Đức tin về sự hồ nghi

duc-tin-ve-su-ho-nghi

Không có một lòng tin nào mà lại thiếu đi những hồ nghi. Nghi ngờ là điều kiện cần để giúp bạn kiểm chứng được lòng tin.

James Warren Jones là một người đàn ông lịch lãm, sở hữu 1 nhà thờ và đứng đầu một giáo hội dành cho những người thiểu số, thất nghiệp và vô gia cư. Hội đoàn của ông còn được biết đến với cái tên “Gia đình cầu vồng” nhờ sự đa dạng về chủng tộc và tầng lớp, một điều vô cùng mới mẻ và dị thường ở Mỹ vào những năm 50, 60. Thiên hướng chính trị của ông nghiêng hẳn về xã hội chủ nghĩa. Điều đó được thể hiện qua những chính sách tiến bộ nhằm giúp đỡ những người yếu thế đang phải sống trong đói nghèo và áp bức.

Jones đã tạo nên một hình tượng đáng ngưỡng mộ, một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn vào hệ thống chính trị ở San Francisco. Nhà thờ của ông có hàng ngàn con chiêng ngoan đạo, những người sẵn sàng nghe lời ông để ủng hộ các ứng cử viên tranh cử vào phòng ban nào đó. Vậy nên, các ứng viên tranh thủ mọi cách để tạo quan hệ với Jones hòng giúp mình đắc cử vị trí cấp cao. Nhờ Jones mà chiến dịch tranh cử của Harvey Milk diễn ra thành công, đưa Harvey trở thành người đồng tính đầu tiên đặt chân vào bộ ngành Mỹ. Jones còn giúp George Moscone trở thành thị trưởng của San Francisco vào năm 1975. Ông thậm chí còn có những buổi nói chuyện kín với phó tổng thống Walter Mondale và phu nhân tổng thống Mỹ Rosalynna Carter.

Nhưng điều mà nhiều người không biết chính là Jones tin mình chính là chúa Jesus đầu thai chuyển kiếp. Jones thường xuyên đề cập đến điều này trong các bài thuyết giảng của mình, thậm chí ông còn kêu gọi mọi người xem mình vừa là một người cha vừa là Chúa, và rằng ông đang cố gắng tạo nên Vườn Địa Đàng bởi vì tận thế có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Khu vườn đó không đâu xa, chỉ việc chạy quốc lộ 101 vài trăm mile, rẽ trái khi thấy quán ăn có biển hiệu hot dog.

Còn một điều nữa đáng kinh ngạc hơn: vào cuối những năm 1970, Jones đã bạo hành tình dục những tín đồ của mình.

Jim Jones. Tháng Một năm 1977

Ảnh chụp bởi Nancy Wong

Nhưng may mắn cho Jones rằng các thiên thần đã đến và thủ thỉ với ông rằng Vườn Địa Đàng mới thực ra không nên được xây ở phía Bắc California mà nên ở … Guyana. Tình cờ làm sao, nơi này lại không hề dùng chung các đạo luật của Mỹ.

Thế là Jones dẫn theo 1000 con chiên ngoan đạo đến sống tại Guyana.

Tại đây, ông không ngừng tiến hành các hoạt động truyền giáo nói về ngày tận thế, về sự cứu rỗi. Khu vực mà ông sinh sống, Jonestown, được biết đến như một cộng đồng bình đẳng, nơi mà mọi người đều được đối xử ngang hàng và chia sẻ mọi thứ với nhau. Không có nỗi sợ hay bạo lực. Đó là một thế giới không tưởng, khác xa hoàn toàn những tối tăm của nước Mỹ. Nhưng bạn biết rồi đấy, cái bề nổi hoàn hảo thường để che đậy những ẩn khuất bên trong…

Chính phủ Mỹ hoàn toàn không thích Jones lẫn cái thế giới không tưởng này chút nào. Thế là Leo Ryan, một nghị sĩ quốc hội, đã cử một phái đoàn chính trị gia và nhà báo đến Jonestown để điều tra.

