'Hormone hạnh phúc' tuổi 30
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình khủng hoảng, thấy chán nản ở tuổi 30 khi cuộc sống vật chất đầy đủ, tình cảm viên mãn.
Dopamine là một hóa chất hữu cơ được tạo ra từ chất tyrosine, có chức năng vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh và đóng vai trò quan trọng trong não và cơ thể. Nhiều người gọi dopamine là "hormone hạnh phúc" bởi chúng có nhiều tác dụng tốt đối với tinh thần và thể chất của con người. Khi hormone hạnh phúc dopamine trong cơ thể được giải phóng với số lượng lớn, bạn sẽ có cảm giác thích thú, hưng phấn, tràn đầy cảm hứng. Ngược lại, mức độ dopamine thấp sẽ làm giảm động lực, giảm sự nhiệt tình, giảm khả năng tập trung và hạn chế điều chỉnh các chuyển động của cơ thể.
Công dụng của Dopamine? Các đường truyền dopamine sẽ truyền tín hiệu đến phần vỏ não trước trán, là khu vực quan trọng ảnh hưởng đến khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phức tạp, trí nhớ, trí thông minh và ngôn ngữ. Các đường truyền tín hiệu Dopamine còn kết nối với hạch hạnh nhân có vai trò quan trọng trong quá trình xử lý cảm xúc và kiểm soát trí nhớ của não bộ. Neuron dopamine còn đóng vai trò chủ đạo trong việc kiểm soát động lực và cảm giác "tưởng thưởng", khích lệ cho chủ thể. Dopamine giúp mang lại niềm vui và cảm giác hưng phấn tức thời, khiến con người muốn có được nó nhiều hơn.
Có thể nói dopamine là chất hormone quan trọng với cuộc sống của con người. Nó kích thích, tạo cảm giác hưng phấn trong việc hoàn thành công việc, mục tiêu sống, tạo cảm giác thỏa mãn, tạo sức mạnh để chúng ta phấn đấu đạt tới mục tiêu của mình. Một trong những nguyên nhân gây giảm dopamine chính là tuổi tác. Do đó các bạn thường thấy những người già, lớn tuổi thường không máu lửa, không nhiệt huyết bằng người trẻ tuổi.
Dopamine với tuổi thơ
Khi còn nhỏ chúng ta theo đuổi cảm giác hạnh phúc với dopamine thông qua việc thắng các trò chơi thiếu nhi, hay trở thành người mà đám bạn ngưỡng mộ. Có ai còn nhớ việc gì đã khiến một đứa trẻ "trèo tường nhà hàng xóm để ăn trộm mấy quả xoài non, mấy quả nhãn non..." và vị của chúng thật tệ, không thể ngon bằng việc trái cây nhà mình, hay mẹ mua. Nhưng tại sao chúng ta vẫn ăn chúng một cách rất ngon lành và vô cùng hạnh phúc? Chính là nhờ cảm giác hưng phấn cực độ khi chúng ta làm một việc gì đó có tính chất kích thích, cấm đoán.
Rồi còn ai nhớ tuổi thơ với những ngày "chọc chó" nhà hàng xóm, để rồi mỗi lần bị rượt là co rò chạy trối chết? Cũng vì mưu cầu dopamine mà ra cả. Trong cái nghèo khó của tuổi thơ có ai còn nhớ cảm giác của việc để dành tiền và tự mua đồ chơi, sách học cho mình? Trong những ngày đói kém ấy, việc để dành tiền quả là một sự phấn đấu rất gian khổ, để rồi vỡ òa khi chúng ta có được điều mình mong muốn. Rồi trên giảng đường, ai còn nhớ tới việc mình giải một bài toán rất khó khi cả lớp không làm được để rồi vỡ òa trong sự hãnh diện của lũ bạn trong lớp và sự tán thưởng của thầy cô. Rồi cảm giác trốn trong các phòng game, quán net để chơi game và vỡ òa trong sự sung sướng...
Dopamine lúc đang yêu
Cảm giác được bên người yêu, cảm giác chinh phục được cô gái mà bạn theo đuổi bấy lâu, cảm giác trèo tường nhà người yêu... đều xuất phát từ nhu cầu giới tính liên quan đến phenol - được cấu tạo chủ yếu bởi tyrosine, mà tyrosine tạo ra dopamine hạnh phúc.
Dopamine lúc đi làm sau khi ra trường
Lúc mới ra trường đa số chúng ta còn khó khăn, chìm trong nợ nần nhiều năm trời. Chúng ta đi làm và từng ngày đạt được những đồng tiền rất ý nghĩa. Những ngày tháng chắt chiu, tiết kiệm dè xẻn để có được những món đồ chơi, những khoản đầu tư, có tiền mua xe, mua nhà, cưới vợ... Mỗi khi đạt được các mục tiêu ấy, dopamine luôn được tiết ra với mức độ cao để tưởng thưởng cảm giác "vĩ đại" trong con người của chúng ta.
Dopamine với người giàu
"Bần cùng sinh đạo tặc" nhưng trong các nghiên cứu và thống kê, tỉ lệ trộm cắp vặt trong các khách sạn 5 sao lại cao hơn nhiều so với các khách sạn 4 sao, 3 sao. Tại sao lại vậy? Rõ ràng người giàu lại có tỉ lệ trộm vặt lại cao hơn người nghèo sao? Nhưng mục tiêu của người giàu là những thứ ít giá trị như nắm tay cầm mở cửa, cục sạc điện thoại, khăn tắm, bàn chải đánh răng... Và hầu như họ không cần dùng tới. Nhưng tại sao họ vẫn trộm vặt? Chính là vì nhu cầu dopamine. Người giàu phần lớn không có được sự phấn đấu vất vả để tưởng thưởng cảm giác hạnh phúc nên họ tìm tới các hành động cấm đoán, mạo hiểm để tạo ra cảm giác qua mặt hạnh phúc nhờ làm những việc tưởng chừng không ai dám.
