Hàn gắn công lý từ góc nhìn khoa học thần kinh
Daniel Reisel đã nghiên cứu não bộ của những tội phạm được chẩn đoán tâm thần (và cả chuột nữa). Diễn giả này đặt ra một câu hỏi lớn: Thay vì tống giam những tội phạm này, có nên chăng áp dụng những gì chúng ta biết về não bộ để giúp họ phục thiện?
Daniel Reisel đã nghiên cứu não bộ của những tội phạm được chẩn đoán tâm thần (và cả chuột nữa). Diễn giả này đặt ra một câu hỏi lớn: Thay vì tống giam những tội phạm này, có nên chăng áp dụng những gì chúng ta biết về não bộ để giúp họ phục thiện? Nói cách khác: Nếu não phát triển những lối mòn thần kinh sau sang chấn... liệu ta có thể giúp nó tái phát triển đạo đức?
.
.
Hôm nay tôi chia sẻ về cách mà chúng ta có thể thay đổi bộ não cũng như xã hội của mình.
Hãy gặp Joe. Joe 32 tuổi, một kẻ giết người. Tôi gặp Joe 13 năm về trước nơi giam giữ tù nhân chung thân tại Wormwood Scrubs trại giam được bảo vệ nghiêm ngặt tại London. Tôi muốn các bạn hình dung ra nơi này. Khung cảnh, cảm giác ở nơi đó y như tên gọi của nó: Wormwood Scrubs (Những bụi ngải đắng) Được xây dựng vào cuối thời Victoria bởi chính những tù nhân, đây là nơi giam giữ những tù nhân nguy hiểm nhất nước Anh. Những tên thủ ác những tội lỗi không nói nên lời. Tôi tới đó để nghiên cứu não bộ của họ.
Tôi nằm trong đội nghiên cứu đến từ University College London, trong một chương trình được tài trợ bởi Bộ Y tế Anh. Nhiệm vụ của tôi à nghiên cứu các tù nhân bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Điều này có nghĩa là họ là những người nhẫn tâm và hung hãn nhất trong tất cả các tù nhân.
Nguyên nhân gốc rễ gây nên hành vi của họ là gì? Liệu có một căn nguyên về mặt thần kinh học đã gây nên tình trạng của họ? Và nếu có những lý do về mặt thần kinh, liệu chúng ta có thể chữa trị? Vậy nên tôi muốn nói về sự thay đổi đặc biệt là thay đổi về cảm xúc. Khi lớn lên, tôi luôn băn khoăn tại sao mà con người thay đổi.
Mẹ tôi, một bác sĩ tâm thần, thỉnh thoảng gặp bệnh nhân tại nhà vào buổi tối. Bà đóng cửa phòng khách lại, và khi đó, tôi tưởng tượng những điều thần kỳ đang diễn ra trong căn phòng đó. Khi đó, mới 6 tuổi, vẫn mặc bộ đồ ngủ, tôi rón rén bước tới ngồi ngoài cửa và áp tai nghe. Nhiều lần tôi đã ngồi ngủ gật ở đó và mọi người xách tôi ra khi buổi trị liệu kết thúc. Tôi đồ rằng đó là lí do khiến tôi bước vào căn phòng biệt giam đó ngay ngày đầu tiên đặt chân tới nhà tù Wormwood Scrubs.
Joe ngồi phía bên kia chiếc bàn thép chào tôi bằng một cái nhìn trống rỗng. Người gác tù trông cũng vô cảm y như thế, nói rằng: “Có vấn đề gì, cứ ấn nút đỏ, tụi tôi sẽ đến ngay." Tôi ngồi xuống. Cánh cửa sắt đóng sầm lại sau lưng tôi. Tôi nhìn cái nút đỏ ở mãi sau lưng Joe trên bức tường đối diện. Tôi nhìn Joe. Có lẽ nhận thấy mối lo lắng của tôi, anh ta ngả về phía trước và nói, bằng giọng rất chắc chắn, "Ây, không cần lo về cái nút báo động, đằng nào thì nó cũng đếch kêu đâu."
