Khi tâm trí trở nên hoảng loạn

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng rơi vào trạng thái mà ta có thể gọi là “hoảng loạn”
Nhiều người trong chúng ta có xu hướng rơi vào trạng thái mà ta có thể gọi là “hoảng loạn” — khi ta lao đi một cách ám ảnh và điên cuồng, như thể đang trốn chạy khỏi một điều gì đó bên trong mình. Một điều âm thầm kêu gọi ta lắng nghe, nhưng lại quá nhức nhối, quá choáng ngợp để ta có thể đối diện.
Có vô vàn cách để ta “chạy trốn”. Ta có thể tự nhấn chìm mình trong công việc, không để lại một khoảng trống nào trong ngày để dừng lại và lắng nghe lòng mình, dựng lên một cuộc sống mà những đòi hỏi từ bên ngoài không bao giờ ngơi nghỉ. Xã hội hiện đại vô cùng đồng lõa với lối sống ấy, khi luôn đề cao sự bận rộn và xem sự tĩnh lặng, chiêm nghiệm nội tâm là một điều xa xỉ. Dường như, thế giới này dành sự ngưỡng mộ đặc biệt cho những ai không bao giờ dành thời gian ở một mình.
Egon Schiele, Self-Portrait with Outstretched Arms, 1911
Ta cũng có thể dùng chính nỗi sợ và sự lo âu để quên đi bản thân. Ta có thể trở thành bậc thầy trong việc sắp đặt hết nỗi hoảng loạn này đến nỗi hoảng loạn khác, như một cách để ngăn cản những khoảnh khắc nhận thức sâu sắc. Thứ Hai, ta đánh mất chính mình trong nỗi bất an về một email. Thứ Ba, ta lo sợ về phản ứng của một người bạn. Thứ Tư, ta hoang mang về những lời mình đã nói với đồng nghiệp. Cứ thế, mỗi ngày lại là một cơn sóng cuốn ta đi. Ta tự nhủ rằng mình không còn cách nào khác ngoài lo lắng, nhưng thực ra, ta đang biến cuộc đời mình thành một chuyến vượt thác dữ dội, liên tục đối đầu với những kẻ thù tưởng tượng – chỉ để tránh phải đối diện với những cảm xúc lạc lõng, tiếc nuối, và mất mát trong lòng.
Hoặc, trạng thái hoảng loạn ấy có thể đẩy ta đến những hành vi nghiện ngập: rượu bia, thuốc men là những thứ dễ thấy nhất, nhưng nó cũng có thể là những vòng lặp vô tận của việc xem phim khiêu dâm, lao vào tập luyện kiệt sức, hay liên tục kiểm tra điện thoại không ngừng nghỉ.
Điểm chung của tất cả những điều này là một nỗi sợ mãnh liệt: sợ phải thừa nhận và đối diện với tâm trí mình, với những cảm giác mất mát, buồn bã, và cô độc. Bên dưới lớp vỏ bận rộn, lo âu hay dục vọng, ta thường chỉ là một kẻ hoang mang, lạc lối và chưa thể làm hòa với nỗi đau của chính mình. Ta từ chối công việc của sự tiếc thương. Ta không dám cảm nhận những nỗi niềm vốn thuộc về ta. Thay vì thế, ta bám víu lấy một mép vực hẹp trong tâm trí, quyết không bước xuống vùng đất rộng lớn hơn, tĩnh lặng hơn, và u buồn hơn của tâm hồn mình.
Nhưng nhiệm vụ của ta không phải là chạy trốn, mà là học cách bớt sợ hãi trước những tổn thương của chính mình. Thế giới ngoài kia không quá đáng sợ, ta chỉ đang dùng nỗi sợ để che đi sự cô đơn. Cuộc đời này không hẳn lúc nào cũng quá bận rộn, ta chỉ đang lấy sự bận rộn làm lá chắn để khỏi phải đối diện với mất mát và hoang mang trong lòng.
Ta cần làm hòa với những nguyên nhân sâu xa của nỗi đau, nếu không, ta sẽ mãi sống trong những cơn hoảng loạn do chính sự chối bỏ tạo ra. Ta cần học cách nằm yên, lặng lẽ bên trong chính mình, và dám lắng nghe – một cách trọn vẹn và chân thành – những điều buồn bã mà ta đã mơ hồ nhận ra từ rất lâu nhưng chưa bao giờ đủ can đảm đối diện.
Nguồn: ON FEELING MANIC | The School Of Life