Hiệu ứng đoàn tàu (The bandwagon effect)

hieu-ung-doan-tau-the-bandwagon-effect

Hiệu ứng đoàn tàu là khuynh hướng ta tiếp nhận một dạng hành vi, phong cách hay thái độ nào đó đơn giản chỉ bởi vì mọi người khác đều đang làm như vậy.

Hiệu ứng đoàn tàu là khuynh hướng ta tiếp nhận một dạng hành vi, phong cách hay thái độ nào đó đơn giản chỉ bởi vì mọi người khác đều đang làm như vậy. Càng nhiều người đi theo “đoàn tàu” này thì càng nhiều những người khác cũng nhảy lên theo làm thành từng toa trong đoàn tàu này.

Hiệu ứng đoàn tàu là một phần nội dung trong  thiên kiến hay còn gọi là sai lệch nhận thức trong quá trình tư duy gây ảnh hưởng lên những nhận định và quyết định của chủ thể. Thiên kiến nhận thức thường giúp con người tư duy nhanh hơn, nhưng lại thường gây ra những lỗi lầm và sai lệch.

Ví dụ

– Thời trang: Nhiều người bắt đầu mặc một kiểu trang phục nào đó khi họ thấy người khác cũng đang ăn mặc tương tự.

– Âm nhạc: Khi càng có nhiều người nghe một bài hát hay nhóm nhạc nào đó, có thể nhiều người khác rồi cũng sẽ nghe theo.

– Mạng xã hội: Khi ngày càng có nhiều người bắt đầu dùng mạng xã hội trực tuyến thì những người khác cũng bắt đầu sử dụng những trang đó. Hiệu ứng đoàn tàu có thể tác động lên các bài đăng được chia sẻ cũng như cách mọi người tương tác trực tuyến.

– Chế độ ăn: Khi mọi người đổ xô ăn theo một chế độ ăn đang ‘hot’ nào đó thì những người khác có thể sẽ cũng thử theo chế độ ăn này.

– Bầu cử: Người ta có xu hướng bầu cho ứng cử viên mà họ nghĩ đang trên đà thắng.

Những yếu tố tác động

Vậy, chính xác là vì sao lại xuất hiện hiệu ứng đoàn tàu này? Mỗi người ai cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi áp lực và quy chuẩn do nhóm đề ra. Khi mà đại số mọi người trong nhóm đều đang làm một thứ gì đó, rất khó để bạn không làm theo họ. Áp lực này có thể ảnh hưởng lên nhiều khía cạnh của hành vi, từ quần áo mọi người mặc đến ứng cử viên họ chọn trong một cuộc chạy đua tranh cử.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng lên hiệu ứng đoàn tàu bao gồm: 

Tư duy nhóm 

Hiệu ứng đoàn tàu về cơ bản là một dạng tư duy nhóm. Khi càng nhiều người tiếp nhận một trào lưu hay xu hướng thì khả năng cao là những người khác cũng sẽ “đu lên” theo làm thành những “toa tàu” nối đuôi nhau. Khi mà tất cả mọi người đều làm một cái gì đó, áp lực phải làm theo để thích ứng là vô cũng mạnh mẽ, và có lẽ đây cũng là lý do tại sao hành vi “đu theo” kiểu như “toa tàu” này có thể hình thành hết sức dễ dàng.

Mong muốn mình đúng

Mọi người ai cũng muốn mình đúng. Ai cũng muốn mình thuộc về phe chiến thắng. Một phần lý do mọi người làm theo là họ nhìn vào những người khác trong nhóm để thu thập thông tin xem điều gì là đúng hoặc được chấp nhận. Nếu mà tập thể đều làm một thứ thì từng cá nhân sẽ có ấn tượng rằng làm như vậy là đúng.

Nhu cầu thuộc về nhóm 

Nỗi sợ bị cô lập cũng đóng một vai trò tác động lên hiệu ứng đoàn tàu. Nói chung, mọi người không muốn bị lẻ loi ra bên ngoài, vậy nên làm theo những gì cả nhóm đang làm là một cách để đảm bảo mình có nơi thuộc về và được người khác chấp nhận. Nhu cầu thuộc về nhóm tạo ra áp lực cho mỗi người, khiến họ tiếp nhận những quy chuẩn và thái độ của số đông, mục tiêu là để được mọi người chấp nhận và tán thành.

Mặc dù hiệu ứng đoàn tàu tác động khá mạnh mẽ và làm hình thành các xu hướng mới nhưng những kiểu hành vi này cũng rất mong manh yếu ớt. Người ta sẽ dễ dàng nhảy từ ‘toa’ này sang ‘toa’ khác, thậm chí nhảy xuống khỏi “tàu” cũng chỉ trong phút chốc. Đây có thể là lý do vì sao những xu hướng chỉ tồn tại thoáng qua mà thôi.

Những tác động tiêu cực và nguy hiểm 

Tác động của xu hướng đoàn tàu thường khá vô hại, như trong thời trang, âm nhạc, hay mốt phổ thông đại chúng. Nhưng đôi khi các xu hướng này cũng đưa đến nhiều mối nguy hiểm. Khi các ý tưởng nhất định xuất hiện, ví dụ như một kiểu thái độ nào đó về sức khỏe, hiệu ứng này có thể đưa đến hậu quả nghiêm trọng và mang tính phá hoại.

Một số ví dụ tiêu cực, thậm chí nguy hiểm về hiệu ứng đoàn tàu:  

Ví dụ, những người bị ảnh hưởng bởi cuộc vận động chống tiêm vắc-xin khả năng cao là sẽ không cho con em mình đi tiêm chủng trong suốt thời thơ ấu. Sự né tránh tiêm vắc-xin trên diện rộng thực sự có liên đới với dịch sởi bùng phát gần đây.

Những nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi mọi người biết một ứng cử viên nào đó đang dẫn đầu cuộc bầu chọn thì họ sẽ có khả năng thay đổi phiếu bầu của mình nghiêng về bên đang thắng thế hơn. Trong một nghiên cứu tiến hành trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 1922, nhiều sinh viên khi biết được Bill Clinton đang dẫn đầu cuộc đua đã đổi lá phiếu của mình từ Bush sang cho Clinton.

Kết luận  

Mặc dù hiệu ứng đoàn tàu có thể đưa đến hậu quả nguy hiểm nhưng nó cũng giúp mọi người tiếp nhận những hành vi lành mạnh. Nếu mà đa số mọi người trong nhóm từ chối những hành vi kém lành mạnh (như hút thuốc) và lựa chọn những hình thức lành mạnh (như tập thể dục thể thao) thì mọi người có thể cũng sẽ từ chối những hành vi  nguy cơ và gắn kết vào những hành vi lành mạnh hơn.

Tham khảo.  

Kiss, A & Simonovits, G. Identifying the bandwagon effect in two-round elections. Public Choice. 2014;160(3-4):327-344. 

Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-is-the-bandwagon-effect-2795895

Như Trang

https://trangtamly.blog 

menu
menu