Suốt mấy tháng liền, chúng tôi kiểm tra Joe và những bạn tù khác, đặc biệt xem xét tới khả năng mà họ có thể phân loại những hình ảnh cảm xúc khác nhau. Và chúng tôi xem xét những phản ứng vật lý của họ trước những cảm xúc ấy. Ví dụ, đa số chúng ta khi nhìn vào bức ảnh kiểu này thấy ai đó đang buồn ngay lập tức ta có một chút phản ứng vật lý: nhịp tim nhanh lên, đổ mồ hôi. Nhưng những người được chẩn đoán tâm thần trong nghiên cứu này lại có thể mô tả chính xác các bức ảnh, mà không bộc lộ cảm xúc đi kèm. Họ cũng không bộc lộ những phản ứng vật lý. Giống như là họ biết lời nhưng không biết nhạc điệu của sự thấu cảm. Chúng tôi muốn xem xét vấn đề này một cách kĩ càng hơn bằng cách dùng MRI để nhìn vào não của họ. Nhưng đó không phải là chuyện dễ. Hãy hình dung phải thuyên chuyển một đoàn tù nhân bệnh lí tâm thần qua trung tâm London và ai cũng mang cùm mang xích vào đúng giờ cao điểm, và để đưa họ vào máy chụp MRI, bạn phải tháo tất cả những đồ kim loại ra, tháo cả xích cả cùm, và, rồi sau tôi mới biết, tháo cả các thứ khuyên trên người nữa. Tuy nhiên, một lúc sau, đã phần nào hé lộ câu trả lời.
Những con người này không chỉ là nạn nhân của một tuổi thơ khốn khổ. Còn có những lí do khác nữa. Những người như Joe bị thiểu năng trong một khu vực não bộ gọi là hạch hạnh nhân (amygdala). Đó là một phần của não có hình giống hạt hạnh nhân nằm sâu trong mỗi bán cầu não. Đó được coi là chìa khóa để có sự thấu cảm. Thường thì một người càng dễ thấu cảm, hạch hạnh nhân của họ càng lớn và hoạt động càng mạnh.Những tù nhân của chúng tôi có phần hạch hạnh nhân kém phát triển, khiến cho họ thiếu thấu cảm và có những hành vi phi đạo đức.
Giờ ta hãy lùi lại một chút. Thường thì, có được hành vi đạo đức đơn giản là một phần của việc trưởng thành giống như việc học nói vậy. Khi 6 tháng tuổi, hầu như tất cả chúng ta đều có thể phân biệt được vật hữu giác với vật vô tri. Khi 12 tháng tuổi, đa số trẻ em đều có thể bắt chước những hành động có chủ đích của người khác. Ví dụ, mẹ bạn giơ tay lên, duỗi tay ra thì bạn sẽ bắt chước như vậy. Đầu tiên, chưa thuần thục lắm. Tôi nhớ cô em họ Sasha, lúc đó mới 2 tuổi, đang xem một cuốn truyện tranh miệng mút một tay còn tay kia gõ vào trang sách, một tay đưa lên miệng mút còn một tay gõ lên trang sách. Dần dần chúng ta xây dựng nền tảng của bộ não xã hội để khi 3 hay 4 tuổi, đa số trẻ, nhưng không phải tất cả có được khả năng hiểu ý định của người khác đây là tiền đề cho thấu cảm.
Tiến trình phát triển này là phổ quát, bất luận bạn ở đâu trên thế giới này, hay đang sống ở nền văn hóa nào nên điều này cho ta thấy những nền tảng để có hành vi đạo đức là do bẩm sinh. Nếu bạn nghi ngờ điều này, hãy thử, như tôi đã làm, nuốt một lời hứa mà bạn vừa mới hứa với đứa trẻ 4 tuổi. Bạn sẽ nhận ra rằng trí não của trẻ 4 tuổi không hề ngây thơ tí nào. Nó hơi giống dao nhíp Thụy Sĩ nữa là khác, đối với những điều hướng tâm thần cố định đã được mài giũa sắc bén qua sự phát triển và có cảm thức sắc bén về sự công bằng. Những năm đầu đời vô cùng quan trọng. Dường như có một cánh cửa cơ hội nhưng việc làm chủ được câu hỏi về đạo đức lại trở nên khó khăn hơn, giống như việc người lớn học ngoại ngữ vậy. Điều ấy không phải là không thể.
Một nghiên cứu tuyệt vời gần đây của Đại học Standford đã cho thấy những người chơi game nhập vai vào vai người hùng tốt bụng giúp đỡ người khác thì thực tế trở nên tốt bụng tử tế hơn so với những người khác sau đó. Không phải tôi đang gợi ý rằng chúng ta nên trao cho tội phạm những siêu năng mà tôi muốn đề ra rằng ta cần tìm ra những cách để khiến Joe và những người như cậu ta thay đổi não bộ và hành vi của mình vì chính lợi ích của họ và vì tất cả chúng ta. Vậy não bộ có thể thay đổi được không?