Màn chào hỏi diễn ra trong không khí nồng ấm thân thiện. Các thành viên nhà thờ rất đáng mến và trông có vẻ hạnh phúc khỏe mạnh. Thế nhưng một thành viên của Jonestown đã lén đưa một mảnh giấy đến cổng thông tin NBC. “Hãy giúp chúng tôi ra khỏi đây”. Ngay sau đó, 14 thành viên khác đã lén làm cử chỉ bí mật để mời phái đoàn vào một phòng trống. Tại đây, họ thì thầm những lời cầu xin mong muốn thoát khỏi đây.

Ryan tập hợp đám người này lại và chuẩn bị phi cơ cho họ. Thế nhưng ngay trước khi máy bay cất cánh, một đội bảo an của Jones thình lình xuất hiện và bắt đầu nã súng. 4 người chết và 9 người bị thương, Ryan xấu số nằm trong số đó. Họ nã 21 phát vào Ryan, trong đó có 1 phát ngay mặt.

Trong khi đó, tại Jonestown, Jones thông báo với toàn thể mọi người rằng đã đến lúc để tiến hành một “cuộc tự sát cách mạng”. Các thành viên của Jonestown đã được huấn luyện và diễn tập cho điều này - một cái chết mang tính cộng đồng, một cuộc trốn chạy đến Vườn Địa Đàng của những người được Chúa lựa chọn. Tối hôm đó, tất cả các thành viên, bao gồm cả trẻ nhỏ, đã tự tử bằng cách uống xyanua. 909 người đã tự kết liễu đời mình.

Nhưng tại sao họ lại như vậy? Tại sao họ lại có thể mù quáng tin vào ngày tận thế và sự cứu rỗi đến như vậy?

SỰ NGUY HIỂM CỦA NIỀM TIN TUYỆT ĐỐI (SUPER BELIEF)

Tôi đã tự đưa ra một khái niệm mang tên “Niềm tin tuyệt đối”. Đó là những niềm tin lớn lao, trừu tượng, có khả năng bao trùm hết tất cả những niềm tin lẫn kinh nghiệm còn lại. Hệ quả là, niềm tin tuyệt đối không thể được chứng minh hay bác bỏ, bởi vì tất cả kinh nghiệm đều bị nó bao quát.

Dù có ý thức được hay không thì tất cả chúng ta đều đang có những niềm tin tuyệt đối của riêng mình. Và chúng ta tin rằng cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào nó.

“Mọi việc diễn ra đều có nguyên do của nó” là một niềm tin tuyệt đối. Nó có thể lý giải cho mọi hành động hay những điều quanh bạn. Thế nên, ta không thể bác bỏ được.

“Điều này chỉ đúng khi có bằng chứng ủng hộ nó” là một niềm tin tuyệt đối khác. Hoặc như “Người có số”, “Chúng ta đều có sự kết nối với nhau và với vũ trụ”.

Một ví dụ khác là “Chúng ta đều đang sống trong thế giới ảo và dần trở thành nô lệ của máy móc”. Tất cả các ý kiến phản bác lại điều này chỉ đơn giản là giúp niềm tin của chúng ta lớn mạnh hơn. Nếu tôi cố chỉ ra rằng không có một bằng chứng nào thể hiện được hình thức siêu thực tế của thế giới ảo thì ai đó sẽ nói rằng “Hiển nhiên rồi, bởi vì máy móc đã cố tình vận hành theo cách đó để bạn không nhận ra được mà”. Dù tin hay không, tất cả những điều trên đây đều là niềm tin tuyệt đối.

Niềm tin tuyệt đối còn định hình văn hóa của chúng ta. Một số người tin rằng gieo nhân nào gặp quả nấy, theo quy luật nhân quả, trong khi số khác tin rằng mỗi người đã có sẵn số mệnh như vậy từ khi mới sinh ra. Những người khác lại cho rằng con người phải chịu bao lầm than chỉ bởi vì Chúa đang trừng phạt họ vì tội không biết ăn năn hối cải và thiếu đức tin. Tất cả những niềm tin tuyệt đối này đều vô cùng phổ biến, và đưa đến những tác động lên sự trật tự xã hội.

