
Lắng nghe tốt đòi hỏi bạn không được dùng thời gian mà đối phương đang nói để nghĩ về những điều bạn sẽ nói khi họ nói xong, mà thay vào đó là hoàn toàn tập trung vào lời nói của họ.
Điều đó có nghĩa là khi đến lượt bạn nói, bạn có một khoảnh khắc để tổng hợp các suy nghĩ của bạn, trước khi đưa ra một lời đáp mạch lạc. Vì thế bạn không thể nào biết chính xác mình sẽ nói gì trước khi bạn nói. Bạn tùy cơ ứng biến khi nói chuyện. Bạn ứng biến.
Những nguyên liệu mà chúng ta có cho nội dung của lời hồi đáp phụ thuộc vào sự chuẩn bị từ trước: những suy tư mà ta đã dành thời gian cho nó từ trước, những ý tưởng mà chúng ta đã suy ngẫm trước, cung cách ứng xử mà chúng ta đã thực hành trước.
Lối ứng khẩu của ta phụ thuộc vào sự tự tin— sự thoải mái trôi theo dòng câu chuyện mà không e dè.
Đặt tình yêu vào đúng vị trí
Thánh Augustine cho rằng phẩm hạnh về cơ bản là đặt tình yêu của bạn vào đúng vị trí, trong khi đó tội lỗi là làm mất trật tự tình yêu. Cuộc trò chuyện là một cách tuyệt vời để đảm bảo rằng bạn dành đúng ưu tiên cho chúng.
Khi bạn hoàn toàn hòa mình vào một cuộc trò chuyện, bạn cho thấy bạn yêu người bạn của mình hơn là thiết bị điện tử của bạn.
Khi bạn từ chối chia sẻ chuyện tầm phào khi nói chuyện, bạn cho thấy bản thân yêu sự chính trực hơn là địa vị xã hội.
Khi bạn dẹp công việc ngoài công ty sang một bên để trò chuyện với người bạn đời của bạn, bạn cho thấy mình yêu mối quan hệ hơn tiền bạc.
Sức ảnh hưởng
Người ta hiếm khi thay đổi do bị nghe thuyết giảng. Một lời hô hào kêu gọi trực tiếp tạo ra sự phòng thủ hơn là thay đổi.
Tuy nhiên, trong dòng chảy ít phải đề phòng cảnh giác của một cuộc trò chuyện, điều bạn nói có thể gây ra một tác động dữ dội lên người khác. Thật ra, đôi khi một cuộc trò chuyện có thể làm thay đổi toàn bộ hướng đi trong cuộc sống của một người.
Đôi lúc chúng ta có thể mang đến cho người khác một góc nhìn mới mẻ về một vấn đề cũ. Khi khác, chúng ta đơn thuần gợi nhắc họ về điều gì đó họ từng biết, nhưng đã quên, hoặc cảm nhận, nhưng không thể bày tỏ rõ ràng.
Thông thường, ảnh hưởng mà chúng ta gây ra thông qua trò chuyện không đến dưới hình thức của những hiểu biết gây ấn tượng mạnh, mà kích hoạt một quá trình ổn định mà trong đó thứ ngôn ngữ tích cực mà chúng ta nói, và những lý tưởng làm nền tảng cho nó, từ từ khơi gợi ra những điều tốt đẹp ở người khác. Mỗi cuộc trò chuyện là một cơ hội để làm ai đó trở nên tốt hơn. Nếu thế giới này có thay đổi thì nó thay đổi trong từng cuộc trò chuyện một.
Thấu cảm
Bạn đã bao giờ cảm thấy cơn giận của bạn đối với một người nào đó dần phình to lên khi hai bạn xa nhau chưa? Bạn càng nghiền ngẫm về họ, và những sai trái mà họ làm với bạn, cơn giận của bạn càng sôi sục. Nhưng khi cuối cùng bạn gặp mặt người này, và nhìn vào đôi mắt họ, cơn giận của bạn tan biến. Quan điểm trừu tượng một chiều mà bạn tạo ra về họ trong tâm trí bạn, nơi mà tất cả những gì bạn có thể thấy là lỗi lầm của họ, một lần nữa được thay thế bằng một con người phức tạp, có nhiều khía cạnh; những kỷ niệm tích cực mà hai bạn chia sẻ, nhiều phẩm chất tốt đẹp của họ, cảm giác yêu thương của bạn, khẳng định lại bản thân họ.