Suốt hơn 100 năm, những nhà giải phẫu học thần kinh và sau này là những nhà thần kinh học giữ quan điểm rằng sau phát triển ban đầu thời thơ ấu, không có tế bào não mới phát triển nữa trong não bộ người lớn. Bộ não chỉ có thể thay đổi trong những giới hạn nhất định. Đó đã thành 1 tín điều.
Nhưng rồi, vào thập niên 90, những nghiên cứu bắt đầu hé lộ dưới sự điều hành của Elizabeth Gould ở đại học Princeton và những người khác, các nghiên cứu cho thấy bằng chứng của sự hình thành và phát triển tế bào thần kinh sự ra đời của những tế bào não mới trong não của động vật có vú trưởng thành, trước tiên là ở hành khứu giác (olfactory bulb), có chức năng cảm nhận mùi, sau đó là ở hồi hải mã (hippocampus) liên quan đến trí nhớ ngắn hạn, và cuối cùng là ở chính hạch hạnh nhân (amygdala).
Để hiểu được quá trình này diễn ra thể nào, tôi đã bỏ dự án về bệnh nhân tâm thần và tham gia lab ở Oxford chuyên nghiên cứu việc thụ học và phát triển.
Thay vì nghiên cứu trên bệnh nhân tâm thần, tôi làm việc với chuột vì cũng cùng một phản ứng não bộ trên các loài động vật xã hội khác nhau. Nếu nuôi 1 con chuột trong một cái lồng tiêu chuẩn về cơ bản là cái hộp đựng giày với ít bông, để riêng, tránh để bị tiếp xúc tác động không chỉ làm nó mất đi sức sống mà nó còn phát triển những hành vi kỳ quặc lặp lại. Con vật xã hội tự nhiên này sẽ mất khả năng gắn kết với con chuột khác thậm chí còn trở nên hung hăng khi gặp những con chuột khác.
Tuy nhiên, chuột được nuôi trong môi trường mà chúng tôi cho là cải thiện hơn cư trú cùng những con chuột khác có bánh xe, có thang và những khu vực để khám phá đã có sự hình thành và phát triển tế bào sinh ra tế bào mới, và như chúng tôi đã trình bày, chúng thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ liên quan đến học và ghi nhớ. Chúng chưa phát triển đạo đức đến mức xách giùm túi đồ cho con chuột già khác khi băng qua đường, nhưng việc môi trường được cải thiện khiến cho hành vi xã hội lành mạnh hơn. Chuột được nuôi riêng trong lồng chuẩn, ngược lại, hoàn toàn không thế, giống như ở trong tù mức tế bào thần kinh mới ở trong não thấp vô cùng.
Giờ thì đã rõ là hạch hạnh nhân của động vật có vú gồm cả động vật bậc cao như chúng ta có biểu hiện hình thành phát triển tế bào thần kinh mới. Trong một số khu vực não bộ, hơn 20% tế bào được tạo mới. Chúng ta mới chỉ bước đầu hiểu về chức năng chính xác của những tế bào này nhưng vấn đề là não bộ có thể thay đổi phi thường ngay cả khi con người đã trưởng thành. Tuy nhiên não của chúng ta cũng vô cùng nhanh nhạy cảm nhận được những căng thẳng trong môi trường. Những hormone stress, glucocorticoids, do não giải phóng, triệt tiêu sự phát triển của những tế bào mới này. Càng stress, não càng không phát triển dẫn đến càng ít khả năng thích nghi và gây ra stress ở mức cao hơn. Đây là sự tương tác qua lại giữa phát triển tự nhiên và nuôi dưỡng con người đang tồn tại ngay trước mắt chúng ta.
Khi nghĩ về điều này, ta thấy khá mỉa mai rằng giải pháp hiện tại với những người có hạch hạnh nhân bị stress là đặt họ vào một môi trường thực sự triệt tiêu tất cả cơ hội phát triển chúng. Đương nhiên, việc bỏ tù là cần thiết trong hệ thống xét xử tội phạm và để bảo vệ xã hội. Nghiên cứu của chúng tôi không đề xuất rằng những tội phạm cần nộp bản MRI não như một bằng chứng trước tòa rồi thoát tội vì họ bị thiểu năng hạch hạnh nhân. Bằng chứng thực ra nói lên điều ngược lại.