 

Nhiều người tin rằng “nhân chi sơ, tính bổn thiện” - con người vốn dĩ khi mới sinh ra đã có những đức tính tốt thế nhưng chính xã hội đã gieo những mầm mống đen tối vào chúng ta. Ngược lại, có người lại tin rằng con người vốn dĩ đã có ích kỉ, bần tiện, chính nhờ những luật lệ và cấu trúc xã hội đã kìm hãm những đức tính xấu xa này.

Niềm tin tuyệt đối lý giải lý do tại sao 2 người lại có 2 góc nhìn hoàn toàn khác nhau khi chứng kiến cùng một sự việc. Cùng là hình ảnh người đàn ông vô gia cư nhưng có người lại nhìn nhận đó là nạn nhân của sự áp bức bất công trong xã hội, người khác lại cho rằng ông ta đáng bị như vậy vì đã không chịu cố gắng nỗ lực. Bởi vì niềm tin tuyệt đối có thể lý giải tất cả các trải nghiệm, thế nên, tất cả các trải nghiệm càng giúp gia cố niềm tin tuyệt đối hơn nữa.

Niềm tin tuyệt đối có thể là niềm tin vào những cái tốt đẹp trong cuộc sống (“Mọi việc diễn ra đều có nguyên do của nó”), niềm tin vào “Tất cả kiến thức đều cần được kiểm chứng” hoặc “Ý nghĩa của cuộc sống chính là giảm đi nỗi thống khố của muôn loài”, thậm chí là “Bất kì ai thiếu đức tin đều đáng chết”.


Dù có thể không nhận ra nhưng chúng ta luôn mang theo bên mình những xiềng xích niềm tin. Đó là nền tảng để con người xây dựng nên toàn bộ hiểu biết về vũ trụ cũng như tất cả những gì bên trong nó. Thế là, niềm tin tuyệt đối càng khó để nhận diện hơn, bởi vì chúng ta thấy nó quá hiển nhiên đến nỗi chả cần phải dành thời gian để chất vấn về nó.

Theo dòng chảy của cuộc sống, bạn sẽ dần để ý tới niềm tin tuyệt đối của bản thân và người xung quanh, dần đưa ra những thắc mắc về sự khác biệt giữa niềm tin. Đó là lúc niềm tin tuyệt đối đang lung lay.

Khi con người làm những hành vi đồi bại, đó không phải vì họ không có ý thức về điều này hoặc là suy nghĩ cảm xúc của họ có vấn đề. Họ làm bởi vì họ có niềm tin vững chắc vào điều đó. Họ tin rằng hành vi này là đúng và những người chống đối thì lại hoàn toàn sai. Họ muốn chứng minh niềm tin của mình với người khác, thế nên họ biến chúng thành hành động.

Những người như Hitler, Mao Trạch Đông, những kẻ đã tiến hành các cuộc tấn công trên biển Đông hay những kẻ đã giết người phụ nữ Pakistan chỉ để công bố rộng rãi hình ảnh mắc cá chân của cô, họ không hề điên. Họ làm điều đó bởi vì họ không hề thấy sự sai trái gì trong hành động này cả, họ được dẫn dắt bởi niềm tin tuyệt đối không thể bị suy suyển.

Jim Jones đến bên những người yếu thế trong cơn nguy khốn và thuyết phục họ bám vào niềm tin tuyệt đối rằng ông là Chúa và là đấng cứu thế duy nhất. Một khi đã bước chân vào đó, thật dễ làm sao để yêu cầu bỏ đi tất cả những gì mình đang sở hữu, rời bỏ gia đình, hoặc thậm chí đến sống tại nơi khỉ ho cò gáy mang tên Guyana.

NIỀM TIN THỰC SỰ DUY NHẤT

Chỉ có một niềm tin thực sự mà bạn nên theo, đó là: không có niềm tin tuyệt đối nào hoàn toàn đúng. Nói cách khác, điều chắc chắn duy nhất là không có gì chắc chắn cả.