Không những thế, các quý ông thành đạt thường có xu hướng "ngoại tình" để tìm ra động lực phấn đấu mới. Để cảm giác "con gà tức nhau tiếng gáy lên tiếng" và chúng ta đốt tiền vào nhà sang, xe siêu sang, bia siêu đắt, đồ hiệu... để có cảm giác được thỏa mãn. Với các quý bà cũng tương tự, họ rất thích mua sắm và mua toàn đồ hiệu cũng vì muốn tự thỏa mãn dopamine khi họ có thể săn được những thứ hàng hiệu với giá rẻ dù họ mua không hề dùng tới, hoặc chỉ dùng tới có một, hai lần nhưng họ vẫn cứ mua và tủ đồ hiệu của họ càng ngày càng phình to.
Những đứa trẻ nhà giàu không có cảm giác được để dành, được phấn đấu để đạt được thứ mình có nên cảm giác buồn chán, không hài lòng với cuộc sống, chúng tìm tới niềm vui bằng các game, smartphone hay tự mè nheo bằng được món đồ đắt tiền mới có cảm giác hạnh phúc với dopamine. Do đó, đừng bao giờ làm con bạn có cảm giác quá đầy đủ và không cần phấn đấu, hãy tạo chút khó khăn cho chúng.
Có những người thành đạt vô cùng to lớn, có sự nghiệp lớn rồi bỗng chốc trở nên trống rỗng. Họ quyết định từ bỏ tất cả để đi tu, để sống nghèo hèn đạm bạc, để hằng ngày ra suối câu cá, hằng ngày đi chặt từng bó củi... vì điều gì chứ? Tại sao họ lại có cảm giác hạnh phúc với những thứ đó trong khi cuộc sống giàu sang lại không hạnh phúc? Vì con cá, thanh củi... là họ phải "nỗ lực" mới có, còn giàu sang như trước họ không cần phấn đầu mà có công nhân, nhân viên tự làm giàu cho họ. Rồi cũng có người sau khi đi tu lại thấy khổ, thấy đói... nhu cầu được sống khác, được thay đổi hiện hữu trở lại, họ lại có những tham vọng mới, những mục tiêu, hướng đi khác cho sự nghiệp, để rồi quay lại với những tham vọng mới lớn hơn, ở những thị trường lớn hơn.
Dopamine trong kinh doanh
Các thương hiệu thời trang, mặt hàng xa xỉ, hàng hóa của họ siêu đắt, và thứ họ bán không chỉ là quần áo, không chỉ là xe... mà là dopamine. Khi người giàu khó khăn để đạt được, những thứ đó sẽ làm cho họ hứng thú hơn khi muốn mua sắm. Có những hãng thời trang treo giá bán trên trời để không ai có thể mua được trên một con đường qua lại của nhiều người siêu giàu. Rồi những người đó cứ đi qua đó và thèm muốn, khao khát nhờ dopamine chiếm hữu được tiết ra. Đến lúc thích hợp, cửa hàng hạ giá xuống mức chấp nhận được hoặc là giảm giá, khuyến mãi... chỉ một chút thay đổi nhỏ đã khiến các "con nghiện dopamine" bừng tỉnh họ đổ nhào đến của hàng xếp hàng dài để mua cho bằng được.
Dopamine trong thể thao và rèn luyện thể lực
Mỗi sáng, mục tiêu của bạn là gì? Ví dụ, mỗi ngày, bạn có ý định sẽ đẩy tạ tay hơn ngày hôm trước 30 lần. Trong 15 ngày đầu tiên, bạn sẽ thấy vô cùng chán nản với những công việc lặp lại một cách nhàm chán. Nhưng rồi, bạn chứng kiến cơ thể thay đổi trở nên đẹp hơn, hấp dẫn bạn gái hơn... Sau đó, bạn có cảm giác bị nghiện thể dục, thể thao. Ngày nào mà bạn không tập được sẽ cảm giác vô cùng "bứt rứt, khó chịu".
Dopamine tuổi 30
Đa số các bạn khi đến tuổi 30 đã có thể gọi là có chút giàu có, gia đình êm ấm, sự nghiệp phát triển ổn định. Lúc này, mọi thứ các bạn phấn đấu đã đạt được, những gì các bạn có thêm chủ yếu phát sinh từ việc thuê ngoài (tiền đẻ ra tiền) nên không còn cảm giác tưởng thưởng hạnh phúc từ dopamine nữa. Cảm giác trống rỗng bắt đầu kéo tới khi không còn mục tiêu phấn đấu. Công việc lúc này cũng trở nên nhàm chán... Để vượt qua nó, bạn cần phải đặt ra các mục tiêu khác cao hơn để phấn đấu.
Cuối cùng, con người luôn làm việc vì hai động lực duy nhất là "được tỏ ra quan trọng" và "động lực giới tính" đều dựa trên nhu cầu về dopamine này mà ra. Khi bạn khủng hoảng hay cảm giác trống rỗng hãy nhớ tới việc bạn bị thiếu "hormone dopamine" này. Dù ở tuổi nào, bạn cũng có để định hướng lại công việc, mục tiêu hoặc tự tìm các cách bổ sung nguồn sản xuất dopamine bằng thực phẩm lành mạnh và thói quen sinh hoạt tốt.
Tác giả: Thánh Tuệ - Vnexpress