Bởi vì não bộ có thể thay đổi, chúng ta cần chịu trách nhiệm về hành động của mình và họ cũng cần chịu trách nhiệm về sự phục thiện của mình. Một cách để giúp họ phục thiện là qua những chương trình hàn gắn công lý. Nếu những nạn nhân chấp nhận tham gia, cùng hung thủ, trong một cuộc gặp mặt đối mặt tại một môi trường được tổ chức an toàn và thủ phạm được khuyến khích nhận trách nhiệm cho hành động của mình, và nạn nhân đóng một vai trò chủ động trong quá trình này. Trong bối cảnh như thế, thủ phạm có thể thấy có lẽ lần đầu tiên trong đời, nạn nhân là một con người thật, với suy nghĩ, cảm giác và những phản hồi cảm xúc chân thành. Điều này sẽ kích thích hạch hạnh nhân và có thể giúp ích cho việc phục thiện hơn là tống giam. Những chương trình như vậy không hiệu quả với tất cả nhưng với nhiều người, có thể lại có ích để làm tan chảy cả đại dương bị đóng băng ở bên trong họ.
Vậy giờ ta có thể làm gì? Làm sao để ứng dụng kiến thức này?
Tôi muốn chia sẻ lại cho các bạn ba bài học mà tôi nhận được. Một là tôi nhận ra rằng chúng ta cần thay đổi cách nghĩ – thức trạng của mình. Từ khi nhà tù Wormwood Scrubs được xây dựng 130 năm về trước, xã hội đã thay đổi dường như mọi mặt, cách thức trong nhà trường, bệnh viện. Nhưng khi nói đến nhà tù, vẫn như thể chúng ta quay về thời của (nhà văn) Dickens thậm chí là thời Trung cổ. Một thời gian dài, tôi nghĩ rằng, chúng ta đã cho phép mình bị thuyết phục tin một khái niệm sai lầm là bản tính con người không bao giờ thay đổi xét về mặt xã hội, nó đã khiến ta trả giá đắt.
Chúng ta biết rằng não bộ có thể có những thay đổi phi thường và cách tốt nhất để đạt được điều này ngay cả với người lớn là thay đổi, điều hướng môi trường của chúng ta. Điều thứ hai mà tôi học được đó là chúng ta cần phải có đồng minh những người cũng tin rằng khoa học là thiết yếu trong việc mang lại thay đổi xã hội. Một nhà khoa học thần kinh không khó khăn gì lắm khi đưa một tù nhân nguy hiểm vào chụp MRI. Thực ra thì khó vô cùng, nhưng trên hết, điều mà chúng tôi muốn nói là liệu chúng ta có thể giảm thiểu tỉ lệ tái phạm tội hay không.
Để trả lời câu hỏi phức tạp như vậy, chúng ta cần những người thuộc các lĩnh vực khác nữa những nhà khoa học trong phòng thí nghiệm và các bác sĩ, người làm công tác xã hội, người lập chính sách, nhà từ thiện, nhà hoạt động nhân quyền — cùng chung sức với nhau. Cuối cùng, tôi tin rằng chúng ta cần thay đổi chính hạch hạnh nhân của mình bởi nó ảnh hưởng đến tâm hồn của chính chúng ta chứ không chỉ dừng lại ở con người của Joe mà còn con người của chính chúng ta đây. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về Joe rằng cậu ta không bao giờ có thể hoàn lương bởi nếu ta coi Joe là kẻ vô phương cứu chữa làm sao cậu ta có thể nhìn nhận mình theo một cách khác đi được?
10 năm nữa, Joe sẽ được thả khỏi nhà tù Wormwood Scrubs. Liệu cậu ta có giống như 70% tù nhân, những người cuối cùng cũng tái phạm và trở lại nhà tù? Phải chăng sẽ tốt hơn nếu khi thi hành án, Joe có thể rèn tập cho hạch hạnh nhân của mình kích thích sự phát triển những tế bào não mới và những nối kết mới để rồi có thể đối mặt với thế giới khi được thả ra?
Chắc chắn đó là điều mà tất cả chúng ta đều mong đợi.
Xem video bài diễn thuyết (có phụ đề tiếng Việt) ở đây