Đấy là sức mạnh của thấu cảm, một sức mạnh kích hoạt một trật tự có tầm cỡ lớn lao khi chúng ta tương tác trực tiếp hơn là khi tương tác từ khoảng cách xa. Khi lại gần, chúng ta nhận ra những điểm chung về hy vọng, sợ hãi và những khó khăn. Chúng ta nhận ra người khác chỉ đang cố gắng thành công trong cái thế giới lộn xộn này, theo cách tương tự như chúng ta. Nhờ “những tế bào thần kinh phản chiếu”, chúng ta thực sự cảm nhận được cảm xúc của người khác. Kết quả là, chúng ta trải nghiệm cảm giác nhẫn nại và lòng trắc ẩn, vượt qua những đặc điểm gây hiểu lầm và bất công nảy sinh khi chúng ta chỉ giao tiếp qua phương tiện kỹ thuật số, nếu có.
Truyền thêm sức sống cho người khác
Khi giao tiếp ở khoảng cách xa, chúng ta có thể không chỉ đánh mất sự thấu cảm của mình dành cho người khác, mà còn không nhìn thấy nhân tính của họ. Chúng ta tiến đến việc xem mọi người như phương tiện hơn là mục đích cuối cùng, ta xem họ như đối tượng để sử dụng, thao túng và gạt bỏ.
Khi chúng ta nói chuyện qua điện thoại, trong khi trên danh nghĩa đang tương tác với một người thu ngân, chúng ta xem họ như một cái máy.
Khi chúng ta ngồi cạnh ai đó trong một bữa tiệc mà không nói lời nào, chúng ta coi họ không khác gì một cây cảnh.
Khi chúng ta chia tay ai đó qua tin nhắn, chúng ta xem họ như một công cụ chỉ dùng để mang lại niềm vui.
Ngược lại, khi chúng ta tán gẫu với nhân viên thu ngân, chúng ta xem họ như một sinh vật bằng xương bằng thịt, với những hy vọng, ước mơ, cảm xúc và cuộc sống bên ngoài cái vai trò này và cái áo có gắn thẻ tên đó.
Khi chúng ta đưa ra lời bình luận về thời tiết với vị khách mời dự tiệc của chúng ta, chúng ta đang thừa nhận rằng ta cùng chia sẻ một thực tế chung với họ.
Và khi chúng ta gặp mặt nói lời chia tay với ai đó, chúng ta nhận ra họ là một con người phức tạp, nhiều khía cạnh, người mà chúng ta không chỉ chia sẻ niềm vui mà còn cùng ta san sẻ khổ đau.
Khi chúng ta dành chỗ trong lịch trình của ta, không gian trong băng thông của chúng ta, để trò chuyện với nhau, chúng ta đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của con người: được công nhận và được trân trọng. Bằng lời nói của mình, chúng ta làm tăng thêm giá trị ở mọi người. Chúng ta truyền sức sống cho họ bằng sự chú ý của ta.
Kết luận
Với tất cả những phẩm chất trên, những mũi tên của cuộc trò chuyện bắn trúng nhiều đích.
Rèn giũa cách cư xử bên trọng đưa đến cách cư xử tốt đẹp bên ngoài. Sự hào phóng của tinh thần dẫn đến sự hào phóng của lời nói. Một tâm trí ngăn nắp đưa đến một sự trao đổi ngăn nắp.
Đồng thời, khi các cuộc trò chuyện kêu gọi những phẩm chất của nhẫn nại và can đảm, nỗ lực và sáng tạo, khiêm tốn và sức ảnh hưởng, những phẩm tính này được mài giũa qua rèn luyện.
Khi ấy cuộc trò chuyện đòi hỏi những tính cách nhất định và sự điều chỉnh tính cách. Luôn có sẵn mỗi ngày cho chúng ta, bài tập trò chuyện tăng cường tâm tính của cá nhân, và trái tim của xã hội. Sức khỏe của gia đình, thị trấn, tiểu bang và đất nước rốt cuộc xuất phát từ kỹ năng và nghệ thuật, sức mạnh và niềm vui của những cuộc giao tiếp mặt-đối-mặt.
Nguồn: https://www.artofmanliness.com/articles/how-conversation-builds-character/