Đây là một niềm tin tuyệt đối “an toàn” bởi vì nó hạn chế việc ép buộc người khác tin theo ý kiến của mình, cũng như khiến bản thân mở lòng để đón nhận những ý tưởng mới mẻ. Nó giúp bạn không ngại ngần những trải nghiệm mới và sẵn sàng đương đầu với bất cứ các khó khăn trong đời. Nghe thật lạ phải không, nhất là trong một xã hội mà người ta không ngừng khuyên bảo bạn phải có niềm tin vào chính mình. Nhưng cái lối suy nghĩ tầm thường đó thực ra chỉ đang muốn bạn cảm giác tự tin hơn vào chính mình mà thôi. Bạn đang lo lắng về hiệu quả công việc mình đang làm, thế là bạn tự đặt ra một số niềm tin kiểu như mình thực ra là một gã làm việc làng nhàng năng lực chỉ tới đó mà thôi. Hoặc khi bạn đang bắt đầu cảm thấy không thoải mái về các mối quan hệ, bạn sẽ tự nhủ rằng “mọi việc diễn ra đều có nguyên do của nó” để xua tan đi cảm giác bất ổn trong lòng.

Niềm tin tuyệt đối giúp xóa nhòa đi những lo lắng về sự bất ổn. Nhưng chính nó lại dẫn dắt con người đến những hành động nguy hại sau này.

Thế nhưng trong một nền văn hóa cổ súy việc “không ngừng cố gắng chứng minh bản thân” như hiện nay, nhiều người trong chúng ta đã quên mất một sự thật đơn giản mà quan trọng: lo lắng là điều cần thiết và hữu ích cho cuộc sống.

Cơn lo giúp ngăn chúng ta khỏi những hành động xuẩn ngốc. Chính sự lo lắng khi thấy một con gấu trong rừng đã khiến chúng ta tránh xa nó ra thay vì nhào tới vuốt ve ôm ấp như thú cưng. Chứ nếu không, có lẽ giờ đã chả còn mấy người sống trên trái đất.

Lo lắng được tạo ra nhằm cảnh báo chúng ta rằng mình có lẽ đang làm điều gì đó ngu ngốc. Sự hồ nghi tạo ra lo lắng bởi vì nó hối thúc chúng ta phải kiểm chứng lại hành động của mình, niềm tin của mình. Thế nhưng thay vì học cách làm bạn với những hồ nghi, văn hóa của chúng ta lại khuyến khích việc đề cao cái duy nhất của bản thân.

Những nghi ngại hoàn toàn không phương hại gì cả. Cũng như việc luyện cơ bằng cách tập tạ, chúng ta có thể rèn giũa những hồ nghi của bản thân.

Không có một lòng tin nào mà lại thiếu đi những hồ nghi. Nghi ngờ là điều kiện cần để giúp bạn kiểm chứng được lòng tin và khiến lòng tin trở nên vững chắc hơn. Sẽ không có những ý tưởng kiệt xuất nếu thiếu đi những nghi ngờ, bởi vì chính sự nghi ngờ, ý kiến phản bác và thất bại là những yếu tố để rèn giũa những ý tưởng bình thường trở nên vĩ đại.

Hãy biến hồ nghi thành một phần của cuộc sống. Hãy để bản thân lúc nào cũng trong tình trạng không chắc chắn. Bởi vì nó sẽ là động lực để khiến chúng ta phải kiểm tra, khám phá, học hỏi và tiến bộ. Nó sẽ dẫn đến sự trao đổi thông tin, chấp nhận và thấu hiểu.

Sự nghi ngờ sẽ khiến bạn thông minh hơn, khiến bạn trở nên kiên cường hơn. Và nếu được vận hành đúng cách, nó sẽ khiến bạn trở nên tò mò nhiều hơn. Ngày nay, sự nghi ngờ lại càng quan trọng hơn gấp bội bởi vì mạng xã hội đang không ngừng co hẹp cộng đồng của mình bằng cách chọn lọc những người có cùng quan điểm ý kiến. Nghi ngờ giúp phân loại kiểu người không ngừng lý giải, tổng hợp thông tin với kiểu người chỉ biết chạy theo trào lưu. Sự nghi ngờ sẽ giúp ta nhận biết được ai là người có khả năng nhận ra con đường đích thực của đời mình và ai là người bị cuốn trôi giữa vô vàn thông tin và cơ hội.

 

Dịch: Hạnh Nguyên

Nguồn: https://markmanson.net/doubt

menu
menu